Thơ đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ phòng khách, ngắm cây phong đại thụ ở góc vườn. Lá phong đang chuyển màu, đẹp rực rỡ như được dát vàng, lấp lánh trong nắng thu dịu dàng. Trời mấy hôm nay se lạnh. Cái lạnh rất nhẹ nhàng của đầu mùa thu khiến Thơ da diết nhớ những cơn gió heo may, khi mùa Noel tưng bừng đến nơi thành phố bé nhỏ miền Cao nguyên của những ngày thơ ấu. Những chiếc áo len đủ màu không ngăn được cái run rẩy dễ thương mỗi buổi sáng đến trường của các nữ sinh tung tăng trong cánh gió. Nhưng mùa thu bên quê nhà không có những chiếc lá nhuộm đỏ, vàng, nâu…như nơi đây. Mùa thu là mùa Thơ yêu nhất. Ngắm hoài, ngắm mãi không bao giờ chán những cánh rừng, những công viên được Tạo hóa tô lên những gam màu thật huy hoàng, tráng lệ và nắng cũng vàng hơn, trong hơn. Cả bầu trời cũng cao và xanh hơn…
Tiếng chuông điện thoại kéo Thơ về thực tại. Đầu giây bên kia tiếng cô cháu gái Lệ Thu:
-Dì ơi, chúa nhật tuần rồi là đám giỗ cậu Cương ở trên chùa Linh Ứng. Sáng chúa nhật này mợ và các em sẽ đem tro của cậu lên Làng Cây Phong, nhờ Thầy rải trong rừng. Dì có đi không?
Thơ vội trả lời:
-Tuần rồi dì đi Toronto nên không dự đám giỗ cậu. Chúa Nhật này dì phải đi chớ sao không.
-Vậy sáng chúa nhật con đón Thu Thảo rồi chạy qua đón dì nha. Làng Cây Phong hơi xa nên mình phải đi thật sớm. Con đã hẹn với Mợ gặp nhau quãng mười giờ trên Làng Cây Phong rồi.
Đặt phone xuống bàn, Thơ thẩn thờ ngồi xuống chiếc sô pha gần đó. Vậy là Cương ra đi đã tròn hai năm. Sự ra đi vĩnh viễn là một giải thoát cho Cương và cho gia đình. Những năm cuối cùng Cương không còn nhận ra ra bất cứ một người nào, ngay cả vợ con hay anh chị em.
Cương là con trai lớn của bà dì ruột kế mẹ Thơ. Cương và Thơ lại cùng tuổi. Thuở hai đứa còn rất nhỏ, độ sáu bảy tuổi gì đó, thì mẹ Thơ đã đem Cương về nuôi. Lúc đó dì của Thơ còn rất trẻ đã góa chồng. Một nách ba đứa con, buôn bán xuôi ngược rất cực khổ. Cương hiền lành, ít nói nên bị Thơ bắt nạt tơi bời. Vậy mà lúc đánh nhau với trẻ con hàng xóm, Cương gan lì không bao giờ chịu thua. Mà dù có bị đòn đau cũng không bao giờ khóc. Trong khi mỗi lần bị đòn, roi chưa xuống tới …mông là con nhỏ Thơ đã nhắm mắt nhắm mũi khóc la ỏm tỏi!
Cương thích ở với gia đình Thơ hơn là về nhà mình. Lúc đó còn quá nhỏ nên Thơ không hiểu vì sao. Có lần dì nhắn là sẽ qua đón Cương về, cậu nhỏ chun vô góc phòng nằm khóc thút thít. Lúc mẹ Thơ hứa sẽ giữ Cương lại, cậu ta mới chịu ra ăn cơm. Nhưng hai đứa cũng chỉ sống chung có hai năm là dì bắt Cương về lại nhà. Lúc này dì đã làm ăn khấm khá. Dì kể khi về nhà, mấy tháng đầu Cương nhớ gia đình Thơ nên buồn lắm, chẳng thiết chơi đùa với trẻ con hàng xóm…
Vài năm sau, Dì và mẹ Thơ đều lên vùng Tây nguyên làm ăn. Cương và Thơ lại ở gần nhau. Hai nhà chỉ cách nhau năm phút đi bộ. Lúc này cả hai đều lên trung học. Thơ đã có những cây si trồng trước trường và trước…cửa. Khi biết Cương là em họ của Thơ, có vài chàng đã làm quen và nhờ Cương làm …chim xanh. Đưa thư và đưa quà. Nhưng có đưa đi mà không bao giờ nhận được hồi âm. Nhiều lần Cương cũng trách Thơ sao vô tình, nhưng Thơ chỉ cười hì hì đánh trống lảng. Đến năm thi tú tài cả hai phải về Sài gòn. Mẹ Thơ mướn một căn nhà rộng rãi, khang trang ở đường Chí Hòa. Sau này nhà có thêm Sơn, con trai bà bạn thân của mẹ Thơ, cũng từ Tây nguyên xuống ở chung. Rồi thêm chị Bạch là cháu họ của ba Thơ từ Long Xuyên lên, đi làm trong phi trường Tân Sơn Nhất. Mẹ Thơ mướn một người bà con góa chồng dưới quê lên nấu ăn và trông nom cho đám nhỏ.
Chị Bạch có một ông bồ rất quái đản. Ông ta kiểm soát chị từng li từng tí. Bắt chị phải ăn mặc áo quần theo ý ổng mỗi khi hai người hẹn hò đưa nhau đi chơi. Khi ông ta đến, thấy cái áo không vừa mắt là bắt chị phải thay áo khác ngay. Thơ tức mình dùm chị. Nhưng khi nghe chị tâm sự thì cũng thông cảm “Thơ biết không, anh Mạnh là kỹ sư, bạn bè anh ấy toàn là nhà giàu, dân trí thức. Chị cũng lớn tuổi rồi (nếu Thơ nhớ không lầm thì năm ấy chị Bạch mới hăm lăm tuổi), được anh ấy thương là phước cho chị lắm rồi. Chiều anh ấy một chút cũng đâu có sao!” Thơ thông cảm, nhưng cô Chín nấu ăn thì ghét anh chàng Mạnh ra mặt. Nhìn cái tướng đi tới đi lui, mặt vác hất lên trời, chân nện đôi giày da láng cóng lên sàn gạch, mà ngày nào cô Chín cũng lau sạch bóng, cô nhìn anh ta bằng cặp mắt lạnh tanh và sau khi hai người đi khỏi, cô buông một câu xanh dờn:
-Cái mặt thấy ghét! Thứ đàn ông mặt gà mái khó khăn, ưa hổng nổi! Hổng biết con Bạch mê thằng chả cái chỗ nào. Lấy nó chỉ có khổ!
-Chị Bạch mê chỗ nào chỉ có trời biết! – Tụi thằng Cương, thằng Sơn cười hô hố chọc cô Chín.
Sau này hai người cưới nhau và nghe đâu chị Bạch không được hạnh phúc lắm. Chị sanh hai đứa con gái nên anh Mạnh ra ngoài dan díu với người đàn bà khác. Ngẫm lại cô Chín tiên tri đúng quá.
Lúc này Cương đã trở thành một anh chàng điển trai, cao ráo, trắng trẻo, mũi cao như tây. Các em gái trong xóm mỗi lần đi ngang nhà đều cố ý bước chầm chậm, liếc mắt nhìn vào nhà. Chẳng là Cương có thói quen chiều chiều đứng trong cửa nhìn ra ngoài sân. Thời tiết Sài gòn nóng đổ lửa nên nhà nào cũng thích mở rộng cửa cho thoáng mát. Trước nhà Thơ có một khoảng sân kha khá, bao bọc bằng một hàng rào sắt. Cô Chín trồng hoa dọc theo phía trong hàng rào, nên căn nhà trở nên xinh đẹp nhất xóm. Bạn của Thơ đến chơi đều trầm trồ khen ngợi. Chẳng có hoa gì quý, chỉ là bông mồng gà, bông móng tay, cúc vạn thọ và một cụm dạ lý hương trồng gần cửa ra vào. Ban đêm hoa tỏa mùi hương thơm ngát.
Trong số những cô bạn thân của Thơ, Vân Anh có cảm tình đặc biệt với Cương, mà hình như cu cậu cũng có tình ý với nàng. Vân Anh rất xinh, nụ cười tươi như hoa hàm tiếu. Thân hình mảnh mai nhưng cân đối. Mái tóc đen mun, óng ả phủ bờ vai thon mềm. Dĩ nhiên là Thơ xúi cả hai bên nên sau này Vân Anh và Cương yêu nhau khắn khít. Con nhà giàu lại xinh đẹp nên Vân Anh có khá nhiều cây si. Đặc biệt nhất là một anh trung úy dược sĩ. Tuy đi lính, nhưng nhờ có bà bác là vợ một ông Trung Tướng nên anh ta được ở lại Sài gòn, phục vụ trong bệnh viện quân y. Mẹ của Vân Anh và bà mẹ chàng này là bạn thân từ thời con gái. Bà ta đã ngắm Vân Anh từ lâu. Dĩ nhiên khi biết con trai si tình Vân Anh là bà mẹ mừng lắm, mở lời với bà bạn vàng ngay lập tức. Mẹ Vân Anh cũng đồng ý cấp kỳ. Vân Anh sợ quá mới nói cho mẹ biết là nàng đã có người yêu. Sau khi điều tra kỹ, biết người yêu của con gái chỉ là một tên học trò trắng tay, bà đã phản đối kịch liệt và cấm không cho Vân Anh qua lại với Cương. Hai đứa buồn rầu khóc hết nước mắt. Kết quả là năm đó Cương thi rớt tú tài hai và con đường phải đi là tiến thẳng lên trường Bộ Binh Thủ Đức!
Với sự đồng lõa của Thơ, Vân Anh lên Thủ Đức thăm Cương được một lần rồi bặt tăm luôn. Bà mẹ canh kỹ quá nên con bé đành bó tay. Thất tình, khi ra trường Cương chọn đi tác chiến ở vùng hai. Lăn lóc giữa lằn tên mũi đạn, năm bảy mươi hai Cương bị thương nặng và được giải ngũ. Sau ngày Cương đi lính được một năm thì Vân Anh đành vâng lời mẹ lên xe hoa với chàng dược sĩ. Thơ cũng lập gia đình và theo chồng đổi về miền Hậu Giang. Cương vẫn ở độc thân, không chịu lập gia đình, lấy cớ là …nghèo! Bà dì nói hoài không được nên cũng mặc kệ. Nhưng Thơ biết là Cương chưa quên được Vân Anh. Thỉnh thoảng có dịp về Sài gòn, Thơ cùng Vân Anh đi ăn với nhau. Lần nào Vân Anh cũng hỏi thăm tin tức của Cương. Khi biết Cương vẫn còn độc thân, Vân Anh không cầm được giọt lệ, tự trách là vì nàng mà cuộc đời của Cương mới bi thảm như vậy! Biết nói gì đây? Chỉ đành đổ thừa cho số mạng, Vân Anh ơi!
Năm 75, Thơ theo gia đình chồng chạy ra Tân Cảng, xuống chiếc tàu Đại Hàn đang sắp sửa nhổ neo và may mắn thoát qua được đảo Guam. Chỉ hai tuần sau là gia đình bé nhỏ của Thơ đã đặt chân lên đất nước Canada thanh bình, thịnh vượng. Những ngày đầu gian khổ rồi cũng qua. Đến năm 80, nhờ người bà con Thơ được biết Cương đã lập gia đình với cô hàng xóm và hiện có hai con. Một trai, một gái. Vợ Cương buôn bán lau lách giỏi nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Bất ngờ, khoảng năm tám mươi lăm, Thơ nhận được bức thư Cương gởi từ trại tị nạn Pulau Bidong. Thì ra Cương đã vượt biên một mình. Không đem vợ con theo vì không đủ tiền đóng cho chủ ghe. Cả hai vợ chồng Thơ cùng đi làm nên đủ điều kiện bảo lãnh cho Cương qua Canada. Vậy mà cũng mất gần hai năm Cương mới qua tới, lý do Thơ và Cương không phải chị em ruột. Thôi, qua được là tốt lắm rồi. Tội nghiệp, qua đến nơi là Cương phải đối phó ngay với mùa đông khắc nghiệt của xứ Québec. Tuyết giá trắng trời, nhưng đã nói từ thuở bé, cậu ta là một tay gan dạ cùng mình, không hề lùi bước trước những khó khăn. Cương lăn xả đi làm. Công việc nặng nhọc gì cũng làm, miễn sao có đủ tiền để bảo lãnh vợ con. Trời cũng thương, nên chỉ hơn hai năm sau là chính phủ Canada cho phép vợ con Cương được sum họp với chồng. Hai đứa con của Cương thật xinh xắn đáng yêu. Liên, vợ Cương, không nghề nghiệp chuyên môn nên đi làm cho hãng may. Bất ngờ, chỉ vài năm sau Liên bỗng mắc chứng chóng mặt kinh niên. Đi khám và chữa trị khắp nơi vẫn không hết. Liên không đủ sức khỏe để đi làm. Tất cả gánh nặng đè lên vai Cương. Anh chàng vốn ít nói bây giờ càng lầm lì. Những buổi tiệc của đại gia đình, thường tổ chức tại nhà Thơ, mặc ai cười nói rộn ràng, Cương tìm một chỗ khuất ngồi, mặt đầy vẻ ưu tư. Nhiều lần Thơ ái ngại đến ngồi với Cường, nhưng anh chàng đều nói “chị cứ mặc em, đi tiếp khách đi”. Mái tóc trên đầu Cương càng ngày càng muối nhiều hơn tiêu!
***
…Thời gian trôi, con người cũng già đi cùng năm tháng. Cương và Thơ đang tiến dần đến tuổi lục tuần. Trong thời gian này Cương mắc bệnh tiểu đường, có lẽ di truyền từ mẹ. Nhưng nhờ thuốc men đều đặn, kiêng cữ chu đáo nên cũng không sao. Cho đến một hôm Thơ hết hồn khi nhận được cú phôn của Liên:
-Chị ơi, lúc sau này anh Cương có biểu hiệu kỳ quặc lắm. Anh ấy cứ quên trước quên sau. Mới hôm qua nè, tụi em được mời đi ăn cưới ở phố tàu. Chị biết không anh ấy không nhớ đường, dù xưa nay đi cả trăm lần. Ảnh cứ lái loanh quanh cả tiếng rưỡi mới tới nhà hàng. Quê quá chừng. Bình thường là nửa tiếng thôi chị à. Em sợ quá!
Thơ an ủi cô em dâu chứ biết làm gì hơn. Vài tháng sau Liên lại gọi Thơ khóc bù lu bù loa, báo tin Cương đã bị sở sa thải vì làm việc hư hỏng tùm lum. Thơ cũng rầu rĩ, bắt thằng Bình, con trai Cương, chở bố đi khám bác sĩ. Nhưng kết quả chẳng có gì. Cương trả lời trôi chảy mấy cái test bác sĩ đặt ra. Đành bó tay! Đến một ngày Liên báo tin Cương bị cảnh sát bắt thì Thơ hoảng hốt thật sự. Nàng lật đật lái xe đến trụ sở cảnh sát mới biết rằng, Cương vào tiệm Costco, lấy mấy thứ hàng trên kệ rồi thản nhiên đi ra không trả tiền. Bảo vệ chận lại, Cương nhất định nói trả tiền rồi, không chịu hoàn lại những món đang cầm. Bắt buộc họ phải gọi cảnh sát. Thơ phải giải thích một hồi, chịu trả tiền những món cậu em muốn mua. Sau cùng cảnh sát cũng thông cảm, thả Cương về với điều kiện người nhà phải trông chừng, không được để Cương ra đường một mình. Nhưng cậu ta cứ nhân cơ hội vợ nghỉ trưa trong phòng là lén mở cửa ra ngoài đi lang thang rất xa làm cả nhà đi tìm táo tác. Những hôm trời mùa đông lạnh cắt da, Cương ghé vô tiệm cà phê, mua xong không có tiền trả bị nhân viên cấm cửa, từ đó về sau không được bước vào! Đến nước này, mọi người đồng ý đưa Cương vào nhà thương. Lúc Liên và các con ra về, dù bên ngoài tuyết rơi mù mịt mà Cương mặc áo nhà thương phong phanh, chân trần chạy ra theo vợ con để về nhà. Bảo vệ bắt lại và y tá phải cột Cương dính vào giường. Cậu ta chửi bác sĩ, chửi y tá ầm ĩ. Từ đó bác sĩ phải cho chích thuốc ngủ mới êm.
Thơ vào thăm em, thấy tình cảnh đó cũng phải rơi nước mắt. Cứ tự hỏi vì sao? vì sao nên nỗi?! Từ một chàng thư sinh đẹp trai, hào hoa mà bây giờ thân hình tàn tạ, mặt mày ngơ ngác, vô hồn? Rồi từ từ sức khỏe Cương càng xấu đi. Chẳng còn phân biệt được gì nữa cả. Rất nhiều lần cậu đi vào bất cứ phòng của bệnh nhân nào, thấy trống là thản nhiên leo lên nằm ngủ thoải mái hoặc ăn, uống hết những thứ cậu ta thấy trên bàn. Y tá bắt gặp phải dẫn về phòng. Bệnh Alzheimer đã lộ diện, không còn nghi ngờ gì nữa. Chỉ có ăn và ngủ nên càng ngày Cương càng tăng ký khủng khiếp. Vì ở bệnh viện tốn tiền chính phủ nhiều quá nên họ yêu cầu đem Cương về nhà săn sóc. Mỗi ngày có y tá ở chẩn y viện gần nhà đến cho uống thuốc. Một hôm Thơ đến thăm, thấy mùi từ thân thể cậu em nồng nặc quá bèn hỏi lý do. Liên trả lời:
-Anh ấy mạnh lắm chị ơi. Mỗi lần em bắt ảnh đi tắm là như trận giặc. Em đang xịt nước, ổng bất thần nhảy ra khỏi bồn tắm, em yếu đâu có làm lại nỗi. Chị biết không 6 tháng rồi ổng chưa gội đầu. Chắc là em sẽ cạo hết tóc cho ảnh chớ để như vầy dơ quá!
Thơ cũng đành lắc đầu ngao ngán. Đến khi Cương lén lấy chai thuốc Tylenol 500 viên uống sạch trong vòng chưa đầy 1 tháng (may mà thuốc dành cho trẻ em) thì Liên đầu hàng vô điều kiện. Cuối cùng, nhà thương cũng tìm được cho Cương vào ở luôn trong một trung tâm dành cho người già không còn khả năng tự chăm sóc. Có lẽ Cương là người trẻ nhất trong số những người thường trú nơi đây. Mỗi người có một phòng riêng. Bên ngoài dán hình chủ căn phòng. Bên trong thân nhân tự trang hoàng lấy nên cũng có vẻ ấm cúng, dù hiện tại Cương đâu còn khả năng thưởng thức xấu đẹp! Người nhà hoặc bạn bè thân thiết từ xưa đến thăm, mặc ai muốn hỏi gì hỏi, Cương chỉ trố mắt ra nhìn, gương mặt dửng dưng. Từ lâu, cậu ấy đã không còn khả năng chuyện trò nữa. Cương bây giờ trở thành một người câm. Mỗi lần vào thăm thấy em như vậy, rồi nhìn những người già ngồi ngoài phòng khách hoặc trong phòng ăn đầu gục lên gục xuống, hoặc có người nhìn Thơ rồi nở nụ cười ngây ngô như trẻ thơ…lòng nàng lại rung lên một tình cảm xót thương vô tả. Một ngày nào đó mình cũng sẽ như thế này ư? Thơ không khỏi rùng mình, cảm giác bất an.
Đi ngang phòng khách, nhiều lần nhìn thấy một ông lão chắc cũng khoảng 80, tướng tá còn mạnh khỏe, nắm tay một bà lão gầy yếu hom hem ngồi trên xe lăn, gương mặt vô hồn. Thơ tò mò hỏi thì Liên kể:
-Ông đó thấy thương lắm chị ơi. Ổng là chồng bà lão đó. Hai người lấy nhau từ năm bà 17 và ông 20 tuổi. Bây giờ ổng 80 rồi mà vẫn khỏe mạnh. Bà ấy bị Alzheimer vào đây đã 6 năm. Sáu năm trời ròng rã, mỗi ngày ông đều vào từ sáng sớm. Cho bà ăn sáng xong rồi ngồi đó, cầm tay vợ như vậy cho tới giờ ăn trưa. Bà ăn rồi ông mới đi ăn. Sau đó trở vào tiếp tục ngồi cầm tay bà cho tới giờ ăn tối. Sau khi ăn xong, bà đi ngủ thì ổng về nhà. Bất di bất dịch từ ngày này sang tháng khác, ròng rã 6 năm rồi đó chị.
Thơ kinh ngạc kêu lên, giọng đầy xúc cảm:
-Trời ơi, một cuộc tình đẹp long lanh như hạt kim cương. Đúng là đá mòn nhưng dạ không mòn. Một tình yêu vĩnh cửu đáng vinh danh.
Ở đây Cương được săn sóc tốt nên cũng ít bị bệnh lặt vặt trong suốt năm năm liền. Nhưng do bệnh tiểu đường, mà Cương thì chỉ ăn và ngủ nên dần dần bị suy thận. Từ đó đâm ra đau ốm liên miên. Lần cuối cùng bị nhiễm trùng đường tiểu rất đau đớn. Do không nói được nên dù có đau mấy cũng chỉ biết rên rỉ rất tội nghiệp. Một tháng sau thì Cương đi dần vào trạng thái coma. Sau khi khám kỹ lưỡng, bác sĩ bảo gia đình nên lo hậu sự vì cậu ấy không còn nhiều thời gian để sống. Liên rước thầy trụ trì chùa Linh Ứng đến trung tâm đọc kinh cầu an cho chồng. Sau khi niệm kinh xong thầy gõ lên trán Cương ba cái rồi ra về. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều, mọi người cảm thấy đói nên rủ nhau ra tiệm gần đó ăn tối, chỉ để một mình Liên ở lại canh chừng. Chưa xong bữa cơm thì có điện thoại của Liên báo tin Cương bỗng nhiên mở mắt. Mọi người mừng quá vội vàng quay trở lại trung tâm. Trời ơi, có thể nào là sự thật? Cương trước mắt Thơ là một người hoàn toàn tỉnh táo, không hề có chút biểu hiện gì của bệnh Alzheimer. Cương mở to mắt nhìn từng người đứng chung quanh giường. Đến phiên Thơ bước tới, hỏi em có nhận ra chị không? Cương nắm tay Thơ siết chặt, mắt nhìn Thơ chăm chú, môi mấp máy như muốn nói điều gì, hai dòng lệ từ từ lăn trên má. Thơ òa lên khóc ròng. Trời ơi! trời ơi em tôi! Thơ chạy ra khỏi phòng khóc tức tưởi. Nàng nghe nói khi người bệnh “hồi dương” là lúc sắp phải chia tay. Sau khi nắm tay từng người thân hiện diện trong phòng, Cương mệt nhọc khép mắt lại. Mọi người đứng xung quanh giường đọc cho Cương một thời kinh rồi mới ra về, mắt ai cũng đỏ hoe. Năm giờ sáng hôm sau thì Cương ra đi êm ái. Thơ buồn lắm, nhưng cũng mừng cho em được giải thoát khỏi số kiếp phải làm người bệnh hoạn triền miên…
***
…Gần như suốt đêm Thơ không ngủ được vì nhớ em. Nhớ đến khoảng đời êm đẹp chị em sống gần gũi khi xưa. Nhớ đến lúc em từ giã cõi đời…Sáu giờ Thơ ra khỏi giường, ra ngoài bếp pha ly cà phê sáng. Rồi tắm, thay quần áo sẵn ngồi chờ hai cô cháu tới đón. Lệ Thu căn dặn rằng trên đó núi cao, mùa thu gió lạnh hơn ở thành phố, dì nhớ mặc thật ấm. Thơ trang bị nào áo len dày, nón len, phu la len… để khỏi bị lạnh. Đúng 7 giờ rưỡi lên đường. Thơ nói:
-Suốt đêm không ngủ, bây giờ buồn ngủ quá. Chừng nào sắp tới nơi thì kêu dì dậy nghe.
Đường tốt xe chạy êm, ru Thơ vào giấc ngủ dễ dàng. Sắp tới ngã rẽ vào con đường dẫn lên Làng Cây Phong, Lệ Thu đánh thức Thơ dậy. Đưa mắt nhìn ra hai bên cửa xe. Ôi chao là đẹp. Thơ như ngợp đi giữa những màu lá hai bên đường và những núi đồi xung quanh được tô màu thật lộng lẫy. Xe bắt đầu lên dốc. Nhà cửa hai bên đường cũng đẹp tuy thưa thớt.
Làng Cây Phong tọa lạc ở vùng núi thuộc miền đông thành phố Montréal. Là trung tâm tu học đầu tiên, theo pháp môn Làng Mai của Thầy Nhất Hạnh, ở Bắc Mỹ từ năm 1985. Có ngôi thiền đường khang trang được xây dựng vào năm 1989. Mỗi năm Hội Phật Học Làng Cây Phong tổ chức nhiều khóa tu dài hạn và những ngày quán niệm cuối tuần. Tuy nghe tiếng từ những năm tháng đầu tiên, nhưng đây là lần đầu Thơ đặt chân lên đây. Con đường ngoằn ngoèo lên núi trải nhựa bằng phẳng, nhưng từ khúc quẹo vào thiền đường thì còn y nguyên đường đất rải đá. Mùa này vào được, nhưng mùa đông tuyết phủ dầy, thiền đường phải đóng cửa cho đến mùa xuân.
Xe lăn chầm chậm độ hơn 500 mét thì gặp ngôi thiền đường trắng tinh, nổi bật giữa màu lá thu muôn sắc. Liên và cháu Bình đã đến trước ít phút cùng với vài người bạn trong ban hộ niệm chùa Linh Ứng. Cũng là những người thân quen. Thơ tháp tùng theo mọi người lên chánh điện. Thầy đã bắt đầu khóa lễ. Thơ đưa mắt nhìn quanh. Thiền viện khác với nhà chùa. Trên bàn thờ chỉ có một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ ngồi trông thật an nhiên tự tại. Một cái mõ, đĩa trái cây và hai bình hoa giản dị. Sự đơn sơ khiến Thơ cảm thấy thoải mái trong lòng. Nàng cố tập trung cầu nguyện. Cầu cho chúng sinh, cầu cho hương linh Cương…
Sau khóa lễ là bắt đầu phần rải tro trong rừng. Thầy cầm chiếc khánh nhỏ dẫn đường, theo sau là cháu Bình ôm hũ tro của bố. Liên đi ngay phía sau và tất cả những người tham dự nối tiếp đi hàng một. Vừa đi vừa lầm rầm niệm Phật. Con đường đất phủ đầy lá vàng. Hai bên là rừng phong. Lá vàng lấp lánh trong nắng thu, như reo vui chào đón những khách từ xa đến thăm. Không khí trong lành, im ắng. Chỉ có tiếng khánh do Thầy hướng dẫn đánh lên thật khẽ khàng, tiếng vang rất xa mơ hồ như thực như hư càng làm cho khung cảnh trở nên huyền ảo.
Đi độ mươi phút Thầy rẻ vào rừng. Mọi người cùng rẽ theo bước chân Thầy. Nơi đây chỉ có cây cối và vài tảng đá bằng phẳng khá lớn. Trên đó có những hũ tro do người đi rải tro xong bỏ lại. Bình bắt đầu đi sâu vào bên trong, vừa đi vừa bốc từng nắm tro rải xuống đất. Phía trước là một gò đất cây cối tương đối lưa thưa. Thầy và mọi người đứng tại chỗ đọc kinh, niệm hồng danh đức Phật cho đến khi Bình rải hết tro trong hủ. Thơ nhìn những nắm tro tàn của em, một phần rơi xuống đất, một phần nương theo cánh gió nhè nhẹ bay xa mà lòng ngậm ngùi vô tả. Thế là xong một kiếp người. Thật đúng là vó câu qua cửa. Mới ngày nào hai chị em còn tung tăng đùa nghịch với lũ bạn trẻ thơ nơi quê nhà. Giờ tóc đã pha sương. Rồi kẻ ở người đi không bao giờ gặp lại. Có chăng là trong giấc mơ! Thơ nghe đôi mắt cay cay…nhưng cố gượng không chảy nước mắt trước mặt mọi người.
Cương ơi, ngủ yên nghe em. Lời gió rì rào trong rừng phong sẽ ru giấc ngủ cho em tôi ngàn đời. Vĩnh biệt em…!
Tiểu Thu
Mùa Đông Montréal 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét