Đã quá nửa đêm, trời mưa rả rích dai dẳng, bà Sáu vẫn còn lang thang dọc theo hè phố vắng tanh cùng với xấp vé số ế trên tay. Ròng rã từ đầu hôm đến giờ, bà chỉ mới bán vỏn vẹn chừng mươi, mười lăm tờ vé số, cho dù đã rảo qua không biết mấy vòng khu phố chợ. Bà rầu đến nẫu ruột, than thầm trong bụng:” Buôn bán ế ẩm kiểu này, ngày mai còn nguyên cả xấp làm sao tranh nổi với đám con nít đông ken hay những người trẻ tuổi nhanh tay lẹ mắt hơn mình !”
Dù đôi chân đã mõi nhừ cộng với cổ họng khô đắng vì rao mời, bà Sáu vẫn cố gắng đánh vòng trở lại một lần nữa về phía đầu chợ, nơi quán cháo trắng của cô Mai với hy vọng sẽ gặp được vị khách sộp nào đó đi ăn cháo khuya, để nếu may mắn trúng mối, bà sẽ bán được nhiều! Đã có nhiều bận, bà Sáu vô mánh đậm nhờ đám công tử con nhà giàu từ trong hộp đêm dưới Bungalow ra,hào phóng mua mão hết cả cọc vé số của bà. Thế nhưng, khi đến nơi, bà hết sức thất vọng vì quán vắng teo, chỉ có mấy tay trong băng vác mướn mình trần trùng trục đang cùng với cánh xe ôm vừa ngồi nhậu lai rai, vừa chờ khách hoặc đón các mối hàng khuya!
Đang đứng co ro sát hàng ba của khu bách hóa mới, bà Sáu mừng quýnh khi bóng dáng chiếc xe du lịch đời mới đổ xịch trước quán cháo. Một đám choai choai nam có, nữ có nhảy ào ra khỏi xe cười nói huyên thuyên, làm huyên náo cả khu phố đêm đang tĩnh lặng. ( Có thể bọn họ vừa tàn một cuộc chơi, nhưng cũng có khi đây chỉ là thời khắc khởi điểm trước khi bọn họ “over night”(qua đêm) ở một xó xỉnh nào đó trong cái thành phố Vĩnh Long nhỏ bé này!
Sau khi đợi cho bọn họ yên vị, bà Sáu tiến lại gần rồi móc vé số ra mời. Bà ta chìa từng cùi vé ra theo hình nan quạt, cốt cho họ thấy rõ những con số đẹp, gồm cả số gánh, số bầy …. Thế nhưng, đám nam thanh nữ tú này vẫn nói cười vang rân, chẳng hề lưu tâm hay đếm xỉa gì đến tiếng chào mời hết sức tha thiết của bà!
Không bán thêm được tờ vé số nào, bà Sáu chán chường nhìn mông lung vào làn mưa bụi, lòng phân vân nửa muốn về nhà nghỉ, nửa muốn ở nán lại để kiếm khách. Nhưng khi liên tưởng đến viễn cảnh khổ ải của ngày mai, bà quyết định băng xuyên qua khu vực Ủy Ban tỉnh để đến quán “Bảy nàng Tiên” ở đường Trưng Nữ Vương, quán nhậu nổi tiếng nhờ đóng cửa muộn nhất thành phố. Rồi bà lại thất vọng thêm lần nữa khi thấy trong quán chỉ có duy nhất một bàn khách với hai người đàn ông, một còn trẻ, một cỡ trung niên đang ngồi đối ẩm. Vô số vỏ chai bia nằm lăn lóc dưới gầm bàn.
Với tính cách “hú họa, cầu may” của đa phần dân bán vé số, bà Sáu bước vào quán sau khi đã cởi ra cái nón lá và chiếc áo tơi mưa ướt đẫm.
- Mời ông và em mua giúp dùm vài tờ vé số. Bà Sáu cất giọng rụt rè.
Hai người khách khuya có vẻ đã say lướt khướt, hầu như không chú ý đến sự hiện diện của bà. Còn bà Sáu đã quá dày dạn với nghề vé số nên vẫn kiên nhẫn đứng chờ.
Chờ mãi một lúc mà vẫn không thấy có sự phản hồi, bà Sáu quay lưng lại định bước ra nhưng bất ngờ ngã ịch ra sàn nhà do vướng phải vỏ chai bia. Nghe tiếng động, cả hai người khách đều giật mình ngoái cổ nhìn.
Bỗng nhiên, người đàn ông trung niên sững người, nhìn bà trân trối! Hai khoé môi ông ta run run, hệt như ông ta muốn nói điều gì đó mà chẳng thể thốt ra lời. Phần bà Sáu, người từng lăn lộn với nghề vé số không biết bao nhiêu năm lại như mở cờ trong bụng vì biết rằng nếu như người khách nào chú ý tới mình, ắt hẳn họ sẽ mua vé số dùm bà!
- Nhờ ông mua ủng hộ dùm vài tờ. Trời mưa dầm dề hoài bán ế quá! Bà Sáu cất tiếng rao mời sau khi vừa đứng dậy.
Người khách trung niên nọ vẫn dán mắt nhìn chằm chằm như thôi miên vào bà Sáu, Điều đó, khiến cho thanh niên ngồi chung bàn với ông ta phải ngạc nhiên. Anh ta lên tiếng:
- Có chuyện gì thế, chú Ba?
Nghe tiếng gọi, người đàn ông trung niên được gọi là “chú Ba” như người vừa xuất ra khỏi trạng thái lên đồng. Cơn say chếnh choáng như đã tan biến đâu mất. Ông ta vội đứng lên, tay kéo ghế mời bà Sáu:
- Bà… à chị có thể ngồi xuống cho tôi hỏi thăm một chút được không?
- Dạ được, nếu ông cho phép …
Nảy giờ, bà Sáu cũng rất ngạc nhiên về thái độ của người đàn ông nọ. Bà cố lục lọi trong ký ức nhỏ nhoi rối mù như mớ bòng bong của mình để dò tìm xem giữa bà và người đàn ông sang trọng này có mối quan hệ dây mơ rễ má nào hay không, nhưng cuối cùng thì đành phải chịu thua!
- Chị muốn dùng món nào? Người đàn ông trung niên hỏi một cách ân cần.
- Dạ cám ơn ông, tôi không đói. Bà Sáu trả lời.
- Cho một phần beefsteak và một coke. Người đàn ông trung niên nọ lệnh cho chủ quán dọn thức ăn cho bà Sáu.
Đến lúc này, bà Sáu không còn e ngại hay khách sáo gì nữa, bởi vì bà nghĩ rằng ngừơi đàn ông kia cũng giống như một số người có lòng hảo tâm khác đãi bà một bữa ăn chỉ vì lòng thương hại mà thôi! Rồi trong lúc bà Sáu đang ăn ngấu nghiến, người đàn ông trung niên quan sát kỹ bà. Ý thức của ông nhận thức rõ rằng, đây chỉ là một người đàn bà hoàn toàn xa lạ, thậm chí chỉ là người mà ông mới gặp lần đầu tiên trong đời! Thế nhưng, tận thẳm sâu trong vô thức của ông lại hiển hiện ra hình bóng của một thiếu nữ có nét mặt hao hao giống như bà. Người thiếu nữ ấy đã che dù trời nắng, đội mưa rơi, đã hy sinh thời thanh xuân hoa mộng của mình cho dù nhan sắc đã từng làm điên đảo nhiều người -mà trong đó có cả viên thiếu tá Quận trưởng- để thay thế mẹ cha đưa ông vượt qua những cơn bão giông của cuộc đời …
- Chị còn tất cả bao nhiêu vé?
- Dạ đúng 134 vé. Bà Sáu trả lời sau khi đã nhẫm tính sẵn trong đầu.
- Tôi sẽ mua hết cho chị. Mà này, mỗi ngày chị lời được khoảng bao nhiêu ?
- Cỡ hai chục ngàn.
- Thế chị có muốn mỗi ngày kiếm được gấp mười lần số tiền đó hay không?
Bà Sáu chỉ cười cười chứ không trả lời vì nghĩ rằng ông khách nói đùa với mình. Đến nỗi khi nhìn thấy nét mặt nghiêm trang cùng với giọng nói ấm áp như toát ra vẻ gì thật gần gũi, bà vẫn chưa tin là ông ta nói thật!
- Tôi chỉ ở lại thành phố này vỏn vẹn chỉ bốn hôm thôi! Trong bốn hôm ngắn ngủi này, tôi sẽ làm một số việc và sẽ có cần đến một số người. Chị là một trong số người mà tôi chọn.
- Nhưng việc đó … Bà Sáu dừng lại ở giữa câu nói của mình.
- Tôi hiểu … tôi hiểu ý chị muốn nói gì! Thật ra việc này rất đơn giản và không có gì phạm pháp cả, chị hãy yên tâm. Cụ thể là mỗi ngày chị nhặt cho tôi một bao lá vàng và chị sẽ làm liên tục như vậy trong ba hôm. Ngày cuối cùng chị sẽ làm việc khác. Công việc này dễ dàng hơn việc bán vé số rất nhiều, phải không?
- Nhưng ông cần lá để làm gì. Ông không đùa dai với tôi đấy chứ? Bà Sáu thắc mắc.
- Chị không cần phải quan tâm đến chuyện đó, chỉ cần biết là tôi đang nói chuyện tử tế với chị, muốn tạo điều kiện để giúp cho chị. Tiền thù lao mỗi ngày là hai trăm ngàn. Chị đồng ý chứ?
- Hai trăm ngàn ư? Bà Sáu hỏi lại lần nữa vì sợ mình nghe nhầm.
- Vâng, đúng hai trăm ngàn cho mỗi ngày. Vị chi là bốn ngày tất cả. Những điều tôi nói tự nãy giờ đều là thật cả. Bà chị hãy yên tâm. Sở dĩ tôi giúp chị vì chị có nét mặt rất giống chị ruột của tôi, giờ đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời…
Nói đến đây, giọng nói của ông như chùng xuống. Ông ta quay mặt ra ngoài đường nhìn mông lung vào màn đêm mịt mùng .
- Tình cờ gặp chị, tôi rất có cảm tình. Thôi đã khuya quá rồi, chị về nhà nghỉ để mai có sức đi nhặt lá. Đây là tiền vé số lúc nãy và hai trăm ngàn tiền tạm ứng cho công việc sắp tới của chị. Chị đừng ngại chi cả, nếu như chị không muốn làm việc đó thì kể như số tiền tạm ứng này tôi biếu không cho chị. Tên của tôi là Kiên, ba Kiên, hiện ở khách sạn “Đồi Sao”, phòng số 13. Chiều mai, tôi sẽ chờ chị ở đó! Tạm biệt …
…. Phố khuya vắng lặng. Con “tám trăm” của vị khách từ trên trời rơi xuống kia cứ lởn vởn nhảy múa trong đầu của bà Sáu làm bà cứ ngỡ mình như vừa trải qua một giấc chiêm bao tuyệt đẹp!
***
Sáng nay, trên vỉa hè đại lộ thênh thang với hai hàng cây rợp bóng xuất hiện một người đàn bà vác chiếc bao cà ròn trên vai rảo bước chầm chậm đi tới đi lui. Đôi lúc, bà ta dừng lại ngóng từng cơn gió rồi mải miết đuổi theo nhặt từng chiếc lá vàng .
Đám xe ôm đậu ở vỉa hè thấy lạ nên chú ý nhìn. Trong đám, có kẻ vọt miệng triết lý bâng quơ:
- Trời ạ! Giữa thời buổi kinh tế thị trường mà còn có người đuổi theo lá thu rơi lượm về vô bao làm kỷ vật. Chắc con mẹ này là bạn chí cốt của nhà thơ điên Bàng Giúi quá, nên mới ngỡ lá là tiền rồi! Rồi gã nhại thơ thi sĩ Kiên Giang ngâm nga:
“ Tiền không là lá bà ơi,
Tiền là giấy bạc do người in ra…”
Giọng một người khác cay độc chêm vào:
- Con mẻ có biệt danh là “Sáu cô đơn” bán vé số dạo chứ ai. Hàng ngày hay đi qua đi lại chỗ này. Mẹ nó, già ngắt rồi mà vẫn còn đi bán vé số hoài, nhiều khi nửa đêm còn thấy đi cà bơi, cà bơi ngoài đường. Chắc khổ sở quá riết nên hoá khùng rồi chớ gì!
Nghe vậy, ông lão bán nước sâm gần đó bất nhẫn lớn tiếng:
- Tụi bây đừng có tọc mạch chuyện của người ta mà hãy lo cho cái bổn mạng của mình kìa. Thời buổi bây giờ ai cũng có xế nổ cả, xe ôm chúng mầy ế ẩm riết rồi có ngày cũng phát điên, đâm đầu hết vô xe tải rối sắp hàng làm ngừơi cõi trên ráo trọi hết bây giờ. Mồ tổ cha nó, đời sao dị hụ kỳ đang quá chừng hè!
Sau khi bị ông lão bán nước sâm mắng át, những tiếng thị phi bỗng dưng im bặt …
… Nắng chiều trượt những vệt dài trên khoảng sân rộng trước khách sạn “Đồi Sao”. Thấp thoáng trong ánh sáng nhợt nhạt đang dần dần tắt lịm của hoàng hôn là bóng dáng của một người đàn bà vai quảy bao tải lá từ ngoài cổng đi vào. Ông Kiên đã chờ sẵn từ trước, tỏ vẻ rất vui khi gặp lại bà Sáu.
…Bà Sáu ra về đã lâu, ông Kiên vẫn còn ngồi ở chỗ cũ. Ông cảm thấy quặn thắt cả ruột gan khi chợt nhớ đến hình ảnh người ruột thịt thân yêu duy nhất của mình. Ngày xưa, mỗi lần về quận lỵ thăm nhà, thấy vắng chị, ông liền vội vã đạp xe đi tìm đón chị về. Hình ảnh người chị dầu dãi một nắng hai sương chắt chiu từng đồng bạc lẻ – những tờ tiền được gấp lại rất nhỏ rồi cuộn tròn, cuộn tròn … in hằn những dấu vết gẫy góc quăn queo được gởi từ quê nhà lên Sài Gòn giúp cho ông trang trải tiền ăn học. Từng tờ, từng tờ giấy bạc mỏng dính được gói kỹ trong mấy lớp nhật trình để trong chiếc bịch nylon nhỏ xíu do một người đồng hương đi buôn chuyến chuyển đến, mà mỗi lần mở ra, ông thấy như hiển hiện mùi mồ hôi và những giọt nước mắt của chị mình! – cùng với những tháng năm khốn khó mãi mãi là dấu ấn ông không thể nào quên ! Hình ảnh ấy cho mãi đến bây giờ ông vẫn còn đa mang, đến nỗi mỗi lần thấy ai đó xòe ra những tờ tiền bị gấp nếp chồng chéo, ông vẫn cứ giật mình thon thót! Đã mấy mươi năm rồi mà như mới xảy đến hôm qua… Bóng dáng thanh thoát của chị ông với mái tóc thề thoang thoảng mùi hương trinh nữ thoắt ẩn, thoắt hiện ở đâu đó qua hình bóng khác trên một con đường, một bến sông hay một địa danh nào thật lạ xa … Những hình ảnh ấy tràn đầy sự dữ dội của khung trời bão tố, nó cuộn lên từng áng mây buồn, nó nhuốm chàm lên từng đoạn đời ông đã trải qua và cứ mỗi lần như thế, ông nghe như nặng trĩu trong tim! Không gian như co rút thắt đau, như một cú đập, một vết cắt nghiệt ngã. Nó làm tắt lịm những cơn vui đời của ông …
***
Buổi sáng ngày thứ tư, ngày cuối cùng của hợp đồng kỳ lạ, bà Sáu đến khách sạn “Đồi Sao” rất sớm. Ông Kiên lại có mặt ở đó trước cả bà và có vẻ rất bận rộn. Có mấy chiếc xe lớn nhỏ đủ loại cùng với rất nhiều người đang khiêng vác các thứ máy móc, dụng cụ mà hầu như bà chỉ mới trông thấy lần đầu.
Hình như ông Kiên là nhân vật quan trọng nhất trong nhóm. (Bà Sáu nghĩ vậy khi thấy ông liên tục ra lệnh cho người khác). Ông thân thiện vỗ vai bà Sáu, rồi đẩy bà lên một chiếc xe Ford đã có sẵn người ngồi. Họ mỉm cười với bà và bà cũng gật đầu đáp trả. Bà Sáu xem chừng họ có vẻ quen thuộc, cố vắt óc nhớ mãi nhưng vẫn không ra. Hình như bà đã gặp họ ở đâu đó, nhiều lần nữa thì phải! Trông họ giông giống một vài diễn viên nào đó trên mấy tờ lịch quảng cáo hàng năm…
Đoàn xe càng lúc càng tiến dần về phía ngoại ô xa. Hai bên vệ đường trùng trùng những dãy đồi cỏ biếc. Sau cùng, chúng dừng lại bên cánh rừng thưa cạnh con suối nhỏ chảy róc rách với những tảng đá lớn phủ đầy rêu xanh. Khung cảnh ở đây trông rất hoang sơ. Ở đó, người ta đã dựng sẵn một cái đài cao chừng dăm bảy mét bên trảng cỏ, trên có một cái sàn gỗ nối liền với cầu thang có tay vịn.
…. Ông Kiên đưa bà Sáu đến bên cái đài cao, trên ấy xếp sẵn mấy bao lá – thành quả ba ngày lao động ròng rả của bà -. Đoạn, ông ta dặn dò bà một cách cẩn trọng:
- Bây giờ là công việc phải làm hôm nay của chị: hãy bước lên cái sàn gỗ kia rồi ngồi xuống chiếc ghế đã có sẵn và chờ hiệu lệnh của tôi. Khi nào tôi nói “lá rơi’, chị sẽ liên tục dùng hai tay hốt lá rồi rãi tung lên trời. Nhớ nhé!
Bà Sáu bắt đầu làm theo sự hướng dẫn của ông Kiên. Hiện giờ, bà đang ngồi ở trên cao, chờ đợi công việc tiến hành. Bà nghiêng người đảo mắt nhìn bao quát khoảng không gian chung quanh. Phía xa xa, rập rờn trong nắng mai, lẫn trong cỏ dại là những bông hoa cát đằng màu tim tím có hình cánh chuông đang lúng liếng nhảy múa theo tiếng rì rào của gió các khúc hoan ca. Từng đợt, từng đợt sắc màu rực rở lượn lờ theo các làn sóng hoa long lanh kia!
Một khẩu lệnh vang lên, lan xa trong tịch liêu, rồi giữa trảng cỏ xanh biêng biếc xuất hiện hai bóng người, một nam, một nữ. (Đó chính là hai người trẻ tuổi cùng ngồi chung băng ghế với bà trên chuyến xe vừa rồi). Người con trai mặc áo chiến binh, vai khoác ba lô giắt đầy lá ngụy trang, còn người con gái tóc dài thướt tha, áo bà ba màu hoa cà, đẹp đến tím cả lòng người…
Người con trai giơ tay lên vẫy gọi. Có tiếng còi tàu rúc lên thê thiết. Rồi tiếng chuông đổ, từng hồi chuông vọng về tận khuất nẽo xa xăm. Hình như là sương, sương vật vờ bay… Sương mù từ đâu không biết tụ về phủ mờ nhân ảnh hai người… Theo tầm tay với của người con trai, người thiếu nữ đang run rẫy cố níu lại và nép chặt vào người yêu. Rồi những nụ hôn nồng cháy rực lửa, hai hình bóng nhỏ bé giữa trảng cỏ kia như quấn chặt lấy nhau, hoà quyện lại thành một chủ thể bất khả phân ly…
- Lá rơi! Hiệu lệnh của ông Kiên vang lên.
Bà Sáu chồm tới, chụp vội vàng từng nắm lá rồi rải tung lên. Từng chiếc lá bung xoè ra trong khoảng trời nhiều gió rồi lắt lay bay. Từng chiếc lá bay lả tả, lấp lánh trong nắng sớm, đồng loạt bừng lên, đồng loạt chìm xuống, rải muôn ngàn hạt vàng phủ trùm lên hai bóng người kia trong làn sương mờ mịt.
Cuồn cuộn một dòng hồi ức tận trong huyệt mộ linh hồn tưởng chừng như đã mất hút theo dòng dỉ vãng chợt rùng rùng kéo về! Làn sóng hồi ức ấy trào dâng trong từng mạch máu của bà Sáu. Bà như phục sinh lại thời kỳ của tuổi đôi mươi. Bà vụt đứng dậy, hai tay chấp chới ra ngoài khoảng không vô tận.
Trời ơi, kia kìa, ở phía dưới kia, giữa muôn trùng những cánh lá cuối thu, chính người ấy, người đàn ông đầu đời của bà mấy mươi năm về trước, của thuở tóc bà hãy còn xanh, của thuở họ đã từng nhắn gởi cho nhau câu ước hẹn “muối mặn, gừng cay”:
“ Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau … “
Rất rõ ràng, hình bóng người đàn ông ấy đang hiển lộ. Ôi, nhưng sao ông lại buồn đến thế và hình như đang vẫy gọi bà! Bà rướn người tới cố đuổi theo ông … Bà như thấy lại một tình yêu hiến tế, thấy lại niềm hạnh phúc xa xưa của một thuở yêu người mà từ lâu đã vượt ra khỏi tầm tay. Một đoạn phim quá khứ ập về như những đợt sóng, lớp nọ chồng lấp lên lớp kia trùng trùng duyên khởi… Nhưng sao ông cứ lùi mãi, lùi mãi rồi mờ nhạt dần …
Bà thét gào gọi tên ông, cố níu kéo lại cái hình ảnh quá đỗi thân yêu kia vừa vụt mất. Nỗi hụt hẫng dâng trào làm bà nấc nghẹn, không thốt nên lời! Bà bật khóc nức nở, khóc như chưa từng được khóc bao giờ … Những giọt nước mắt uất nghẹn, ràn rụa trên gương mặt người đàn bà mà cuộc đời đang đi dần về phía cuối hoàng hôn!
-Lá rơi! Lá rơi! Tiếng của ông Kiên vang lên như từ cõi xa nào vọng về.
Bà Sáu như kẻ mộng du, điên cuồng hốt từng nắm lá vàng vung vãi. Từng nắm lá bỗng biến thành những đám lửa, rừng rực cuộn tròn trong gió lốc, rồi loạn cuồng đuổi bắt nhau làm bà hoa cả mắt. Đám lửa ấy thoắt vụt biến thành đám gai sắt nhọn, cuồng nộ tỏa ra xé toạc khoảng trời xanh thăm thẳm kia, rồi quay đầu lại ghim vào da thịt bà từng vết, từng dấu khằn đớn đau!
-Cắt!
Mảng hồi ức hoang mê đột ngột chấm dứt bởi một khẩu lệnh khô khốc như tiếng sét, vang dội cả một vạt rừng. Bà Sáu như người bị đẩy xuống một dốc trượt không gượng nổi, ngã xuống rồi chạm tới đáy hiện thực phũ phàng - cái hiện thực hèn mọn nhỏ nhoi của loài cỏ dại vừa tỉnh thức sau giấc mộng hoa hồng!-
…. Dưới chân câu thang, ông Kiên đã đứng chờ sẵn, dang tay ra cho bà Sáu vin vào cho khỏi ngã.
- Tốt lắm, chị làm rất đạt. – Ông Kiên cất tiếng ngợi khen bà Sáu và dúi vào tay bà một phong bì nhỏ -. Tôi là đạo diễn chính, thay mặt cho đoàn làm phim “Những mùa thu qua” xin chân thành cám ơn chị. Còn đây là số tiền thù lao còn lại cộng với món tiền nhỏ của tôi tặng chị, người có gương mặt giống tợ như người chị yêu quý đã khuất của tôi. Thôi tạm biệt chị nhé, không biết đến bao giờ ta mới gặp lại nhau …
Bà Sáu ngẩng mặt lên, bất chợt bắt gặp tia nhìn ấm áp của ông Kiên. Bà cụp mắt lại rồi lặng lẽ đi về phía cuối con dốc, rời xa đoàn làm phim …
Một cơn gió lốc tung thốc tháo đám bụi lá vàng phủ nhạt nhòa ảnh hình người đàn bà khốn khổ kia. Rồi, hình như có một chiếc lá rất nhỏ, nó không rơi xuống, cũng không vút bay lên được, cứ lắt lay mãi rồi mất hút trong gió loạn...
Hà Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét