Sông Vu Gia
Trên bản đồ của Google có ghi tên quê tôi là "Thôn Tây An", đây là tên gọi hành chính, có nguồn gốc Hán-Việt, mang ý nghĩa mong ước sự bình yên. Nhưng quê tôi còn có một cái tên bình dân nghe rất lạ: Xóm Đùng. Lớn lên tôi có học ngành ngôn ngữ, đọc các sách về từ nguyên học, có ý truy tìm ý nghĩa của tên gọi này nhưng đến nay vẫn chưa hiểu được. "Đùng", không có vẻ gì Hán-Việt, cũng chưa tìm thấy mối liên hệ gần xa nào đến thổ ngữ Chăm, hay các cổ ngữ khác. Về địa hình thì xóm Đùng bao gồm cả khu vực làm nhà ở và ruộng vườn (cấu tạo chủ yếu trên nền đất sét) ở bờ đông nam sông Cầu Đỏ lẫn khu vực chuyên trồng hoa màu (cấu tạo chủ yếu là đất cát) ở bờ tây bắc con sông. Ông bà tôi khi đi trồng hoa màu bên kia sông thì nói là "qua bên đùng", khiến có lúc tôi nghĩ có thể "đùng" là một vùng đất cát trồng hoa màu chăng, nhưng rồi chẳng tìm thấy một định nghĩa chung nào như vậy. Gần đây, khi dự lễ cúng ở Miếu Xóm, tôi nghe đọc văn tế có đoạn "Quy đông, Quy tây, Đà ly, Nội đồng tứ xứ"; người xướng âm chữ "Nội đồng" nghe thoáng qua như "nội đùng", bất chợt tôi nghĩ hay là "Đùng" đơn giản chỉ là một cách phát âm địa phương của "Đồng" ở một thời nào đó, rồi lưu giữ đến nay chăng?
Xóm Đùng, hay thôn Tây An quê tôi, thuộc về làng Phong Lệ, một tên làng được biết đến nhiều từ thế kỷ 19 do gắn với sự nổi tiếng của danh nhân Ông Ích Khiêm, người quê làng Phong Lệ, và đến thế kỷ 20 thì còn được biết đến trên thế giới do gắn với các di tích của văn minh Champa được các nhà khảo cổ Pháp và Việt Nam phát hiện, viết bài nghiên cứu và đem hiện vật về trưng bày ở bảo tàng, ghi nguồn gốc xuất xứ "Phong Lệ, Quảng Nam".
Làng Phong Lệ
Tên gọi làng Phong Lệ xuất hiện từ thế kỷ 19 thay cho tên làng Đà Ly đã có trước đó. Trong sách địa bạ thời vua Minh Mạng đầu thế kỷ 19 còn ghi tên làng Đà Ly và đặc biệt trong bản đồ Hồng Đức (bản thế kỷ 17) có ghi tên "Đà Ly xã" bao trùm khu vực này. "Đà Ly" là cách dùng chữ Hán để ghi một âm địa phương nào đó có phát âm tương tự âm "Đà Ly" của chữ Hán. Cách thức này có thể nhận biết ở một số địa danh khác ở miền Trung Việt Nam, vốn xưa kia là vùng đất sinh sống của cư dân Champa. Đứng về mặt chiết tự thì trong chữ Đà và chữ Ly của chữ Hán đều dùng bộ "Mã"( con ngựa), người ta nói đây là lý do khiến cho các vị nhân sĩ Nho học thế kỷ 19 không thích tên gọi này mà đổi tên làng thành "Phong Lệ", có ý nghĩa là "tốt đẹp".
Tương truyền làng Phong Lệ (Đà Ly) xưa kia rất rộng lớn. Cho đến nay thì dấu vết còn lại cho thấy ít ra làng Phong Lệ đã bao trùm hầu hết các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây của quận Cẩm Lệ (tên cũ gọi chung là Phong Bắc, nghĩa là khu vực bắc của Phong Lệ) và xã Hòa Châu của huyện Hòa Vang (tên cũ là Phong Nam, nghĩa là khu vực nam của Phong Lệ). Người xưa nói "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành ruộng dâu) để nói về sự chuyển dịch nhanh chóng của địa lý và sự thay đổi kinh ngạc của mọi sự trên đời. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng chỉ nhìn ở một làng nhỏ quê tôi, làng Phong Lệ cũng đã thấy sự đổi dời nhanh chóng. Theo lời kể của ông bà tôi, mới cách đây chưa đầy 100 năm, con sông nay gọi là sông Cầu Đỏ xưa kia chỉ là con mương nhỏ được đào ở giữa xóm, nhưng rồi dòng chảy của con nước sông Vu Gia từ thượng nguồn đã nhân con mương này mà thay đổi hướng đi, xói lở tạo thành con sông lớn chia đôi xóm Đùng thành một bờ đông nam là nhà vườn và một bờ tây bắc là đất hoa màu; đến thế hệ cha mẹ tôi thì thay vì đi "qua Đùng" bằng cầu đã phải đi qua Đùng bằng thúng (thuyền thúng). Khu vực đình, miếu của làng Phong Lệ, nguyên tọa lạc ở gần bờ sông, sau do lòng sông mở rộng, và đường quốc lộ đi qua, đã phải di dời đi nơi khác. Tôi nghe cha mẹ và các anh tôi nói chuyện về nhà "cậu Đối", "dì Hốt" và nhiều bà con khi xưa ở khu vực bờ sông, nay đi qua Cầu Đỏ, nhìn phía chân cầu chỉ thấy mênh mang một bến nước.
Làng Túy Loan
Ngôi vườn của cha mẹ và anh em tôi ở xóm Đùng nguyên là vườn của ông bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi người họ Dương, sinh ở làng Túy Loan. Làng Túy Loan ở về phía tây của làng Phong Lệ, cách khoảng mười ngàn mét, trước kia sách vở ghi tên làng là Thúy Loan, một cái tên Hán Việt có ý nghĩa là ngọn núi tròn, xanh biếc, rất đẹp; sau có lẽ do đọc âm "túy" khỏe hơn nên người ta đọc và ghi thành "Túy Loan" như hiện nay. Túy Loan cũng là làng ven một sông nhỏ, chạy từ miền núi phía tây xuống qua khỏi làng Túy Loan thì hợp lưu với sông Vu Gia thành dòng chung là sông Cầu Đỏ/Cẩm Lệ.
Túy Loan xưa kia cũng là một thị tứ, nơi giao lưu buôn bán giữa miền ngược, miền xuôi; nếp sống của cư dân Túy Loan vẫn còn lưu giữ những nét có khác hơn khu vực thuần túy nông nghiệp. Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi thấy người em trai của bà ngoại tôi từ Túy Loan xuống thăm chị, chúng tôi gọi ông là "Ông Bát", theo cách gọi của mọi người dành cho ông khi ông có tước phong của triều đình Huế vào hàng bát phẩm. Ông Bát có khuôn mặt hiền hậu, trán cao, thường nói chuyện thơ văn và nhắc nhở con cháu sống đạo đức. Anh em tôi còn nhớ một câu ca ông hay đọc "Người trồng cây kiểng người chơi, Ta trồng cây Đức để đời về sau".
Bà ngoại tôi có khuôn mặt, dáng người hiền hậu như em trai. Khi bà ngoại đã cao tuổi, có thời gian chiến tranh sống một mình ở quê nhà; tôi lúc ấy còn nhỏ được cha mẹ cho về ở lại ngủ qua đêm với bà ngoại cho vui. Buổi tối, không đèn không điện, tôi thấy bà đem những hạt cơm nguội rải trên cái trẹt đậy miệng ảng nước; bà nói để cho lũ chuột có cái ăn. Lên giường cuộn tròn trong lòng bà, tôi nghe những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cười, giọng bà rủ rỉ thì thầm, xen kẻ bởi những tiếng súng đi đoàng xa xa vọng lại. Tôi nghe giải thích và làm theo những tập tục như thấy bà ngoại làm. Có chuyện gì băn khoăn bà đều thì thầm khấn vái, cầu nguyện với "Ông Táo", thỉnh thoảng bà mua bát đường và chiếc bánh tráng đặt nơi bếp để cúng, tạ ơn ông Táo đã nghe và giúp đỡ chuyện bà cầu nguyện. Đêm giao thừa, bà ra giếng xách nước đổ đầy ảng nước dưới bếp, đến sáng sớm mùng một Tết, bà ra giếng xách một gàu nước đổ cho nước tràn qua miệng ảng; bà nói làm như vậy để cho quanh năm được sung túc, không bị khó khăn, thiếu thốn. Mấy ngày Tết bà không quét nhà, bà kể tôi nghe câu chuyện về hạt thóc và giải thích lý do việc không quét nhà… Nhiều câu chuyện sau này tôi đọc và cùng với ông Jim Lawson dịch ra tiếng Anh trong tập sách "Truyện dân gian Việt Nam" tôi đã được nghe bà kể ngắt quãng trong những đêm tối trời rập rình sống chết ở quê nhà.
Ông ngoại tôi người họ Lê, gốc nhiều thế hệ sinh trưởng ở làng Phong Lệ. Ông có dáng người thanh mảnh, khi tôi còn nhỏ thì râu tóc ông đã bạc. Ông hay giúp anh em chúng tôi tập làm những đồ vật khi có môn thủ công trong năm học, như đan các rổ nhỏ, dán cái quạt, làm chiếc lồng đèn hay nặn một quả cà, cái cối bằng đất sét. Tôi không biết nhiều về thời trai trẻ của ông ngoại, chỉ biết thoáng qua là ông có thời kỳ đi lính xa nhà bởi vì một lá thư của ông mà bà ngoại tôi thuộc nằm lòng. Sau này tôi hiểu rằng vào cái thời của ông ngoại, người ta viết những lá thư tâm tình ở dạng thơ ca, có thể là có sự hỗ trợ của những người có khiếu thơ; và dù thế nào thì người được nhận lá thư ấy rất xúc động và trân trọng, kể cả khi người nhận không trực tiếp đọc được mà phải nhờ có người khác đọc. Bà ngoại tôi cũng đã nhờ người đọc lá thư của ông ngoại gửi cho bà thời trai trẻ và bà nhớ mãi để đọc cho chúng tôi nghe khi ông ngoại không còn nữa. Tôi còn nhớ đoạn mở đầu của lá thư là những dòng thơ qua giọng đọc của bà:
Ngồi vườn hạnh thấy bướm ong phưởng phất,
Giục tấm lòng tả bức thơ loan
Gửi mây đưa cho tới bạn vàng
Niềm ân ái cho nàng tỏ rạng
Kể từ buổi sông Ngân ta mà gặp bạn,
Nghĩa Châu -Trần nhiều nỗi thiết tha,
Bốn phía trời mây ứng hải hà
Trong dạ ngọc lòng mà tơ tưởng
Đạo vợ chồng tình thâm nghĩa trượng
Chuyện đá vàng loan phụng vầy đôi
Đêm năm canh trong dạ bồi hồi
Nhớ ngãi nường về thăm khôn đặng
Ngày trông trời mau lên mau lặn
Đêm năm canh đốt nén hương thừa….
Những tâm hồn lãng mạn như thế nhưng cũng hết sức chu đáo, lo xa. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy ở chái hiên bên hông nhà có đặt hai chiếc hòm gỗ, gỗ thô không sơn phết. Tôi tò mò tìm hiểu thì biết đó là ông bà ngoại tôi chuẩn bị cho mình mỗi người một chiếc quan tài. Xưa kia thời cuộc bất trắc, nghèo giàu bấp bênh, người ta dự phòng lúc chết, có sẵn quan tài đã chuẩn bị trước thì đỡ phần lo cho con cháu; cái "hòm gỗ thô" dự phòng ấy được gọi là "thọ đường" (ngôi nhà cầu sống lâu) chứ không gọi là "quan tài". Tuy vậy nhưng khi tôi lớn lên thì ông bà ngoại tôi vẫn con khỏe và hai cái thọ đường ấy cũng bị hư hỏng theo thời gian, khi ông bà ngoại tôi qua đời thì đều có quan tài đóng mới.
Võ Văn Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét