Trong một bữa tiệc, ngồi cùng bàn, anh chủ bút Thân Trọng An, Trần Mộng Lâm và tôi đột nhiên có ý làm một số TSYS đặc biệt nói về tờ Tình Thương của trường Y Khoa Đại Học ngày xưa. Đó là báo do sinh viên Y Khoa chủ trương, ra đời khoảng giữa năm 63, khi tôi bắt đầu năm thứ ba. Trong 3 năm đầu (PCB, Y Khoa 1 và 2) mọi người đều bận rộn, học cours, thực tập, đi nhà thương, cong lưng học vì bài vở chất cao như núi; năm thứ ba coi như được nghỉ giải lao, chúng tôi đều thoải mái, nên có thì giờ ủng hộ và tham gia để tờ báo của trường được thêm uy tín và giá trị.
Gần 55 năm đã qua, lại sắp đến tuổi cổ lai hy, trí nhớ có nhiều lỗ hổng, những gì tôi viết ra đây có thể không đúng hoàn toàn, nhưng đó cũng là kỷ niệm đẹp, mỗi khi nghĩ tới, tôi lại thấy lòng xúc động bồi hồi.
Tờ Tình Thương in khổ lớn, cỡ tờ Quốc Gia của cộng đồng Montréal hoặc tờ Văn Nghệ Tiền Phong - phần trình bày, vẽ tranh hí hoạ do Lê Thành Ý (Lisa) và Bùi Thế Khải (Kathy), đôi khi có sự đóng góp của Hoàng Thiện Căn và Nguyễn Vĩnh Đức (anh Căn qua qua đời tại Mỹ, anh Đức qua đời tại Canada cách đây mấy năm). Coi tranh của Lisa và Kathy, mọi người cười sảng khoái – anh Đức vẽ với nhiều chủ đề; Căn chỉ vẽ con gái, cô nào cũng đẹp và nhu mì (ở ngoài đời thì không hẳn vậy!)
Chủ nhiệm Tình Thương là Phạm Đình Vy – Ngô Thế Vinh là chủ bút. Lúc đó Vinh đã khá nổi tiếng với cuốn Mây bão, cuốn Vòng đai xanh chưa ra đời. Anh thường viết xã luận, nói nhiều việc liên quan đến chính trị, tranh đấu là những thứ mà tôi không mấy hứng thú. Sau này mới biết anh là người rất có lòng với đất nước, dân tộc, và tầm nhìn của anh xa hơn tôi rất nhiều.
Bỉnh bút của Tình Thương vô cùng đông đảo, tôi chỉ nhớ được một số ít: Thầy Trần Ngọc Ninh, chị Vũ Thị Thoa, các anh Trần Xuân Ninh, Lê Sĩ Quang, Hà Ngọc Thuần. Các anh Trang Châu, Phương Tuấn, Đỗ Hữu Tước làm thơ viết truyện ngắn. Anh Nguyễn Vĩnh Đức làm thơ, vẽ tranh, nhưng chuyên trị truyện dịch.
Anh Nghiêm Sỹ Tuấn hay viết truyện ngắn. Truyện của anh nặng nề, nhiều triết lý và rất buồn thảm. Có lẽ đó là vận mệnh của anh: khi ra trường đi nhảy dù rồi bỏ mình nơi chiến địa.
Trần Đoàn & Phan Nhơn viết loạt bài “thằng cu hay cái bướm” để chỉ cách sinh con trai hay con gái theo ý muốn.
Đặng Đức Nghiêm, sau tôi một lớp viết về những kỷ niệm khi học y khoa: mổ xác chết ở cơ thể học viện, lễ cầu hồn, thực tập tại các bệnh viện…sau Nghiêm gom lại in thành cuốn “Thế giới trường thuốc” mà tôi còn giữ được một bản in lại tại Hoa Kỳ.
Vũ Văn Dzi viết Liêu Trai tân thời “nàng cư lệ” mà tôi còn nhớ. Quý vị cũng biết, ở Việt Nam có 3 loại muỗi chính: anopheles truyền bệnh sốt rét, aedes aegypti có rằn ri truyền bệnh sốt xuất huyết và culex là loại hàng ngày đốt đốt chúng ta tối tăm mặt mũi. Dzi bị muỗi hành, nên bịa ra nàng Cư Lệ, tức culex, biến thành mỹ nhân đến ve vãn chàng sinh viên trẻ tuổi đẹp trai. “Sinh đưa tay sờ xuống phần hạ thể, thấy nàng không kháng cự, bèn giao hoan” Đúng điệu Bồ Tùng Linh! Anh em đọc xong cười ầm lên, không biết Vũ sinh giao hoan với muỗi như thế nào?
Anh Trần Xuân Dũng đóng góp rất nhiều thơ, vì anh quen với Vũ Hoàng Chương, học được lối thơ “Nhị thập bát tú” nghĩa là 4 câu 7 chữ: thơ rất trang trọng, quý phái lại bay bướm nên tôi thuộc rất nhiều bài. Sau đây là một thí dụ:
Hờ Hững Ai Xui
Thôi đừng trở lại nữa Bồ Lang
Chốn cũ không còn nhã nhạc vang
Thạch nữ năm xưa giờ khác lắm
Rêu xanh kia đã chiếm thân nàng.
(Đây là cảm tác truyện Thạch nữ giá Bồ Lang trong cuốn Nam Hải truyền kỳ của Hư Chu, kể truyện ma Việt Nam, thơ mộng và thanh nhã hơn Liêu trai của Bồ tùng linh)
Anh Dũng còn giữ mục “Ngang dạ” kể toàn những chuyện ngang dạ ở đời vừa triết lý, vừa tiếu lâm, đọc xong thấy dạ của mình cũng ngang phè!
Trần Mộng Lâm vốn là bạn thân nên những gì hắn viết tôi còn nhớ rõ.
- Một chàng sinh viên y khoa, đang coi sách cọp thì gặp người quen cũ tên Thư, vừa tới tuổi dậy thì, rất đẹp và ngoan, học Marie Curie, đi mua truyện bằng tranh tiếng Pháp và 2 người yêu nhau.
- “Bảy cô con gái nhà họ Hà” kể chuyện 7 chị em gái, bề ngoài rất tương thân tương ái nhưng bên trong lục đục, ghen ghét lẫn nhau. Khi một nàng lên xe hoa, mặt tươi rói vẫy tay từ giã căn nhà cũ và nói nhỏ: “Adieu l’enfer”. Một trong 7 cô con gái đó học cùng lớp với chúng tôi. Chuyện này có ác ý thấy rõ, chủ bút không để ý cho đăng khơi khơi. Lúc đó, tụi tôi hơi ớn, tưởng đâu Lâm sẽ bị sỉ vả thậm tệ, nhưng rồi êm ru…chả hiểu cô hai họ Hà hiền lành hay nàng không đọc báo.
Vũ Thiện Đạm là người rất thích văn chương, nhưng không viết, lo việc phát hành với sự trợ giúp của cô em là Vũ Phương Liên, sau thành nội tướng của Thành Quang Lân.
Ngày đó, tôi có viết một ít truyện ngắn với bút hiệu là Yên Thảo. Tôi vốn quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, lại mê thơ Lý Bạch “Yên Thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi” nên mới lấy bút hiệu như vậy.
- Tình hoa: chàng yêu người mang tên một loài hoa đẹp. Khi cuộc tình tan vỡ, chàng vẫn tiếp tục “tôi còn yêu, tôi cứ yêu” đêm đêm đến trước nhà nàng tìm dư hương cũ. Nhưng cửa đóng then cài, trước sau nào thấy bóng người, chỉ còn con chó nhỏ nhớ hơi quen chạy ra mừng rỡ.
- Gió mưa là bệnh của trời, mượn thơ của Nguyễn Bính với chủ ý ở câu sau: Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng: một chuyện tình rất thơ mộng, không có đoạn kết, chỉ kể những chi tiết lẩm cẩm như chàng đi đón nàng lúc tan trường, nàng thường đeo chiếc bandeau màu xanh để chàng dễ nhận ra mình trong một rừng thiếu nữ mặc đồng phục, như khi chàng trực, nàng phone vào nhà thương nói chuyện cà kê, như dắt nhau đi ciné, ăn cà rem, và lén hôn nhau sau nhà thờ v.v…
Còn nhiều truyện nữa mà chính tôi cũng không nhớ nổi. Bây giờ chẳng còn cách nào tìm lại những bài đó để xem mình hồi trẻ viết lách ra sao. Thật đáng tiếc.
Tiện đây, tôi phải kể lại tội ác của hai tên bạn thân là Vũ Thiện Đạm và Trần Mộng Lâm. Hồi đi học, mới ngoài 20, có truyện đăng trên báo, tôi hãnh diện lắm. Một hôm trực chung, hai tên Đạm và Lâm thi nhau cho tôi đi tàu bay giấy: truyện của mày hay lắm, có rất nhiều người tán thưởng. Tôi mừng quá, hỏi tới mãi, thì tụi nó cười rất đểu mà rằng: “Liên tử nhà tao”. Tụi nó sài chữ nho: Liên là sen, tử là con, liên tử là con sen. Tôi đau quá, xụm bà chè và Yên Thảo từ đó tuyệt tích giang hồ. Tụi nó đã làm thui chột một mầm non văn nghệ! Nếu tụi nó không ác với tôi như vậy thì biết đâu tôi chả thành văn sĩ nổi tiếng như Ngô Thế Vinh, Vũ Đình Minh, Trang Châu, Hoàng Chính ….
Nhắc lại kỷ niệm xưa, hồn thơ lai láng, tôi có mấy câu cảm đề sau đây:
Thư sinh một thuở mộng văn chương
Ngang tàng vung bút dệt “Tình Thương”
Nửa đời sương gió, tim cằn cỗi
Nhớ lại xuân thì bao vấn vương
Thầy xưa, bạn cũ
Lưu lạc mười phương
Kẻ còn người mất
Ôi đời tang thương
Giật mình tóc đã điểm sương
Tiếc ngày xanh, vọng cố hương, ngậm ngùi.
Nguyễn Thanh Bình
Montreal 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét