Chiếc máy
bay của hãng American Airlines đáp xuống phi trường Nội Bài êm ru. Hành khách
nhộn nhịp đứng lên lấy hành lý xách tay từ trên những khoang chứa hành lý trên đầu.
Thư đợi mọi người xuống gần hết, nàng mới từ từ đứng lên. Đi đâu mà vội. Rồi cũng
phải ra chờ lấy valises mà thôi. Đường nào cũng tới La Mã mà.
Tính Thư
vẫn không thay đổi. Lúc nào và làm gì cũng chậm rãi. Hồi còn đi học, nàng đã từng
bị đám bạn gán cho cái biệt danh tiểu thư. Sau mấy chục năm định cư ở Canada,
những cô bạn học ngày xửa ngày xưa, mỗi lần gọi phôn, vẫn mở đầu: "tiểu thư
đó hả?".
Thư về
thăm Việt Nam lần này là lần thứ ba. Hai lần trước nàng về Sài Gòn. Nhưng lần này,
Thư ra Hà Nội trước rồi mới lấy vé máy bay vào Sài Gòn sau. Nàng thay mặt mẹ về
thăm bà dì ở Hà Nội. Năm năm tư, gia đình dì không vào Nam vì tiếc cơ ngơi quá
lớn ở Hà Nội. Gia đình bên chồng dì giàu có nhất nhì Hà Nội thời bấy giờ. Bố mẹ
Thư dẫn anh chị nàng vào Nam và Thư chào đời trong Nam. Lần đầu tiên ra Hà Nội,
Thư không ăn được thức ăn ngoài ấy vì đã quen cái gu ngòn ngọt của miền Nam. Tất
cả những món lừng danh của Hà Nội như Chả cá Lã Vọng, bánh tôm chiên Tây Hồ, Bún
chả...Thư đều thấy không ngon như trong tưởng tượng. Chỉ mê nhất là thong thả đi
dạo quanh Hồ Gươm, vào những buổi sáng sớm. Đẹp như trong tranh.
Dì Thư ở
Phố Hàng Bạc. Căn phố rộng bát ngát ngày xưa, sau năm năm tư đã bị chia ra từng
mảnh. Cả gia đình bà dì còn được ở trong một căn nhà tuốt đằng sau, vốn là nhà
thờ họ. Muốn đi vào phải đi qua một hành lang hẹp, sâu hun hút, lờ mờ tối. Bà dì
tâm sự: "cũng còn may đấy cháu ạ. Chú dì bị ghép vào thành phần tiểu tư sản.
Họ đã hành hạ chú dì khổ sở, đau đớn biết sao mà kể! Nhà cửa mình họ lấy sạch.
Mình đã phải bị bắt đi làm những công việc cực nhọc nhất. Thế mà suốt ngày cứ
phải nghe những lời sỉ vả của bọn sâu bọ lên làm người mới là khổ! Cháu nghĩ
xem, chú là công tử Hà Nội, quen ăn ngon mặc đẹp, kẻ hầu người hạ. Thế mà đùng
một cái...Bảo chú làm sao đối phó được? Thế là dì phải cáng đáng tất cả!"
Tội
nghiệp dì. Bà đẹp nhất trong gia đình nên lấy được chú là công tử giàu nức tiếng
Hà Nội. Sau cuộc đổi đời, chìm đắm trong cái địa ngục trần gian, dì Thư cũng ráng
tảo tần nuôi chồng con và giờ đây con cái cũng đã yên bề gia thất. Gặp lại dì cách
đây ba năm, Thư đã sửng sốt vì thấy dì dù ở tuổi bảy sáu, vẫn còn đẹp lắm. Làn
da trắng hồng không một nếp nhăn. Cặp mắt bồ câu vẫn tinh anh. Nụ cười tươi
khoe hàm răng đều và còn nguyên. Mái tóc tuy bạc khá nhiều nhưng còn dầy lắm.
Nghe Thư khen, dì bảo:
- Cháu
không biết chứ ngày xưa tóc dì dài chấm gót!.
Hai cô
con gái không cô nào đẹp bằng dì. Tuy nhiên tính tình rất dễ thương và đôn hậu.
Hai lần
ra Hà Nội, lần nào Thư cũng ở khách sạn Bảo Khánh. Gần Hồ Gươm, đi bộ đến phố Hàng
Bạc cũng không xa. Thư rất thích tản bộ trên những con đường ngắn ở Phố cổ. Nhưng
phải công nhận ở đây, đi bộ rất nguy hiểm, vì cửa hàng nào cũng bày biện bít cả
lề đường. Thậm chí nhiều nơi họ còn bày hàng lấn ra cả lòng đường. Người đi bộ
cứ phải chen chúc, vừa đi vừa tránh xe sát bên cạnh. Lắm phen hú vía! Lần đầu Thư
từ Sài Gòn ra Hà Nội với Nhung, cô bạn thời Trung Học. Nhung cảnh cáo: "mày
cẩn thận. Dân ngoài này gấu hơn trong Nam nhiều. Lạng quạng là bị mắng như tát
nước vào mặt. Mà với những danh từ không có trong tự điển đâu nghe tiểu thư!".
Quả thực, nghe nhiều tiếng lạ lẫm khiến Thư ngẩn tò te! May mà gia đình dì vẫn
còn nói giọng Hà Nội xưa và các em được giáo dục rất nề nếp khiến Thư thấy gần
gũi ngay.
Lần này,
sau khi mang quà cáp đến biếu gia đình dì xong, Nhung và Thư ra văn phòng của hãng
du lịch Sinh Café lấy tours đi Vịnh Hạ Long. Nhung đi nhiều lần nên thấy thường,
duy Thư thì rất háo hức. Đọc bao nhiêu tài liệu, xem bao nhiêu là hình ảnh về hai
thắng cảnh lừng danh này, Thư rất nôn nao được nhìn thấy tận mắt. Hôm qua,
Nhung đi máy bay từ Sài Gòn ra để đi chơi với Thư.
Con đường
từ Hà Nội ra tới Vịnh Hạ Long rất tốt. Không như cách đây chục năm. Chị Hằng của
Thư ra thăm dì cũng đi chơi Hạ Long. Chị tả con đường đang làm cực kỳ xấu. Bụi đỏ
bay mù mịt. Ổ gà ổ voi đầy ra, khiến chị về đến Hà Nội mà mình mẩy rêm như bị
tra tấn!
Lần này
Nhung và Thư ngủ lại đêm trên du thuyền. Hai người được đưa lên một chiếc du
thuyền cỡ trung bình. Tầng trên là chỗ du khách ngồi ngắm phong cảnh. Phía sau
là quầy bán nước uống. Tầng dưới gồm có hai dãy cabin, có lối đi ở giữa. Mỗi
cabin có hai giường nhỏ, toilette và douche. Vách ốp gỗ trông cũng khá sang trọng
và sạch sẽ. Trên mui có hai dãy ghế dài cho du khách nằm chơi. Ngắm cảnh và tắm
nắng. May mà lần này chỉ có vỏn vẹn mười lăm du khách, kể cả người ngoại quốc.
Thư ngây
ngất trước vẻ đẹp hùng vĩ của Hạ Long. Nước ở đây xanh một màu ngọc bích. Những
hòn núi đá nhô lên từ lòng biển, thiên hình vạn trạng ẩn hiện đó đây. Đậm nhạt,
mơ hồ, đẹp kỳ diệu như trong tranh vẽ.
Thuyền đi len lỏi giữa những hình thể tuyệt đẹp và du khách tha hồ tưởng
tượng. Đây là hai con gà, kia là con voi..vv.... Rải rác trên biển là những bè
nuôi ngọc trai. Những căn nhà nổi bên trên được sơn màu sắc tươi rói, xem thật
vui mắt. Nhiều chiếc xuồng con con của người dân sống dọc bên bờ biển chở đủ thứ
bánh kẹo, chips, nước uống... cặp theo du thuyền để bán cho du khách. Họ chèo
thoăn thoắt từ chổ nọ sang chỗ kia như những con thoi.
Sau nửa
ngày leo núi để thăm hang động, mọi người vừa mệt vừa đói nên dùng cơm tối thật
ngon miệng. Những người phục vụ còn rất trẻ. Hỏi ra Thư mới biết họ là những
sinh viên đại học. Cuối tuần đi phục vụ trên du thuyền để kiếm thêm tiền. Ngay
cả đầu bếp cũng là sinh viên. Thông cảm cho hoàn cảnh của họ nên khi rời du
thuyền, Thư đã kín đáo để lại món tiền típ khá hậu hĩnh. Nàng cũng mua giúp cho
cô bé bán ngọc trai một đôi bông tòng teng thật xinh. Đến chiều, Thuyền trưởng
cho neo tàu trong lòng vịnh kín đáo. Có những hòn núi nhỏ bao bọc chung quanh.
Cơm nước xong màn đêm đã buông xuống. Nhung và Thư mặc áo thật ấm lên mui tàu.
Chung quanh du thuyền của Thư còn có khoảng chục chiếc khác đậu rải rác khắp nơi.
Nhiều chiếc có đôi cánh buồm màu đỏ khiến Thư nhớ tới phim L'Indochine, với nữ
tài tử Pháp lừng danh Catherine Deneuve.
Đèn từ
những chiếc du thuyền hắt xuống mặt nước đẹp lung linh như sao sa. Những hòn núi
chung quanh chỉ còn là những hình thù màu đen. Nhiều cái trông giống như những
con khủng long thời tiền sử. Thư nói điều này với Nhung, cô bạn cười:
- Mày
chỉ khéo tưởng tượng. Ừ, mà nếu là thật, chắc tụi mình không chạy thoát. Nó chỉ
há miệng là nuốt chửng chiếc du thuyền!". Hai cô cười khúc khích trước cái
ý tưởng kỳ quái này!
Sương bắt
đầu xuống. Nhung vươn vai ngáp:
- Tao
buồn ngủ rồi. Xin lỗi xuống trước nha.
Còn lại
một mình, Thư dõi mắt nhìn ra xa, trong lòng đầy xúc cảm. Tự hỏi không biết hồn
thiêng của những người lính chống giặc Tàu xâm lược nghìn xưa có còn lẩn khuất nơi
đây?...
Sương
xuống nhiều, trời lạnh dần nên Thư xuống cabin sửa soạn đi ngủ. Chiếc giường nhỏ
khiến Thư trằn trọc không ngon giấc. Nhìn đồng hồ thấy 5 giờ sáng, Thư nhè nhẹ
ngồi dậy mặc hai ba lớp áo rồi lên mui tàu.
Trời còn tối mờ mờ, sao trên bầu trời đã nhạt dần. Đèn của những du thuyền
chung quanh vẫn còn sáng lấp lánh. Có tiếng cười khúc khích từ chiếc du thuyền đậu
sát bên cạnh. Thư đưa mắt nhìn sang. Một cặp vợ chồng (hay tình nhân?) người da
trắng ngồi chung một chiếc ghế, quấn chung một tấm chăn ấm. Thấy Thư nhìn sang,
họ giơ tay chào. Thư cũng cười, chào lại. Nàng cảm thấy tâm hồn thư thái lạ lùng.
Thư ngồi đó, lặng yên, không nghĩ ngợi đến bất cứ điều gì. Cõi lòng rộng mở, đón
một thứ hạnh phúc thật đơn sơ, thật nhẹ nhàng đang tràn ngập. Một điều hiếm xoi
xảy ra khi ta sống giữa sự ồn ào của chốn đô hội.
Đáng tiếc là tàu đậu không đúng hướng mặt
trời mọc, nên Thư không được ngắm nhìn cảnh tượng huy hoàng của vừng đông chui
từ từ dưới mặt biển lên, ném hàng vạn tia sáng rực rỡ lên mặt biển. Điều mà nàng
đã từng chứng kiến ở bờ biển Nha Trang ngày nào! Những người bạn đồng hành từ từ
bước lên mui tàu. Người nào cũng khoan khoái hít thở đầy phổi không khí trong lành
của buổi ban mai.
Thư rời
Hạ Long với nỗi luyến tiếc trong lòng. Thầm hứa một ngày nào đó sẽ quay trở lại.
Đêm Hạ Long vừa huyền bí vừa kỳ diệu!
Chặng
thứ nhì của Nhung và Thư là thăm Sapa. Nhưng không may trước ngày lên đường,
Nhung nhận được điện thoại của chồng từ Sài gòn gọi ra báo tin con gái bị sưng
ruột thừa, phải vô nhà thương gấp. Thế là đôi bạn đành chia tay. Nhung đổi vé máy
bay về Sài Gòn. Thư vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên thành phố sương mù Sa Pa.
Mới đầu Thư hơi ngại đi một mình, nhưng Nhung bảo trong đoàn có mười người, sợ
gì.
Tám giờ
rưởi tối xe lửa bắt đầu chạy. Thư nằm chung toa với ba mẹ con bà Hân từ Pháp về.
Bà mẹ ngoài năm mươi, nhưng trông trẻ và sang. Hai cô con gái sinh đôi Aline và
Alice giống hệt nhau. Cả hai đều mới hai mươi bốn tuổi. Vừa tốt nghiệp Đại học.
Mẹ thưởng một chuyến du lịch về Việt Nam trước khi đi làm. Bà Hân và Thư nằm giường
dưới. Hai cô nằm 2 giường trên. Ba người thấy Thư mở chiếc túi ngủ màu tím may
bằng tơ chui vào, thì cứ suýt soa khen đẹp rồi hỏi Thư mua ở đâu? Thư trả lời:
- Ở phố
gần Nhà Thờ Chính Tòa. Chỉ có ba đô la. Bạn tôi nói nằm trong túi ngủ này vừa sạch
vừa ấm. Biết đâu được chiếc mền này họ có đem giặt sạch sẽ sau mỗi chuyến đi hay
không?
Aline và
Alice nghe Thư nói, bất giác rú lên, hất tung chiếc mền đang đắp trên người. Bà
Hân mắng yêu:
- Hai
con bé này! Tồng ngồng cái đầu rồi mà cứ như con nít! Trời lạnh không đắp chăn,
nhỡ bị cảm khỏi đi chơi.
Thư cười
rồi chúc mọi người ngủ ngon. Nhịp tàu xình xịch đều đều kéo Thư đi vào giấc ngủ
nhanh chóng. Khi nàng giật mình thức dậy thì bên ngoài trời còn tối lắm. Ba mẹ
con bà Hân vẫn ngủ ngon lành. Nằm một hồi không ngủ lại được, Thư khe khẽ ngồi
dậy, vén màn nhìn ra ngoài. Tàu lên dốc nên chạy với tốc độ rất chậm. Nhiều nơi,
Thư có cảm giác mình chỉ đưa tay ra ngoài là chạm phải cây cối lờ mờ ở hai bên đường.
Thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà với ánh đèn khuya leo lét. Phần nhiều có lẽ là
nhà của người thiểu số. Nhìn đồng hồ thấy bốn giờ sáng. Hình như năm giờ mới tới
Lào Cai. Thư nhẹ nhàng lấy túi đồ làm vệ sinh, rón rén mở cửa đi ra ngoài. Lúc
nàng trở vào, bà Hân cũng vừa thức dậy. Bà nói "cô Thư thức sớm thế".
Thư cười "Em ngủ được một giấc rất ngon cô ạ. Nhưng mình đi làm vệ sinh bây
giờ còn vắng, sạch hơn". Bà Hân khen phải rồi cũng lấy túi đồ trang điểm,
mở cửa đi ra ngoài.
Aline và
Alice vẫn còn ngủ say sưa. Thư nhìn nét mặt hồn nhiên của Alice trong giấc ngủ,
chợt nhớ tới mình lúc còn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này. Mới đó mà đã
hai mươi năm! Biết bao nhiêu điều đã xảy ra. Cả vui lẫn buồn. Nhưng hình như buồn
nhiều hơn vui! Bất giác Thư buông tiếng thở dài! Thư về đây, đi chơi với Nhung
cốt để trốn nỗi cô đơn. Một cuộc hôn nhân thất bại. Lấy được chồng tử tế, những
tưởng cuộc đời sẽ bình lặng mãi. Nhưng sau hai lần hư thai, cả hai đành chia
tay. Gia đình Dư chỉ có chàng là con trai. Họ muốn có cháu nối dõi tông đường. Dù
Dư vẫn còn yêu Thư, nhưng nàng chịu không nổi những lời chì chiết của mẹ chồng.
Thôi thì đành trả tự do lại cho Dư. Để chàng làm tròn chữ hiếu với gia đình.
Hai năm đã trôi qua. Cũng có những lời ong bướm vo ve, nhưng Thư đã chán ngán.
Một mối tình không trọn vẹn lúc còn thơ ngây và một cuộc hôn nhân thất bại khiến
nàng trở nên lạnh nhạt với tất cả những gì gắn liền với hai chữ tình yêu! Trời ơi,
buồn cái là nàng mới vừa bước qua ngưỡng cửa của tuổi bốn mươi!
Bây giờ
sống thui thủi một mình trong một thành phố nhỏ, cách Montrél hai tiếng lái xe.
Trong tuần đi làm, cuối tuần có khi về thăm mẹ và chị. Sau khi bố mất, mẹ Thư về
ở chung với chị gái của Thư. Nghỉ hè đi du lịch đó đây. Năm nay Thư lấy ngày
nghỉ về Việt Nam và quyết định đi thăm Hạ Long và Sapa cho biết. Nàng mê thành
phố mù sương của vùng Tây Bắc và vịnh Hạ Long qua những hình ảnh xem trên
internet. Sapa có cái gì đó rất gần gũi với thành phố sương mù Đà lạt của những
ngày xưa thân ái. Lòng không muốn khơi dậy nỗi đau của quá khứ nên Thư chưa dám
đặt chân trở lại nơi đầy ắp kỷ niệm xưa. Nàng nhất quyết vùi sâu chôn chặt. Nhưng
oái oăm, càng muốn dìm, muốn quên, nó lại cứ chực trào lên như sóng biển tràn bờ!
Nhất là giờ đây sống một mình, có những đêm dài trằn trọc, dù không muốn, kỷ niệm
xưa vẫn ám ảnh không nguôi. Hai tiếng "tiểu thư" từ miệng người ấy
sao mà êm ái, ngọt ngào!
Tiếng bà
Hân gọi hai cô con gái thức dậy đã kéo Thư về thực tại. Nàng nhìn ra ngoài cửa.
Xa xa có nhiều ánh điện nhấp nháy. Thư đoán có lẽ là thành phố Lào Cai. Xem thì
tưởng gần, nhưng tàu ì ạch cả gần cả tiếng đồng hồ mới tới ga. Mọi người lục tục
xuống tàu. Sương mù còn dày đặc, hơi lạnh khiến Thư rùng mình. Giá bây giờ mà có
một ly cà phê sữa thật nóng thì tuyệt quá. Thư nói và bà Hân cũng đồng tình:
- Ừ nhỉ!
Tôi cũng thèm ly cà phê nóng quá đi mất. Sáng thức dậy không có cà phê, người mình
cứ làm sao ấy cô Thư ạ. Tôi không ngờ trên này vẫn còn lạnh đến thế!
Có người
cầm tấm cạt tông mang tên khách sạn Gold Sea bước tới tập trung tất cả những người
sẽ ở khách sạn này. Chiếc xe hăm bốn chỗ đưa mười hành khách và hành lý lên đường
ngay. Vì ngủ chung toa tàu, giờ đây Thư trở nên thân với mẹ con bà Hân. Đường lên
thị trấn Sapa ngoằn ngèo như ruột gà. Những cua gắt cánh chỏ khiến du khách thót
ruột vì sợ, nhưng chú tài xế thì vẫn bình thản như không. Mỗi ngày anh ta lên
xuống vài lượt, nên những con đường này chú ấy rành như lòng bàn tay!
Mới rạng
đông nên mây mù còn giăng khắp núi đồi. Nhà cửa hai bên đường ẩn hiện trong màn
sương như hư như thực. Trời mới đầu tháng hai nên còn lạnh lắm. Đến khách sạn vẫn còn sớm. Mọi người lấy phòng
xong ới nhau xuống phòng ăn để ăn điểm tâm. Thư ngồi chung bàn với ba mẹ con bà
Hân. Những cô tiếp viên rất trẻ và dễ thương. Họ nói năng lễ độ và tươi cười,
không giống dưới Hà Nội. Ăn điểm tâm xong lại tập họp để nghe chương trình đi
viếng Sapa. Hôm nay đi thăm suối Cát Cát. Về khách sạn ăn trưa. Nghỉ ngơi, buổi
chiều đi chợ Sapa. Hướng dẫn viên tên Luân là một chàng tuổi trẻ. Mới hai mươi
và là người Hà Nội. Chương trình ngày mai đi thăm vườn lan và núi Hàm Rồng...
Luân nói:
- Các cô
chú thật may mắn. Tin dự báo thời tiết nói tuần này trời đẹp lắm. Giờ còn sương
mù, nhưng buổi trưa mặt trời lên sẽ đẹp và ấm. Tuy nhiên xin quý vị nhớ mang
theo áo lạnh nhé.
Mọi người
vui vẻ lên đường. Trước cửa khách sạn, bên kia đường là một hàng tre thật cao.
Thân mập tròn màu xanh đậm, thẳng tắp và lá rất to lại không có gai. Chẳng giống
tre miền Nam tí nào. Nghe Thư nói, Luân cười bảo:
- Thưa
cô đây là cây bương. Bương khác cây tre dưới đồng bằng, tuy rằng chúng có họ hàng
với nhau. Trên này người ta dùng cây bương để làm nhà, làm ống dẫn nước. Họ còn
dùng lá bương để gói bánh nữa cô ạ.
Trên đường
"xuống" suối Cát Cát phải đi qua một bản làng người H'Mông. Nói xuống,
vì thị trấn nằm trên cao, con suối ở tít dưới thung lũng. Sương mù làm đất ướt
khá trơn trợt. Trời lạnh khoảng 10o C. Những đứa trẻ H'Mông ăn mặc phong phanh,
mặt mũi lem luốt, chỉ một số ít có mang giày dép và quần áo lành lặn. Nhìn những
chiếc áo len rách te tua không đủ ấm và những bàn chân trần tím tái vì lạnh, Thư
cảm thấy xót xa vô cùng. Ông Trời sao bất công. Vợ chồng nàng mong mỏi đến tuyệt
vọng một đứa con mà không được. Đến nỗi phải keo rã hồ tan. Nơi đây họ sinh hàng
đàn rồi mặc kệ. Chúng cứ thế mà sống, mà lớn lên như cây, như cỏ dại trong rừng!
Những đứa trẻ năm, sáu tuổi đeo dính theo đoàn du lịch. Nài nỉ bán những dây đeo
tay bằng chỉ xanh đỏ, những chiếc ví con con thêu tay. Thư cầm lòng không nổi,
mua dùm cho chúng nó. Luân cười nói "nếu ai cũng như cô Thư, chắc mấy đứa
trẻ này sẽ giàu to!". Thư nhớ tới mấy cậu công tử, tiểu thư của các ngài cán
bộ, các đại gia xài tiền như rác, mà không khỏi đau lòng cho những đứa trẻ bất
hạnh này! Cũng là con người. Vậy Thượng Đế có công bằng không?
Suối Cát
Cát quả là đẹp. Giòng nước từ trên cao đổ xuống lòng suối như một tấm lụa trắng.
Rồi chảy rì rào, len lỏi qua những tảng đá to. Những tảng đá thiên hình vạn trạng.
Có hòn trông giống như một con hải sư. Thư nhờ người chụp cho nàng và mẹ con bà
Hân vài tấm ảnh kỷ niệm. Aline và Alice cũng bấm máy lia lịa. Hai cô bé này nói
cười luôn miệng vì thấy cái gì cũng lạ, cũng hay. Nhìn lên triền núi cao, hoa lê,
hoa mận nở trắng xóa. Đó đây những cành đào cũng thi nhau khoe sắc hồng rực rỡ.
Luân chỉ lên đỉnh núi:
- Thưa
các các cô chú, trên đỉnh núi có một loại cây trà gọi là trà tuyết. Mùa đông những
đỉnh núi này thường có tuyết phủ. Người dân tộc leo lên đó hái lá trà xuống rất
vất vả. Vì thế trà tuyết rất ngon và rất đắt. Khi về, các cô chú nhớ mua làm quà
nhé.
Đoàn du
lịch trở về khách sạn bằng ngả khác và thay vì đi xuống, giờ đây mọi người phải
ì ạch leo dốc đi lên! Con đường độc đạo nhỏ xíu, ôm vòng theo triền núi. Hai bên
đường hoa dại nở tưng bừng, đẹp như một bức tranh thêu. Có một loại cây lá rất
xanh, hoa tím tuyệt đẹp. Thư tò mò hỏi tên và Luân nói đó là hoa của cây Chàm
(indigo). Người dân tộc vùng cao dùng lá của loại cây này để nhuộm vải may quần
áo. Thảo nào lúc đi ngang qua nhà của người H'Mông, thấy sân nhà nào cũng phất
phơ những tấm vải nhuộm màu chàm xanh đậm.
Sau khi
qua một chiếc cầu nho nhỏ bắc ngang thung lũng, nhiều người, trong đó có bà Hân,
đã chọn con đường khỏe nhất để về khách sạn: leo lên những chiếc xe ôm đang đậu
chờ sẵn ở đầu cầu! Nhưng Thư và Aline, Alice tiếp tục đi bộ suốt quãng đường còn
lại. Luân và ba chị em cứ tiếp tục đi lên. Con dốc bây giờ thoai thoải dễ đi và
hai bên đường không có cây cối gì cả, chỉ thỉnh thoảng có một vài nếp nhà của
người H'Mông và những con heo mọi thân hình đen sì, bụng ỏng xuống gần sát mặt đất
trông rất buồn cười. Chúng tha thẩn gặm cỏ non hai bên đường.
Lên tới
đỉnh đồi (hay núi Thư cũng không biết), một cảnh tượng hiện ra trước mắt, đẹp đến
nỗi Thư phải ngẩn ngơ! Xa xa, những đám ruộng bậc thang xanh rì uốn luợn thật
nhịp nhàng, yểu điệu. Điểm xuyết bởi những bản làng người Dao đỏ, trông xa nhỏ
như đồ chơi của trẻ con. Mặt trời đã lên cao, tỏa hơi ấm dịu dàng. Trời xanh ngắt,
không khí trong như pha lê. Dãy Hoàng Liên Sơn xa xa xanh một màu lam thẩm. Từng
dải mây trắng lướt thướt vắt ngang. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt tác. Ba
người chụp không biết bao nhiêu là ảnh. Đến chừng Luân dục lên đường họ mới chịu
tiếp tục đi. Thấy Thư cứ nức nở khen cảnh đẹp, Luân tâm sự:
- Cô và
hai chị biết không, cách đây hai năm cháu thi rớt Đại Học. Buồn quá cháu theo một
đứa bạn lên đây chơi. Không ngờ cảnh sắc tuyệt vời ở đây đã giữ chân cháu luôn
từ đó đến giờ. Trở về Hà Nội, cháu không chịu nổi không khí ô nhiễm, ồn ào dưới
đó. Vả lại cảnh bon chen dười đó khiến cháu...chóng mặt. Có lẽ cháu sẽ lập nghiệp
luôn trên này. Cô thấy không, mùa xuân nơi đây đẹp như cảnh thiên thai!
- Thế
thì xin chào ngài Lưu Nguyễn!
Luân ngơ
ngác:
- Ngài
Lưu Nguyễn nào thế Cô?
- Thì cái
ông ngày xưa đi ngoạn cảnh. Bất ngờ gặp các nàng Tiên và nhập Thiên thai luôn,
không thèm trở về trần gian nữa đó!
Vỡ lẽ,
Luân và hai cô gái cười vang, thích thú. Từ đó hai cô gọi Luân là ông Lưu Nguyễn.
Bữa cơm
trưa thật ngon miệng. Có lẽ chuyến leo núi đã vắt hết sức lực của mọi người! Thư
không ngờ nơi này có người đầu bếp nấu ăn ngon như vậy. Những đĩa thức ăn lại còn
được trang trí rất mỹ thuật. Dùng cơm xong, thay vì lên phòng nằm nghỉ như mọi
người, Thư bước ra trước cửa khách sạn. Vừa thấy nàng, một đám đàn bà người Dao
Đỏ, rất trẻ, đứng chực sẵn bên kia đường ùa sang. Họ vây lấy Thư và tranh nhau
mời nàng mua hàng cho họ. Ai cũng muốn nhét vào tay Thư nào là túi xách thêu
tay đủ màu, đủ cỡ. Nào là vòng bạc, áo gối thêu, mũ thêu...khiến nàng tối tăm mặt
mũi, không biết đường nào mà rờ! Nhưng Thư cương quyết lắc đầu, nói còn ở chơi
lâu, chưa vội mua hàng. Thế là các nàng Dao Đỏ đành thu hàng hóa lại, bỏ vào
chiếc gùi mang sau lưng và quay ra "điều tra lý lịch" của Thư: nàng ở
đâu tới, bao nhiêu tuổi, có chồng chưa?...Khi nghe Thư trả lời nàng bốn mươi
hai tuổi mà...chưa chồng, thì cả bọn rú lên đầy vẻ kinh ngạc! Nơi đây con gái mười
lăm, mười sáu tuổi là có chồng, có con rồi! Họ cứ suýt soa khen Thư trẻ, bảo rằng
họ tưởng nàng mới hai mươi lăm! Nhìn khuôn mặt cháy nắng của những người phụ nữ
Dao, Thư cũng đoán được nỗi cơ cực của họ. Nhưng lạ là không tìm thấy một nét u
buồn nào trên những khuôn mặt chất phác này. Tất cả đều cười vui.
Thư
khen bộ quần áo của họ đẹp quá. Một cô nói với Thư mỗi bộ phải thêu cả năm mới
xong. Mỗi cô gái trước khi lấy chồng đều phải thêu hai bộ như thế. Ở tuổi mười hai
là các cô đã bắt đầu chuẩn bị cho mình. Các cô phải tự tay trồng cây lanh, tiếp
theo là đập cho tơi, se chỉ, rồi dệt thành vải. Người H'Mông thì nhuộm chàm. Sau
đó may quần áo và khâu cuối cùng là thêu. Quần áo các cô gái H'Mông Hoa thêu sặc
sỡ hơn của người H'Mông Đen. Ban sáng, đi qua bản H'Mông, Thư thấy những người đàn
bà lớn tuổi ngồi túm tụm chung quanh một đống lửa, vừa sưởi ấm vừa thêu. Một hình
ảnh vừa linh động vừa đẹp tuyệt vời!
Nhìn dáng
điệu vui tươi của họ, đột nhiên Thư chạnh lòng khi nhớ đến một bài báo nàng đả đọc
ở đâu đó. Tác giả ghi lại cái hủ tục quái ác của người Dao Đỏ. Thư đã thảng thốt,
rụng rời khi biết rằng những người đàn ông Dao lấy vợ, có khi cô gái chỉ mới mười
bốn, mười lăm. Cô gái về nhà chồng làm nương làm rẫy quần quật như trâu bò. Anh
chồng thì suốt ngày tụ tập bạn bè uống rượu. Vài năm sau chán, muốn lấy vợ khác,
anh ta chỉ việc rao bán cô vợ với một giá nào đó. Y như bán một con gà, một con
lợn! Ác nghiệt là người vợ không có quyền phản đối! Có những người đàn bà bị
rao bán như thế đến hai, ba lần! Trời ơi, cứ như là còn ở thời ăn lông ở lỗ! Giống
hệt như thời kỳ nô lệ của những thế kỷ trước bên Âu Mỹ. Nhưng chúng ta đang sống
ở thế kỷ thứ Hai mươi mốt mà! Thư kêu thầm, lòng xốn xang thương cảm cho thân
phận người phụ nữ Dao Đỏ!
Nói
chuyện một lúc, Thư trở vào khách sạn chuẩn bị đi viếng chợ. Khách sạn cách chợ
độ năm phút đi bộ. Phía dưới là hàng trái cây, rau cải và thịt cá. Nhìn rau cải
tươi non thấy bắt thèm. Nơi đây hoa cũng đẹp, nhưng không đa dạng như Đà Lạt. Bên
trên bán vải vóc, có một khu dành riêng cho người dân tộc buôn bán, đa số là người
Dao Đỏ. Họ bán quần áo, túi, nón thêu và đồ trang sức bằng bạc. Những bà người
Dao khi lấy chồng rồi, họ đội một thứ khăn màu đỏ làm bằng sợi, có những chùm
ngù tròn như nắm tay trẻ con tòng teng coi rất đẹp mắt. Buồn cười là họ nhổ sạch
tóc trước trán và cả lông mày! Trụi lủi trụi lơ!
Con đường
chính của Thành phố khá rộng, tấp nập người đi lại. Một số là du khách, số còn
lại là người dân tộc thiểu số. Họ cứ bám lấy du khách mời mua hàng. Có rất nhiều
người Âu Mỹ. Hỏi ra họ thích Sapa vì nơi đây tương đối còn hoang dã. Nhưng được
bao lâu nữa? Thư hỏi thầm! Cửa hàng bán đồ lưu niệm hai bên phố, nhiều cái rất
sang. Gặp một cô bán hàng dễ thương, Thư đã mua năm cái áo gối thêu tay. Mẹ con
bà Hân cũng mua nhiều thứ lưu niệm. Aline và Alice mua những chiếc móc chìa khóa
có con búp bê tí hon mặc quần áo người dân tộc thiểu số rất xinh.
Từ bàn ăn,
Thư nhìn thấy lò sưởi. Lửa đỏ rực tỏa hơi ấm khắp phòng. Thế mà từ sáng nàng không
để ý. Đang ăn, Alice, đang ngồi trước mặt Thư bỗng chồm lên, vừa nói nho nhỏ vừa
liếc mắt nhìn vào trong góc phòng. Xéo phía sau lưng chỗ Thư ngồi:
- Chị
Thư, từ nảy giờ em thấy ông kia cứ nhìn chị chăm chăm. Chắc là người quen của
chị đó. Ông ta ngồi ăn một mình.
Thư nhướng
mày ngạc nhiên, vừa định quay lại nhìn thì Alice vội bảo:
- Chị đừng
quay lại ngay. Tí nữa giả bộ đi toilette, ngang ổng chị hãy nhìn. Em biết
toilette ở phía đó.
Thư phì
cười. Gì mà con bé làm quan trọng dữ thế! Chắc anh chàng nào đó thấy nàng độc
thân, muốn làm quen chứ gì?
Ăn
xong, Alice đứng lên rủ Thư đi toilette. Alice đi trước, khi Thư ngang qua bàn người
đàn ông đang uống cà phê, nàng chợt sửng người. Hai chân như tê liệt, không nhấc
nổi. Người đàn ông cũng đứng lên:
- Thư!
Không ngờ gặp em nơi đây!
- Anh Văn!
Sự xúc động
bất chợt khiến Thư bủn rủn. Văn kéo chiếc ghế trước mặt, mời Thư ngồi. Nàng làm
theo như một cái máy. Thấy mặt Thư tái nhợt, Văn bảo:
- Để
anh gọi cho em ly cà phê sữa nóng.
Thư vẫn
chưa lấy lại bình tĩnh. Chỉ biết ngồi đó, đưa mắt nhìn Văn đang loay hoay bỏ đường
và sữa vô ly cà phê bốc khói thơm phức vừa được bưng ra. Anh dịu dàng bảo:
- Em uống
đi. Anh vẫn nhớ em thích cà phê sữa thật nóng. Bây giờ em vẫn còn thích chứ?
Thư gật
đầu. Nàng cầm ly cà phê đưa lên môi. Sau vài hớp, Thư đã lấy lại được bình tĩnh:
- Em
nghe Nhung nói anh sang Mỹ đã lâu. Anh về đây chơi? Sao lại đi một mình, còn chị
ấy đâu?
- Anh
sang Mỹ gần mười lăm năm. Bà xã anh mất năm ngoái. Bị ung thư gan.
Thư kêu
lên:
- Ô!
cho em xin được chia buồn với anh. Vậy mà không nghe Nhung nó nói gì cả!
- Tại
anh buồn nên không liên lạc với bạn bè cũ. Anh mới về cách đây một tuần. Sàigòn
nóng và bụi bặm quá nên anh muốn lên đây tìm chút không khí lạnh. Anh nghe mọi
người ca tụng Sapa nên muốn đi cho biết. Không ngờ gặp em ở đây. Còn Thư, sao em
cũng đi một mình?
Giọng
Thư bỗng chùng xuống:
- Em và
Dư chia tay đã hai năm rồi anh ạ. Lỗi tại em không sinh được đứa con nào cho
anh ấy. Em vô dụng quá phải không anh?
- Em đừng
nói thế. Không phải là lỗi của ai cả. Anh tin có số mệnh. Đến lúc hết duyên thì
phải đành! Anh và Thúy Loan cũng thế. Gia đình đang yên ấm, đùng một cái, Thuý
Loan bị bệnh ung thư cướp đi. Và có lẽ cũng là định mệnh xui khiến nên Thư và
anh cùng đến Sapa!
Thư nhìn
Văn, cười buồn:
- Định
mệnh bao giờ cũng nghiệt ngã đối với em. Ngày xưa đã vậy. Bây giờ cũng thế!
Văn đưa
tay nắm nhẹ bàn tay của Thư đang đặt trên bàn:
- Anh tin rằng Định Mệnh đang cười với chúng ta. Thư thấy không, tại sao chúng mình có cùng ý định đi đến nơi tận cùng của xứ sở để rồi gặp lại nhau? Anh cũng tin rằng, trong cuộc đời, không có gì gọi là tình cờ. Tất cả đã được xấp xếp trước bởi cái gọi là Định Mệnh. Trưa nay, anh nhìn thấy Thư ngồi ăn cơm với ba mẹ con bà gì đó. Thư chen vào "Bà Hân". Ừ, mẹ con Bà Hân. Anh đã không tin là mình có cái may mắn gặp lại Thư. Đến tối nay thì anh mới chắc.
- Anh tin rằng Định Mệnh đang cười với chúng ta. Thư thấy không, tại sao chúng mình có cùng ý định đi đến nơi tận cùng của xứ sở để rồi gặp lại nhau? Anh cũng tin rằng, trong cuộc đời, không có gì gọi là tình cờ. Tất cả đã được xấp xếp trước bởi cái gọi là Định Mệnh. Trưa nay, anh nhìn thấy Thư ngồi ăn cơm với ba mẹ con bà gì đó. Thư chen vào "Bà Hân". Ừ, mẹ con Bà Hân. Anh đã không tin là mình có cái may mắn gặp lại Thư. Đến tối nay thì anh mới chắc.
Cả hai
nói chuyện, chừng nhìn lại chung quanh, thấy tất cả thực khách đã rời phòng ăn,
kể cả mẹ con bà Hân. Lửa trong lò sưởi cũng sắp tàn. Văn đề nghị:
- Còn sớm.
Anh mời Thư đi uống cà phê với anh. Ngoài phố có một quán cà phê rất ấm cúng.
Cả hai
lên phòng lấy áo ấm và rời khách sạn. Bên ngoài trời tối om. Đèn hai bên đường
tỏa ánh sáng vàng vọt. Văn dìu Thư lên dốc, như ngày xưa ở Đà Lạt. Nàng cảm thấy
ấm áp và hạnh phúc. Ngày xưa ở Đà Lạt thì tuy ấm áp, nhưng cả hai đều đau khổ
quắt quay! Nước mắt và nước mắt!
Hai người
chọn một bàn nhỏ trong góc. Quán nhỏ nhưng trang trí khá sang trọng và đẹp mắt.
Nhạc êm dịu vừa đủ nghe. Thư muốn một ly cà phê sữa nóng. Văn nhăn mặt:
- Em không
sợ tối nay mất ngủ sao mà còn uống cà phê?
Thư cười
nhẹ:
- Đàng
nào thì em cũng sẽ không ngủ được. Thêm
một ly cà phê cũng thế thôi!
Bây giờ
Thư mới có thì giờ nhìn Văn kỹ hơn. Vẫn mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh, nhưng giờ đã
có nhiều sợi bạc. Vẫn cặp mắt hạt dẻ, to đến lạ lùng đối với một người đàn ông.
Tinh anh ngày xưa, giờ đây nhuốm chút mệt mỏi. Vầng trán rộng với vài nếp nhăn.
Nhưng nụ cười vẫn thế. Nụ cười ngày nào đã làm mê đắm bao nhiêu con tim, trong đó
có nàng.
- Thế nào
Tiểu thư? Thấy anh thay đổi nhiều lắm không?
Tim nàng
như ngừng đập. Thư nhắm mắt. Hai tiếng "Tiểu thư" của những ngày xưa
thân ái khiến nàng xúc động đến nghẹn ngào. Thư mím môi, cố ngăn giòng nước mắt
chực trào ra. Tiếng Văn nhẹ nhàng:
- Em làm
sao thế? Anh nói gì để em buồn phải không?
- Trái
lại, em đang vui lắm. Nhưng không biết sẽ vui được bao lâu?
- Bao lâu
là tùy ở chúng ta em ạ. Đối với anh, gặp lại em là một hạnh phúc bất ngờ và lớn
lao. Anh bây giờ không có gì ràng buộc. Con trai của anh và Thúy Loan năm nay mười
ba tuổi. Cháu ít tuổi nhưng tâm hồn rất già dặn đối với tuổi của cháu. Em giờ đây
cũng như anh. Nếu không có gì cản trở, chúng ta liên lạc lại với nhau. Em thấy
thế nào?
Thư đã
cười trở lại, giọng lạc quan:
- Mẹ em
giờ đã già. Bố em mất cách đây năm năm. Em tin rằng mẹ em vẫn còn cảm tình đối
với anh như xưa. Hồi đó chỉ có bố em là phản đối mãnh liệt. Nhưng anh biết đó, gia
đình em sắp đi diện đoàn tụ. Em mà lấy chồng thì kẹt lại, nên Cụ không muốn...
- Em còn
quên, ngày ấy anh chỉ là một thầy giáo nghèo kiết. Lại còn mang thêm bệnh
...nghệ sĩ chơi đàn! Ai dám gả con cho anh! Văn ngắt lời. Em theo gia đình sang
Mỹ, tương lai sẽ rực rỡ hơn là lấy một anh giáo nghèo như anh.
- Thôi
anh! Nhắc làm gì những chuyện không vui. Giọng Thư nhuốm trách móc. Thật ra lúc
đó em còn quá trẻ để cãi lại bố em. Nếu như bây giờ...
- Thì
"tiểu thư" sẽ nổi loạn chứ gì? Văn âu yếm ngắt lời Thư.
- Em không
nổi loạn, nhưng ít nhất cũng sẽ tranh đấu, không như ngày xưa chỉ biết khóc!
Giọng Văn
bỗng ngậm ngùi:
- Khi bố
em nói với anh "nếu yêu nó thật lòng thì cậu hãy để nó đi với chúng tôi. Sống
ở đây tương lai chỉ là con số không to tướng" thì anh biết rằng, dù yêu em
cách mấy anh cũng phải để em ra đi.
- Thì
ra vậy! Ngày đó em cũng chẳng hiểu sao bỗng dưng anh biến mất. Biệt tăm, sau
khi chúng ta vừa ở bên nhau suốt một tuần trên Đà Lạt. Một tuần đẹp và buồn nhất
đời em! Em đã thất vọng ghê gớm.
- Anh
biết. Dù lời xin lỗi bây giờ quá muộn màng, nhưng anh phải nói xin lỗi em! Ngày
đó anh cũng đau lắm chứ. Đau đến chẳng thiết sống. Nhưng phải để ra em đi với
gia đình thôi.
- Rồi
sau đó anh làm gì?
Giọng Văn
bỗng trở nên xa vắng, như chìm vào quá khứ mịt mùng:
- Anh làm
gì ư? Anh xuống miền tận cùng của đất nước. Ở Cà Mau, anh sống nhờ nhà một người
bạn suốt thời gian chờ em xuất cảnh. Anh vẫn liên lạc với Nhung. Nhưng dặn cô ấy
không được hở cho em biết.
- Con
nhỏ này! giọng Thư đầy trách móc.
- Đừng
trách Nhung em ạ. Cô ấy thương chúng ta, nhưng có thay đổi được gì đâu? Nhờ cô ấy
mà mình đã có một tuần lễ tuyệt vời ở Đà Lạt. Em nhớ không Thư?
Nhớ không?
Sao mà không nhớ! Trước khi xuất cảnh, Thư xin phép bố mẹ lên Đà Lạt chơi một
tuần với Nhung. Gia đình Nhung ở Trại Hầm. Hai cô là bạn chí cốt, tuy chỉ học với
nhau từ lớp mười, nên bố mẹ Thư không hề nghi ngờ Văn cũng lên Đà Lạt. Chàng ở
nhà một bạn học cũ. Còn chỗ nào là không ghi dấu chân của hai người? Những con đường
quanh co vàng rực hoa dã quỳ. Mộc mạc, đơn sơ, nhưng không kém phần lộng lẫy. Cũng
từ thuở đó, Thư yêu nhất dã quỳ vàng. Những ngọn đồi lộng gió, những con suối rạt
rào, rừng thông xanh vi vu... đã chứng kiến bao nhiêu nụ hôn đắm đuối, bao giòng
nước mắt bi thương. Yêu nhau là thế, nhưng vẫn gìn giữ cho nhau. Ôi, Đà Lạt!
Đang thả
hồn miên man về quá khứ, Thư bỗng có cảm giác ấm áp của một bàn tay đang bóp nhẹ
tay mình, kéo nàng về thực tại:
- Kỷ niệm
đẹp quá phải không em? Anh đã mang nó theo suốt cuộc đời. Dù sau này có lập gia
đình với Thúy Loan cũng vậy.
- Anh
chưa kể em nghe anh gặp Thúy Loan lúc nào? Thư ngắt lời, không dấu được sự tò mò.
Nàng muốn biết về người đàn bà đã thay thế nàng trong tim của Văn.
- Sau
khi em đi Mỹ rồi, anh trở về Saigòn. Anh làm đủ thứ nghề có thể kiếm tiền nuôi
thân. Rồi một ngày đẹp trời, anh đang ngồi ăn cơm bụi trên đường Pasteur, một
em bé bán vé số cứ lẩn quẩn theo năn nỉ anh mua. Thương tình anh mua giúp nó 5
tấm. Thế mà Thần Tài lại chiếu cố anh. Trúng độc đắc em ạ! Anh đã dùng số tiền đó để tiếp tục học. Học mãi
cho đến khi lấy được mảnh bằng Tiến sĩ. Anh tâm niệm, ông Trời đã cho anh cơ hội,
anh phải nắm lấy. Tính anh không thích làm thương mại, nên chỉ dồn vào việc học.
- Trời!
Vậy mà con nhỏ Nhung cũng ngậm tăm, không cho em biết. Thư kêu lên, đầy kinh ngạc.
- Thì
anh đã dặn cô ấy mà. Nhất là sau khi biết em đã lập gia đình. Sau đó anh được một
công ty Nhật Bản mướn. Một lần qua Nhật họp, anh gặp Thúy Loan từ Mỹ sang. Cô ấy
làm cùng hãng, nhưng chi nhánh bên Mỹ. Anh và cô ấy trao đổi thư từ, đôi lần Thúy
Loan về Việt Nam thăm anh. Sau hai năm tìm hiểu thì chúng tôi đã làm đám cưới và
cô ấy bảo lãnh anh qua Mỹ luôn. Anh nghĩ rằng mình đã yên phận.
- Điều
này thì em biết. Nhung nó có báo cho em hay anh lập gia đình và đã qua Mỹ sống.
Em cũng không hỏi thêm vì muốn quá khứ ngủ yên. Phần em gặp Dư qua một người bạn
cùng sở. Thấy anh ấy đứng đắn, hiền lành nên em đã đồng ý lập gia đình. Không
ngờ số em thật chả ra gì!
Văn trầm
ngâm một lúc mới lên tiếng, mắt nhìn đăm dăm vào cốc cà phê đã cạn:
- Anh
nghiệm ra rằng, cuộc đời tuy là của mình, nhưng chính nó xấp xếp cho mình, chứ
mình không thể xấp xếp nó theo ý mình được em ạ. Vì thế mà khi thấy cuộc đời êm
ả quá, chớ vội mừng. Biết đâu những bất trắc mà cuộc đời dành cho mình đang rình
mò phía trước!
- Em thấy
cuộc đời đã dành cho em quá nhiều bất hạnh. Bây giờ em chỉ cầu được yên ổn. Thư
thở dài!
- Nhưng
bây giờ chúng mình đã gặp lại nhau. Ngày xưa không tranh đấu, chẳng lẽ giờ cũng
chịu buông xuôi? Anh thì không!
Nhìn cặp
mắt nâu mở lớn sáng long lanh của Văn, Thư cảm thấy mình vẫn bị chết đuối trong
ấy, giống y như hai mươi năm về trước. Nàng cười, dịu dàng:
- Được
rồi. Lần này nhất định không chịu thua Định Mệnh!
Văn cầm
bàn tay Thư đưa lên môi:
- Có thế
chứ, Tiểu thư!
Thư cảm
động bồi hồi, nói không nên lời. Cặp mắt cay cay.
Văn đứng
lên:
Trên đường
về, Thư không phản đối khi Văn ôm vai nàng. Trái lại Thư còn ngả đầu vào vai chàng,
như những ngày ở Đà Lạt. Cà phê Tùng buổi tối. Trên đường về cũng thế. Tay
trong tay. Ấm áp tuyệt vời! Nhưng lần này tâm hồn phơi phới như chấp cánh bay.
Cả hai
dừng lại trước phòng Thư. Trước khi đóng cửa, nàng ngước lên:
- Anh!
Văn cúi
xuống. Nụ hôn nóng bỏng thay lời chúc ngủ ngon. Nhưng cả hai cùng biết chắc một
điều, không ai có thể nhắm mắt! Không phải vì Mùa Xuân của đất trời Sapa, mà vì
mùa xuân trong lòng họ đang dâng trào mạch sống!
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét