Bây giờ là mùa thu. Thu Âu Châu về từ 22/9: cũng gần tháng nay rồi!
Nói đến Thu. Là nói đến ẩm thấp và se lạnh. Những năm gần đây, do biến đổi môi trường, thu không hẳn chỉ là thu sướt mướt, và đất trời, không chỉ gió heo may. Nhưng, không phải vì thế mà tôi không‘’Thu hát cho người’’, dù chỉ một đôi câu !
Đầu thập niên 70s, những ngày mới lớn, tôi đã nghe tên nhưng chưa nghe nhạc ông. Bởi ông có một cái tên rất lạ, nghe một lần thì khó mà quên : Vũ Đức Sao Biển ! Cái tên làm tôi nghĩ ông là người Nha Trang, nơi có ‘’cát trắng thơm tho’’, có ‘’mình tôi trên bãi khuya’’, có ‘’Hòn Chồng’’, có ‘’Hải Học Viện’’, có trường ‘’Sĩ quan Hải quân’’ vv Nói đến Nha Trang là nói đến biển. Nha Trang là biển. Biển của những chú sao (biển). Biển của những vì sao, của một loài chim biển (hải âu). Nhưng không ! Vũ Đức Sao Biển là người Quảng Nam, cái tên 4 chữ đó, chỉ có họ là thật, nhiều tài liệu ghi ông sinh năm 1947/1948, nhưng có lẽ năm Đinh Hợi 47 thì đúng hơn (?), vì ông được bố mẹ đặt tên là Hợi, Vũ Hợi (có nơi ghi Võ Hợi) ! Ông sinh ở Tam Kỳ nhưng chính quán là Duy Xuyên, quê hương của ‘’Trung niên thi sĩ’’ Bùi Giáng.Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm ( Việt-Hán) 1970, dạy học ở Bạc Liêu, rồi nhập ngũ, tốt nghiệp ‘’Thủ Đức’’, được biệt phái trở về nhiệm sở cũ dạy học (*)
Đầu thập niên 80s (81, 82 gì đó) một đêm tỉnh nhỏ miền Tây nước Pháp, lần đầu tôi nghe một ca khúc của người ‘’Sao Biển’’ : Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú’’, qua tiếng hát anh Jo Marcel. Anh Jo hát thì khỏi chê rồi ! Tôi đã thích tiếng hát của anh từ trước 75, nhưng đa số là những ca khúc ‘’nhạc trẻ’’ (Pháp-Việt). Lần này, nghe anh hát một ca khúc nói về thời chinh chiến cũ, về ngọn đồi Tăng Nhơn Phú của Võ khoa Thủ Đức, của những chàng tuổi trẻ ‘’xếp bút nghiên theo việc binh đao’’. Nhạc điệu hay, mới vào đã hay, nhất là lúc chuyển âm : ‘’ chiều đong đưa, tiếng đại pháo ru về ‘’, từ ‘’E7’’ đi về ‘’Am’’, ru lịm lòng người ! Lời cũng thật hay ‘’ôm súng leo lên đồi cao, hát cho quên cuộc đời, hát cho xanh tuổi người, hát cho phai tuổi trời …’’. Nghe câu nào, đau câu ấy ! Người thanh niên thời chiến năm xưa tuy ‘’mùa xuân xanh, tóc dại chớm ưu phiền ‘’ nhưng còn được cầm súng hát ở quê nhà. Có đâu như tôi, người thanh niên thời bình nhưng phải ‘’lưu vong’’ vì Tự Do’’, tuổi tuy xanh, mà tóc lắm ưu phiền ?! Nhưng ‘’Hát , trên đồi Tăng Nhơn Phú’’ chưa phải là ‘’le dernier mot ‘’ của Vũ Đức Sao Biển.
Năm 83, 84 gì đó, tôi lãnh thêm một chưởng thứ hai của chàng : ‘’ Thu hát cho người’’ (THCN), qua tiếng hát chị Lệ Thu . Cũng là một sáng tác trước 75, cũng một âm giai thứ (buồn !), cũng một slowrock nhẹ nhàng, nhưng lời của ‘’Thu hát cho người’’ là một trong những lời ca đẹp nhất, óng ả nhất, trong âm nhạc VN. Từ: ‘’ "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ" cho đến ‘’Giữa Thu vàng bên đồi sim trái chín / Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay ‘’. Tuổi thơ bay ?! Tuổi thơ Việt Nam bay, bay như những con hoàng hạc, một lần bay là một lần ‘’mãi mãi’’. Bay từ lầu Hoàng Hạc Vũ Hán (Vũ Hán !) bay về ‘’những đồi hoa sim‘’ Thanh Hóa (Hữu Loan), trong một ‘’đêm nguyệt cầm’’ hay một ‘’sáng linh lan’’. Tôi ngồi nghe trong im lặng, lòng quỵ theo từng câu ! Tại sao một bài hát ‘’xưa’’ (thời 68, 69) như thế này, hay như thế này mà tôi (đã) không được nghe trước đó ?!
Ca từ như một bài thơ, một bài thơ buồn, của một người lãng mạn, hoài ‘’cổ’’. Có thể nói, thập niên 1960s, do tình trạng chiến tranh, ở miền Nam ( = cả Việt Nam) , ‘’Thu, hát cho người’’ là một trong số những ca khúc hiếm hoi tiếp nối dòng nhạc tiền chiến lãng mạn ‘’của’’ Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Trong bài ‘’Tôi viết Thu, hát cho người’’, tác giả cho biết đã lấy ý thơ người xưa : Thôi Hiệu (Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản), Apollinaire (nous ne nous verrons plus sur terre), ‘’để nói đến bạn mình’’. Nhưng ‘’đêm nguyệt cầm’’, ‘’sáng linh lan hồn ta chết bao giờ ’’, làm liên tưởng đến ‘’Nguyệt Cầm’’ của Xuân Diệu ( trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh …./ lung linh bóng sáng bỗng rung mình …đã chết đêm rằm theo nước xanh / … thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời) . Riêng ‘’Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư ‘’ thì cứ như nhạc sĩ đã phổ 2 câu thơ của Lưu trọng Lư trong ‘’Một chút tình’’ : Chờ anh dưới gốc sim già nhé / Anh hái trao em đóa mộng đầu. Ý lớn gặp nhau chăng ?
‘’Thu hát cho người’’, được in trong tuyển tập nhạc ‘’Một Ngày Cho Tình Yêu’’, Bạn Trẻ phát hành, nhà xuất bản Khai Hóa ( Sài Gòn năm 1971), đúng ra, theo tác giả, phải là ‘’Thu, hát cho người’’. Thiếu có một dấu phẩy, mà nghĩa đã khác hoàn toàn. Thu, trong ‘’Thu hát cho người’’, là tên mùa, có thể được hiểu là mùa thu hát cho người, bằng tiếng mưa, tiếng lá, bằng tiếng gió, tiếng cây. Như một khúc ‘’thu ca’’ (Phạm Mạnh Cương).Thu, trong ‘’Thu, hát cho người’’, là tên người. Có nghĩa là người hát, hát cho người tên Thu!
(nguồn : Phan Anh Dũng cothommagazine.com)
Người đó là ai?
Có nhiều thêu dệt về xuất xứ bài hát. Nào là Thu trong ca khúc là Hồ thị Thu
Nữ sinh ban C, hoa khôi trường Tiểu La (Quảng Nam), chủ nhân vườn cây.. ‘’si’’ xứ Quảng, trong đó có 2 đại thụ là hai người bạn thân : Vũ Hợi (VĐSB) và Mạc Phụ (Đynh Trầm Ca), người viết ‘’Ru Con Tình Cũ’’ (3 năm qua / em trở thành thiếu phụ…). Nào là cuối cùng, 1973, tấm lụa đào Hồ thị Thu lại lọt vào tay Trung Úy Pháo Binh Trần Đình Ái (tiểu khu Quảng Ngãi) . Nào là ‘’ Trong cuốn "Phượng xa" - tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ông có kể rằng bài hát gắn liền với thời hoa mộng, khi còn học cấp 3 ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời ấy, ông học trò nên chiều thứ 7 nào cũng phải đi bộ về nhà, trưa hôm sau lại ngược về trường để kịp bắt đầu tuần học mới. Ông có người bạn cùng quê, học dưới 2 lớp, tên ở nhà là Thu. Vì sợ cô đi một mình nên lần nào cũng chờ. Sóng bước bên ông, cô ngại ngùng nói: "Đừng bao giờ bỏ em một mình nghe". Có lần, thấy ông ôm guitar nghêu ngao, cô nói: "Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe".(**) vv
Khả tín nhất, theo tôi, là bài viết của nhà báo Dương Quang trên báo mạng ‘’nld.com.vn’’(7/5/2020) sau khi VĐSB qua đời, trong đó, trả lời phỏng vấn, Vũ Đức Sao Biển cho biết : "Thu" trong ca khúc nói trên là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) từ năm 1961-1968. Người ấy học dưới ông hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (vùng đông Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ Bảy, họ từ Hội An về lại làng, chiều Chủ nhật lại từ làng qua Hội An. Đường xa 5 cây số, qua hai lần đò, họ cùng đi bộ với nhau 4 năm.
Cô gái này luôn luôn giành đi trước nên trong nhạc phẩm "Đôi mắt", Vũ Đức Sao Biển mô tả: "Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết".
Vũ Đức Sao Biển nhấn mạnh: "Thu" chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H’’.
Tôi gọi là khả tín vì Vũ Đức Sao Biển cũng là một cộng tác viên chánh (!) của báo ‘’nld’’, và 9 năm trước đó, 04/02/2011, ông đã kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc ‘’Tôi viết Thu, hát cho người’’, dù không thố lộ gì về cái tên Thu bí ẩn đó ( ***). Cũng trong bài viết này, tác giả cho biết : ‘’ Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu, hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, 2 tuần sau được hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc; sau đó là Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long...’’. Tôi chưa bao giờ nghe ca khúc này qua các giọng hát kể trên ! Lần đầu tôi nghe ‘’Thu hát cho người’’ là năm 1983, trong cuốn Shotguns 69. Nghe lần đầu là yêu ngay bài hát. Yêu ngay bài hát vì ‘’qua tiếng hát Lệ Thu’’ ! Nếu đó là một ca sĩ khác, thì rồi tôi cũng sẽ yêu bài hát. Nhưng không còn là một ‘’coup de foudre’’ nữa, không ‘’Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên’’ nữa ! Bởi vì, khi gõ những con chữ này, tôi vẫn nghe bên tai tiếng Thu hát cho người, năm 1983 !!!
nguồn: internet
Nếu tác giả không lên tiếng, thì cũng không ai thấy sự khác biệt giữa ‘’Thu hát cho người’’ hay ‘’Thu, hát cho người’’, bởi vì gần trọn ca khúc, không có đoạn nào ‘’Anh hát cho … Thu, bài tình ca thiết tha’’ (Ngô Thụy Miên) cả. Trừ lúc kết thúc (CODA). Với ‘’Thu (nốt trắng) dài 2 nhịp :1 nhịp hát (Thu), 1 nhịp ‘’ngân’’ , tượng trưng cho dấu phẩy : Thu / hát cho người !
Nhưng từ ngày 15/1/2021 thì tên bài hát phải là ‘’Thu, hát cho người’’.
Khi Thu đã ‘’không còn’’ thì làm sao ‘’Thu hát cho người’’ ?
– Chỉ có người hát cho Thu thôi!
BP
18/10/2024
(*) : https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nhac-si-vu-duc-sao-bien-tac-gia-thu-hat-cho-nguoi-qua-doi/
(**:https://amnhac.net/350-hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thu-hat-cho-nguoi-cua-vu-duc-sao-bien-d272.html
(***) https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/toi-viet-thu--hat-cho-nguoi-20110131110629648.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét