Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Phiếm Chu - Huyền Quang

Cùng Bạn,
Xin chuyển đến các bạn thơ vài bài thơ thiền của Huyền Quang đọc cho vui cuối tuần 
Huyền Quang (1254-1344 ) tên thật là Lý đạo Tái người châu Nam Sách. Từ nhỏ, ông có khiếu văn chương, năm 21 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương , được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và nhận mệnh vua tiếp sứ Trung Quốc. Khi ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phượng Nhãn để nghe sư Pháp loa giảng kinh, liền có ý muốn xuất gia. Sau đó mấy lần ông xin từ chức để đi tu , được vua Trần Anh Tông chấp nhận và giao cho sư Pháp Loa hướng dẫn. Ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm.
Mailoc


Phiếm Chu

Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang 
Sơn thanh, thủy lục hựu thu quang 
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngọai  
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn thiên 

Huyền Quang

***
Dịch Nghĩa:
Chiếc thuyền con lướt gió trên dòng sông bát ngát
Non xanh nước biếc lại thêm mùa thu 
Vài tiếng sáo làng chài ngoài khóm lau 
Trăng rơi đáy sóng , mặt sông sương đầy

Dịch thơ:
Đi Thuyền

Theo gió thuyền con nước lững-lờ
Non xanh nước biếc nắng thu mơ 
Thuyền chài tiếng sáo vờn lau-lách 
Trăng rụng sương giăng sóng nước mờ

Mailoc 
***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần : Bản Tiếng Hán Cổ, Chú Thích và Diễn nôm mỗi bài thơ của Thiền sư Huyền Quang (1254-1344 ) đời vua Trần Anh Tông như sau đây :

泛舟
小艇乘風泛渺汒, 
山青水綠又秋光。 
數聲漁笛蘆花外, 
月落波心江滿霜。

Phiếm Chu  

Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang, 
Sơn thanh thuỷ lục hựu thu quang. 
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại, 
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.

CHÚ THÍCH :
PHIẾM CHU 泛舟 : PHIẾM có 3 chấm thủy một bên, nên có nghĩa là TRÔI NỔI. CHU là Ghe Xuồng. PHIẾM CHU là Để mặc cho chiếc Thuyền trôi nổi trên sông. Trong bài TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ mở đầu bằng câu : " Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt kí vọng, Tô Tử dữ khách PHIẾM CHU..." là chữ PHIẾM CHU nầy đó.

CÂU 1 : Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang.
TIỂU ĐĨNH : là Chiếc Thuyền nhỏ. THỪA PHONG : là Cởi gió, là Đón gió. PHIẾM là Trôi nổi. DIỂU MANG : là Mênh mông Vô tận. Câu 1 có nghĩa :
" Chiếc thuyền con trôi nổi theo chiều gió trên dòng nước mênh mông vô tận ".

CÂU 2 : Sơn thanh thuỷ lục hựu thu quang. 
SƠN THANH : là Núi Xanh. THỦY LỤC : là Nước Xanh. HỰU là Lại. THU QUANG : là Quang cảnh Mùa Thu. Câu 2 có nghĩa :
" Lại cũng quang cảnh của mùa thu với núi xanh nước biếc ".

CÂU 3 : Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại, 
SỔ THANH : SỔ là Một Vài. SỔ THANH là Một vài âm thanh, là Một vài tiếng. NGƯ 漁 nầy có 3 chấm Thủy, có nghĩa : Thuộc Về Cá, nên NGƯ ĐỊCH : là Tiếng Sáo của những người đánh cá. LÔ HOA : là Hoa Lau Hoa Sậy. NGOẠI : là bên ngoài, phía ngoài. Câu 3 có nghĩa :
" Ngoài xa của đám hoa lau là tiếng sáo vẳng đưa của các dân chài ". ( Tiếng sáo không thể đếm được, nên không thể nói là MỘT VÀI tiếng sáo. Vì tiếng sáo trên sông vẳng đưa theo gió nên nghe khi được khi mất. Chớ không phải có NHIỀU NGƯỜI thổi sáo ! Chữ SỔ được thoáng dịch là Văng Vẳng là vì thế ! ).
CÂU 4 : Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.
NGUYỆT LẠC : là Trăng lặn. BA TÂM : là Giữa lòng sóng. GIANG MÃN SƯƠNG : là Sông đầy cả sương. Câu 4 có nghĩa :
" Khi trăng lặn xuống giữa lòng sóng nhấp nhô ( ở tận chân trời ) thì sương cũng xuống tràn ngập cả dòng sông.

Diễn Nôm:
Thả Thuyền

Thuyền con trôi nổi gió xuôi dòng,
Nước biếc núi xanh thu mênh mông.
Tiếng sáo vẳng đưa bờ lau sậy,
Sóng dìm trăng lặn móc đầy sông!

Đỗ Chiêu Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét