Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Xứ Cờ Lá Phong Quê Tôi Cuối Đời - Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong


Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trn Vong

Hồn tử sĩ gió ào ào thổi 
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi 

Hàng năm cứ gần tới ngày 11 tháng 11 khi ta ra đường lại thấy nhiều người cài trên cổ áo một bông hoa poppy hay là hoa anh túc đỏ thắm, thoạt đầu là hoa thật sau thay bằng hoa plastic. 

Đó là một hình thức tưởng niệm các chiến binh đã hi sinh xương máu trong Thế chiến I khởi đầu từ năm 1914 và chấm dứt vào năm 1918, ngày 11 tháng 11 lúc 11 sáng là thời điểm ký Hiệp ước đình chiến tại Compiègne, giữa một bên thắng trận là Đồng Minh gồm Pháp, Anh với các nước trong Liên hiệp Anh, Bỉ, Ý, Nhật và Hoa Kỳ, một bên bại trận gồm Đức, đế quốc Áo-Hung, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Bảo vv...Hiệp ước chính thức thường được gọi là Hiệp ước Versailles được ký tại Versailles, cách Paris khoảng 10 miles, ngày 28.6.1919. 

Thế chiến I đã gây ra những tổn thất to lớn nhất là về sinh mạng, khoảng 9 triệu tới 13 triệu chiến sĩ đã gục ngã nơi sa trường và để ghi ơn cũng như vinh danh các tử sĩ, nhiều nước đã chọn ngày đình chiến là ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong. 

Ngày 11.11 thoạt đầu được gọi là Ngày Đình Chiến và lần tưởng niệm đầu tiên đã được tổ chức rất long trọng tại London vào năm 1919 dưới quyền chủ tọa của hoàng đế Anh George V và tổng thống Pháp tại Buckingham Palace. Nhiều nước trong và ngoài Liên Hiệp Anh sau đó cũng chọn ngày 11 tháng 11 làm ngày tưởng niệm các chiến sĩ trận vong trong cả hai Thế chiến lẫn Chiến tranh Triều Tiên và dưới những tên như Ngày Tưởng Niệm, Ngày Cựu Chiến Binh, Ngày Poppy vv... 

Tên Ngày Poppy bắt nguồn từ một bài thơ của Y sĩ Trung tá Canada tên John McCrae nhan đề “IN FLANDERS FIELDS”, bài thơ được sáng tác ngay tại chiến trường Flanders ngày 3.5.1915 khi một chiến hữu của ông là Trung úy Alexis Helmer bị gục ngã trong trận chiến Ypres, vùng Flanders thuộc Bỉ, một vùng có những hoa poppies mọc nở bạt ngàn. Một nữ giáo sư trường Đại học Georgia Moina Michael, đọc được bài thơ, cảm khái sáng tác bài thơ “ We shall keep the Faith, Chúng ta phải giữ vững niềm Tin” và nguyện sẽ đeo hoa poppy vào mỗi ngày tưởng niệm. Phong trào đeo hoa poppy – hoa poppy thật – lan rộng ra khắp đế quốc và Liên hiệp Anh trong ba năm liền. Tại Âu châu, bà Anne E. Guerin cũng cổ động một cách nồng nhiệt và kiên trì. Tại Anh, Thiếu tá George Howson, được sự ủng hộ của tướng Haig cũng hăng hái đề xuất ý kiến lấy hoa poppy làm biểu hiệu cho ngày tưởng niệm và cho rằng màu đỏ thắm của hoa tượng trưng cho máu các chiến sĩ đã đổ ngoài chiến trường. Kết quả của các cuộc vận động trên là Hoa Poppy được chính thức công nhận là hoa tưởng niệm chiến sĩ trận vong trong mọi cuộc chiến từ năm 1921.


Hoa poppy hay hoa anh túc, tên khoa học là Papaver Rhoeas, có chứa một alkaloid là Rhoeadine có tính chất an thần, trước kia thường được chế thành syrup cho trẻ em uống cho ngủ ngon giấc, cho nên tặng hoa poppy có ý nghĩa là chúc ngủ ngon. Loại cây hoa poppy quí nhất là loại có hoa trắng và nhựa của nó được dùng để làm thuốc phiện. Loại cây này được trồng ở Á Đông từ hồi xa xưa. Có những loại cây poppy mọc nơi hoang dã thuộc Châu Âu. Hoa poppy có đủ màu: màu đỏ, màu cam, màu trắng, và màu hồng. Nhụy hoa thường là màu tím hơi đen đen hay màu xanh lam. Hoa poppy còn từng được ngưỡng mộ là một loại hoa có vẻ đẹp tao nhã. 

Năm 1855 sử gia Anh Lord Macauly viết về chiến trường Landen, cách Ypres khoảng 100 miles, xảy ra năm 1693, nói xác của hơn 20,000 tử sĩ bỏ lại chiến trường đã khiến chỉ một năm sau có cả hàng triệu hoa poppy mọc kín cả vùng Flanders. 

Trong đạo luật về các ngày nghỉ lễ (The Holidays Act) được ký vào năm 1970, chính phủ Canada chính thức xác nhận ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Canada có tên là Remembrance Day và được tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng 11.


Tại Canada, lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong tại Ottawa dưới quyền chủ tọa của Toàn quyền Canada, đại diện Nữ hoàng Anh với sự tham dự của toàn Chính phủ, Quốc hội, Tối cao Pháp viện, đôi khi có mặt đại diện Hoàng gia Anh như thái tử Charles năm 2009, công chúa Anne năm 2014. 

Buổi lễ bắt đầu bằng bài kèn “Last Post” ngay lúc 11 giờ, tiếp theo là một tràng súng đại bác rồi một hồi 11 tiếng chuông. Hai phút mặc niệm. Một bài kèn chiêu hồn tử sĩ “ The Rouse”. Một tràng súng nữa. Tuyên đọc sắc luật Act of Remembrance. Một phi đoàn máy bay sà xuống trước khán đài. Một ban đồng ca hát bài “ In Flanders Fields”. Trong khi đó các nhân vật quan trọng VIP rồi tới dân chúng lần lượt tới đặt vòng hoa poppy trước đài. Đôi khi lễ tưởng niệm được tiếp theo bởi một cuộc diễn binh. 

Tại Pháp và Bỉ, hai chiến trường chính trong TC I cũng chọn ngày 11.11 làm ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong nhưng thay vì hoa poppy hai nước này lại chọn biểu hiệu cho ngày tưởng niệm là hoa màu xanh cornflower còn gọi là Bleuet de France. 

Tại Hoa Kỳ,từ năm 1954 ngày 11.11 có tên mới là Ngày Cựu Chiến Binh khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc để tri ân và vinh danh tất cả các cựu chiến binh của mọi cuộc chinh chiến, còn Ngày Tưởng Niệm thì được tổ chức vào tháng 5 cũng là ngày Victory Day trong Thế chiến II. 

Ở Nga, ngày chiến sĩ trận vong có tên được dịch sang tiếng Anh là Victory Day và được tổ chức vào ngày 9 tháng 5 dương lịch. Một vài nước khác tại Âu châu như Hoà Lan, Na Uy vv... cũng chọn ngày Đồng Minh chiến thắng khối Trục làm ngày tưởng niệm vào tháng 5. 

XUẤT XỨ BÀI THƠ “IN FLANDERS FIELD” 


Tác giả bài thơ, Y sĩ Trung tá John McCrae sinh năm 1872 tại Guelph, Ontario. Ông tốt nghiệp đại học y khoa Toronto năm 1898. Trong cuộc chiến Boer tại Nam Phi, ông là một sĩ quan pháo binh có nhiều chiến công. Trở về Canada ông trở thành một y sĩ chuyên về môn Bệnh lý học và làm giáo sư tại các trường Đại học Y khoa Vermont và McGill. Trong TC I ông tình nguyện trở lại binh chủng pháo binh nhưng vì quân đội Canada đang thiếu y sĩ nên ông được bổ nhiệm làm Y sĩ Thiếu tá cho Lữ đoàn I Pháo binh đóng tại Ypres, Bỉ. 

Trong trận chiến Ypres đợt II kéo dài từ 22.4 1915 tới 25.5, một chiến hữu thân thiết cũng là một học trò cũ cuả ông là Trung úy Alexis Helmer bị tử thương, ông sáng tác bài thơ In Flanders Fields ngay phiá ghế sau xe cứu thương, ngày 3.5.1915; một ngày sau khi đưa tiễn Alexis ra nghĩa trang có đầy hoa poppy mọc xen lẫn với các hàng bia mộ. 

Bài thơ được đăng lần đầu tiên trên báo PUNCH tại London ngày 8.12.1915 và liền lập tức được truyền tụng trong khắp các đơn vị quân lực Anh vì đã nói lên giúp tâm trạng của các chiến hữu đã đổ máu và ngã gục nơi chiến trường, kêu gọi những người còn sống hãy tiếp tục cuộc chiến đấu dở dang của họ thì họ mới an giấc ngàn thu. Bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất trong đệ nhất thế chiến. 

Ông được vinh thăng Trung tá ngày 17.4.1915 và được chuyển về làm tại Tổng y viện số 3 tại Boulogne. Tháng 1.1918 ông được bổ nhiệm làm Y sĩ Thỉnh vấn tại đệ nhất lộ quân Anh nhưng chưa đi thì lâm bệnh. Ông phục vụ tận tụy tuy đôi khi đã kiệt sức vì bệnh suyễn có từ nhỏ mà không nghỉ ngơi, kết quả ông bị viêm phổi và viêm màng não, từ trần ngày 28.1.1918, và được để nằm yên nghỉ tại nghĩa trang Wimereux, Pháp.


Tên ông được đặt cho viện Bảo tàng quân sự tại Canada, bài thơ của ông được in trên tem, hình ông được in trên giấy bạc Canada $10. Tại Guelph nơi ông sinh trưởng có đài lưu niệm với bài thơ khắc trên đá. Mỗi năm, trong lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong ngày 11.11 bài thơ hoặc bài hát “In Flanders Fields” lại được ngâm hay xướng lên và mọi người thường đeo hoa poppy cũng vì từ bài thơ này của ông, nguyên văn như sau:
In Flanders Fields 


In Flanders fields the poppies grow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below. 

We are the dead. Short days ago,
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved and now we lie
In Flanders fields. 

Take up our quarrel with the foe:
To you, from failing hands, we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields. 

John McCrae
***
Bài thơ được Jean Pariseau dịch ra tiếng Pháp như sau: 
Au Champ D’ Honneur


Au champ d'honneur, les coquelicots
Sont parsemés de lot en lot
Auprès des croix; et dans l'espace
Les alouettes devenues lasses
Mêlent leurs chants au sifflement
Des obusiers. 

Nous sommes morts,
Nous qui songions la veille encor'
À nos parents, à nos amis,
C'est nous qui reposons ici,
Au champ d'honneur. 

À vous jeunes désabusés,
À vous de porter l'oriflamme
Et de garder au fond de l'âme
Le goût de vivre en liberté.
Acceptez le défi, sinon
Les coquelicots se faneront 
Au champ d'honneur. 

Jean Pariseau 
***
Thơ Dịch 
Trên Đồng Flanders 
Trên đồng Flanders, anh túc nở 
Hoa chen thánh giá, hàng nối hàng 
Chúng tôi nằm đó, trông trời thẳm 
Sơn ca táo bạo vẫn vờn quanh 
Tiếng hót chìm trong tiếng súng vang. 

Chúng tôi mới trở thành tử sĩ 
Vừa ngắm đây nắng sớm, tà dương 
Yêu và được yêu, giờ an nghỉ 
Trên đồng Flanders. 

Tiến lên chiến đấu với quân thù! 
Bó đuốc này buông trao tận tay 
Nâng cao lên, vững niềm tin tưởng! 
Đừng phụ lòng ai ngựa bọc thây 
Không yên nghỉ dù anh túc nở 
Trên đồng Flanders. 

Hoàng Xuân Thảo


1 nhận xét:

  1. Trên đồng Flanders, anh túc nở / Hoa chen thánh giá, hàng nối hàng
    Chúng tôi nằm đó, trông trời thẳm / Sơn ca táo bạo vẫn vờn quanh
    Yêu và được yêu, giờ an nghỉ / Trên đồng Flanders.

    Trả lờiXóa