Hồn quê đặt ở trên môi
Tưởng
nghìn cây số xa xôi vọng về
(Lê Minh Quốc)
Một góc hội trường. Một chiếc bàn hình chữ nhật bày khay, nĩa, bột
làm bánh, các loại nhân mặn & ngọt rồi trái thơm, cà chua, hành tây, ớt Đà
lạt, tương ớt…Bầy Sói con đứng quanh bàn. Đó là một trong rất nhiều buổi sinh
hoạt hướng đạo của người Việt ở Úc châu.
Trước mặt mỗi sói lúc này là một chiếc khay, một cái nĩa. Trưởng bầy
sói- bạn Thu Hương năm xưa của chúng tôi- đưa hai chiếc bánh mẫu lên hỏi: “ Các
em có biết đây là loại bánh gì không?” Các sói im lặng tròn xoe mắt. Bạn dùng song ngữ Việt- Anh giảng giải: “ Đây là
loại bánh có vỏ ngoài như vỏ bánh Pate’chaud, nhân có thể mặn hay ngọt. Hôm nay
chị sẽ bày các em làm bánh nhân ngọt nhé!”. Các sói háo hức nhìn theo tay bạn.
Vỏ bánh được tách ra từng miếng phát đến tay mỗi em. Sau đó bạn cho nhân confiture
vào giữa một vỏ bánh và tươi cười yêu cầu các em tự làm nhân cho chiếc bánh của
mình. Sói con nô nức làm theo. Rồi bạn
lại khéo léo gấp đôi thành hình chiếc
gối chữ nhật xinh xắn và ân cần hướng dẫn các em dùng những chiếc nĩa làm viền
cho bốn cạnh của bánh. Cuối cùng là công đoạn nướng. Từng em, từng em nâng niu
đặt chiếc bánh vừa làm lên giấy lót, tự tay bỏ vào lò rồi thích thú dõi tìm
quan sát...
Trong khi chờ bánh chín, bạn khéo léo dạy Tiếng Việt cho bầy sói qua
bài hát. Thật không ngờ mấy chục năm rồi mà
giọng người hát solo trong bản hợp ca: “ Đợi anh về” dưới mái trường TH
Pleime vẫn thật hay. Bạn bắt giọng “ Ngon là ngon quá. Ngon là ngon ghê. Ngon
không chê chỗ nào. Ngon không chỗ nào chê”. Rồi: “ Vui là vui quá. Vui là vui
ghê. Vui không chỗ nào chê…”Những câu hát bắt đầu vang lên với các tone thật
thấp rồi cao hơn, cao hơn và cao vút theo nhịp tay của bạn. Những khuôn mặt
ngây thơ. Những ánh mắt trong veo. Những đôi môi xinh xắn say mê hát.
Mùi thơm phưng phức của bánh lan tỏa khắp phòng. Từng em, từng em
háo hức nhận chiếc bánh mình làm và thích thú thưởng thức. Tiếng reo, tiếng
cười nói vui vẻ không ngớt vang lên. Mỗi
bé cảm nhận bánh một vẻ. Có bé ăn hết vèo, tưởng như nếu có cái thứ hai cũng
xơi sạch; có bé ăn từ tốn; có bé lại vui sướng đưa bánh lên khoe với các huynh
trưởng trước khi nhâm nhi; có bé chỉ ăn một phần, phần còn lại gói mang về nhà( hẳn là để khoe với mẹ về món
bánh handmade đầu tiên của mình).
Thời gian còn lại bạn giới thiệu cách làm bánh Pizza. Bạn đưa từng
mẫu vật lên để dạy các sói trái thơm, cà chua, hành tây, ớt Đà Lạt…Khi dạy từ
trái thơm, ngoài việc mở rộng các từ đồng nghĩa: thơm/ dứa/ khóm; lúc gọt thơm bạn còn nêu lên một câu hỏi: “ Đây
là mắt thơm. Vì sao thơm có mắt, hôm sau chị Hương sẽ kể nhé!”. Chà! Bạn nêu
vấn đề hấp dẫn qúa. Sao thơm lại có mắt? Hẳn là chưa bé nào cắt nghĩa được.
Buổi sinh hoạt sắp tới sẽ thu hút được nhiều sói hơn đây…
Xong việc cho các sói luyện
phát âm từ ngữ mới và tập nhận dạng mặt chữ- bạn đã cất công viết sẵn những từ
này trên giấy- thì đến khâu chuẩn bị làm
bánh. Bạn vùa lột hành tây vừa giảng giải cho các sói biết hành tây có vị cay,
lột & cắt không khéo mắt sẽ cay xè và nước mắt sẽ chảy giàn giụa. Ít phút
sau, thơm, hành tây, ớt, cà chua đã được bạn thoăn thoắt thái hạt lựu. Xong đâu
vào đấy, bạn bắt đầu bày các sói làm bánh Pizza. Công đoạn nào bạn cũng làm mẫu
xíu xiu rồi để các sói lần lượt tự làm. Từ việc rưới đều tương cà chua, tương
ớt lên mặt bánh đến việc rải đều hành tây, thơm, cà chua, ớt Đà Lạt và cuối
cùng là đặt những sợi phô mai thành hình thoi lên mặt bánh. Phô mai gặp nhiệt
sẽ chảy ra kết dính các loại nhân với nhau, làm bánh thơm ngon hơn, hấp dẫn hơn, bắt mắt hơn.
Vậy là buổi sinh hoạt hôm nay các sói được thưởng thức, được tự tay mình làm hai loại bánh. Lại được hát những bài hát
Việt ngữ rất vui rất dễ nhớ và làm quen với các từ trái thơm, hành tây, cà chua,
ớt Đà Lạt…
Không bảng đen phấn trắng, không bàn ghế, không sách vở bút thước,
không phải chép bài, không làm bài tập, không trả bài. Học mà chơi- Chơi mà
học! Từng buổi, từng buổi nhóm hướng đạo Úc châu đã tiến hành sinh hoạt thật
nhẹ nhàng nhưng giúp bầy sói gốc Việt có thể nói viết được tiếng Việt, bắc được
một nhịp cầu để các em phần nào hiểu được văn hóa truyền thống của ông cha.
Ngoài ra với phương châm: Học vui- Vui học, hướng đạo Úc châu còn rèn luyện cho
các sói những kỹ năng cần có trong cuộc sống như biết quan tâm đến cha mẹ và
người xung quanh, biết chia sẻ việc nhà với mẹ, biết tự phục vụ mình: tự làm
bánh, tự thu dọn khay nĩa sau khi ăn, có ý thức về làm việc theo nhóm…
Bao niềm vui, bao điều bổ ích từ những buổi sinh hoạt hướng đạo thời Sói- Thiếu- Kha-Tráng. Làm sao mà quên
được…
Nguyễn Thị Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét