Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Chứng Ngộ


“Trẻ vui nhà già vui chùa”, nhưng Sao Khuê chưa kịp vui chùa thì bị “cô vít” vít lại ở nhà thế rồi... Ngộ thật, tình cờ Sao Khuê gặp một nhóm các anh chị thích học hỏi, nghiên cứu, thực hành về thiền và Pháp Phật theo Phật giáo nguyên thủy.

Đúng là ‘hữu duyên thiên lý năng tương ngộ và vô duyên đối diện thấy thương liền”. Cùng hội đồng thuyền, chúng tôi có duyên tao ngộ, hạnh ngộ, hội ngộ, tái ngộ trên diễn đàn, kể ra thì cũng ngồ ngộ!

Đa số chúng tôi lại chung một cảnh ngộ là tuy không có Job nhưng vẫn được phát lương, thế mới thật là ngộ nghĩnh. Xin quý vị đừng ngộ nhận là chúng tôi được ăn trợ cấp an sinh xã hội nhé. Sợ dĩ chúng tôi được nhà nước đãi ngộ là vì chúng tôi, phần lớn đã quá cái tuổi thất thập cổ lai hi, nên được hưởng tiền già và ngộ nhỡ tiền già không đủ tiêu thì cũng có tiền hưu hay là tiền của con cháu đút túi cho. Tuy vậy lũ trẻ sau này ngộ lắm. Chúng cứ nghĩ khi về già rồi thì đâu cần tiêu pha gì nhiều nên cái mục đút túi này thì chúng quên y như chúng mình ngày xưa, quên bổn phận đối với cha mẹ.

“Ngộ biến phải tòng quyền” nên chúng tôi phải giảm chuyện ăn chơi du lịch. Chúng tôi ở nhà hú hí « long distance » với nhau qua máy tính, cell phone hay iPad. Sao Khuê vẫn gọi mấy cái iPad xinh xinh là người Tình. Các em iPad được Sao Khuê viết tặng một bài thơ tự do như sau:

Mỗi tối trước khi ngủ, mỗi sáng khi vừa thức dậy, nằm trên giường, ta ôm ấp Em, người tình, khuôn mặt chữ điền, thật hiền.
Em nhỏ bé mà thông minh đáo để. Em lặng thinh mà kiến thức bao la. Em mang tin bạn từ xa, đến với ta...
Em còn biết trả lời điều người ta mong mỏi. Nhiều chuyện nay, chuyện xưa, chuyện nắng chuyện mưa, chuyện trưa chuyện tối; chính trị rối bời, thơ văn âm nhạc, tin tức nóng hổi; sao cái gì em cũng rành, cái gì em cũng biết…nên xuân sang hoa nở, nắng hè rực rỡ, đông qua tuyết đổ, tình thu bồi hồi, bốn mùa em vẫn cùng ta chia sẻ, khiến ta không nỡ rời em, iPad.

Sao khuê có nhiều “người tình” được truyền tay từ con, cháu nên đôi khi các em cũng hay dở chứng, nhiều khi cứ ỳ ra không chịu làm việc. Sao Khuê cũng mong các em mau tỉnh ngộ, biết điều để đền ơn tri ngộ vì thực ra các em đâu còn dĩnh ngộ như lúc mới ra lò?

Nãy giờ chắc quý vị tẩu hỏa nhập ma vì cứ nghe tới nghe lui cái chữ “ngộ”.
Quý vị à, theo quý vị thì NGỘ là danh từ, tĩnh từ hay động từ?
Chữ Ngộ quả thật rất ngộ.Tùy theo cách dùng mà ngộ có khi là tính từ (attribute), tĩnh từ, kết từ, động từ.

Những chữ ngộ trong tái ngộ, tương ngộ, ngộ biến phải tòng quyền... là những động từ tức là những từ ngữ có khả năng... động đậy như: “đôi ta mới ngộ hôm nay, một đêm là ngãi, một ngày là duyên”.

Ngộ nghĩnh, dĩnh ngộ là những tĩnh từ như: cái tên em nghe ngộ quá, em bé này ngộ ghê

Văn phạm Việt bây giờ còn có thêm cái gọi là tính từ (=attribute), tính mang dấu sắc, chỉ đặc tính như người khôn, chó ngộ - chó ngộ, tiếng Quảng, có nghĩa là chó dại chó điên.
“Nhớ mang theo áo ấm ngộ trời trở lạnh” thì chữ ngộ được xếp vào kết từ (?) trong văn phạm.

Ngộ nghĩa là gì?

Từ điển Hán Việt thấy có 3 nghĩa chính của các chữ "ngộ":

- 悟: có nghĩa hiểu ra, vỡ lẽ; mở tâm thức, không còn mê muội nữa. Như "hoảng nhiên đại ngộ", bỗng nhiên bừng mở tâm thức, bỗng nhiên "giác ngộ", "tỉnh ngộ".
- 遇: có nghĩa gặp (nhau), như "hội ngộ", "tương ngộ", "tái ngộ", "ngộ nạn";

có nghĩa đối đãi, như "đãi ngộ",
có nghĩa là dịp, cơ hội, như "giai ngộ", "cảnh ngộ".

- 誤: có nghĩa là sai lầm, mê hoặc, làm hại, như "ngộ độc", "ngộ sát", "ngộ rượu"... có nghĩa vui vui như, đẹp dễ thương ‘ngộ thật’, "ngộ nghĩnh", "dĩnh ngộ".

Tránh cho quý vị bị “ngộ độc” bởi ngôn từ, Sao Khuê xin trở lại nhóm học Phật của chúng tôi kẻo lại mang danh ngộ sát mất.

* Theo bài viết của bác sĩ Trịnh Đình Hỷ trong blog “Chim Việt cành Nam” thì:

Giác ngộ hay chứng ngộ (Anh: awakening, enlightenment, Pháp: éveil, illumination), được dịch từ tiếng pali và sanskrit bodhi, phiên âm sang Hán-Việt là Bồ Đề, có nghĩa là hiểu biết hoàn toàn (bao hàm ý "giác=tỉnh dậy", "ngộ=hiểu", "chứng= tự mình kinh nghiệm").

Ngộ, gốc của chữ là √budh, có nghĩa là hiểu biết. Buddha (Phật, Bụt) là người đã hiểu biết trọn vẹn sự thật về cuộc đời, theo truyền thuyết đạt được giác ngộ sau 7 tuần thiền định dưới gốc cây Bồ Đề.

Thật ra, khi còn tại thế, Siddhāttha Gotama không bao giờ được gọi là Buddha, Phật. Ngài tự xưng mình là tathāgata (HV: Như Lai) nghĩa là " đã tới như vậy ", là “người đã tự giải thoát hoàn toàn khỏi những phiền não và lậu hoặc của cuộc đời” , và các đệ tử gọi ngài là Bhagavān (HV: Thế tôn). Một thời gian khá dài sau khi ngài tịch diệt, người ta mới gọi ngài là Buddha, đấng "giác ngộ hoàn toàn".

** Giác ngộ trong đạo Phật nguồn gốc (nguyên thủy)

Theo đạo Phật nguồn gốc hay cổ xưa, có 3 loại giác ngộ: giác ngộ của hàng Thanh văn (sāvaka-bodhi), của hàng Duyên giác (pacceka-bodhi), và của đức Phật Chánh đẳng Chánh giác (sammā-sambodhi).

Đối với đa số các nhà Phật học (10), giác ngộ chính là sự hiểu biết trọn vẹn - không chỉ bằng trí thức, mà bằng kinh nghiệm - của các sự thật mà đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy, tức là 4 Thánh Đế, 3 Pháp Ấn (khổ, vô thường, vô ngã) và lý Duyên khởi.

Như vậy, có thể nói rằng trong đạo Phật cổ xưa, giác ngộ có tính chất tuần tự, đạt được dần dần, từng giai đoạn một, và cần đến một sự cố gắng luyện tập liên tục.

** Giác ngộ trong đạo Phật Đại Thừa (Mahayana)

Đối với đạo Phật nguồn gốc, dạy bởi đức Phật Thích Ca, mục đích là sự diệt khổ (nirodha) đưa tới Niết Bàn, chứ không phải là giác ngộ (bodhi) - chỉ là một phương tiện để đạt tới, tuy là cốt yếu.

Đối với Đại Thừa, giác ngộ mới là mục đích quan trọng nhất, mà mọi Phật tử đều mong đạt được, bằng các phương tiện gọi là phương tiện thiện xảo (upāya kausalya)…

Không biết quý vị hiểu được bao nhiêu nhưng Sao Khuê thì vẫn “mơ huyền” nên lại phải tầm sư học thêm:

* Đạo hữu KP cho biết:
** Giác Ngộ trong Đạo Phật Nguyên Thủy thì Sư U Silananda giảng như sau: Dựa theo lời dạy của Ðức Phật, Giác Ngộ là sự chứng đắc được Tứ Diệu Ðế và sự diệt tận được tất cả ô nhiễm trong tâm.

Chứng đắc được Tứ Diệu Ðế có nghĩa là phải chứng thực qua chính kinh nghiệm bản thân và trong giây phút này, trong tâm thức người hành giả sẽ sanh khởi tâm thánh đạo (Magga citta). Ðây là một tâm sở hoàn toàn mới, ngộ tột cùng, viên mãn.

Nếu nói đến sự thành đạt Tứ Diệu Ðế thì Giác Ngộ chỉ có một nhưng nếu đặt vấn đề tận diệt ô nhiễm trong tâm thì Giác Ngộ có 4 tầng:

-Tầng Giác Ngộ thứ nhất, Nhập Lưu (Tư-đà-hoàn, sotapanna): Một vị Nhập Lưu tận diệt được hai ô nhiễm: tà kiến và hoài nghi.

-Tầng Giác Ngộ thứ hai, Nhất Lai, (Tư-đà-hàm, sakadagami): vị nầy không tận diệt được thêm một ô nhiễm nào khác, nhưng những ô nhiễm còn lại trong tâm trở nên yếu đi.

-Tầng Giác Ngộ thứ ba, Bất Lai, (A-na-hàm, amagami): Thêm hai ô nhiễm nữa là ái dục và sân hận được diệt tận, tức là không còn bị bám níu vào bất cứ đối tượng của giác quan và không còn bị chi phối bởi sự giận dữ, ganh tị hay sợ hãi, ưu phiền nữa.

-Tầng Giác Ngộ thứ tư, A La Hán (arahan): Nếu vị Bất Lai tiếp tục hành thiền, đạt được kết quả cuối cùng là tầng thánh giải thoát A La Hán. "A La Hán" nguyên nghĩa là bậc đáng cung kính, đã tận diệt mọi ô nhiễm còn lại trong tâm. Các ô nhiễm này sẽ không bao giờ trở lại dù vị này còn mang thân xác làm người. Tâm của các vị này trong sạch như vậy nên họ không còn tái sanh.

Theo như những lời giảng trên thì sau khi giác ngộ ở tầng 1, 2, 3 , tâm hành giả vẫn còn ô nhiễm nên vẫn còn Khổ. Chỉ đến khi đắc quả A La Hán thì hành giả mới tận diệt được mọi ô nhiễm và hết khổ.
…Quý vị đã hết khổ chưa? Hình như chưa. Như vậy chứng tỏ rằng quý vị chưa thể nào đạt đến tầng thứ tư để thành A la hán, vậy thì còn tầng thứ ba, thứ hai... quý vị đang ở tầng nào?
Quý vị chưa biết ở tầng nào hả, thế thì chịu khó đọc thêm nữa nè.
Nếu nghiên cứu kỹ cách sử dụng danh từ Ngộ và Giác (Bồ-đề) trong các kinh luận, thiền ngữ Trung Quốc, người ta có thể thấy được một sự khác biệt tinh tế trong cách sử dụng.

- Ngộ thường được dùng để chỉ cái kinh nghiệm vừa hiểu rõ ra ngay thức thì. Một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là Kiến tính (j: ken-shō). Ðại ngộ triệt để cũng thường để chỉ sự Giác ngộ tột cùng.

- Giác ngộ là một từ Hán-Việt có nghĩa là: tỉnh ra mà hiểu rõ. Giác có nghĩa là: tỉnh dậy, cũng như trong câu thơ “Giác lai vạn sự tổng thành hư” (Tỉnh ra vạn sự cũng là không) của Nguyễn Trãi. Giác ngộ tiếng Pháp là éveil, hay illumination; tiếng Anh là awakening, hay enlightenment; bao hàm ý nghĩa: bừng tỉnh và chói lòa ánh sáng. Tiếng Pali và Sanskrit là: bodhi (phiên âm là bồ-đề). Bodhi cũng như Buddha phát xuất từ tiếng gốc bud, là: hiểu biết.

Giác ngộ, bodhi là nhờ ở trí tuệ (hay trí huệ) Bát nhã, là sự hiểu biết không phải chỉ bằng trí thức, lý luận, mà bằng sự cảm nhận sâu xa, bằng kinh nghiệm sống trực tiếp. Do đó, giác ngộ cũng còn gọi là tuệ giác.

Giác ngộ cái gì: giác ngộ ra Sự thật theo giáo lý của Đức Phật:

Tứ thánh đế là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ;
Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và khổ;
Lý Duyên khởi là sự tương quan trong sinh diệt của mọi việc.

Đó là những sự thật mà Đức Phật đã giác ngộ ra và giảng dạy. Phải hiểu rõ những sự thật này, theo đó mà tu tập, theo con đường bát chánh đạo thuộc vào ba môn tu học là: giới, định, tuệ. Phải hiểu biết rồi mới thực hành được. Như vậy, phải giác ngộ rồi mới giải thoát được…

Khó hiểu thật, nhất là với quý vị chưa học về các “sự thật” này.
Thôi nôm na thế này nhé:

Sự thật là những cái có sẵn trên đời nhưng mình không hay chưa nhìn ra giống như mặt trời lúc nào cũng có đó nhưng nếu bị mây đen che thì mình không nhìn thấy.

Tứ diệu đế về Khổ? Ai ở trên đời chưa từng khổ, khổ vì Tham: tham tình, tham tiền, tham đủ thứ rồi muốn giữ chặt cái mình thích và ghét cái mình không ưa. Muốn hết Khổ phải Tu. Tu thì phải học (đọc truyện của Sao Khuê là đang học đấy!).

Tam pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã. Học để hiểu ra trên đời không có gì tồn tại mãi mãi tức mọi việc (pháp) đều vô thường (1) không thường hằng. Never nghe quý vị. Các cô chớ dại tin: “nếu trên đời có gì vĩnh cửu được – thì em ơi, đó là tình hai chúng ta” nhe. Quả địa cầu ngày kia cũng biến mất, nói gì tình, tiền, mạng sống. Cái gì biến đổi và không có mãi như trước không vĩnh cửu gọi là vô thường, nó y như đám mây trên trời, biến dạng liên tục. Mà mây là mây, là nước hay là mưa nếu không có nóng có lạnh nghĩa không tự nhiên có được mây nên mới nói nó vô ngã (2), nó tùy thuộc các yếu tố khác gọi là duyên như nóng, lạnh mới có được… Khi không có độc lập tự do, lại lúc có lúc mất thì Khổ (3) là chắc rồi.

Tới đây mà quý vị như Sao Khuê, chưa hiểu được thì đành bó tay.com hay là quý vị cứ tạm hiểu như Sao Khuê rồi thì mai mốt lại nghiên cứu nữa nhé. Cái tạm hiểu này cũng qua bao nhiêu năm ăn “quả khổ”đấy nhe:

Không có một cái gì mà tự nhiên từ trên trời rơi xuống, ngay cả mưa, mưa cũng phải qua quá trình nước gặp nóng, bốc hơi, kết thành mây, mây gặp lạnh đọng thành hạt nước rơi xuống đất thành mưa. Người ta muốn ngộ - đột nhiên hiểu rõ ra chuyện gì đó cũng phải trải qua một thời gian dài suy tư.

Ngộ ra cái gì thì tùy quý vị đang nghiên cứu học hỏi cái gì.
Thí dụ “Yêu”, như quý vị biết yêu là khổ, không yêu thì lỗ, rồi ngộ ra thà lỗ còn hơn khổ.
Thí dụ “Lập gia đình”: quý vị biết ở một mình thì buồn, ở hai mình thì bực nên đa số chúng ta giác ngộ thà bực hơn là buồn nhưng rất nhiều người giác ngộ thà buồn hơn là bực. Một số ít lại thích bộ ba, bốn người vì họ thích bực, bực rồi buồn bực... (một vợ nằm giường Lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ xuống chuồng heo mà nằm). Họ ngộ ra chữ Không, không có vợ nào bên mình đấy quý vị ơi.

Sau khi thỉnh được kinh vô tự, Tôn hành giả tức Tề Thiên Đại Thánh ngộ được chữ KHÔNG. Tôn ngộ Không, nhập Niết bàn thành Đấu Chiến Thắng Phật.

Nếu quý vị học Phật thì quý vị sẽ ngộ ra những lời Phật dạy, sau đó sẽ giác ngộ ra rằng
Đời: c’est la vie. Tiền: c’est l’argent. Tình: c’est l’amour.
Chắc là quý vị cho Sao Khuê đang nói đùa, nhưng nếu quý vị đã học lâu năm và được đời chơi mình như chơi bóng đá, quý vị sẽ giác ngộ ra vũ trụ, đời sống vận hành theo một cái định luật của Tự Nhiên nào đó mà mình phải tuân theo, không sửa đổi được, nhưng mình có thể nương theo đó rồi TỰ sửa đổi cho tốt hơn, như học chưa thông thì học nữa, học mãi sẽ hiểu ra...(Sao Khuê nghe thầy giảng vậy)

Nếu quý vị cứ suốt đời lo lắng, sợ hãi thì quý vị học Phật nên chịu khó nghe pháp thoại. Nghe rồi, học rồi, rồi ngẫm nghĩ (tư duy), rồi thực hành, chứng nghiệm với bản thân. (cũng lời các thầy giảng) . Ngày nào đó, như trái bóng đá mang tên Sao Khuê nè, quý vị sẽ giác ngộ ra mình nên lặng thinh chấp nhận mọi việc xảy đến, mọi việc đều tùy duyên đến rồi đi, sinh diệt một cách…”mờ ám”: nhưng sao (đến) đi mà không bảo gì nhau, để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại” (thơ Nguyên Sa). Kế đó Mình xin quy y thầy mackeno, theo thuyết mackenism. Mình hết dám cằn nhằn, oán trách người hay số phận. Mình đành lòng vui vẻ thích nghi với hoàn cảnh xảy đến, chấp nhận lúc nắng thì đội nón, lúc mưa thì che dù, chỉ vì mình không bắt được Trời ngưng mưa hay đi chơi với mây cho mình đỡ nóng, dại gì mà đầu đội mưa, chân đạp cát nóng nhỉ, dại sao mà càu nhàu hé…

Chấp nhận, thích nghi, lèo lái hoàn cảnh, chúng ta sẽ buông xả được tất cả những nỗi lo buồn và sống an nhiên tự tại.
Một thí dụ quý vị nhé:
Một căn bệnh đến (khổ thân), người thân yêu rời xa (khổ tâm): vì đời sống có vui có buồn có sướng có khổ mà. nhưng Ta chỉ muốn giữ cái vui và khi không giữ được thì Ta “thọ” khổ.

Nếu Ta giác ngộ, tỉnh giác hiểu ra lẽ vô thường, duyên hợp-tan, hoại-diệt thì mọi chuyện rồi cũng qua đi (À, nếu nó vẫn còn đó mà chưa qua thì có nghĩa là nó chưa qua chứ không phải là nó không qua à nghe. Nếu muốn nó mau qua thì quý vị cứ chịu khó Niệm: qua đi, qua đi, qua đi, qua đi hay chú tâm đọc Bát nhã tâm kinh để rõ nghĩa hơn về mọi pháp hữu vi đều Vô ngã, Vô thường thì “tâm đang níu giữ” sẽ nới lỏng dần rồi buông ra được: yết đế, yết đế, bala yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha), sau đó còn đau thì kiếm thuốc mà uống, mà thoa, kiếm máy massage mà bóp…

Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi, chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi....
Phạm thiên Thư

Đấy, ngộ ra là “có ngần ấy thôi”, không mong cầu nhiều hơn nhé, buông tay thả ra như bóng bay, không giữ lại nhé.

Không còn mong muốn thường hằng, không còn ghét bỏ, không còn nắm giữ, rồi bước vào cái tịch tĩnh, hư vô:

Hư vô

Khi xưa tôi chẳng làm thơ
Khi xưa tôi đã rất dại khờ...
Như cây, hoa, quả, chờ mùa... chín
Tôi, với thời gian, ... “viết thành thơ “
Nhưng tôi chưa hết dại, khờ:
Mà thời gian, vốn ơ hờ, vẫn trôi
Thời gian qua, đã qua rồi
Chưa từng trở lại, chưa lui trở về
Mà tôi, sao cứ mải mê
Ngoảnh lại sau lưng “xề” quá khứ
Và còn nghển cổ ngóng tương lai...
Hận sầu đằng đẵng kéo dài
Thêm lo sợ tới, ngày mai thế nào?
...
Sáng nay thức dậy, vui sao
Ngọt ngào Buông, Xả, bước vào hư vô…

Sao Khuê

Eurêka! Chúng ta đã chứng ngộ Niết bàn.
(*) Viết theo tài liệu trên mạng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét