Sau khi tham dự Tang lễ của một người bạn đồng môn vừa qua đời ở tuổi còn tương đối trẻ, về nhà tôi lại nhớ đến bài thơ hài cú Hai Mùa Thu của Nhà thơ người Nhật Shiki diễn tả bối cảnh cùng một thời gian và cùng một nơi chốn mà có hai mùa thu khác nhau, một mùa thu của người đang nằm dưỡng bệnh ở trong nhà và một mùa thu ở thế giới bên ngoài.
Nhà thơ Yosa Buson (1716-1784) là tác giả sáng tác thơ hài cú nhiều nhất nên người ta thường gán cho ông là tác giả bài thơ Hai Mùa Thu nhưng thật ra tác giả bài thơ hài cú tuyệt tác này là Nhà thơ Masaoka Shiki (1867-1902). Văn đàn Âu Mỹ ngưỡng mộ lời thơ và ý thơ của bài thơ Hai Mùa Thu này nên có rất nhiều người đã dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác. Vì thế đôi khi nhiều người tưởng lầm dịch giả là tác giả; chẳng hạn như Nhà thơ người Anh Reginald H. Blyth (1) là một nhà thơ dịch thơ nhưng nhiều người tưởng lầm là tác giả vì có lẽ Blyth là người dịch sát nhất và hay nhất với hình thức hài cú cổ điển. (1)
Nói đến Mùa Thu, nhất là Mùa Thu Nhật Bản với sắc thu, hương thu, vị thu, gió thu và sương thu qua hình ảnh lá Phong đỏ, hoa Cúc vàng, hoa Triêu nhan tím của đất nước ngàn hoa, nơi ngàn hoa đã mở tung cánh cửa cho ngàn thơ tung bay vào thi đàn và bầu trời văn học sử Nhật cũng như thế giới. (2)
Hai Mùa Thu ( 二つの秋 ) của Masaoka Shiki là một bài thơ hài cú sâu sắc phản ánh góc nhìn đặc sắc của ông về thiên nhiên và những kinh nghiệm của ông với bệnh tật. Shiki là một trong những người hiện đại hóa thơ hài cú và đoản ca (tanka) nổi tiếng nhất ở Nhật Bản; tác phẩm của ông thường mang tính trung thực và gần gũi, biểu tả được bản chất tinh tế của cuộc sống và thiên nhiên. Bài thơ Hai Mùa Thu được sáng tác theo tinh thần thơ hài cú chứ không theo hình thức cổ điển của thơ hài cú.
行く我にとゞまる汝に秋二つ (3)
Nếu dịch sát thì nghĩa bị lệch nên chỉ có thể dịch thoát là (khi ly biệt) "Tôi ra đi, em ở lại, và chúng ta có hai mùa thu khác nhau," một mùa thu ở trong nhà và một mùa thu ở thế giới bên ngoài hay cùng một trời thu mà mùa thu trong lòng em và mùa thu trong lòng anh khác nhau; anh lưu luyến thiết tha, em ngậm ngùi sầu khổ ... . Bài thơ hài cú này được viết trong những năm cuối đời của Shiki khi ông nằm liệt giường vì bệnh lao, và nó truyền tải cảm giác tách biệt của ông với thế giới sôi động bên ngoài, trái ngược với kinh nghiệm yên tĩnh, hạn hẹp của riêng ông về mùa thu.
Về mặt phong cách, hài cú của Shiki thường tránh sự ủy mị lộ liễu và thay vào đó tập trung vào việc mô tả trực tiếp môi trường và cảm xúc của ông. Cách sáng tác của ông tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản và hình ảnh rõ nét để diễn đạt những cảm xúc sâu sắc, thường để lại nhiều điều để người đọc diễn giải. Hai Mùa Thu đặc biệt ghi lại kinh nghiệm kép của ông về vẻ đẹp và sự cô lập — một là thế giới mùa thu ngoài tầm tay với của ông và một là "mùa thu" trầm lắng hơn trong thế giới của riêng ông. Sự tương phản sâu sắc này bao hàm cả phong cách của Shiki và chiều sâu chiêm nghiệm mà ông được ca ngợi.
Nhiều nhà thơ đã dịch thơ bài hài cú này của Shiki dưới cùng một tiêu đề là Two Autumns.
Two Autumns
for me going
for you staying
two autumns.
[R. H. Blyth]
for me who go
for you who stay
two autumns.
[Harold G. Henderson]
I go
You stay
Two autumns.
[Robert Hass]
Ở đâu cũng thế, người ra đi và người ở lại bao giờ cũng có cảm quan khác nhau cho dầu trong cùng một thời điểm.
Trần Việt Long
_____________________________________
(1) Reginald Horace Blyth (1898-1964)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét