Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Người Tình Muôn Thuở

     Năm tôi học lớp đệ nhị, một hôm thầy giáo giảng văn Nguyễn Ðăng Dị nổi hứng cho đề luận: "Hãy diễn tả người bạn trăm năm trong tương lai của trò và phân tích vì sao trò chọn người hôn phối có những đặc tính đó" . Học sinh đọc đề rồi nhìn nhau ngơ ngác . Câu hỏi thật bất ngờ, thật táo bạo đối với một trường trung học vốn rất bảo thủ như ngôi trường công giáo của tôi do linh mục Vũ Ngọc Tấn làm hiệu trưởng . Ðề tài ấy chưa bao giờ được đưa ra bàn cãi trong hay ngoài lớp, vì dưới mắt các thầy cô và phụ huynh, chúng tôi chỉ là lũ con nít, không nên để tâm đến chuyện lứa đôi vì sẽ làm xao nhãng việc học. Việc chọn người bạn đời là việc của người lớn, trẻ con thì biết cái gì ? Bằng cái mắt muỗi mà đã tấp tểnh trai gái! là câu mắng quen thuộc cha mẹ hay dành cho con cái nếu thấy chúng bắt đầu bước vào tuổi lãng mạn. Ngay cả giữa bạn bè con trai với nhau, chúng tôi cũng không bao giờ bàn luận về vấn đề mẫu người lý tưởng vì cảm thấy thiếu tự nhiên .


      Nhưng với riêng tôi, bài luận ấy mở ra một cánh cửa đầy thú vị. Tôi không hề bị đề tài cấp tiến đó làm mình ngại ngùng phơi bầy ý tưởng; mà trái lại còn thấy đó là một cơ hội tốt để viết ra những gì mình đã nhiều lần nghĩ đến nhưng không dám nói ra . Vợ mình sẽ ra sao ư ? Dễ lắm . Nàng sẽ phải là người nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường, giọng nói dịu dàng với một tâm hồn đôn hậu nhưng mơ mộng, tài sắc vẹn toàn, công dung ngôn hạnh v .v . . . Tôi hùng hục gom lại tất cả những mỹ từ để nói về các nhân vật nữ trong những tiểu thuyết mà tôi đã đọc được, từ Loan của Nhất Linh, Mai của Khái Hưng đến Vương Ngọc Yến và Doanh Doanh của Kim Dung rồi đúc kết thành một người mẫu tả trong bài bình giảng rồi nộp lên, những tưởng như thế là đúng ý nhà mô phạm, chắc chắn thế nào cũng kiếm điểm cao . Nhưng thày tôi, nhà văn Nguyễn Ðăng Dị quả thật là . . . dị . Sau khi xem xong bài luận của tôi ông phê: "Tư tưởng quá tầm thường và ước lệ, thiếu phong phú, thiếu óc sáng tạo!" và cho tôi mười một điểm trên hai mươi . Hôm nhận lại bài nhìn số điểm tôi bàng hoàng tự hỏi đáng lẽ ra phải viết thế nào thì mới là có óc sáng tạo ? Khi phê bình bài của tôi trong lớp thầy Dị giải thích điều này như sau:

- Viết như anh Trường thì trẻ con lớp nhất nó cũng viết được . Anh dùng toàn sáo ngữ, lập lại những lời đã đọc được trong các sách tiểu thuyết . Ðó là lối văn từ chương ngày xưa . Văn mới bây giờ nhân vật không cần phải hoàn toàn mà cần phải có bản sắc, tiếng tây gọi là ca-rắc-te . Không có ca-rắc-te thì nhân vật chỉ là một bức tranh đẹp nhưng vô hồn, gây nhàm chán cho người đọc.
Ngừng một chút thầy tiếp:

- Tranh cổ xưa của người họa sĩ từ thời phục hưng trở về trước chỉ lấy những đề tài cao sang hoặc mỹ lệ . Nhưng sau khi trường phái ấn tượng ra đời rồi đến các khuynh hướng sau này sản xuất ra biết bao nhiêu họa phẩm tuyệt tác, các đề tài chỉ là những vật tầm thường đầy những khuyết điểm, nhưng chỉ cần có bản sắc.

     Tôi nghiền ngẫm lời thầy, và cảm thấy thật chí lý. Những lời khuôn vàng thước ngọc ấy từ từ thấm vào vô thức tôi trong nhiều năm sau với một mãnh lực âm thầm thế nào mà đến lúc hai mươi ba tuổi tôi đã gặp Ly - người vợ yêu của tôi sau này - người hội đủ những tính chất mà thầy Dị cho là cần thiết để làm nhân vật chính cho một bài luận văn có giá trị và không ước lệ . Quả thật, nếu thầy Dị còn ở lại Việt Nam sau bảy lăm ắt sẽ hãnh diện vì thằng học trò ruột của mình đã thực hiện đúng lời thầy dạy . Chỉ hơi khác một điều là thay vì lời thày dạy chỉ để áp dụng trong văn chương, tôi lại đem vào để áp dụng cho chính cuộc đời của mình. Thế mới là chết dở!

      Nàng tên là Bùi thị Cao Ly . Nghe nội cái tên không, cũng đủ ngộ . Tương truyền nàng được sinh ra ở Ðà Lạt gần thác Cam Ly, nên bố nàng định lấy tên giòng thác nên thơ đặt cho con gái, nhưng mẹ nàng không thích chữ Cam vì nó vừa mang âm hưởng một loại trái cây vừa có nghĩa là cam chịu, nên bắt phải đổi đi đôi chút . Riêng tôi, một chiều đẹp trời mùa hạ năm xưa ở Sài Gòn, khi được biết tên nàng lần đầu tiên liền rất đỗi là ngạc nhiên . Tôi buột miệng hỏi :
- Bộ ba cô người Ðại Hàn?
      Ðây chỉ là một trong những thí dụ về những câu nói lãng nhách không đúng lúc của tôi . Tuy vẫn biết rằng mình vốn cực kỳ vô duyên, nhưng thông thường tôi không bao giờ hãm phanh kịp khi gặp sự gì có vẻ interesting. Như mọi lần khác, mới há miệng hỏi xong là tôi biết mình vừa phun ra something stupid . Hỏi như thế có khác nào bảo mẹ nàng là me Mỹ?
Nhưng đã quá muộn. Ly lừ mắt nhìn tôi:
- Anh chắc hay nói nhảm lắm phải không ?
Nói xong nàng nguýt tôi thêm một cái nữa rồi quày quả bỏ đi sang nhóm bạn gái .

      Ngày hôm đó là ngày định mệnh của đời tôi. Trường Ðại Học Tổng Hợp, khoa Sinh Vật vừa trở về từ nông trường Nhị Xuân sau hai tuần lễ lao động. Buổi văn nghệ hôm đó được chi đoàn tổ chức để đón mừng chúng tôi, các nhà trí thức trẻ của thế hệ mai sau đã thấm nhuần tình yêu lao động để đào tạo thành một đội ngũ vừa hồng vừa chuyên. Các tiết mục tham gia gồm có một màn vũ dân tộc ít người, ba bốn bản đơn ca và hai bản hợp ca. Văn nghệ vốn là nghề của tôi. Ngoài phần tham dự vào hai bản hợp ca là Sông Lô và Anh Em Ơi Tấc Ðất Tấc Vàng, tôi còn phục vụ thêm một bài đơn ca Ðời Gọi Em Biết Bao Lần, một sáng tác đang ăn khách của Trịnh Công Sơn. Nhạc cụ chỉ có hai cây đàn ghi ta, hệ thống ăm-pli khi thì ọc ạch phều phào như giọng ông lão tám mươi, khi thì ré lên như trẻ con thiếu sữa. Nhưng như thế cũng chẳng sao, vì những trái tim non đầy nhiệt huyết của chúng tôi rất dễ tìm thấy nguồn vui. Dưới ánh đèn lòe loẹt chiếu qua từ cái carrousel quay hì hục bằng tay có dán những miếng giấy bóng kính tròn đủ màu, chúng tôi gân cổ hát.

       Ðám khán giả sinh viên, đã quá quen với các tiết mục nghèo nàn và trình độ yếu kém của các buổi văn nghệ đại học, tỏ ra rất khoan hồng trong sự thưởng ngoạn . Họ không bao giờ la ó khi màn trình diễn có dở đến đâu chăng nữa . Ví dụ điển hình là màn đơn ca của tôi, Lê Trường, ca sĩ chính của lớp C ban sinh vật . Bản nhạc đó tôi thuộc nằm lòng từng gam một . Khổ nỗi cây ghi ta của ban văn nghệ lớp mà tôi phải sử dụng hôm nay tên nào đã vặn cao lên cả hai ba tông so với cây đàn của tôi ở nhà . Do đó khi hát tới những nốt cao của bản nhạc, giọng ca ngày thường rất trầm ấm của tôi đã trở thành the thé như âm thanh của Nhạc Bất Quần sau khi luyện xong Tịch Tà Kiếm Phổ, tiếng chuyên nghiệp gọi là bể dĩa . Nhưng cử tọa không hề phàn nàn và vẫn dành cho người hát những tràng pháo tay dòn dã khi tôi cúi đầu chào để chấm dứt phần trình diễn .

      Xuống sân khấu, tôi bước nhanh về dãy bàn của đám bạn con trai. Khi đi ngang mấy bàn đầu của giảng đường bỗng tôi nghe có một giọng nữ:
- Lê Trường hát hay qua !
Nghe tiếng quen tôi quay lại, nhìn ra người gọi . Ðó là Bùi thị Báu, cô bạn cùng tổ học tập với tôi, sắp thôi học để lập gia đình vào tháng tới . Báu vẫy tôi lại gần, vỗ tay khích lệ màn đơn ca của tôi rồi nói tiếp:
- Bữa đám cưới mình tháng tới, Trường hát dùm vài bản được không ?

      Tôi mỉm cười gật đầu, hãnh diện nhìn các bạn cùng lớp ngồi gần đó, nhưng mọi người đang chăm chú nghe xướng ngôn viên giới thiệu tiết mục kế tiếp chẳng ai thèm để ý tới chàng ca sĩ đầy triển vọng . Ðang định quay bước bỗng mắt tôi ngừng lại ở bên cạnh Báu . Một người con gái mặc chiếc áo xanh lam viền ren trắng, tóc thề xõa ngang vai, hao hao giống Báu cũng đang nhìn tôi với đôi mắt ngây thơ đen huyền thật đẹp . Người con gái còn quá trẻ, chắc chắn không học lớp tôi vì tôi chưa gặp bao giờ . Thấy tôi đứng nhìn không chớp mắt Báu vội vàng xua tay:

- Thôi đi đi ông tướng, đừng có lộn xộn . Ðây là em gái của mình đó, còn nhỏ lắm, mới học lớp mười hai .

Tôi vẫn còn nhớ mãi cái phút ban đầu lưu luyến ấy . Nếu ngày xưa một thi nhân đã nói vì yêu em anh trở thành thi sĩ thì thật đúng với trường hợp của tôi bây giờ biết bao, vì khi trở về chỗ ngồi tôi đã hí hoáy sáng tác được một bài thơ bốn câu :


Gặp em một chiều khuôn viên rợp mát
Tuổi em hồng tựa từng phiến mây trôi
Ta ngỡ mình như cánh nhạn lưng trời
Xin em giữ hộ ta niềm xao xuyến


      Sau này mỗi lần đọc lại bốn câu thơ đó tôi vẫn còn phục cho tuyệt kỹ Thiết Diện Bì của mình . Rõ thơ con cóc đến thế mà vẫn can đảm mang đi tán gái thì lì thật !
      Nhưng cuối cùng thì bài thơ đó đã làm nên lịch sử . Cao Ly đọc xong cảm động vì những lời thơ ướt át, và sau đó, nàng đã chịu liếc mắt ngó qua tờ đơn xin "một chỗ ngồi trong trái tim" của nhà thi sĩ mầm non . Từ đó, tôi đến chơi nhà chị Báu luôn, mối tình chúng tôi ngày một nở hoa và tôi định năm sau ra trường sẽ xin phép gia đình cưới nàng . Nhưng một trở ngại khiến cho cuộc nhân duyên của chúng tôi suýt nữa tan theo bọt nước: một ông thầy bói, tên là Tổng Dần, cựu chánh tổng quen thân với gia đình nàng từ ngoài Hải Dương sau khi biết tôi tuổi Dậu nàng tuổi Mẹo đã phán rằng Tý Ngọ Mẹo Dậu bất khả phối ngẫu . Nghe qua thì có lý, nhưng theo tiếng Tàu thì con giáp mẹo thực ra là con thỏ, chứ không phải là con mèo . Tôi đem lý luận này để cãi với ông thầy bói, thì ông ta đâm tức và nói xấu tôi với mẹ nàng :
- Tôi xem cậu này chẳng những số không hạp với cô Ly mà lại còn mang tánh hay lý sự . Gả hay không là tùy ý bà, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm . Ở đây chỗ đồng hương tôi chỉ nói theo sách vở thánh hiền để lại . Vả lại, cô Ly là con mèo, cậu đó con gà . Bà có nghe người ta bảo “mèo mả gà đồng” hay không ?

Lời phán thâm độc này từ miệng một tiên tri thử hỏi làm sao mà mẹ Ly dám mạo hiểm gả ái nữ cho tôi ? Sau này tôi còn được biết là ông thầy bói đó có một thằng con trai tuổi Sửu, thấy Cao Ly xinh đẹp muốn ngấm nghé nên ông ngoài việc phá đám tôi còn ra sức ca ngợi sự tương hợp giữa tuổi con ông ta và Ly :
- Con trâu dương cương mạnh khỏe, con mèo âm nhu yếu ớt, như thế là bổ túc cho nhau, hợp với nhau hết chỗ chê !

      Mẹ nàng tuy tin lý luận ông thầy bói nhưng khi nghe đến con trai ông ta, thì bà quyết định rằng thà để con gái mình ở vậy còn hơn. Thằng con ông lêu lổng từ nhỏ, lớn lên theo bọn cách mạng ba mươi chẳng chịu học hành gì cả, hằng ngày vác AK47 ngồi ở trụ sở phường hoặc ra chợ An Ðông để đuổi các hàng quà bánh họp bán dọc theo các lối vào chợ . Tuy nhiên ông rất hãnh diện vì nhờ có thằng con này mà ông ta không bị đi cải tạo về tội hành nghề thầy bói . Mẹ Ly lo lắng ra về và phân vân cho đường chồng con của đứa con gái yêu, không biết làm thế nào để cung phu của nàng được toàn vẹn đôi đường . Hôm gia đình tôi đến để đánh tiếng, bà trả lời:
- Cậu Trường thì chúng tôi không có điều gì chê bai . Nhưng mà các cụ thường nói, Tý Ngọ Mẹo Dậu . . .

      Tôi đã chuẩn bị từ trước nên chõ miệng đáp ngay: 
- Bác đừng lo, cháu quen một ông thầy Tàu chuyên môn cải tuổi . Ổng chỉ cần lập đàn cúng là cháu biến thành tuổi khác ngay lập tức .
Nghe vậy mẹ Ly mừng lắm . Bà hỏi dồn :
- Vậy hả ? Ông ấy cải số được hay sao ? Tên là ông gì ?

Tình hình thuận lợi thấy rõ, tôi nói tiếp :
- Thày Gia Cát Phương đường Khổng Tử chuyên cứu nhân độ thế, đã từng cải số cho bao nhiêu cặp vợ chồng ở Sài Gòn Chợ Lớn đó bác .

      Thực ra cái thằng pháp sư ba tầu đó đã nhận mấy trăm bạc để đổi tuổi của tôi, chứ chẳng cứu nhân độ thế gì ráo . Ðể tiết kiệm thời giờ và tiền bạc, hắn lập đàn tập thể cho mười mấy thân chủ cùng một lúc, nên chỉ phải mua có một lần heo quay và tiền vàng mã . Chuyện đó không sao, miễn có lập đàn là được . Tôi xem trong mười hai con giáp, chỉ có con rồng là oai phong lẫm liệt hơn cả, nên tỏ ý được biến ra tuổi thìn . Ðược đổi cầm tinh, mất tiền dại gì mà không lựa ? Nhưng không biết quyển bí kíp thằng cha này tham khảo là loại gì mà hắn nằng nặc bắt tôi phải đổi thành tuổi tuất . Hắn bảo :
- Chó mèo đều là giống vật nuôi trong nhà . Chó giữ nhà, mèo bắt chuột, nghĩa là vợ chồng cùng có một chí hướng . Cung thê rất quan trọng, nếu trắc trở cần phải được bổ túc bằng phép hoán vị ( ? ) mới được toàn vẹn .

      Ðúng là bói ra ma quét nhà ra rác, tôi nghĩ thầm . Mèo với chó thì hợp nhau cái . . . chó gì ? Thế còn câu nói dân gian “cắn nhau như chó với mèo” đâu sao không nhắc tới ? Nhưng cãi làm sao đặng, lạng quạng hắn không thèm nhận lễ để mặc tôi ở tuổi gà thì khốn, đừng hòng mà lấy được Ly . Thế là sau hôm đó, tôi bỗng mang cầm tinh của loài người ta gọi là "chẳng phải voi mà chẳng phải trâu". Âu cũng là số mệnh cả !

      Lấy nhau xong được vài năm chúng tôi từ giã quê hương xuống ghe lên đường ra biển . Sau khi nằm ở các trại tỵ nạn hơn một năm, chúng tôi đến định cư trong một tỉnh nhỏ ở Arkansas . Tôi xin được chân chạy bàn cho Kentucky Fried Chicken, lương ít nhưng cũng tạm đủ sống . Ly làm phụ giảng cho những người Việt Nam mới đến học lớp ESL của YMCA . Thành phố nhỏ bé này quá hiu quạnh chỉ chạy xe chừng mươi phút đã hết phố nên chỉ ở đó có hơn hai năm tôi đã muốn dọn đi .    Những người cùng xóm đều đã move xuống Houston, thỉnh thoảng trở lại thăm tôi để khoe về những cái vĩ đại của thành phố văn minh tráng lệ đó, y như sau 75 bộ đội miền Bắc về quê kể cho làng xóm nghe những sự lạ của Sài Gòn . Tôi bàn với Cao Ly ý định về Houston nhưng nàng bảo:
- Anh nhớ là bây giờ anh mang tuổi tuất . Con chó phải giữ nhà, phải ở một chỗ cố định. Nếu hay di chuyển, hay đi thì không tốt, thành ra chó chạy rông rồi còn gì ?

       Nghe nhắc tới chuyện bị đổi thành tuổi chó năm xưa, nỗi uất ức cả hai cái thằng cha thầy bói Tổng Dần lẫn Gia Cát Phương tưởng đã quên bỗng chút xíu nữa bừng bừng quay lại . Vì vụ này mà hôm sinh nhật năm trước, tôi tức cảnh sinh tình sáng tác bài thơ lấy tựa là Hóa Thân:


Xưa ta mang đời kim kê oai dũng
Tuổi trời cho đã được định rành đây
Nhưng yêu em nên đành phải lưu đầy
Ðành giam mãi số phần trong mạng cẩu
Tuổi thât ta chính ra là tuổi dậu
Sao thế gian bày lắm chuyện ngu ngơ
Làm tao nhân luống hận tới bây giờ
Hờn ôm trọn trong nỗi buồn tuổi chó


      Tôi cố gắng bắt chước vẻ hào khí trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ, nhưng không thành công lắm vì giọng khuyển làm sao oai được như giọng hùm ? Cao Ly đọc thơ tôi, cười hinh hích rất là đắc chí. Với nàng, chuyện đổi tuổi của tôi là một chiến tích hào hùng mà nàng thường hãnh diện khoe với bạn bè rằng tôi đã yêu vợ đến nỗi đành đoạn hoán vị số mạng . Nhưng tôi không để nỗi buồn năm xưa nung nấu phá hỏng mưu đồ vĩ đại trong việc thoát ra khỏi cái thành phố buồn tênh này . Tôi bèn đổi chiến thuật, đánh đúng yếu điểm kẻ địch :
- Trên này phố xá nhỏ xíu . Ở dưới Houston có shopping nhiều lắm, tha hồ cho em đi mua sắm . Anh nghe nói nguyên cái Sharptown Mall không đã bự bằng năm lần cái mall lớn nhất trên này . Lại còn phố Việt phố Tầu đầy tiệm vàng của người Việt, vô số tiệm ăn ngon . Món bánh canh Trảng Bàng trên đó nghe nói còn ngon hơn tiệm bánh canh đường Lý Thái Tổ nữa !

      Vừa nói tôi vừa liếc nhìn Ly dò phản ứng . Quả nhiên đôi mắt đẹp của nàng trông mơ màng hẳn ra, cơ hồ như đang hình dung nàng đứng trước những khung cửa kính sáng rực bên trong đầy những trang phục lộng lẫy; hoặc dán mũi vào những quầy nữ trang trong các tiệm vàng để ngắm nghía các đôi bông tai vàng chóe nằm lẫn lộn giữa những chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biếc . Nhưng sau cùng, có lẽ bốn chữ bánh canh Trảng Bàng đã có mãnh lực lôi cuốn hơn cả vì nàng nuốt nước bọt rồi cãi lại một cách yếu ớt :
- Em đang làm át xít tăng ở đây, lên đó biết tìm việc được không mà đòi có tiền đi phố ăn tiệm . . .

      Tôi hơi tự ái vì xem chừng nàng chẳng coi khả năng kiếm tiền của tôi ra ký lô nào . Cái nghề busboy của tôi tuy ít lương nhưng dễ kiếm việc, chẳng lẽ không tìm nổi một chỗ trên Houston thì còn giời đất nào nữa ? Ông bà phò hộ mà cho tôi cầy hai job rửa chén tuần xỉu xỉu sáu bảy chục tiếng, thì Ly có môn tha hồ sắm vàng mệt nghỉ chứ đừng nói tới ba cái vụ ăn tiệm lẻ tẻ! Tôi hùng hồn tuyên bố:
- Anh hứa danh dự lên đó mỗi tuần anh sẽ đưa em đi ăn một lần . Chịu chưa !

       Nghe tới đó thì kẻ địch chịu hết nổi sự cám dỗ của hình ảnh tô bánh canh giò heo thơm mỡ hành nổi trên mặt nước lèo vàng óng . Biết tính Ly tham ăn nên tôi thường mang các món khoái khẩu để dụ dỗ cho nàng đồng ý với những hoạch định của tôi . Như thường lệ, tôi thành công một cách dễ dàng sau khi tung ngón đòn bánh canh sát thủ . Thế là chỉ hơn tháng sau, chúng tôi đã khăn gói quả mướp thuê một chiếc U-Haul chạy lên Houston, thuê một căn apartment ở vùng southwest . Quả nhiên trong hai tuần tôi tìm được một chân chạy bàn ở quán phở Việt Hương . Vốn chăm chỉ nên tôi nhận làm nguyên ngày mười tiếng, chỉ nghỉ có ngày chủ nhật . Còn Ly tìm mãi không ra một chân teacher assistant vì nơi nào cũng đòi ít nhất mười hai credit hours của sophomore English . Thế là Ly phải ghi danh ở Texas Southern University để lấy đủ số credit cần thiết . Nàng học rất chăm, có khi chong đèn thức đến hai ba giờ sáng để học bài, những bài học cao siêu trong những quyển sách dày cộm mà hễ mỗi lần tôi nhìn vào lại thấy nhức đầu vì không hiểu gì cả . Tra tự điển năm lần bẩy lượt, tôi mới biết rằng cái tựa của quyển sách có tên là Văn Chương Mỹ Thế Kỷ Thứ Mười Chín . Chao ôi ! Chỉ nội nghe cái tựa đó không, tôi cũng đủ nể nang cho trình độ học vấn uyên bác của người vợ yêu dấu. 

      Càng nghĩ tôi càng phục tài nàng . Sao Ly lại giỏi đến thế ? Không bao giờ tôi mơ là có ngày mình được diễm phúc là phu quân một nhà nữ học giả, dám nghiên cứu cả đến nền văn chương của một quốc gia văn minh nhất trên thế giới . Do đó, tôi càng chăm chỉ rửa chén bát ở tiệm phở để Ly yên tâm trong công cuộc vĩ đại đó . Những chồng bát cao có ngọn, cái góc buồng rửa chén tối tăm ẩm thấp nhiều gián chạy tứ tung sớm muộn gì cũng lãnh giấy phạt thiếu vệ sinh của city và được lên TV trong chương trình Marvin Zindler cũng chẳng làm cho tôi nản chí . Ly cũng thông cảm với anh chồng ít lương và không đòi thực hiện lời hứa ăn tiệm hằng tuần, mặc dù tôi biết trong thâm tâm nàng hình ảnh những tô bún riêu ốc, bún bò huế và nhất là tô bánh canh Trảng Bàng vẫn chưa phai nhạt . Ðể bù lại thỉnh thoảng tôi mang từ tiệm phở về nhà một cà-mèn nước xí quách, hai vợ chồng trộn vào cơm nguội ăn ngon lành, nhìn nhau âu yếm và nghĩ tới cái ngày huy hoàng nàng lấy đủ số credit và đi làm át xít tăng trở lại, sáu đồng một giờ gấp đôi lương tôi hiện nay mà thấy lòng rộn rã khôn tả.

      Tối thứ bảy tuần trước nhân kỷ niệm tám năm từ ngày hai đứa quen nhau, tôi xem báo thấy chợ Fiesta quảng cáo roses on sale - half price, bèn mua về nửa chục tặng vợ, và long trọng mời Ly đi ăn món favorite của nàng ở quán Trảng Bàng . Ly cảm động ra mặt, tung tăng ôm bó hồng ngắm nghía mãi rồi nói thầm vào tai tôi :
- Ly thương anh .

      Rồi nàng phá lệ, cắm điện ủi dùm tôi một bộ quần áo, thêm chiếc cà-vạt mà tôi chưa dùng bao giờ từ ngày sắm . Có bao giờ tôi cần dùng tới nó đâu ? Loay hoay mãi tôi mới thắt xong, tuy vẫn hơi lệch . Tôi cẩn thận xin Ly tí nước hoa bôi lên người, để quyết đánh tan mùi báng bò cố hữu còn phảng phất trên thân thể . Còn nàng mặc áo nhung vàng đậm với chiếc jupe đen, bộ đồ tôi thích nhất . Xuống xe trước quán, Ly ôm chiếc sắc trông thật sang trọng khoác tay tôi yểu điệu bước vào . Tôi cũng nghiêm trang sửa lại cà-vạt khuỳnh tay ra cho nàng như một người điệu nghệ thứ thiệt, mặc dù mắt vẫn dáo dác nhìn quanh lo ngại gặp người quen nhận ra sẽ ngạc nhiên thấy tôi không giống anh Lê văn Trường đầu bù tóc rối quần áo luộm thuộm như hàng ngày . Cũng may trong quán chẳng ai để ý đến tôi . Quán Trảng Bàng này đông khách vào bậc nhất khu southwest, nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được một bàn gần cửa, và gọi đồ ăn . Hai tô bánh canh giò heo tỏa khói thật hấp dẫn được bưng ra . Ly vắt chanh, bỏ ớt rồi tấn công mục tiêu ngay . Nhìn nàng say sưa thưởng thức tô bánh canh với chóp mũi lấm tấm mồ hôi vì ớt cay, cái miệng thoa son đỏ chót bóng nhẫy vì mỡ hành thỉnh thoảng ngừng nhai ngẩng lên mỉm cười với tôi, mấy sợi tóc mai được vén lên qua tai để khỏi chấm vào bát súp, tôi cảm thương người thiếu nữ có nhan sắc mặn mòi kia lại vớ phải anh chồng ví lép nên đành phải nhịn bớt thú ăn quà . Tôi tự nhủ sẽ cố gắng rửa bát overtime để dắt nàng đi ăn tiệm thường xuyên hơn.

       Bỗng nhiên, nỗi lo gặp người quen bỗng biến thành sự thực . Cánh cửa mở ra, một người bạn xuất hiện với giọng cười oang oang khi vừa trông thấy tôi :
- Bữa nay tao được nghỉ bếp . Còn mày Trường bộ không phải rửa chén ngoài tiệm hay sao mà ngồi đây ? Tôi quay lại trông thấy Ðôn, thằng bạn thân đã giới thiệu tôi vào làm trong quán phở . Hắn bây giờ đã lên chức phụ bếp, bổn phận mới gồm có nhặt rau và rửa xương . Ðôn vui tính hay nghịch phá, chúng tôi thường lẻn ra sau tiệm phở để hút thuốc lá và tán gẫu . Nhưng hôm nay sao hắn thật vô duyên . Cái miệng bô bô của hắn khai rõ lý lịch tôi giữa công chúng là một điều không thể tha thứ được . Bộ đui hay sao mà hắn không thấy tôi đang ăn mặc chỉnh tề ngồi bên người đẹp ? Không thấy hai bàn tay tôi đã cắt sạch mười móng tay đầy cáu ghét hàng ngày ? Thật là bực với những tên phát ngôn bừa bãi nơi công cộng! Tôi lờ quay đi như không trông thấy hắn . Nhưng Ðôn vốn máu đùa dai, cố tình làm như chưa nhận ra điều đó, hắn tiến sát trước mặt tôi ngắm nghía :
- Sao hôm nay mày mượn đâu ra bộ đồ trông bảnh quá vậy ? Bộ đi ăn cưới hả ? Máy rửa chén hư thì rửa tay chớ ai cho mày nghỉ ?

Tôi đẩy vào vai hắn nói nhỏ :
- Có im ngay cái miệng tươm tướp không thì bảo !

      Ðôn khoái trá, giả vờ le lưỡi sợ hãi, đưa tay chào Ly rồi đi vào phía trong . Ly trông theo rồi nhìn tôi, thấy chồng không vui nàng an ủi :
- Anh Ðôn chỉ hay giỡn . Rửa bát thì đã sao . Nhưng nếu anh chán nghề này, chờ mai mốt em có việc, anh thử đi học làm móng tay lương khá hơn, bây giờ lại đang dễ kiếm việc . Anh khéo tay thế nào cũng học được .

      Tôi nghe vậy lấy làm quan tâm lắm . Nghề làm móng tay, tôi đã nghe từ lâu mà không hiểu sao chưa bao giờ nghĩ đến ? Người có hoa tay như tôi sẽ thành công là cái chắc ! Kế hoạch tương lai của nàng như ánh nắng rọi vào trí óc hạn hẹp của tôi . Cơn giận thằng bạn hồi nãy từ từ tan biến . Tôi thấy mở ra trước mắt một con đường móng tay đầy hy vọng . Vợ mình thông minh thật !

      Hôm qua, sau khi đi hỏi dùm tôi về chương trình tháng rưỡi khóa học manicurist ở đường Fannin, Ly dắt về nhà một con chó mà không biết của ai đi lạc lang thang ở parking lot . Nàng bảo nó cứ lẽo đẽo theo nàng suốt buổi sáng, không nỡ bỏ rơi nên vừa mở cửa xe, nó nhẩy tót ngay vào và quấn quít Ly một cách lạ lùng như chủ thật của nó . Tôi thấy con chó này chẳng có gì đẹp, bộ lông xơ xác, cặp mắt láo liên, bộ dạng ốm yếu . Tôi đem ý nghĩ này nói cho Ly nghe . Nàng im lặng một giây nhìn tôi rồi ngập ngừng khẽ bảo :
- Nó xấu mã nhưng mà tốt nết, giống như anh vậy . Anh còn nhớ ông Gia Cát Phương nói không ? Số em nuôi chó rất hợp

Nguyên Cương Andy
(Vĩnh Trinh chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét