Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Bắc Chợ Gạo Xưa Và Nay

      Người Gò Công xưa nay vẫn gần gũi Sài Gòn hơn Mỹ Tho, mặc dầu Mỹ Tho gần Gò Công hơn Sài Gòn. Do vậy từ lâu người Gò Công biết nhiều đến địa danh Bắc Cầu Nổi hơn Bắc Chợ Gạo! Gò Công về hành chánh qua nhiều thời kỳ trực thuộc tỉnh Mỹ Tho Tiền Giang cho tới nay.

Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa;
Gởi thơ thăm hết nội nhà,
Trước là thăm ba má, sau là thăm em.

(Ca Dao Mỹ Tho)

Kinh xáng cạp Chợ Gạo

(Kinh Chợ Gạo)

      Dài hơn 28km, kinh Chợ Gạo nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, là tuyến giao thông thủy quan trọng giữa đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn.
Con kinh nầy do xáng cạp nhưng người dân quen gọi là Sông Chợ Gạo. Hồi đó kinh Chợ Gạo xuồng ghe qua lại nhiều nhưng đa số đều dùng sào để chống, mỗi chuyến hàng phải mất trên 10 ngày mới tới Sài Gòn.
Sở dĩ có tên gọi Chợ Gạo, vì tại đây có một ngôi chợ trao đổi buôn bán gạo do ông Trần Văn Nguyệt làm chủ. Nay Chợ Gạo là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện có diện tích 235 km2 và dân số hơn 178,000 người. Thị trấn Chợ Gạo cách thành phố Mỹ Tho 10 km và cách Gò Công 35 km.

      Theo sử liệu, năm Gia Long thứ 8 đã cho dân đào kinh Bảo Ðịnh để nối liền Mỹ Tho với sông Tiền. Khi đào xong, con kinh được đặt tên là Bảo Ðịnh Hà. Sau nầy được chính quyền Pháp nạo vét và mở rộng nối dài thêm bằng xáng cạp và đặt tên kinh nầy là Canal Duperré. Kinh nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn, cách Mỹ Tho 4 km với sông Vàm Cỏ Tây tại rạch Lá và chảy ngang qua địa phận huyện Chợ Gạo Tiền Giang và huyện Châu Thành (Long An), có bề dài tổng cộng 28.5 km.

      Ngay từ lúc kinh Chợ Gạo mới đào, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh nầy. Ðể tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
      Tên Bắc Chợ Gạo tồn tại trong ký ức người dân cho tới nay dù không còn chiếc Bắc nữa.
      Năm 1912, Pháp thành lập quận Chợ Gạo, cho đến năm 1939 thì Chợ Gạo trở thành một trong 5 quận trọng yếu của tỉnh Mỹ Tho. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang.
Bước xuống Bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca Dao Mỹ Tho)
      Ngoài giá trị lưu thông, kinh Chợ Gạo còn đem lại lượng phù sa phong phú cho ruộng đồng, xổ phèn, giúp cho hàng ngàn dân thoát nghèo. Hai bên bờ kinh dần dần mọc lên nhiều ngôi chợ, nhiều nhà máy sản xuất nước mắm, lại còn nuôi sống hàng ngàn thương lái, tiểu thương, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều thương nhân thành đạt, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nước nhà.
      Nhiều nhà lưu dân ở cạnh bên bờ kinh bồi sống nhờ, sống theo những chiếc ghe chài chở hàng để bán hàng xén mà gia đình mới khá lên và nuôi được con cái ăn học thành tài. Kinh Chợ Gạo còn mở ra một hệ thống kinh đào cùng với mạng lưới thủy lợi giúp cho nội đồng canh tác được quanh năm.
      Nay kinh Chợ Gạo đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, mỗi năm chuyển tải hàng chục triệu tấn gạo, nông sản thực phẩm, cát đá... từ miền Tây lên Sài Gòn và các tỉnh Nam Trung bộ, đồng thời cũng chuyển ngược về miền Tây nhiều mặt hàng chủ lực như phân bón, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng.
Và kinh Chợ Gạo trở nên quá tải, bị ách tắc nhất là ở đoạn cầu Chợ Gạo quá hẹp, sạt lở, có nơi lở sâu vô 15 mét. Chánh quyền Tiền Giang chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu khả khi!

Bắc Chợ Gạo

(Bắc Chợ Gạo)
      Bắc Chợ Gạo theo tài liệu ra đời năm 1902 nhằm lúc đầu chỉ và một chiếc đò ngang đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
Rồi không biết từ lúc nào Bắc Chợ Gạo được cải tiến, điều khiển qua lại nhờ bằng dây cáp nối hai bờ.
Tất cả xe cộ và người muốn đi từ Mỹ Tho về Chợ Gạo, Gò Công - và ngược lại đều phải bắt buộc phải lên con Bắc này.
      Con Bắc được giữ cho không bị trôi bằng hai sợi dây cáp to căng nối hai bờ. Bắc di chuyển qua lại bằng sức kéo tay của các công nhân chuyện nghiệp thay vì đẩy bằng máy.
Những người công nhân dùng một khúc gỗ một đầu được khoét sâu làm cái móc cho vào dây cáp mà kéo. Cái dụng cụ đặc chế nầy gọi là “cái Guốc.”
Công nhân phà đứng thành hàng trên sàng Bắc, móc guốc gỗ vào sợi dây cáp không vội vàng mặc cho bao người ai cũng nóng lòng muốn sang sông.
Chỉ có xe đò chạy suốt Mỹ Tho-Gò Công-Mỹ Tho mới được xuống Bắc sang sông, còn các loại xe chở khách khác như xe “Lam” thì phải đậu lại bên này sông.
Phải nói nhờ thời gian theo học Trung học Nguyễn Ðình Chiểu mà tôi có dịp biết đến chiếc Bắc Chợ Gạo cũng như cái thị trấn bên đường nầy!
      Vào khoảng măm 1970, Công Binh VNCH cùng Công Binh Ðại Hàn hoàn tất công trình cầu Chợ Gạo thay thế Bắc Chợ Gạo.
Bấy giờ xe qua cầu Chợ Gạo phải đóng lệ phí là 65 đồng cho tỉnh Ðịnh Tường (Mỹ Tho) và tỉnh Gò Công, hai bên đầu cầu thuộc hai tỉnh khác nhau.

Chợ Gạo thị trấn giữa đường

      Chợ Gạo cách Mỹ Tho 10km về phía Ðông, dầu là trọng điểm thông thương với các vùng đồng bằng Quốc lộ 50 và kinh Chợ Gạo, nhưng dưới con mắt nhiều người - kể cả người địa phương - Chợ Gạo chỉ là thị trấn giữa đường!

    Lúc tôi học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho bấy giờ Chợ Gạo mới có trường trung học, được thành lập từ năm 1961. Trường lúc đó được xây dựng hai phòng học đầu tiên trên mảnh ruộng do ông chủ điền nào đó tốt bụng hiến tặng. Trường chỉ có môầt lớp Ðệ Thất với khoảng trên 40 học sinh. Ðến năm 1965, trường có sáu phòng học do phụ huynh đóng góp tiếp tục xây dựng thêm. Năm 1972, nhà trường bắt đầu có học sinh thi tú tài I. Năm 1973 có học sinh thi tú tài II.
     Từ ngôi trường trung học đến cái Cầu Chợ Gạo Mới được khởi công từ tháng 6, 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn. Mặc cho Trung ương yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu Chợ Gạo, đảm bảo yêu cầu mở rộng khoang thông thuyền trên tuyến kênh Chợ Gạo.

      Tổng vốn đầu tư dự án là 200 tỷ đồng, cầu Chợ Gạo mới bắc qua kênh Chợ Gạo có chiều dài 595m, rộng 12m nhưng do thiếu vốn nên đã ngưng thi công từ nhiều tháng qua. Cầu Chợ Gạo mới bị ngưng thi công kéo theo tuyến đường tránh quốc lộ 50 qua thị trấn Chợ Gạo cũng bị dừng.
Trong lúc các đoạn kè, bờ xung yếu tiếp tục sạt, lở và hoạt động giao thông vận tải trên tuyến kênh Chợ Gạo phải tiếp tục.
Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca Dao Mỹ Tho)
     Chuyến đò ngang qua kinh Chợ Gạo nay chỉ là kỷ niệm thân yêu đối với ai sinh ra và lớn lên ở đây. Và chính nhờ con kinh này đã mang hương nhớ quê hương, làm cho chúng ta chờ đợi một ngày về...
Kinh Chợ Gạo với nét đẹp từ ngàn xưa cho tới nay vẫn chỉ là những ký ức về quá khứ cho bất cứ ai từng chờ đợi qua lại con Bắc nầy mỗi ngày.

Nam Sơn Trần Văn Chi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét