Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Bạc Tần Hoài 泊秦淮 - Đỗ Mục

        

泊秦淮                     Bạc Tần Hoài

煙籠寒水月籠沙, Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
夜泊秦淮近酒家。 Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
商女不知亡國恨, Thương nữ bất tri vong quốc hận,
隔江猶唱後庭花。 Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

杜牧                         Đỗ Mục

Chú thích:

TẦN HOÀI 秦淮 : Tức con sông Tần Hoài, bắt nguồn từ vùng đông bắc tỉnh Giang Tô, chảy qua Nam Kinh rồi đổ vào sông Trường Giang. Tương truyền do Tần Thuỷ Hoàng khi tuần du đất Cối Kê ở phương nam, mới cho đào khúc sông nầy để nối dòng Hoài Thuỷ cho chảy vào Trường Giang , nên mới có tên là TẦN HOÀI từ đó.
LUNG 籠 : Có bộ Trúc ở phía trên, có nghĩa là Cái Lồng. Nghĩa phát sinh là Bao trùm, phủ trùm. LUNG cũng có nghĩa là Mông Lung, Mờ ảo.
BẠC 泊 : Có 3 chấm thuỷ bên trái, có nghĩa là Trôi nổi, như Phiêu Bạc. BẠC cũng có nghĩa là Ghé lại, như Bạc Thuyền là Ghé thuyền lại.
THƯƠNG NỮ 商女 : Một cách gọi riêng để chỉ các cô Ca Kỷ, Ca Nhi, các Ả Đào, Kỷ Nữ.
HẬU ĐÌNH HOA 後庭花 : Tức là nhạc khúc " Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa ". Trần Hậu Chủ, tên là Thúc Bảo, là người hoang dâm xa xỉ, đắm chìm trong thanh sắc. Khi giặc đã đánh tới cửa cung mà trong nầy nhà vua còn cho trổỉ khúc Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa, nên khúc hát nầy được gọi là " Vong Quốc Chi Âm 亡國之音 " ( Khúc Âm nhạc mất nước ). Đối với đất nước, Trần Hậu Chủ là một tội đồ vong quốc, nhưng trên văn đàn Ngài là một nhà Từ ( Từ Gia 詞家 ) trác tuyệt.

NGHĨA BÀI THƠ:
Đậu Bến Tần Hoài

Khói sóng phủ mờ làn nước sông lạnh lẽo, và ánh trăng mông lung phủ trùm cả baĩ cát mênh mông. Đêm ta ghé thuyền đậu ở bến sông Tần Hoài gần cạnh các tửu lâu. Các ả ca nhi kia đâu có biết được cái hờn vong quốc, cho nên cách bờ sông bên kia còn cất cao giọng để hát khúc Hậu Đình Hoa !

Tiếng là trách các ca nhi chỉ biết ca cho người mua vui, mà không biết được cái hờn vong quốc của bài ca, kỳ thực là Đỗ Mục đang chỉ trích châm biếm, trách cứ cái tầng lớp phú quý đang vùi đầu ăn chơi sa đọa kia, không biết rằng xã hội đang nhiễu nhương, loạn lạc cuả buổi Tàn Đường, với các cuộc nôỉ dậy như của Huỳnh Sào chẳng hạn .... Cũng như để diễn tả các cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng của các bậc vương hầu vua chúa như trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng đã viết:

Vườn Tây Uyển khúc trùng thanh dạ,
Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa


DIỄN NÔM:
Bạc Tần Hoài

Khói mờ nước lạnh bóng trăng nhòa,
Đêm ghé Tần Hoài cạnh tửu gia.
Ca kỷ biết đâu hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa!

Lục bát:

Trăng lồng khói sóng cát nhòa,
Tần Hoài ghé bến tửu gia đêm trường.
Ca nhi nào biết chi hờn,
Bên sông còn vẳng tiếng đờn Đình Hoa!

Đỗ Chiêu Đức
***
Quên Đi xin có lời thêm:

Sau thời Tam Quốc là Nhà Tấn do dòng họ Tư Mã thành lập, khởi đầu là Tư Mã ý, đại thần của Bắc Nguỵ (Tam Quốc). Vào ngày 4 tháng 2 năm 266 theo dương lịch, Tư Mã Viêm là cháu nội của Tư Mã Ý phế Nguỵ Nguyên Đế (Tào Hoán), lên ngôi hoàng đế vào ngày Bính Dần tức 8 tháng 2, lập ra nhà Tấn, tức Tấn Vũ Đế. Nhà Tấn suy dẫn đền thời Nam Bắc Triều gồm 4 triều lần lượt : Tống, Tề, Lương và Trần.

Trần Hậu Chủ ((陳後主) tên Trần Thúc Bảo (陈叔宝) hiệu Trường Thành Dương công (長城煬公), tự Nguyên Tú (元秀), tiểu tự Hoàng Nô (黃奴), là vị là một quân chủ bất tài, ham mê văn chương và tửu sắc hơn là việc chính sự. Là vị vương cuối cùng của Trần Triều. Năm 589, quân Tùy do Dương Kiên Tuỳ Văn Đế tấn công chiếm kinh thành Kiến Khang bắt giữ Trần Thúc Bảo, kết thúc triều Trần và thời kỳ Nguỵ Tấn Nam Bắc Triều phân liệt, thống nhất Trung Hoa. Riêng Trần Thúc Bảo bị đưa đến kinh thành của Tùy, được đối đãi tử tế cho đến khi qua đời vào năm 604.

Dịch Thơ:
Neo Thuyền Bến Tần Hoài

1/
Khói mờ nước lạnh trăng soi cát
Bến Tần Hoài đậu sát tửu gia
Mất nước nào bởi xướng ca
Bên sông văng vẳng khúc Hoa Hậu Đình


2/
Trăng soi bãi cát khói mờ bay
Neo bến Tần Hoài cạnh quán ai
Ca nữ biết đâu hờn mất nước
Hậu Đình Hoa vẳng khúc sông này

Quên Đi
***
Diễu Đỗ Mục

Kẹp tay bầu rượu rong chơi
Eo thon đùi đẹp ngất cười lẳng lơ
Mười năm vùi mộng vừa chưa
Lừng danh chàng sở thôi vừa đi cha

Chân Diện Mục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét