Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Má Tôi


Xin chia sẻ cậu chuyện thật về mẹ mình mà Liên Hương vẫn gọi là Má, theo lối trong nam, dù là gia đình gốc Nghệ An, vào Nam từ năm 1943. 
Má tôi rất nhỏ con, cao chưa đến 1,5m, nhẹ hều, chưa đến 40 kg, trình độ vừa biết đọc biết viết và nói nhỏ, nói ít, vậy mà có ảnh hưởng lớn nhất và có công đầu trong gia đình.
Ông ngoại tôi chết sớm, bà ngoại có 3 người con, má tôi là con đầu và là con gái độc nhất, cậu út mồ côi từ khi còn trong bụng mẹ nên được đặt tên là Nguyễn Hữu Côi.
Má tôi theo bà ngoại buôn bán kiểu tiểu thương. Có lẽ nhìn nét hiền thục đảm đang của Má, cô tôi nhắm Má cho cậu em trai út của mình, cũng mồ côi cha từ lúc 10 tháng tuổi.

Ngày hợp hôn mới biết mặt nhau!
Má tôi theo chồng vào Phan thiết rồi không bao giờ còn có dịp về quê cũ thăm mẹ thăm em nữa!
Nhớ đến những ngày phải xa cha mẹ, xa em, vào Sàigòn học, tôi quặn lòng nghĩ đến sự cô đơn của Má. Thời đó, Má không có lấy được một người bà con, một người bạn ở gần để tâm tình, chia sẻ, nâng đỡ hay hỏi ý kiến. Má cũng đâu có thì giờ và cơ hội để đọc sách, nghe nhạc, xem TV hay đi chơi đâu đó như bây giờ. Má vùi đầu trong bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm bà trong nửa thế kỷ rồi mới có dịp nhìn lại quãng đường đã qua... 
Tôi cũng hiểu tại sao ngày lấy chồng, người con gái thường phải khóc: "Khấp như thiếu nữ vu quy nhật"! 
Bà nội tôi vào nam thăm tôi vừa mới sanh rồi kẹt lại ở miền nam từ năm 45. Bà làm góa phụ khi chưa đến tuổi 30. Bà không có vốn, không có nghề, phải tiếp tục làm dâu sau khi chồng chết để có chổ ăn, chổ ở cho 3 đứa con thơ dại. Đó là một quãng đời tội nghiệp, chỉ là người làm không công mà lại còn mang tiếng là nương nhờ, là gánh nặng. Không một ai quan tâm đến vai trò của bà, lúc nào cũng bị xem thường, quen bị đối xử ghẻ lạnh, thiệt thòi. Nỗi chua xót bà mang theo cho đến cuối đời: Lúc nào bà cũng khó khăn cay nghiệt! 

Sự im lặng ít nói của má tôi cũng là cái cớ cho bà đay nghiến. Nhiều khi xót mẹ, tôi hỏi bà: Má hiền quá mà sao bà không thương?
Bà trả lời: Mẹ mi làm dâu có một mình tao! Hồi đó tao phải làm dâu cả họ nhà chồng!
Khi tôi nghịch ngợm hồn nhiên, miệng cười nói, nhảy chân sáo, bà bảo: Nữa mi lấy chồng, người ta sẽ chưởi mẹ mi, không dạy mi, có con gái vô duyên: Vô duyên chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên!
Ba tôi giải thích: Con phải thương bà vì bà không khôn, có phúc mà không biết hưởng.
Ba tôi năn nỉ má tôi: Mình thương tôi thì ráng nhịn mẹ, tính mẹ khó, tôi hiểu.
Có lẽ để đền ơn và đền bù cho vợ, ba tôi rất mực trung thành và phụ lo con cái rất chu đáo.

Lần lượt 9 đứa con chui ra từ thân mình người mẹ ốm o, nhỏ bé. Má tôi kể: Cứ một đứa đi lẩm đẩm thì lại chớm bầu, má lạnh toát cả người, không biết làm sao mà lo nỗi. Nhưng rồi lấy tay xoa bụng, lại thấy thương! 
Xoay sở bằng đồng lương công chức khiêm tốn của ba tôi với mẹ chồng là giám thị và 9 đứa con, gánh nặng oằn vai khiến Má tôi càng ngày càng nhỏ bé hơn. Đã nhỏ con, Má tôi lại hiền lành, ít nói. Bà như chìm lẫn trong lũ con đông xô bồ ồn ào đang tuổi lớn.
Khi Ba tôi và bầy con ngồi gác chân lên bàn, kể chuyện, ngâm thơ, bình phẩm, chọc ghẹo nhau, má tôi chỉ ngồi cười! Chắc Má tôi đang nhâm nhi hạnh phúc theo cách riêng của bà.
Khi tụi tôi lầm lỗi, chướng kỳ, gây gổ nhau... Má tôi chỉ rầy chứ không đánh, không bao giờ mắng nhiếc nặng lời. Cái món trừng phạt mà tụi tôi ớn nhất là Má tôi... khóc. 

Má tôi nuôi dưỡng chín đứa con bằng tấm lòng trường kỳ tận tụy hy sinh, nhường ăn nhịn mặc. Bây giờ các con có phụng dưỡng, Má tôi cũng chẳng hưởng được bao nhiêu vì thói quen tằn tiện và bao tử thì nhỏ lại vì chỉ quen những thức ăn đạm bạc.
Bữa ăn ở nhà, Má cứ loay hoay vì bà nội chưa chịu ngồi vào bàn, Má tôi ngại vô phép. Khi bữa ăn gần tàn thì Má tôi chỉ chan vào chút nước thịt kho, vét chút rau xào, chút nước canh, và nhanh cho lấy có! 
Nhớ hồi đi học trường Đoàn thị Điểm, Huế, tôi càng thương Má hơn. Me của tụi bạn gốc là tiểu thư khuê các, ăn mặc lụa là, người hầu kẻ hạ. 
Má tôi thường mua 2 cái nón. Tôi đội mau rách, mau cũ, Má tôi lại đổi cho đến khi 2 cái nón cùng cũ rách mới mua 2 cái mới. Mùa đông, Má tôi thường mặc một cái áo dạ cũ màu nâu. Nhớ lại thì lúc đó Má chỉ khoảng 30 tuổi!
Sau năm 54, được tin từ một người bà con di cư, Má tôi đã chịu một cú sốc lớn. Cậu lớn mất tích khi theo cuộc Cách mạng Mùa Thu. Bà ngoại tôi chết sau một đêm kiệt lực vì dịch tả, cậu Út mới 15 tuổi, gởi nhà cửa, gia tài cho một người bà con rồi ra đi, tìm chị, tìm anh! Má tôi kiệt quệ, đau ốm liên miên. Chúng tôi thì còn quá khờ dại, chẳng biết nói một câu, làm một việc nhỏ gì để an ủi, nâng đỡ tinh thần Má!
Ra đi theo chồng vào miền nam rồi chiến tranh, phân cách, Má tôi đã mất trọn gia đình mình gồm mẹ và 2 em. Gia đình bà ngoại tôi gần như xóa sổ! 

Tôi nhớ những buổi sáng nghỉ học, ngồi chồm hổm cạnh giếng xem Má giặt quần áo. 2 chậu thau lớn hết cỡ, Má ngâm nước rồi xát xà phòng vào từng mảnh áo quần và ủ lại. Kế tiếp là vò và xả. Những gàu nước nặng trĩu kéo liên tục từ một giếng nước sâu. Má tôi không cho các con làm phụ vì sợ con té xuống giếng. Xả sạch rồi phải dương hay hồ lơ, dùng một miếng giấy màu xanh đậm pha vào nước để áo quần có màu xanh nhạt thay vì màu vàng cũ. Rồi vắt, giũ và phơi trên một sợi dây kẽm, giữ lại bằng những cái kẹp gỗ cho gió khỏi cuốn bay! Quần áo phần lớn là vải trắng và mỗi người chỉ có vài bộ nên phải giặt hàng ngày và sau đó phải ủi bằng bàn ủi quạt than. Có lần Má tôi vui mừng chỉ cho tôi một sản phẩm "tuyệt vời": thuốc tẩy Eau de Javel, giúp quần áo lem luốc của chúng tôi trông dễ coi hơn. Thằng Út Bờm nhà tôi cười: Bà ngoại mình người nhỏ xíu mà 2 bàn tay bự tổ chảng! Nội chuyện vo và giặt mớ quần áo lấm lem của lũ con cũng đủ làm cho bàn tay Má ... nở nang quá khổ!

Má tôi đi chợ hàng ngày, chọn lọc những thực phẩm tốt nhất với một ngân quỹ khiêm tốn. Má dạy tôi chọn ngọn rau, trái dưa, miếng thịt, con cá sao cho tươi ngon. Má giảng rất khoa học làm tôi nhớ mãi và dễ dàng ứng dụng: trái dưa chuột non thì chưa tròn và còn gai nho nhỏ vì chưa phát triển hết mức! Con cá tươi thì mắt trong, mình láng lẩy, biêng biếc... Chỉ nhìn xa xa để chọn lựa thay vì lục tung cả mớ rau quả, thịt cá. Nhìn bằng mắt cũng đủ để thẩm định tươi, ươn, non, già, mới, cũ ... Má tôi thuộc làu những tên tuổi và tính chất từng thức ăn và giải thích từng miếng thịt, đùi trước, đùi sau, nạc thăn, nạc lưng, nạc vai, ba chỉ,... ở vị thế nào, tại sao săn, dai, mềm... Và nấu món nào thì phải dùng loại nào, tại sao... ? 

Đi chợ, xa gần gì Má cũng ráng đi bộ, mặc một chiếc áo dài cũ. Chỉ khi mua nặng quá, Má mới đi xích lô. Những ngày nghỉ học, Chúng tôi thường chờ Má trước cổng nhà, vừa xách giỏ dùm, vừa thò tay lục quà: một ít me, ổi hay kẹo cau, chuối... "Trông như trông mẹ về chợ!"
Tôi cũng bùi ngùi khi nghe Ba tôi ngâm nga:

"Mẹ người phú quý vinh hoa
Mẹ người đi chợ thì ta không mừng
Mẹ ta đói rách trăm từng
Mẹ ta đi chợ, ta mừng mẹ ta!"

Má tôi ru con bằng Kiều, Chinh phụ ngâm và thơ của Nguyễn Bính... Nhờ vậy chúng tôi ít phải tốn công học thuộc lòng thơ của chương trình trung học.
Chồng tôi phát biểu: "Má ... thông minh, có lẽ vì vậy mà mấy chị em đều học được"
Ngày anh ở tù tại trại giam Yên định, Thiệu yên, Thanh hóa, Má tôi lần mò đi thăm dù chưa có giấy phép thăm nuôi vì lúc đó đã có tin là tù nhân lác đác chết vì đói, trong đó có thầy Quế, là anh ruột của chồng tôi.. Má tôi viện cớ: 
"Về Nghệ an thăm quê thì đương nhiên phải ghé Thanh hóa thăm con rể. Nhà nước có tình có lý lắm mà! Con tôi đi học tập chứ có phải tù tội gì đâu!" 
Rốt cuộc thấy bà nằm vạ, không chịu về, buộc lòng cán bộ quản trại phải cho phép bà gặp mặt, đưa quà!
Mua nhà tại Mỹ, tôi khoe với Má qua điện thoại về giá nhà, tiền đầu và tiền trả hàng tháng, thời gian trả... Má tôi bảo: Con ráng trả thêm mỗi tháng đi, trả như thế thì phần lớn là tiền lời, bao giờ mới trả hết vốn!

Đi khám bệnh, nghe ông Bs nói chuyện ngoài lề, rằng nhà này người ta trả ... bao nhiêu cây vàng đó, mà chưa biết tính sao! Má tôi bảo ông: Bs bán đi, mua một nhà ở quận tốt hơn, sửa sang lại, còn lời thêm được mấy cây nữa! Ông ngớ ra vì bà già tính nhẩm tức thì, nghe rất hợp lý! 
Má tôi thường cho mấy bà hàng rong mượn (chứ không phải vay) chút tiền để mua thêm hàng mà bán kiếm thêm chút lời. Mấy người biết chuyện, can: Coi chừng họ giựt! Má tôi bảo: Không sao đâu, có nhịn chút đỉnh, chồng con tôi cũng không đói! Hình như má tôi chưa bao giờ mất những món tiền nho nhỏ này! Có người mượn vài hôm đã đem trả lại và cho biết: Có bà con nước ngoài mới cho tiền, trả lại để ngoại giúp cho người khác!

Ông T. là một người bạn vong niên của Ba tôi. Ở tù về, ông xơ xác còm cõi, bầy con nheo nhóc. Ông ghé thăm Ba Má tôi và mượn một món tiền đáng kể để làm vốn. Bẳng đi một thời gian khá lâu, không thấy ông trở lại, Má tôi chép miệng: Sợ ông ấy thua lỗ mất hết vốn liếng nên ngại không dám ghé thăm mình, thiệt tội quá! Một thời gian sau, ông T. ghé lại, cầm một cọc tiền toàn giấy lẻ, nhăn nheo mà cố vuốt cho thẳng, trả lại cho Má tôi. Bà cầm xấp tiền vào trong cất, nghẹn ngào bảo: Chắc ông gom hết tiền mấy đứa con bán vé số và thuốc lá lẻ đây! Sau đó Bà lấy một số tiền tương đương bằng giấy trăm, bỏ vào phong bì, đưa lại cho ông T. Bà bảo: Tiền ông mượn tôi, ông đã thanh toán sòng phẳng. Đây là quà tôi biếu bà và mấy cháu, ông không được từ chối! Cả hai đều xúc động rưng rưng nước mắt. Tôi ngạc nhiên: Nếu địa vị tôi thì tôi sẽ đưa lại nguyên cọc tiền lẻ kia để biếu ông T. Làm sao tôi có thể nghĩ ra là lấy xấp tiền chẳn, bỏ vào phong bì! Má tôi đã xử rất đẹp!

Chúng tôi đã thật sự lớn khôn, đã có con, thậm chỉ có cháu nhưng người mẹ nhỏ bé của chúng tôi vẫn lớn lao, bao trùm mọi ảnh hưởng. Bà không có cái uy mà có cái tình, cái đức. Chúng tôi tự nhiên gìn giữ mọi khuôn thước chỉ vì ngại làm cho Má buồn. 
Tôi vẫn mừng vì chuyện vượt thoát của gia đình chúng tôi được cứu giúp vào phút chót. Nếu mất bầy con cháu này, chắc Má tôi không sống nỗi.

Xin Cảm tạ Trời Phật, gia đình tôi không gặp cảnh "Tre khóc măng"!
Má đã đi xa, nhưng Má vẫn còn ở lại! Má ơi!

Liên Hương
Sau ngày mất Má.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét