Cái mà ta không thể mua được trên xứ sở Châu Âu lạnh lẽo này, là không khí tết của quê hương. Đêm giao thừa năm nào may mắn trùng vào những ngày cuối tuần, chúng tôi gọi điện thoại í ới hẹn ở nhà ông bạn nào đó, cùng đón năm mới, cùng nâng ly, nhậu nhoẹt cho đến sáng. Nhạt, và buồn chán nhất những năm ngày tết trùng vào những ngày thường, mọi người đều phải làm việc. Chúng tôi phải hẹn gặp nhau đón xuân vào cuối tuần tới.
Hai mươi bảy năm qua, mỗi độ xuân về, trên quê hương ta có gì mới? Hình ảnh mẹ ngồi vo gạo, rửa lá dong ở cầu ao, cha ngồi giữa nhà gói bánh làm cho lòng tôi bâng khuâng, khắc khoải. Có năm tôi đã lớn, nhưng cứ quanh quẩn bên cha, chờ đến những nhúm gạo thừa, những chiếc lá dong bé tẹo còn lại, để cha gói tặng cho những chiếc bánh cóc con như ngày còn thơ bé. Cảm giác trong tôi vẫn như thuở nào, dù thân hình đã cao và to hơn cha. Dường như với cha, tôi lúc nào cũng là đứa trẻ. Gần đến giao thừa, bao giờ cha cũng len lén giấu mẹ dúi cho tôi một bánh pháo tép, vớt vội cặp bánh cóc, để tôi kịp mang đến chỗ hẹn mấy thằng bạn cùng xóm.
Tôi cùng những thằng bạn đón giao thừa ở ngoài phố. Ném pháo là trò chơi mà tụi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ cho là thích thú nhất. Tôi nhớ có những năm, không hiểu Lợi phố Lò Đúc kiếm đâu ra mấy bánh pháo cối, qủa to như ngón chân cái, mang ra khoe, làm cho lũ bạn thèm lắm. Là bạn thân, do vậy Lợi Lò Đúc, không ngần ngại chia cho tôi một ít. Thấy tôi loay hoay quẹt diêm, Lợi đưa cho tôi cây nhang đang cháy dở và bảo:
- Mày phải xé lẻ từng quả ra, châm lửa, khi nào cháy nửa ngòi hãy ném, ném sớm quá chúng nó có thời gian tránh, phí lắm.
Thế là những qủa pháo nhoé lửa được ném đi vun vút, sau đó là những tiếng nổ đùng đoàng, kèm theo tiếng người kêu ré lên, khói đen mù cả góc phố. Có lẽ sợ lũ choai choai chúng tôi nhất là các cô bạn học sinh cùng trang lứa. Nhìn thấy chúng tôi là các cô đi như chạy, nhưng không kịp mất rồi, một, hai, ba qủa đã bay vào chân. Họ ngã dúi dụi vào nhau , rồi họ hét họ la, có những cô văng mất cả guốc, dép, họ tập tễnh bước đi thật tội nghiệp. Có những qủa, chúng tôi ném lạc vào người lớn, làm họ giật nẩy mình, đôi khi có người đi xe đạp ngã bổ chẩng. Có lẽ những ngày thường họ tức giận cho lũ chúng tôi mỗi đứa mấy cái bạt tai, nhưng là ngày tết, nên chúng tôi chỉ nhận được mấy câu nhắc nhở, rồi vui vẻ chúc tụng nhau. Có những lần tôi cũng bị dính pháo của bạn, hoặc dính pháo của chính mình, do ngòi pháo cháy nhanh qúa, chưa kịp ném đi pháo đã nổ ngay trên tay.
Những lần như vậy tôi đều bị sặc khói pháo, tức thở đến mấy ngày. Nhưng cái đó không sợ bằng tấm áo mẹ mới mua cho khi chiều, giờ đã cháy vàng khè. Cũng may cho tôi, ngày têt nên mẹ tôi vờ như không nhìn thấy, chứ ngày thường bảo đảm thế nào tôi cũng ăn mấy roi mây.
Hết pháo, chúng tôi thường rủ nhau ra phố Nguyễn Du – Nguyễn Thượng Hiền nơi có nhiều cây, hoặc chui vào công viên Thống Nhất, góc đường Nguyễn đình Chiểu để hái lộc đầu năm (thực ra là bẻ trộm những cành non, hoặc bê trộm những chậu hoa cảnh nhỏ- mà các bác bảo vệ đang còn mải mê nhấc lên nhấc xuống, và ngắc ngư trong hương xuân nồng). Chúng tôi mỗi đứa ôm mấy cành cây non về nhà xông đất. Lũ chúng tôi nghịch như giặc, nhưng năm nào cũng được mời xông đất . Mấy cô đầu ngõ nhà tôi rùi rắng từ mấy ngày trước:
- Thằng Trường nhớ giao thừa sang xông đất cho cô nhé.
Còn mẹ tôi dặn đi dăn lại:
- Mày đi đâu thì đi nhớ về nhà xông đất cho mẹ.
Thật tình, lúc đó tôi không nghĩ người xông đất mang lại may mắn cả năm cho gia đình. Tôi chỉ nghĩ, khi xông đất cho nhà tôi và các cô chú hàng xóm là tôi có tiền mừng tuổi, sáng mai tiếp tục mua pháo đốt chơi.
Giờ này, ở quê tôi có lẽ mọi người đang tất bật mua mua, xắm xắm, chuẩn tốt nhất cho ngày đoàn tụ. Cha, mẹ tôi mất đã lâu, nhưng không khí ngày tết, hình ảnh cha mẹ cứ chập chờn, chập chờn mãi trong tôi. Trong mơ, mỗi khi được về thăm nhà, cảm thấy bơ vơ lắm, câu thơ của một vị thiền sư nào đó cứ văng vẳng trong tôi:
“Khi mẹ còn con còn tất cả
Mẹ đi rồi, tất cả ra đi
Mẹ ơi con chẳng còn gì
Bơ vơ đến cả khi về, lúc đi.”
Ôi! Giấc mơ vẫn lại là những giấc mơ. Và đời người cứ như dòng sông trôi, có đôi bờ khi bồi khi lở. Có hoa lá rất nhiều nhưng ta cảm thấy như đồng khô, cỏ cháy. Có lẽ nào bão tố của mùa xuân, bão tố của tình yêu biến thành dòng suối trắng qua bao năm, tháng dài chờ đợi. Và bao lời hứa kia cũng tan như những bọt bèo, vì đường về nhà còn xa lắm:
“ Anh bảo em mùa xuân
Sao chẳng thấy hoa hồng.
Anh bảo rằng yêu em
Sao chưa thấy lời hẹn.
Anh bảo sẽ có ngày
Đưa em về quê mẹ
Mà chờ hoài chẳng thấy.
Có lẽ nào tình yêu
Là đồng khô cỏ cháy
Và những lời anh hứa
Tan theo những bọt bèo.
Mái tóc dài chấm lưng
Anh thường khen thuở ấy
Hóa thành dòng suối trắng.
Em nhìn về nơi ấy
Bão tố đang thét gào.
(Bão Tố- Đỗ Trường)
Ngoài kia tuyết vẫn rơi, và gió vẫn thổi, mảnh vườn sau nhà tôi tuyết trắng xóa, cây táo, cây lê cành trơ trụi lá, nó được khoác trên mình một chiếc áo trắng tinh trong suốt. Xem truyền hình của Việt Nam, thấy mọi người háo hức lên Sapa để chờ xem tuyết rơi, nhưng đợi mãi không có, lại thất vọng trở về. Nhưng với tôi, nhìn thấy tuyết rơi là sợ lắm, và cô độc lắm. Dường như con người càng lớn tuổi, càng sống thiên về những hoài niệm, những ký ức đã xa vời. Một kỷ niệm nhỏ cũng làm lòng người day dứt. Tôi không làm thơ, nhưng không hiểu sao ký ức cứ tràn về, nàng xuân trong tôi vội ghi lại những cảm xúc đó:
“Xuân đã về, sao lòng anh hờ hững
Xuân quê người , tuyết trắng xoá ngoài hiên
Bánh chưng, pháo tết, mai, đào đủ
Lòng người choáng váng tựa men say.
Anh tìm xuân từ góc của tâm hồn
Và anh muốn trở về thuở thơ bé ,
Mơ xuân về mẹ mua tà áo mới
Đêm giao thừa, cha tặng bánh cóc con
Anh muốn tìm mảnh áo xưa còn vàng mầu thuốc pháo
Kỷ niệm một thời ném pháo mừng xuân….
Chợ ngày xuân, anh cùng em đi xắm lễ
Ánh xuân hồng làm đỏ má em yêu ……
Rồi anh mất một thời anh đã có
Để xuân hồng một bóng lẻ loi
Anh muốn lật những trang nhật ký
Giọt mưa buồn vẫn còn đọng y nguyên.
Anh muốn níu cả những gì còn lại
Để lòng anh đỡ trống trải, chênh vênh
Anh muốn xuân vào hồn anh như thuở ấy
Nhưng bóng xuân dần xa mãi hồn anh.
Đỗ Trường
Vĩnh Trinh chuyển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét