Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Liễn Dán Các Bàn Thờ

Hằng năm cứ đến ngày đưa ÔNG TÁO về trời là sau khi cúng tiễn TÁO QUÂn xong, thì tất cả chưn nhang đều được nhổ ra, chỉ chừa lại 3 cây trong lư hương mà thôi, còn lại thì thiêu hóa chung với giấy tiền vàng bạc và giấy cò bay ngựa chạy để theo ông Táo về trời, kể cả đôi liễn dán hai bên bàn thờ ông Táo cũng thế. Và không riêng gì bàn thờ ông Táo mà tất cả bàn thờ trong nhà cũng vậy ! Dẹp hết để chưn nhang khỏi đùn quá cao, vừa mất mỹ quan vừa dễ gây hỏa hoạn. Sẵn làm vệ sinh lau chùi khảm thờ cho sạch sẽ, rồi... dứt luôn nhang khói...


Mãi cho đến tận chiều ba mươi Tết, khi cúng rước Ông Bà về ăn Tết với con cháu, thì mới dán liễn mới lên để đón Giao Thừa và tiếp tục nhang khói như thường lệ.
Công việc của tôi hàng năm là tân trang và viết lại các đôi liễn mới nầy. Nào, ta bắt đầu từ trước sân nhà nhé. Một cây cột lửng được đóng giữa sân, trên gát một miếng ván vuông hoặc chữ nhật, có lư hương nhỏ hoặc một cái lon sửa bò đổ đầy cát để cắm nhang. Những nhà khá hơn thì cột được xây bằng gạch tiểu, trên gác một miếng gạch Tàu đo đỏ, còn nhà cửa khang trang hoặc phố chợ thì bàn thờ ÔNG THIÊN được đặt sát bên trái hoặc bên phải của cửa ra vào... Nhưng dù như thế nào thì trên bài vị hoặc trên thân cây cột để bàn thờ đều phải có 4 chữ : THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC 天官賜福, có nghĩa các vị quan trên trời sẽ ban phát phước lành xuống cho gia chủ.

Thường thì chỉ đổi mới 4 chữ THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC mà thôi, vì bàn thờ Ông Thiên bình dân thông thường không có câu đối, chỉ có nhà giàu hoặc ở các Đạo Quan, bàn thờ Ông Thiên lớn hơn, nên mới có câu đối 4 chữ như sau:

吉庆有余, Kiết khánh hữu dư,
受天百祿. Thụ thiên bách lộc. 
Có nghĩa :
Điều lành điều tốt có thừa,
Hưởng nhận trăm lộc của trời ban.

Bên dưới ngay cửa đi vào là bàn thờ Thổ Địa. Bước vào phòng khách thì ở bên trong ngay lối vào là bàn thờ của Thần Tài xây mặt ra cửa cái. Thường thì Thổ Địa và Thần Tài được thờ chung ở nơi đây, nên bài vị thường viết là :

Ngũ phương ngũ thổ long thần, 五方五土龍神,
Tiền hậu địa chủ tài thần. 前後地主財神.

Bên trên khảm thờ là 3 chữ TỤ BẢO ĐƯỜNG 聚寶堂, câu đối 2 bên thường là như thế nầ :
Kim chi sơ phát diệp, 金枝初發葉,
Ngân thọ chánh khai hoa. 銀樹正開花。
Có nghĩa :
Cành vàng vừa trổ lá,
Cây bạc lúc ra hoa.

Hoặc là câu đối thật hay lấy từ bài Đằng Vương Các Tự của VƯƠNG BỘT đời Đường như sau:

Vật hoa thiên bảo nhật, 物華天寶日,
Nhân kiệt địa linh thời. 人傑地靈時。

Có nghĩa :
Đây là những ngày vật đẹp như là tinh hoa báo vật của trời.
Cũng là lúc đất đai linh hiển nên sinh ra người giỏi (hào kiệt). 


Đó là bàn thờ Thần tài Thổ Địa ở trong nhà, còn nếu là Miếu thờ Thổ Địa hoặc Thổ Thần cho cả làng xóm thì câu đối liễn sẽ hay hơn. Sau đây là liễn dán miếu Thổ Thần :

THỔ Vượng nhân tòng vượng, 土旺人從旺,
THẦN an trạch tự an. 神安宅自安。
Có nghĩa:
Đất có vượng thì người sẽ vượng theo,
Thần có yên thì người tự nhiên cũng sẽ yên.

Và... Sau đây là liễn thờ miếu Thổ Địa:

THỔ năng sanh bạch ngọc, 土能生白玉,
ĐỊA khả xuất hoàng kim. 地可出黃金。
Có nghĩa:
Đất có thể sanh ra ngọc trắng,
Đất cũng có thể cho ra vàng ròng.

Bạch Ngọc là Ngọc Trắng, một loại đá quí. Bạch Ngọc còn có thể hiểu đó là hạt gạo trắng tinh như Ngọc dùng để nuôi sống con người ! Và...
Hoàng Kim là Vàng ròng, kim loại quí, Nếu biết siêng năng trồng trọt canh tác thì : " Tất đất sẽ cho Tất Vàng " như chơi ! 

Tùy theo gia đình, thường thì phía trên cùng của phòng khách là nơi thờ Thần Thánh, nếu nhà có lầu thì thờ ở trên lầu trong căn phòng phía trước. Các Vị Thần Thánh được thờ thường là Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Tổ Như Lai, nhưng thông thường nhất là Bàn Thờ ÔNG, ÔNG ở đây là Ông QUAN CÔNG, tức QUAN VÂN TRƯỜNG thời Tam Quốc. 
Năm nào tôi cũng phải lau chùi quét dọn và viết lại bộ liễn của Bàn Thờ Ông. Bộ liễn khá bài bản và nghiêm trang như sau : Phía trên cùng của khảm thờ là 2 vòng tròn giấy đỏ trên viết 2 chữ CHÍNH KHÍ 正氣 để chỉ cái khí tiết chính trực của Quan Công, phía dưới 2 chữ Chính Khí là 4 chữ TRUNG TÂM QUÁN NHẬT 忠心貫日, có nghĩa : Lòng trung thành vằng vặc như mặt trời. Liễn 2 bên thì như vầy:

Chí tại Xuân Thu công tại Hán, 志在春秋功在漢,
Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên. 忠同日月義同天。
Có nghĩa : 
Chí thì như ở đời Xuân Thu( muốn làm nên nghiệp lớn ), nhưng công thì ở đời Hán.
Lòng trung thành như mặt trăng mặt trời, còn nghĩa thì cao tợ trời.

Một đôi liễn thường thấy ở Bàn Thờ Ông nữa là :

Thiên thu nghĩa dõng vô song sĩ, 千秋義勇無雙士,
Vạn cổ tinh trung đệ nhất nhơn. 萬古精忠第一人。
Có nghĩa:
Cái nghĩa khí và vũ dũng ngàn năm không có được 2 người,
Lòng trung thành tuyệt đối muôn đời là người số 1 duy nhất.

Hai người đứng 2 bên Quan Công, người râu rìa mặt đen là Châu Thương cầm Thanh Long Yễm Nguyệt Đao, người mặt trắng đẹp trai là Quan Bình, ta bưng cái ấn Hớn Thọ ĐÌnh Hầu. Theo dị đoan thì lưỡi của Thanh Long Yễm nguyệt Đao phải xây về hướng nước ròng, tức là phải chém ngược dòng nước.

Dưới các khảm thờ của Thần Thánh mới là bàn thờ Tổ Tiên. Bàn thờ Gia Tiên thường đặt một hoặc nhiều bài vị của Tổ Tiên các đời, phía trên thường thấy 3 chữ ĐỨC LƯU PHƯƠNG 德流芳. Chữ LƯU 流 là Chảy, là Dòng Chảy, chứ không phải LƯU 留 là GIỮ, là ĐỂ Lại. Nên có nghĩa là : Cái ĐỨC phải sống động như dòng chảy tỏa mùi hương từ đời nầy sang đời khác, tức là muốn con cháu các đời đều phải TÍCH ĐỨC, chứ không phải chỉ trông chờ để hưởng cái ĐỨC của ông bà để lại. Vì hễ cái gì LƯU để lại thì cũng phải có ngày khánh kiệt, như gia tài chẳng hạn, ĐỨC cũng vậy, để ĐỨC lại cho con cháu mà con cháu không biết TÍCH ĐỨC thì ĐỨC đó cũng sẽ bị hao mòn khánh kiệt mà thôi !. Bên dưới 3 chữ ĐỨC LƯU PHƯƠNG là 4 chữ CỮU HUYỀN THẤT TỔ. Hai bên của 4 chữ CỬU HUYỀN THẤT TỔ là 2 câu đối.
Có lần tôi đọc được đôi câu đối thật hay trong gia đình của một người bạn ở Nhơn Ái, thuộc huyện Phong Điền như sau :

Kính thất tổ thiên niên bất tận, 敬七祖千年不盡,
Trọng cửu huyền nội ngoại tương đồng. 重九玄內外相同。
Có nghĩa:
Lòng kính trọng Thất Tổ ngàn năm không dứt,
Tôn trọng Cửu Huyền của 2 bên nội ngoại như nhau.


Có người hỏi : CỬU HUYỀN THẤT TỖ chỉ những AI, gồm những AI ?!. Xin thưa :

CỬU HUYỀN THẤT TỔ gồm 9 đời Con Cháu và 7 đời Cha Ông, như sau :

CỬU HUYỀN là :
Tử, Tôn, Tằng, Huyền, Lai, Côn, Nhưng, Vân, Nhĩ. 
九玄 : 子、 孫、 曾、 玄、 來、 昆、 仍、 雲、 耳 .

THẤT TỔ là:
Phụ, Tổ, Tằng, Cao, Thái, Huyền, Hiễn.
七祖 : 父、祖、 曾、 高、 太、 玄、 顯 .

Cuối cùng, ở phía sau nhà, nơi bếp nút củi lửa là bàn thờ ông Táo. Ta còn gọi là Thần Bếp, Vua Bếp, Táo Quân... Bên trên bàn thờ là 4 chữ : NGŨ KỴ CHI THỦ 五祀之首, hai bên là đôi liễn mà tôi đã có dịp trình bày trong bài TỐNG TÁO THI là :

有德能司火, Hữu đức năng ty hỏa,
無私可達天。 Vô tư khả đạt thiên.
Có nghĩa :
Có ĐỨC thì mới có thể trông coi việc củi lửa bếp nút được.
Phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ thì mới được lên chầu trời ( để trình tấu mọi việc ).


NGŨ KỴ : là 5 chỗ cần phải cúng tế ở trong nhà, đó là: MÔN,HỘ là Cổng, cửa ( nơi ra vào ), TỈNH, TÁO là Giếng, Bếp ( nơi ăn uống ), TRUNG LƯU là phần giữa nhà ( nơi ngủ nghỉ ). Xưa thì cho rằng CỔNG là nơi đứng đầu cần phải cúng tế, nhưng sau với khuynh hướng' Dĩ thực vi thiên ", thì Bếp đứng đầu, nên bàn thờ Táo Quân mới có được 4 chữ " NGŨ KỴ CHI THỦ " là vì thế!

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét