Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Tìm Hiểu Về Âm Nhạc Chăm-Pa

      Vừa qua, tôi là một trong số các thành viên của nhóm Văn-Nghệ sĩ Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đi thực tế sáng tác trong gần 10 ngày tại một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên, mà trạm dừng chân cuối cùng là cố đô Huế.

      Trong quá trình đi thực tế để tìm nguồn cảm hứng sáng tác, tôi đã ký họa được một số tranh bằng chất liệu màu nước và bút sắt về cảnh vật và con người dọc đường thiên lý. Song song đó, tôi cũng đã có dịp khảo sát và thu thập được một số tư liệu về dân nhạc Chăm-pa.


      Theo sự nhận định chung của các nhà nghiên cứu, nền văn hóa Chăm-pa có ảnh hưởng rất lớn lao từ văn hóa Ấn Độ: lấy tiếng Phạn làm tiếng bác học, lấy mỹ thuật Ấn làm gốc để đắp tượng và căn bản nhạc thuật cũng bắt nguồn từ đó! Tuy sống trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhưng người Chăm vẫn theo hai tôn giáo cổ là Bà la môn giáo và Hồi giáo, có văn tự và ngữ ngôn riêng. Đa số dân chúng vẫn theo chế độ mẫu hệ.

      Đối với người Chăm cổ, âm nhạc là một nghệ thuật mang nhiều thần tính. Tính chất căn bản của nhạc Chăm là mối dây nối liền con người vào thần thánh. Cũng như các tượng Apsara Ấn Độ, những tượng Chăm chúng ta thấy trên các tháp cổ đã ghi lại cử chỉ của các nàng tiên đang múa hát trong cõi thượng giới. Và có lẽ vì quan niệm là của thần thánh nên người Chăm đã không có những mạnh mẽ, oai hùng, mà trái lại, đều mang tính chất buồn!

      Cũng giống như âm nhạc của dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam của chúng ta là chỉ truyền lại bằng đường lối truyền khẩu, người Chăm cổ chỉ ghi chép lại các sự kiện của âm nhạc của dỉ vãng mà không hề nghĩ đến chuyện ký âm các điệu thức âm nhạc. Vì thế, ngày nay phần lớn các điệu thức âm nhạc đều đã thất truyền. Hiện tại, chúng ta chỉ còn biết vớt vát được một số cung điệu Chăm hiện nay còn sót lại tại một số tỉnh ở cực Nam Trung bộ, mà nhiều nhất là Ninh Thuận, là nơi có đông đảo người dân tộc Chăm sinh sống và giữ nguyên phong tục, tập quán xưa.

      Âm nhạc dân tộc Chăm-pa có một số điểm tương đồng và có một số điểm khác biệt với âm nhạc của dân tộc Kinh. Trong âm nhạc Chăm cổ, dàn nhạc Chăm gồm có đàn Kuni Kara, kèn hay sáo Sanarai, trống, tù và, kèn đồng và mõ. Dàn nhạc Chăm hiện nay gồm có một hoặc hai nhạc sĩ thổi kèn dăm 7 lỗ gọi là Sarinai (kèn này có họ hàng với kèn Sonah của Trung Quốc và kèn Sahnai của Ấn Độ). Đàn Nhị của người Chăm gọi là Kanhi có điểm đặc biệt là hộp đàn không phải bằng gỗ hay vỏ dừa mà bằng một cái mu rùa.

Trống đôi Ganâng
      Trống Chăm có nhiều loại: trống đôi Ganâng là ai chiếc trống dài buộc vào nhau, do hai người ngồi đối diện đánh trống bằng cùi tay và dùi gõ. Trống một mặt da Barinưng thì có dây chằng để căng mặt trống do nhạc sĩ đánh một mình, ôm trống vào lòng, dùng hai tay vỗ vào vành tang trống và ít khi gõ vào giữa mặt trống. Còn trống lớn thì gọi là Hagar, chuyên để dùng trong loại nhạc lễ. Một chiếc thanh la gọi là Chêng giống như cái chiêng của người Kinh, dùng để đệm theo nhịp trống.

       Một cây đàn rất thông dụng của người Kinh cũng được dùng trong âm nhạc Chăm là cây đàn độc huyền (còn có tên là đàn bầu), người Chăm gọi nó là Rabap Katoh (đọc là ra-bạp ca-tọa), thường được dùng khi hát những bản tình ca.

      Về thể nhạc, loại nhạc phổ thông nhất trong xã hội Chăm là nhạc lễ. Lễ nhạc được dùng trong trong những cuộc lễ kỷ niệm các vị thần thánh. Người Chăm rất chú trọng đến việc tín ngưỡng. Đời sống hàng ngày của họ dường như là một cuộc lễ bái không ngừng. Bất cứ một việc vui mừng, u buồn hay lo sợ nào cũng là cái cớ để người Chăm lễ bái. Bởi vậy, lễ nhạc của họ rất phong phú, mỗi vị thánh hay mỗi loại cúng lễ đều có nhạc điệu riêng.

      Mừng thánh trong gia đình, người Chăm có điệu Patra Thagai (điệu trống một cây) hay điệu Ragâm Tagoh Chang (điệu trống vỗ nhiều hơn là đánh dùi) và điệu Tapơ là điệu trống khi xưa mừng tướng thắng trận, nay được dùng để nhớ lại vị anh hùng hiển thánh đó! Điệu Dân bôi (đọc là tần-bồi), nghĩa đen là "chôn đu", được người Chăm gốc Mã Lai sử dụng trong ngày lễ Java. Vào dịp này, họ thường hay dựng những cây đu và đánh trống thổi kèn điệu Dân bôi để giúp vui cho người chơi đu.

      Nhạc lễ của người Chăm dễ dàng biến thành nhạc hội với điệu trống Padit (đọc là pa-tịt) có nghĩa là con bướm, phụ họa cho các cô gái Chăm cầm quạt bắt chước bướm bay trong những ngày giỗ các bà hoàng, các công chúa. Điệu Jalitai (đọc là chà-li-tai) thì được dùng trong cuộc lễ kỷ niệm một vị thần người Java, khi xưa vượt biển đến cứu nguy cho người Chăm, nhưng chẳng may bị chết chìm dưới biển.

      Theo sử sách ghi chép lại, trong âm nhạc Chăm có hơn 100 điệu trống để dùng trong các điệu nhạc lễ. Ngoài những lễ kỷ niệm các thần thánh và anh hùng liệt sĩ, người Chăm còn có nhiều lễ khác như Pơ Pahâng Yang (lễ mở cửa tháp), Yuông Yang (lễ khai mương, cầu đảo), Trung Li Ua (lễ hạ điền), Pakap Hlâu Krong (lễ xin đừng mưa trong mùa gặt)... Mỗi lễ đều có một điệu nhạc riêng.

      Xét chung, nhạc lễ của người Chăm là một loại nhạc tôn nghiêm nhưng vương vấn nhiều nhạc tính buồn. Có lẽ họ đã mượn dịp lễ bái để tưởng nhớ thời oanh liệt xa xưa của tổ tiên họ. Nỗi nhớ nhung đó được phô bày trong các loại truyện ca, anh hùng ca của người Chăm. Họ có nhiều nhân vật lịch sử để đưa vào huyền sử ca, như Chây Talim là một vị tướng khi còn trẻ nhà nghèo, sống nhờ một cây lựu, rồi ra cứu nước phò vua và lập chiến công hiển hách. Khi chết đi, người dân nhớ ơn gọi là “cậu Lựu” (Chây Talim). Cậu (Chây) có nghĩa là thần thánh.

      Chây Axit, Chây Prông là truyện hai anh em nhà nọ, sinh ra trong thời tao loạn, quyết tâm cứu nước và chết tại xứ Ra Đê.

Trống Barinưng
      Truyện ca Chăm thường được các cụ già ôm trống Barinưng hát cho con cháu nghe về chuyện xưa, tích cũ.

      Tình ca Chăm là loại hát đối mang tên là Doh Dam Dara (đọc là tọ-tâm tà-rà) có nghĩa là bài hát ân tình. Nó thường được hát với sự phụ họa của đàn bầu Rabap Katoh, được trai gái hát đối đáp nhau trong ngày hội hay lúc nghỉ ngơi. Lời ca phần nhiều là thơ bình dân của người Chăm, nội dung rất trữ tình, hình thức là là thể thơ lục bát gieo vận lục tứ (6-4) và bát lục (8-6):

      Thây mai mưng dêh thây ô
      Drơh phik kâu lô yom thau rang
      Chek tian mưng asit dih đang
      Mai hu ka urang oan lô nghk…

      (Ai đến từ đàng kia ai đó
      Giống mật (lòng) ta dường như một người
      Để bụng yêu từ nhỏ còn nằm ngửa
      Bây giờ cho người khác tiếc quá trời ơi…)

      Qua bài Doh Dam Dara này, ta thấy thể thơ bình dân Chăm giống như ca dao của người Kinh, theo thể lục bát gieo vận lục tứ (6-4):

Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô chửa lấy chồng còn đợi chờ ai?

So với lễ nhạc và truyện ca mang tính chất hoài cổ và bi lụy, tình ca (Doh Dam Dara) là những bài thơ trữ tình gắn liền con người vào công việc hàng ngày:

Dun tian gơp biak atah
Loh mai talah oan tian lô lingik
Lingik halây pajơng klong mai
Urang yâu padai klong yâu râlang
Ai râu min hu urang dok taphia
Adây râu mưjua doh tha dray.

(Chiều lòng nhau quá thật lâu
Bây giờ chia ly đau lòng trời ơi
Trời nào sinh tôi ra
Người ta như hột lúa chắc
Tôi như hột lúa lép
Anh buồn nhưng có người ở gần
Em buồn em sống lẻ loi một mình).

Đàn Kanhi
      Táng ca cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Chăm. Người chết, trước khi đem hỏa thiêu, được các thầy cả coi việc lễ trong làng tới ru hồn bằng những điệu Doh Dam Mưtai được hát với sự phụ họa của đàn nhị mu rùa Kanhi. Lời hát thường nói rằng:

Sống trên đời là sống tạm
Coi như đi buôn bán về tinh thần
Trời cho sống thử thách ai gian ai ngay
Sinh ra trần truồng hai bàn tay không
Chết đi hai bàn tay trắng
Sống có đức thì lên thiên đàng
Sống không có đức thì xuống địa ngục.

      Tóm lại, qua một số điệu nhạc lễ, điệu hát kể truyện, điệu tình ca, điệu táng ca… chúng ta thấy trong nhạc ngữ Chăm, có hai hệ thống ngũ cung được họ thường sử dụng là hệ thống DO, RÊ, MI, FA,SOL, SI(b), DO, RE giống như âm giai Bắc của người Kinh và hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA rất gần gũi với hơi điệu của hát bài chòi Bình Định và hơi Nam giọng Oán của dân ca Nam Bộ. Trong nhạc Chăm không thể có hơi Nam giọng Ai của nhạc Huế, vì ngũ cung nhạc Chăm là hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA, trong khi loại nhạc Nam của Huế lại được xây dựng trên hệ thống DO, MI, FA, SOL, LA(non). Có thể trong dỉ vãng, người Kinh ở miền Bắc, vốn quen dùng ngũ cung đúng (DO, RÊ, FA, SOL, LA), khi vào phương Nam đã bị nhạc Chăm với ngũ cung oán (DO, MI, FA, SOL, LA) quyến rũ, rồi sáng tạo ra ngũ cung ai (DO, RE non, FA già, SOL, LA non) chăng?

Tín Đức 

*Tài liệu tham khảo:

- Thái Văn Kiểm: Loạt bài viết về dân tộc Chăm
- Trần Văn Khê: La Musique Vietnamiene Traditionelle.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét