Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Vĩnh Long Một Thời Để Nhớ


( Sa Đéc)
      Tôi được ra đời và lớn lên tại Sa Đéc, một địa danh có liên hệ gần gặn với danh từ đa âm của người Kmer như Ông Nguyễn Hữu Hiếu của Hội Sử Học tỉnh Đồng Tháp từng nhận xét nhưng tôi vẫn muốn được nhận mình là người Sa Đéc một cách thân thương và vẫn thích được xem như là người của sông Sa hiền hòa, nói cách khác là người Sa Giang cho có vẻ nên thơ vậy mà?

      Tuy chủ đề được tản mạn xoay quanh thành phố Vĩnh Long, nơi đã từng cưu mang tên nhóc con như tôi suốt cả chiều dài bốn năm từ khi chập chững bước vào ngưỡng cửa Trung học nhưng tôi vẫn miên man nghĩ đến tỉnh Sa Đéc luôn gắn liền với tỉnh Vĩnh Long như anh em một nhà vì ngay từ ngày còn bé tí tẹo, lúc tôi vừa khoảng trên mười tuổi thôi, tôi vẫn thường nghe danh xưng ba tỉnh của đồng bằng sông Cửu thường được ghép chung với nhau, dĩ nhiên có cả tỉnh Sa Đéc của tui nữa, là Sa Đéc- Vĩnh Long- Trà Vinh mà hệ thống giáo dục được đặt dưới quyển kiểm soát của vị Thanh Tra Học Chính Liên Tỉnh, lúc bấy giờ gọi là Inspecteur Inter-Provincial trong đó gồm có Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh nên tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì Sa Đéc của tui được đứng ở hàng đầu (cái hãnh diện rất ngây thơ của tuổi con nít lú bấy giờ. Đến khi tôi nhận được quyển Đặc san Phù Sa Sông Cửu Xuân Quý Tỵ 2013 của Hội Ái Hữu Vĩnh Long-Vĩnh Bình-Sađéc do anh Lê Tấn Lộc, người bạn đồng môn cùng lớp với tôi từ ngày mới thành lập Collège de Vĩnh Long năm 1949 gởi tặng thì tôi thấy cái tỉnh Sa Đéc của tui nhảy xuống hạng “bét dèm”, tôi chỉ nói đùa chớ thứ hạng nào cũng vậy thôi có ăn nhậu gì đâu mà âu với sầu, cũng tương tự như cái tên Vĩnh Bình hay Trà Vinh thì cũng na ná như thế. Nói vậy chớ khi nhắc đến tỉnh Trà Vinh thì tôi rất tâm đắc với tựa đề “Một Thoáng Trà Vinh” mà người tiểu muội đa tài trường Đoàn Thị Điểm Nguyên Nhung đã phỗng tay trên” trong Đặc san Xuân Ất Mùi 2015 mất rùi nên tui làm sao bắt chước được nữa?

 (Collège de Vĩnh Long) 
      Như đã nói ở trên, hồi ở bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Trung Học Đệ Nhất Cấp), tôi học ở Trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vĩnh Long) trong bốn năm từ 1949, một thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lưu lại trong trong tôi nhiều kỷ niệm thật trẻ con, thật êm đềm và thú vị về tỉnh Vĩnh Long vì đang ở trong giai đọan mới phát triển của tuổi học trò.

      Ngày ấy, chỉ riêng tỉnh Trà Vinh là tôi ít có dịp ghé thăm nhiều lần vì không có bà con thân thích cư ngụ tại đây, mãi đến khi tôi vào quân đội và phải trầy da tróc vảy leo lên đến cấp đại úy (sau gần 8 năm mang cấp Trung úy thời Đệ Nhứt Cộng Hòa) vào đầu năm 1966 mới có cô cháu con bà chị ruột tốt nghiệp kỹ sư Công Chánh được bổ nhiệm về làm Trưởng Ty Công Chánh tỉnh Vĩnh Bình thì lúc bấy giờ thỉnh thoảng tôi cùng Nhà Tôi tôi mới có dịp ghé thăm tỉnh này. 

      Riêng hai tỉnh Vĩnh Long và Sa Đéc có nhiều quan hệ mật thiết dây mơ rễ má với nhau qua một thời gian dài xem như hai tỉnh anh em. Ngược dòng thời gian, vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, Sa Đéc là một tỉnh riêng biệt cũng ngon lành lắm chớ có thua ai đâu, nhưng đến ngày 8/10/1957, khi khổng khi không tỉnh Vĩnh Long được tái tổ chức thành 6 quận trong đó lại có sự sát nhập của tỉnh Sa Đéc của tui nữa, sau đó vào ngày 2/8/1969, tỉnh Vĩnh Long lại tăng lên thành 7 quận với quận Châu Thành và các quận Chợ Lách, Tam Bình, Bình Minh, Minh Đức,Trà Ôn, và Vũng Liêm, gạt bỏ chàng nhóc tì Sa Đéc “ra rìa” để Sa Đéc trở thành một tỉnh như trước đây.


(Ngã Ba Cần Thơ- Vĩnh Long)
      Vĩnh Long chỉ cách Sa Đéc có 24 cây số nên việc qua lại giữa hai tỉnh rất nhanh chóng, đôi khi chỉ đi bằng xe đạp cũng rất dễ dàng, nhứt là vào dịp cuối tuần hay ngày lễ mà tôi đã có dịp mô tả khi tôi cùng anh bạn cùng lớp hớn hở chạy u từ Vĩnh Long về Sa Đéc bằng xe đạp qua các nẻo đường từ cầu Cái Cam, Cái Côn, chạy ngang qua ngã ba cầu Bắc Mỹ Thuận, rồi qua Cái Tàu Hạ, v.v. Khi đên Nha Mân chỉ còn cách Sa Đéc có 8 cây số, nơi có chợ Nha Mân khang trang và một địa danh gọi là Chuồng Dê (có tiếng là nguy hiểm vào Tết Mậu Thân 1968) là chúng tôi bắt đầu tăng tốc độ như những cu-rơ nhà nghề vậy. Chúng tôi càng háo hức chạy nhanh hơn khi đến khu Xẽo Vạc, Cái Xếp với một dãy lò gạch nối tiếp nhau, khi ấy chúng tôi đã thấy khu chợ Sa Đécthấp thoáng ở phía xa xa dọc theo dòng sông Sa thì chúng tôi gò lưng chạy thật nhanh để mong sớm về đến nhà gặp mặt cha mẹ thân yêu mà tôi biết chắc mẹ tôi sẽ mừng rỡ vô cùng khi thấy bóng dáng cậu con trai út của mình.

      Ngày trở lại Vĩnh Long không vui nhộn như bận đi nên tốc độ chạy xe có phần chậm hơn nhưng cuối cùng chúng tôi cũng về đến nơi trọ để chuẩn bị cho ngày học mới. 

     Nhắc đến Vĩnh Long chắc hẵn chúng tôi không thể nào quên những địa danh rất quen thuộc như Cầu Lộ khi vừa vừa qua Ngã Ba Cần Thơ rồi quẹo trái đến Cầu Cái Cá mà tôi có rất nhiều kỷ niệm với xóm chài vì ở đây có vài anh bạn cùng quê đang trọ học, đặc biệt có anh Hoàng người bé tí tẹo nhưng lại là là một tay bơi cự phách khi anh dám bơi một lèo qua Sông Cái rộng mênh mông không cần phải nhờ đến chiếc ghe mà chúng tôi thường mướn chở thức ăn để qua bên kia sông. Cũng trên chiều dài con sông này tôi có một kỷ niệm thật êm đềm, trước hết là tạo cơ hội cho tôi thực hành bơi đường trường với lý do đơn giản là trên đoạn sông dài này thường có một cô bạn học cùng trường chuyên ngồi học bài trên căn nhà sàn mỗi buổi chiều, và đó là dịp may để tôi tung tăng thực tập bơi ngang qua chỉ để vẫy tay chào “người đẹp” một hai cái rồi tiếp tục bơi luôn như trong phim “The River of No Return”, cũng nhờ vậy mà sau này tôi cũng lượm được một vài huy chương về bơi đường dài? Nhưng eo ơi, cũng chính tại con sông này, gần bên nhà thờ Vĩnh Long, có một lần khi vừa bơi ra khỏi bờ khoảng 10 thước thì tôi thấy một vật gì nổi lềnh bềnh phía trước, bất giác khi định thần nhìn kỹ thì đó là “thằng chổng chết trôi” (thây ma đó mà) nên tôi lính quýnh vội vã bơi vô bờ nhưng có lẽ vì tôi ráng bơi nhanh nên nước cuốn cái thây ma làm như nó muốn rượt theo tôi, cũng may tôi không bị vọp bẻ nên đã may mắn vô được bờ bình an vô sự thì sau đó cái thây ma cũng tấp vào bờ luôn nên tôi mừng hú vía và không dám tiếp tục bơi để chiêm ngưỡng cô bạn học nữa trong một thời gian dài. Trên giữa khoảng đường từ Cầu Cái Cá đến nhà thờ có một nhà in tên Long Hồ Ấn Quán cạnh nơi đó có hai chị em học cùng trường, người chị tên Huỳnh Mai và người em tên Điểu học ngang lớp với tôi mà thuở ấy tôi rất thích nhìn cặp mắt to và đen láy của cô chị, để làm gì có trời mà biết?

(Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long)
      Vĩnh Long có khá nhiều cầu, không chỉ có Cầu Lộ, Cầu Cái Cá mà còn có Cầu Thiền Đức cạnh nhà giáo sư Phạm Văn Thàn, thân phụ của cô nữ sinh Henriette ngày xưa (sau này là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ) và Cầu Lầu (gần nhà thầy Lê Văn Sĩ, giáo sư hội họa, bác của anh bạn học phá như quỹ của tui là Lê Tấn Hội và cũng là cậu của cô Kim Chi) trên đường đi Trà Vinh.

      Lúc mới nhập học Collège de Vĩnh Long, tôi ở trọ nhà cô giáo Nam dạy học ở Ecole Francaise de Vĩnh Long. Nhà cô ở ngang đất thánh Tây mà người địa phương thường gọi là cimetìère. Nơi đây đã gieo rắc trong tôi tính đa cảm đa sầu vì lâu lâu tại đây có đám tang mấy quân nhân Pháp với tiếng kèn đồng buồn não nuột khiến tôi lâu lâu lại nằm khóc một mình giữa đêm vắng do buồn và nhớ nhà vì mới ở lứa tuổi 12, 13. Lúc bấy giờ, ở nhà trọ, ngoài cô hiệu trưởng Nam còn có người em gái là cô Tám, tốt nghiệp trường Sorbonne, Pháp cùng người cháu gái rất dễ mến là chị Sáu và cô Châu là phu nhân của Đại tá Điềm (Pháo Binh) sau này. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in là vào mỗi buổi sáng có ông “cò-mi” tên Phép ỏ cùng đường thường đi ngang qua nhà chúng tôi và cất tiếng chào các cô rõ to “Mes hommages, Mesdames”. Ngoài ra, cô Châu có người em ruột tên Bảng cũng ở trọ chung với chúng tôi cùng với bạn Trực học sau tôi một lớp. Bạn Trực là con của thầy ruột tôi là ông Đốc Nguyễn Văn Lãnh ở Sa Đéc, anh hiền lành nhự cục bột trong khi bạn Bảng rất lém lỉnh, bạn Trực và tôi thường bị anh ấy ăn hiếp, sau này anh theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, cuối cùng mang cấp bậc Trung tá của Bô TTM. Kế nhà trọ của chúng tôi còn có anh bạn học cùng lớp tên Nguyễn thế Hưởng rất hài hước và vui tính là một hảo thủ đánh bi-da nổi tiếng của Vĩnh Long mà thân phụ anh ấy là kỹ sư chuyên sản xuất dầu thơm cho tỉnh nhà.
(Cầu Lộ)
      Nhắc đến quý thầy cô và quý đồng môn, như tôi đã có lần nhắc đến khi trường mới thành lập, trước tiên phải nhắc đến giáo sư Nguyễn Văn Kính với biệt danh thân thương là Mơ-xừ Te (Inspecteur Interprovincial/Thanh Tra Liên Tỉnh Sa Đéc-Vĩnh Long-Trà Vinh) kiêm Ông Đìa (Directeur/Hiệu Trưởng). Phần nữ giáo sư chỉ độc nhứt có mỗi một cô là giáo sư Nguyễn Thị Sương rất trẻ đẹp là phu nhân của giáo sư âm nhạc khét tiếng Trần Văn Khê với hai người con trai mà ông dùng biệt danh này để gọi tên ông (Hải Minh) khi nói đến âm nhạc. Như bạn Lê tấn Lộc đã mô tả,, trước 1975, cô dạy học ở trường Gia Long, sau sang Pháp đoàn tụ với chồng rồi trở về Việt-Nam sống với hai con Quang Hải và Quang Minh. Trước ngày sang Mỹ tị nạn chính trị, bạn Lê tấn Hội và tôi có đến từ giả Cô tại cư xá Ngân Hàng bên kia cầu Xa Lộ khiến Cô mừng rỡ vô hạn, lúc ấy Cô vẫn còn nét đẹp cao quý ngày nào. Cách đây khoảng hai năm, chúng tôi nghe tin Cô vừa qua đời ở lứa tuổi gần 90 (?) Về phía nam giáo sư thì phải kể Giáo sư Phạm Văn Thàn, ông thầy ruột của tôi và cũng là thân phụ của cô Henriette học rất giỏi, nay là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trưởng nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ.
      Kế đó phải nhắc đến vị giáo sư dạy Pháp văn tuyệt vời là thầy Phạm Văn Tệt, thân phụ của bạn Triều học cùng lớp với tôi sau này sang du học bên Pháp. Ngoài ra còn có giáo sư Phạm Văn Thiết (gia đình họ Phạm hơi nhiều?) tốt nghiệp trường Sorbonne (Pháp) dạy Sử Địa mà tôi còn nhớ lúc bấy giờ thầy giao trọng trách cho chi Khiêm (bị cận thị nặng) lớp con gái và tôi vẽ một bàn đồ thế giới “pự tổ chảng” ngay tại tư gia của chị để thày dạy học mà tôi không nhớ nó mất tiêu lúc nào hổng biết, có lẽ nó quá đẹp hay quá xấu chăng? Thuở ấy còn có vị giáo sư trẻ tên Khiêm dạy tóan thật xuất sắc, sau đó cả hai thầy Thiết và Khiêm đều vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, trước 30.4,1975 thầy Thiết là trung tá Quân Cụ còn thầy Khiêm là dại tá Pháo Binh. Ngoài ra còn có giáo sư dạy Việt văn là thầy Dương văn Tường và thầy Tư Hón dạy Thể dục với sự hỗ trợ tận tâm của thầy Tổng giám thị Nguyễn văn Kỹ Mậu và thầy Giám thị Nguyễn văn Mẫn (?).
(Trà Vinh 1962)

      Về phía nữ học sinh (suýt tí nữa tôi phải nhảy qua lớp nữ nếu không nhờ thầy Phạn văn Thàn cứu “trò” cho trở về lớp “đực rựa”) tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy “cô nương” gốc Vĩnh Long như chị Liễu, Gấm, Henriette/giáo sư hiệu trưởng “Kim Chi”, Lê thị Cẩm Hồng, Lê thị Cẩm Vân, chị Nhơn, Tương, Điểu, Xuân Lan, Nguyễn thị Trưởng Nhi, Lê thị Lý (bác sĩ), Nguyễn thị Lý (Cán sự Điều dưỡng) chị Điểu, Khiêm, Xuân Lan, Oanh, Loan, Thường, Nguyệt, Trương thị Cẩm, Cam thị Mỹ, Lê thị Bửu, v.v., phía Sa Đéc có các chị Trịnh thị Mai, Trần thị Hường, Lê thị Bằng, Trương thị Lan Anh (vừa mới mất cách đây mấy hôm (tháng 5/2015) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ), v.v.

     Về phe các đực rựa, ngoài hai cây cổ thụ đứng đầu lớp Nguyễn văn Vẹn và Lương ngọc Ẩn chuyên môn học nhảy lớp, sau này trở thành giáo sư Toán và Pháp văn của trường mẹ được cải danh thành Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp, có các nam học sinh quê ở Vĩnh Long gồm những bạn Lễ (Petit Lễ), Lê tấn Lộc, Thục, Bếp, Bảy (Phi Vấn), Nguyễn thế Hưởng, Võ ngọc Các, Võ trung Thứ, Giáo, Giác, Lê an Lòng, Lê hoàng Tông,Võ minh Kiểng, Bùi thế Xương, Tiết, Ba (gà cồ), Hòa, Triều, v.v. Về phần học sinh quê ở Sa Đéc của tui gồm có các bạn Giêng, Thoại, Phẩm, Trọng, Hội, Cang, Dẫu, Dược, Thiết, Thiện, Phước, và tui là Trần bá Xử mà bạn Lê Tấn Lộc cùng một số bạn ưu ái tặng thêm hỗn danh là Hà Bá Xử cho có vẻ oai hùng và dữ tợn. Không riêng gì tôi mà một vài bạn khác trong lớp tôi cũng được sửa đổi tên như bạn Bùi thế Xương thành Bò Té Sông, Trần văn Giêng thành Trần văn Điên, Lê an Lòng thành Lê ăn…., “Sáu” Trọng, “Các dùi đục”, “Bảy Bùi”, “Thoại tiệm vàng”, “Ba Tàu Tông”, “Hưởng-dầu thơm hay bi-da”, Nhựt “thòi lòi”, chị N. “hột mít”…cùng một dọc tên vui nhộn như “Các-Thứ-Lòng-Tông-Giáo Giác. Đặc biệt tỉnh Trà Vinh chỉ có một “ngoe” là bạn Lê văn Lộc để phân biệt với Lê tấn Lộc, bạn Lộc (Trà Vinh) sau này theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt như một số bạn cùng lớp và tử trận ở Sa Đéc với cấp bậc Trung tá.

(Cần Thơ)
      Ngày xa xưa ấy, đã hơn sáu mươi năm rồi còn gì, trong những ngày cuối tuấn, tôi thường đi rong chơi bằng xe đạp qua khỏi ngả ba Cần Thơ gần một cây số trên đường đi Cần Thơ thì có những mảnh vườn hay ruộng dọc đường có trồng dưa gan mà tôi rất thích ăn với đường thẻ. Tôi thường tạt qua để mua một hai trái để ăn, nếu dưa chưa chin tới thì tôi đem về ngâm vào lu nước để hôm sau lấy ra thì mùi thơm lừng làm tôi thèm nhỏ dãi. Đôi khi tôi có thú vui tiếp tục đạp xe mải miết rong chơi gần đến Ba Càng thì mới quay về, không dám thách quá giá để chạy tới Cái Vồn, Cần Thơ sợ đôi giò làm reo hổng chịu đi nữa thì mệt!

      Cũng trong những ngày ấy, có khi ba tôi xuống Vĩnh Long thăm tôi thì tôi có dịp đi ăn tiệm ở gần bến xe mà cạnh bên trường Ecole Francaise của cô Nam có một nơi (gần tòa án) chuyên bán món “civet lapin/xi-vê thỏ” mà thuở ấy tôi chưa bao giờ được nếm qua, nhưng tôi chú ý thấy ông chủ người Ấn Độ lột da con thỏ rất lành nghề chỉ trong giây lát thôi, bấy giờ tôi chỉ biết phục tài ông chủ nhưng chưa hề nghĩ đến việc tội nghiệp chú thỏ đáng thương!

      Thời gian qua nhanh quá, từ một cậu bé học sinh 12, 13 tuổi nay đã ngót ngét bát tuần, tôi bùi ngùi nhớ lại một thời đã qua mà chiều dài vượt quá ba phần tư đời người, hình dung lại những gương mặt thân thương ngày nào, hồi tưởng xem ai còn ai mất mà lòng thấy rưng rưng khi đặt dấu chấm hết ở đây.

Miền Đông Bắc Hoa Kỳ vào cuối Hạ 2015
Trần Bá Xử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét