Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Món Quà Đầu Năm Mới

Ngày đầu năm buồn vì cô đơn
Biết tìm đâu nữa những tình thân
Ai sẽ có niềm vui năm mới
Ai sẽ một mình như tôi không?

Làm xong bốn câu thơ này, Tuấn dừng lại, nhìn ra ngoài cửa sổ sau vườn nhà, một buổi chiều đầu năm mới, yên bình, lặng lẽ. Sau mùa Giáng Sinh thế gian tưng bừng đón chào năm mới, những hình ảnh gia đình ấm cúng bên nhau. Anh thì không.

Những người đã bước qua tuổi hoàng hôn, bên kia dốc cuộc đời, đều luôn có cảm giác chợt buồn trong phút giây chạnh lòng khi đất trời chuyển qua năm dương lịch mới, khi mà lúc viết mails hay nhắn tin cho ai đó, phải viết con số ngày tháng của năm mới, chưa quen lắm, bởi đó là một cảm giác chẳng thú vị gì, vì thêm một tuổi đời, quỹ thời gian càng ngắn lại.

Phạm Duy có viết trong Nghìn Trùng Xa Cách “chuyện đôi ta buồn ít hơn vui”, câu này rất đúng với Tuấn của một thời tuổi trẻ, chớ đối với Tuấn ngày nay, những năm gần đây anh vẫn tự hát cho mình nghe “chuyện của tôi, buồn lắm hơn vui”. 

Còn gì mà vui nữa, tình nghĩa vợ chồng đang hạnh phúc thế mà vợ đã đổi thay, có một tình yêu khác và hai vợ chồng đã phải ra tòa li dị cách đây hơn mười năm. Sau một thời gian căng thẳng với cuộc chiến phân chia tài sản, anh được quyền nuôi Kha, đứa con trai duy nhất. Dĩ nhiên vợ cũ của anh đã mau chóng có bến đỗ mới nhưng nhiều năm qua anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa.  Bạn bè xung quanh và ngay cả anh em trong gia đình cũng thúc giục anh nên tìm một người bạn đời “sớm tối có nhau” vì lúc ấy anh mới 50 tuổi, chưa già lắm những cũng chẳng trẻ trung gì. Có thể vì anh chưa thấy ai thích hợp, có thể vì anh cảm thấy sợ hôn nhân, nhưng chắc chắn vì một điều là anh rất thương con, anh muốn dành tình thương, bù đắp tất cả cho con trai. Kha càng trưởng thành càng hiểu chuyện và rất tâm lý, cũng thương bố cô đơn, đã là người bạn chia sẻ mọi tâm tư buồn vui của cuộc sống. Hai cha con ý hợp tâm đầu, có thể ngồi nói chuyện với nhau cả giờ đồng hồ.

Rồi thì con chim đủ lông cánh cũng có ngày rời tổ, dù thương bố thế nào, Kha cũng đến lúc trưởng thành, mấy năm nay, vì công việc nơi hãng máy bay Delta, Kha đã dọn qua bên Atlanta, bố con Tuấn lại xa nhau hơn, thời gian thăm nhau chỉ là mỗi năm vài lần vào những dịp lễ lớn. Cũng may, anh còn gia đình cô em gái sống gần nhà, hàng tuần nấu các món ăn mang qua cho Tuấn, hoặc mời anh sang nhà cùng ăn uống, nói chuyện, cho Tuấn vơi vớt nỗi cô đơn. Nhưng có những lúc một mình, nhất là vào dịp đầu năm như hôm nay, Tuấn lại có cảm giác trống trải, chơi vơi, vết thương cuộc hôn nhân tan vỡ dường như tái phát, đau nhói trái tim anh.

Tuấn rời bàn computer, vào bếp hâm lại tô cháo, sau khi ăn xong tô cháo nóng, Tuấn rót một ly rượu vang đem ra sofa ngồi xem tivi, tự nhủ sẽ dành cho mình một đêm đầu năm, không nghĩ suy, không vướng bận, thì tiếng phone reo như thúc giục liên hồi nơi counter nhà bếp. Tuấn nghĩ bạn bè nào đó gọi nên bước ra cầm phone. Tiếng phụ nữ đầu giây bên kia ngập ngừng:
- Xin lỗi, có phải là anh Nguyễn Quang Tuấn đó không?
Giọng nói xa lạ, gọi cả tên họ của anh làm Tuấn ngạc nhiên:
- Vâng, chính tôi.
Bên kia lại ngập ngừng:
- Nếu đúng là anh Tuấn, thì tôi có câu chuyện muốn nói với anh.
Tuấn e dè:
- Xin cô cứ tự nhiên, nhưng làm ơn cho biết quý danh của cô chứ?
- Dĩ nhiên, tôi sẽ nói, nhưng thời gian quá lâu rồi, sợ anh không nhớ ra, nên tôi sẽ bắt đầu bằng một thời gian, đó là năm 1989, trong một chuyến vượt biên, anh có tham gia.
- Đúng vậy, năm đó, tôi có đi vài chuyến, đều thất bại trở về.
- Nhóm của chúng mình gồm 4 người, hai nam hai nữ, từ Sài Gòn được đưa về Sóc Trăng chờ ra taxi chờ ngày ra “cá lớn”, nhưng thời gian chờ đợi lâu hơn dự định.
Tuấn nhớ ra:
- Ồ, tôi đi với thằng em họ tên Hoàng, vậy cô là…là ai nhỉ?
- Tôi là Hương Lan, là một trong hai cô gái chung nhóm bốn người, anh đã nhớ ra rồi ạ?

Tuấn nhớ lại khoảng thời gian đó, khi đến Sóc Trăng, họ chia nhóm 4 người thành hai cặp, trong đó anh và Hương Lan là một cặp, dù chẳng ai quen biết ai, cô gái còn lại thì đi với Hoàng. Người dẫn đường giải thích, hai cặp sẽ được đưa đến trú ngụ ở hai địa điểm khác nhau, và còn rất nhiều người khác ở các địa điểm khác, rồi cứ chờ cho đến khi có ghe nhỏ (taxi) tới đón đưa ra tàu lớn.

Thời gian dự trù là khoảng vài ba ngày chờ đợi, nhưng suốt mấy ngày ăn không ngồi rồi, trong căn phòng bé nhỏ trong một ngôi nhà ven sông, thật ngột ngạt, mà chưa có dấu hiệu ra khơi (có chủ nhà sinh hoạt bình thường bên ngoài và phục vụ chuyện ăn uống cho người chờ vượt biên). Họ còn căn dặn kỹ lưỡng, lỡ có công an xã hay ai đến hỏi, thì anh chị phải nói là vợ chồng ở Sài Gòn ra đây là nhà bà con, đi ăn cưới. Tối đến Hương Lan ngủ trong phòng, Tuấn tình nguyện ra sàn nước, vừa nghe tiếng lục bình trôi vật vờ bên mé sông, vừa nằm ngủ cho mát. Hai người, khi ban ngày rảnh rỗi cũng kể nhau nghe chuyện của mình, chuyện bạn bè, gia đình, chuyện đời linh tinh, nói chung là những chuyện phải nói để giết thời gian. Cả hai cùng trẻ tuổi, nên những phút giây nói chuyện cũng bớt đi nhàm chán, làm thời gian chờ đợi bớt buồn bã, vô nghĩa.

Mấy lần Tuấn định bỏ về vì thời gian cứ kéo dài, nhưng ban tổ chức nhắn người đến nhắc nhở mọi người bình tĩnh vì đang bị động ở một địa điểm nào đó.

Cuối cùng, buổi chiều hôm ấy họ bảo tình hình có vẻ không khả quan lắm, vì vài chỗ chứa người trong đường dây của nhóm tổ chức đang bị lộ, có thể sẽ bị công an đến kiểm tra và có thể khuya nay lên đường, rồi nhốt hai người vào trong phòng. Tuấn và Hương Lan hồi hộp chẳng ngủ được, rồi lại nói chuyện tâm tình. Hai người trẻ tuổi trong căn nhà vắng cùng nỗi cô đơn và cùng niềm ước vọng đã khiến họ gần lại, anh và Hương Lan đã vượt quá giới hạn. Là bản năng đòi hỏi của thể xác chứ không hẳn là tình yêu.

Nửa đêm, taxi tới đón hai người, nhưng lại chia ra hai thuyền nhỏ đi hai hướng khác nhau. Đến khi Tuấn gặp Hoàng trên một thuyền khác, nhập vào đi chung, thì nghe tiếng súng nổ của công an biên phòng, thế là mạnh ai nấy lo, thuyền nào lo chạy thuyền nấy, còn ghe lớn cứ chạy hết tốc độ ra hướng cửa biển. Tuấn và Hoàng sau đó tìm ra bến xe trở về Sài Gòn, chẳng biết tàu lớn chở được những ai, cũng không có dịp dò hỏi chuyến tàu ấy có đến bờ tự do hay không.

Sau vụ vượt biên hụt đó Tuấn đi thêm hai lần nữa đều không thành nên chán nản, bỏ ý định vượt biên. Ba năm sau, anh cưới vợ, rồi vợ chồng anh được bố mẹ vợ bảo lãnh qua Mỹ.
Tiếng Hương Lan nhắc nhở:
- Anh Tuấn đang nghĩ gì thế?
Tuấn vui vui trả lời:
- Tôi đang nghĩ về cô Hương Lan, hồi đó tôi hay đùa tên cô giống ca sĩ Hương Lan. Cuộc sống cô lúc này ra sao, cô đang ở đâu, à mà chuyến tàu đó có thành công hay không?
- Anh hỏi nhiều câu sao tôi biết trả lời. Tóm lại, chuyến tàu đó đã đến Thailand, tôi đi định cư ở Canada rồi lập gia đình, dọn nhà vài lần, và nơi cuối cùng trời xui đất khiến hiện nay tôi ở Windsor, cách Detroit của anh một cây cầu thôi đấy.
- Nhưng sao cô biết số phone của tôi và hôm nay lại gọi hỏi thăm tôi?
- Tình cờ, mấy bữa trước tôi gặp lại anh Hoàng, em họ của anh trong một tiệc họp mặt cuối năm ở đây. Lúc đầu chẳng ai nhận ra ai, vì hơn 30 năm rồi còn gì, nhưng nói chuyện qua lại, nhắc về chuyến vượt biên mới vỡ lẽ là đã từng đi chung chuyến năm ấy ở Sóc Trăng, và anh Hoàng đã cho tôi số phone và địa chỉ của anh. Trái đất tròn, phải không anh?
- Đúng vậy! Nhân đây, tôi xin được chúc mừng năm mới cô nhé!
- Vâng cám ơn anh. Tôi cũng vui khi gặp lại anh.
Hương Lan bỗng hạ giọng:
- Anh Tuấn à, anh Hoàng có kể cho tôi về cuộc sống và hoàn cảnh của anh, lẽ ra hôm nay tôi chỉ tính phone hỏi thăm anh và chúc mừng anh năm mới, rồi hôm khác sẽ phone lại, nhưng có lẽ tôi sẽ kể cho anh nghe ngay bây giờ luôn.
- Hình như cô muốn nói chuyện gì quan trọng lắm, xin cô cứ nói, tôi đang nghe.
- Nhưng anh phải bình tĩnh đấy, chẳng biết đây là tin vui hay buồn cho anh nữa?
- Đời tôi nhiều chuyện buồn rồi, cô có báo tin gì... động trời tôi cũng không thể buồn hơn.
- Anh Tuấn, anh đã có... một đứa con trai từ dạo ấy.
Tuấn ngạc nhiên kêu lên:
- Thế ư?
- Đó là kết quả của đêm ra khơi tại Sóc Trăng.

Tuấn đã hiểu ra và dù đã hứa bình tĩnh, anh vẫn chưa tin chuyện đời lại có cảnh bất ngờ đến thế này. Hương Lan kể:
- Vâng! Đêm đó tàu lớn chạy một mạch ra cửa biển thì tàu công an không đuổi theo nữa. Sau ba ngày đêm tàu đã cập bến tỉnh Chad, Thailand, rồi được vào trại Panatnikhom. Vào trại gần một tháng, tôi mới biết mình có thai, tôi cũng bất ngờ như anh bây giờ, chỉ một lần gần gũi mà thành định mệnh, tôi có con với anh. Tôi giữ thai và khai sinh cho nó chỉ có tên người mẹ là tôi. Từ khi còn ở trại, tôi cũng từng cố gắng tìm anh để mừng nếu anh may mắn qua được bến bờ tự do và để báo cho anh biết anh có một đứa con, chứ không có ý ràng buộc gì anh đâu. Tôi gửi tin tìm người thân qua Red Cross nhờ họ tìm khắp các trại tỵ nạn Đông Nam Á mà vẫn không có tin tức gì, nên đành bỏ mặc theo thời gian. Tôi lập gia đình, vợ chồng tôi không có con chung nên anh ấy thương đứa con riêng của tôi lắm. Tiếc rằng hạnh phúc của gia đình tôi không còn nữa, anh ấy đã qua đời cách đây vài năm. Khi con trai lớn khôn, chúng tôi đã kể cho cháu biết ba nó là người khác, thằng con trai vui tính dễ thương, nó nói nó là đứa con của câu chuyện cổ tích và nó muốn đi tìm gặp ba ruột của nó, cho cổ tích thành cuộc đời thật.
Tuấn vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Cứ như từ trên trời rơi xuống, anh bỗng có một đứa con trai và Kha sẽ có một người anh ư? Hương Lan chờ anh qua cơn xúc động, rồi tiếp:
- Anh có muốn gặp con anh không, nó tên Quang, đang là kỹ sư, và vẫn độc thân anh ạ.
Giọng Tuấn lạc đi vì vui mừng:
- Dĩ nhiên rồi, cám ơn cô đã nuôi dạy nó nên người. Nhưng giờ đây tôi muốn nói lời xin lỗi cô, điều mà tôi đã trăn trở sau chuyến vượt biên không thành ấy.
Hương Lan vẫn nhẹ nhàng:
- Nếu anh có lỗi thì tôi cũng có lỗi, cả hai chúng ta đều không ngờ sẽ có đứa con này, phải không? Anh Tuấn à, càng lớn Quang càng giống anh nhiều lắm.
- Cám ơn cô đã cho tôi một tin vui bất ngờ, xin cô cho tôi được gặp cháu, à quên, gặp Quang.
Hương Lan vui vẻ:
- Quang vẫn ở cùng với tôi và làm việc ngay tại thành phố này. Hai cha con anh sẽ có một ngày gặp mặt nhau, ngày ấy thật đặc biệt.
Tuấn bối rối, suýt đánh rơi chiếc phone trên tay:
- Vậy cô cho tôi số phone của Quang, tôi sẽ gọi Quang.
- Không anh ạ, hiện Quang đang đi công tác, anh đừng gọi phone, cứ để tất cả niềm vui của anh và của Quang cùng vỡ òa khi gặp mặt có phải là sẽ vui hơn không. Quang và anh sẽ nhận nhau, mong rằng tình bố con sẽ nảy mầm, dù có muộn màng.

Tuấn chưa kịp nói gì thêm, bên kia đã nhẹ nhàng nói “bye bye” rồi cúp phone, có lẽ Hương Lan muốn anh thoải mái với niềm vui bất ngờ nàng vừa mang đến.

Tuấn định gọi phone cho Hoàng để hỏi thêm và bàn về chuyện gặp lại Hương Lan và con trai thì Hoàng đã nhanh nhẹn gọi trước:
- Chúc mừng năm mới! Sao, anh của em đã nói chuyện với người xưa chưa? 
- Người xưa gì! Hương Lan chỉ là cô gái gặp nhau trên đường vượt biên, cậu biết rõ mà.
- Đúng là người bạn vượt biên và cũng là người tình một đêm. Định mệnh đã ràng buộc hai người từ một lần ân ái tình cờ ấy: Này nhé chị Hương Lan đã có con với anh, rồi anh lấy vợ nhưng rồi chia tay vợ, rồi Hương Lan lấy chồng cũng chẳng sinh thêm đứa con nào, người chồng lại... ngỏm trước khi Hương Lan tình cờ gặp lại Hoàng đây. Thêm nữa cả hai mẹ con chị Hương Lan bấy lâu nay đang sống gần anh, chẳng phải là sự sắp xếp của định mệnh sao? Thôi thì sẵn con đấy, sẵn cả hai người cùng đang dang dở cuộc đời, dịp này nhận con xong anh và chị Hương Lan nhận nhau là cố nhân luôn đi, tìm hiểu nhau rồi lấy nhau cho thằng Quang có đầy đủ mẹ cha. 
Tuấn chưa kịp nói gì thì Hoàng tiếp:
- Hôm ấy, em đã nghe chị Hương Lan kể chuyện đời chị xong, em cũng kể hết chuyện của đời anh, chị Hương Lan nghe và cảm động lắm. Báo cho anh yên chí là chị Hương Lan vẫn xinh đẹp và dễ thương như thuở nào. Chúc mừng anh có món quà đầu năm bất ngờ, là đứa con trai, mà còn được "bonus" thêm ... má nó nữa. 
Tuấn bối rối, ngượng ngùng:
- Cậu chỉ thích đùa dai.
- Thôi đi ông anh của tôi ơi! Bộ anh tưởng em quên trên chuyến xe đò từ Sóc Trăng trở về Sài Gòn năm đó, anh cứ áy náy ray rứt và xuyến xao đôi mắt đẹp của chị Hương Lan, và nhất là cái đêm định mệnh mà anh bảo rằng y như câu hát của Trịnh Công Sơn "vội vàng thay những phút yêu người", đấy thôi! Em dám bảo đảm nếu chuyến đi ấy chị Hương Lan cũng bị kẹt lại, hoặc anh cũng có mặt trên con tàu tới trại Thailand thì hai người chắc chắn đã thành đôi. 

Bây giờ thì Tuấn thú nhận yếu ớt:
- Đúng là anh cũng từng có chút rung động sau phút ấy, nhất là cảm giác ăn năn khi mình là người đầu tiên bước vào đời Hương Lan trong hoàn cảnh... chẳng giống ai!
- Mà em cũng phục anh chị thật đấy. Trong lúc chờ đợi vượt biên lén lút, đầy căng thẳng, dầu sôi lửa bỏng hồi hộp như thế, mà hai người vẫn còn tâm trí để... đi vào đời nhau nữa cơ!
- Cậu bớt đùa, cho tôi nói chuyện nghiêm túc được chưa?
- Thật chớ đùa gì! Có lẽ vì vậy nên chị ấy mới nhớ hoài đấy anh ơi. Đâu phải tự dưng mà khi lên trại chị Hương Lan vẫn có ý nhờ tổ chức Red Cross tìm anh ở khắp các trại tỵ nạn suốt mấy năm ròng. Chắc là ngày nào chị ấy cũng ca bài ca "anh đi qua đời em, không nhớ gì sao anh... Tuấn ơi!"

Thật ra, khi về tới Sài Gòn sau chuyến ra khơi hụt ấy, Tuấn cũng có lo ngại nếu "tình một đêm" để lại hậu quả thì sẽ tội cho Hương Lan, nhưng đâu có cách nào để biết, rồi những bận bịu của dòng đời cuốn anh theo thời gian, chuyện cũ đi vào lãng quên. 

Giờ đây, ký ức sống lại, Tuấn nhớ rõ khuôn mặt, dáng dấp và cả giọng nói của Hương Lan. Cô là một cô gái duyên dáng, lịch sự, có hiểu biết, trong hoàn cảnh vượt biên ngắn ngủi Tuấn chưa kịp có cảm tình sâu đậm với cô. Nếu gần gũi nhau thời gian dài biết đâu Tuấn cũng đã yêu cô?

Nói chuyện với Hoàng xong để rồi cả đêm Tuấn lại trằn trọc chộn rộn thao thức, nhớ câu nói của Hương Lan “từ khi biết chuyện, Quang vẫn luôn muốn tìm ba ruột” trái tim anh dâng lên niềm vui xen lẫn xúc động. Anh sẽ gặp Quang, đứa con ngoài dự định nhưng bây giờ bỗng là món quà tuyệt vời, như trong chuyện cổ tích mà Quang đã nói. 

Nghĩ đến đứa con chưa biết mặt, xong Tuấn lại nghĩ đến Hương Lan. Hình như niềm rộn ràng này không phải anh chỉ mong sẽ gặp con trai, mà còn mong gặp... má nó nữa, Hoàng nói cũng chả sai. 

Năm mới đang đến, lòng Tuấn cũng bao nhiêu cảm xúc mới. 

Kim Loan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét