Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Tương Khẩu Tống Hữu Nhân 湘口送友人 - Lý Tần (Vãn Đường)


Lý Tần 李頻 (818-876) tự Đức Tân 德新, người Thọ Xương 壽昌, Mục Châu 睦州, nay là trấn Lý Gia 李家, Kiến Đức 建德, tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ năm 854, nhậm huyện lệnh huyện Vũ Công 武功 (nay thuộc thành phố Hàm Dương 咸陽, tỉnh Thiểm Tây), tính tình ngay thẳng, làm việc giỏi, được thăng Thị ngự sử 侍禦史, Đô quan viên ngoại lang 都官員外郎.

Năm 874 niên hiệu Can Phù 乾符, Lý Tần dâng biểu tự tiến cử xin nhậm chức Thứ sử Kiến Châu 建州刺史 (nay là Kiến Âu 建甌, Phúc Kiến) là vùng đất loạn vì ảnh hưởng của Hoàng Sào đang hoạt động mạnh tại Cù Châu 衢州, Chiết Giang. Ông bình định được Kiến Châu, giữ vững an ninh, phát triển kinh tế, được dân chúng thương mến quý trọng. Năm 876, ông chết tại nhiệm sở, được dân làm lễ tống táng rất lớn. Sau đó con cháu dời mộ định đem về cải táng tại quê nhà nhưng không được vì chiến loạn, phải chôn dọc đường.

Nguyên tác            Dịch âm

湘口送友人         Tương Khẩu Tống Hữu Nhân

中流欲暮見湘煙 Trung lưu dục mộ kiến Tương yên,
岸葦無窮接楚田 Vi ngạn vô cùng tiếp Sở điền.
去雁遠衝雲夢雪 Khứ nhạn viễn xung Vân Mộng tuyết,
離人獨上洞庭船 Ly nhân độc thượng Động Đình thuyền.
風波盡日依山轉 Phong ba tận nhật y sơn chuyển,
星漢通霄向水連 Tinh Hán thông tiêu hướng thuỷ liên.
零落梅花過殘臘 Linh lạc mai hoa quá tàn lạp,
故園歸醉及新年 Cố viên quy túy hựu tân niên.

Chú giải

岸葦 vi ngạn: cỏ lau mọc trên bờ (sông Tương).
* 楚田 Sở điền: ruộng Sở; ám chỉ ruộng của dân Hán (nước Sở thời Chiến Quốc rất lớn, chiếm gần 1/3 đất đai của nước Tàu nên dân Sở gần như đồng nghĩa với dân Tàu.
衝 xung: đi thẳng tới phía trước.
** 去雁遠衝雲夢雪 Khứ nhạn viễn xung Vân Mộng tuyết: Nhạn trốn lạnh bay trên đầm Vân Mộng phủ đầy tuyết. Câu này rất khó dịch thành thơ. Con Cò dịch thoát là: Lũ nhạn tếch** trên Vân Mộng tuyết,
雲夢 Vân mộng: Tên đầm ở gần hồ Động Đình. Vân Mộng tuyết: theo văn phạm Việt phải dịch là tuyết trên đầm Vân Mộng nhưng thơ không nhất thiết phải theo văn phạm của văn xuôi nên để nguyên cụm từ Vân Mộng tuyết không dịch.
洞庭船 Động đình thuyền: Thuyền trên hồ Động Đình, nay tại huyện Nhạc Dương, phía bắc tỉnh Hồ Nam. Cũng để nguyên cụm từ Động Đình thuyền không dịch, giống như cụm từ Vân Mộng tuyết.
通霄 thông tiêu: xuyên qua mây.
連 liên: nối liền. 水連 thủy liên: nước liền nhau, nước mênh mông. Dịch là nước êm (yên lặng).

Dịch nghĩa

Tiễn bạn tại bến sông Tương

Giữa dòng sông sắp tối thấy khói sông Tương bốc lên,
Bờ lau ngút ngàn tiếp liền với ruộng Sở.
Nhạn trốn lạnh bay trên đầm Vân Mộng phủ đầy tuyết,
Khách biệt ly một mình lên thuyền ở hồ Động Đình.
Sóng gió chuyển mạnh suốt ngày vỗ vào sườn núi,
Sao Hán xuyên mây chiếu xuống mặt nước mênh mông.
Hoa mai rụng đầy qua tháng chạp muộn,
Hẹn nhau năm mới về lại vườn xưa.

(Hồ khẩu là nơi cửa sông Tương nhập nước vào hồ Động Đình)

Dịch thơ

Tiễn bạn tại bến sông Tương

Trên sông chập tối khói Tương lên,
Lau lách bờ đê nối Sở điền*
Lũ nhạn tếch** trên Vân Mộng tuyết,
Biệt ly khách xuống Động Đình thuyền
Sóng xô suốt buổi vào sườn núi,
Sao Hán xuyên mây chiếu nước êm.
Mai rụng tràn đầy cuối năm trễ,
Hẹn nhau năm mới tại vườn đêm.

Lờn bàn: 

Con Cò dịch bài Tương Khẩu Tống Hữu Nhân toát mồ hôi hột mà vẫn chưa hoàn hảo bởi vì gặp nhiều cụm từ Hán rất khó nuốt (Sở điền, Tiêu Tương, khứ nhạn, ly nhân, Vân Mộng tuyết, Động Đình thuyền, thủy liên… xin xem trong chú giải ).

Nói thêm về cụm từ Sở điền và cụm từ Tiêu Tương:
- Phí Minh Tâm và Huỳnh Kim Giám đã viết rất nhiều về chữ Sở như sông Sở, núi Sở, nước Sở, gái Sở. y phục Sở… nhưng vẫn chưa giải hết nghĩa của chữ Sở, một chữ rất phổ thông trong thơ Hán. Thời Chiến Quốc, nước Sở lớn nhất, chiếm gần 1/3 dân số và đất đai của vùng Trung Nguyên nước Tàu. Con Cò chiếu theo lịch sử và địa dư của nước Tàu thời Chiến Quốc (như vừa nói ở trên) hiểu một cách giản dị rằng các thi sĩ thời Đường gần như đồng hóa Sở với Tàu. Vậy Sở điền, theo như ÔC hiểu, đơn giản là ruộng của nước Tàu. Sẽ để nguyên cụm từ Sở điền không dịch (cho hợp vận).

- Sông Tiêu Tương có 2 nhánh: nhánh phía đông (sông Tương) khi tới gần hồ Động Đình thì nhập với nhánh phía tây là sông Tiêu thành sông Tiêu-Tương trước khi chảy vào hồ này. Phong cảnh sông Tiêu-Tương rất hùng vĩ nhưng vô cùng thê lương (nơi mà các thi nhân thời Đường làm thơ tình rất thảm).

Con Cò
***
Tiễn Bạn Bên Sông Tương

Giữa dòng sắp tối khói Tương lên
Lau lách mênh mông ruộng Sở liền
Cánh nhạn bay cao Vân Mộng tuyết
Một thân ly khách Động Đình thuyền
Cả ngày sóng gió đầu non chuyển
Đêm suốt sao trời mặt nước chen
Rơi rụng hoa mai qua tháng chạp
Vườn xựa về khướt lúc tân niên!

Lộc Bắc
Dec24
***
Tiễn Bạn Bến Sông Tương

Chiều tàn khói nhả lượn sông Tương
Lau sậy giáp liên Sở ruộng vườn
Vân Mộng, nhạn bay lên tránh tuyết
Động Đình đưa tiễn bạn ly hương
Sóng to vỗ mạnh vào sườn núi
Sao sáng chiếu ngời nước đẫm sương
Tháng chạp hoa mai rơi lả tả
Vườn xưa năm mới hội Trùng Dương*

Thanh Vân
***
*Người Tàu có tục lệ ngày 9 tháng 9 âm lịch, gọi là ngày Trùng Cửu hay Trùng Dương (vì theo họ số 9 là số dương). Ngày này con cái trong nhà đến chúc thọ cho cha mẹ, rồi đưa cha mẹ lên núi để hưởng không khí trong lành trước khi mùa lạnh đến. Những người “lớn tuổi” thường tụ họp nhau vui vầy để uống rượu cúc, ngắm hoa cúc. Tết Trùng Cửu hay Trùng Dương là một ngày Lễ quan trọng trong đời sống của người dân Trung Quốc, DĐ LTCD 21 của Ông Cò đã nhiều lần đưa những bài thơ nói về ngày Lễ này

Tiễn Bạn Tại Bến Sông Tương.

Chiều tối sông Tương khói nhạt nhòa,
Bờ lau đất Sở nối bao la.
Đầm Vân Mộng tuyết bay chim vượt,
Bến Động Đình thuyền độ khách qua.
Sóng vỗ cả ngày bên vách đá,
Sao in đáy nước bóng Ngân Hà.
Hoa mai tháng chạp tơi bời rụng,
Hẹn Tết năm sau trở lại nhà.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Dec. 21/2024.
***
Nguyên tác: Phiên âm:

湖口送友人-李頻 Hồ Khẩu Tống Hữu Nhân – Lý Tần

中流欲暮見湘煙 Trung lưu dục mộ kiến Tương yên
葦岸無窮接楚田 Vi ngạn vô cùng tiếp Sở điền
去鴈逺衝雲夢澤 Khứ nhạn viễn xung Vân Mộng trạch
離人獨上洞庭船 Ly nhân độc thượng Động Đình thuyền
風波盡日依山轉 Phong ba tận nhật y sơn chuyển
星漢通宵向水連 Tinh Hán thông tiêu hướng thủy liên
零落梅花過殘臘 Linh lạc mai hoa quá tàn lạp
故園歸醉及新年 Cố viên quy túy cập tân niên

Dị bản:

Hán bản bên trên là nguyên tác chép từ sách của Lý Tần. Lý Tần có cho một số dị bản như bên dưới:

Câu 2: thiên天 thay vì điền田
Câu 3: tuyết雪 thay vì trạch澤
Câu 8: khứ去 thay vì quy歸
khứ hựu去又 thay vì túy cập醉及
Ngự Định Toàn Đường Thi của nhà Thanh còn cho một số dị bản khác.
Sách có mộc bản đăng bài thơ:

Lê Nhạc Tập - Đường - Lý Tần 黎嶽集-唐-李頻
Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠
Đường Thi Kỉ Sự - Tống - Kế Hữu Công 唐詩紀事-宋-計有功
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Hồ khẩu: danh từ chung chỉ cửa sông Tương chảy vào bờ nam hồ Động Đình ở bắc tỉnh Hồ Nam. Nhiều trang web chữ Hán viết là Tương湘 trong tựa bài thơ, có lẽ theo dị bản của đời Minh Thanh. Tuy nhiên trong lịch sử không thấy có địa danh Tương Khẩu/Hồ Khẩu trên sông Tương cũng như trên bờ hồ Động Đình. Bài trên Thiviện cũng viết chữ Tương湘 trong tựa bài thơ, lại có ghi chú giải thích hai chữ Hồ khẩu “Hồ khẩu là nơi cửa sông Tương nhập nước vào hồ Động Đình” dù hai chữ này không có được xài nơi nào trong bài thơ.

Ngạn vi: bờ sậy
Sở: lưu vực sông Tương là lãnh thổ của nước Sở ngày xưa
Khứ nhạn: ngỗng rừng bay về bắc
Vân Mộng: tên đầm nước ngọt khoảng 50km đông bắc Động Đình Hồ, nằm ở đồng bằng giữa sông Dương Tử và sông Hán của tỉnh Hồ Bắc, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, suy ra là ngày xưa có diện tích rộng nhất là 40.000 km vuông, ngày nay hầu hết đã trở thành đất liền, chỉ để lại các vùng nước rải rác như Hồng Hồ 洪湖. Đứng ở hồ khẩu, bờ nam Đông Đình Hồ thấy nhạn bay về bắc qua Vân Mộng có hơi xa.
Tinh Hán: dải Ngân Hà
Lạp nguyệt: tháng mười hai âm lịch
Túy: say rượu

Dịch nghĩa:

Hồ Khẩu Tống Hữu Nhân Tiễn Bạn Ở Cửa Sông Tương

Trung lưu dục mộ kiến Tương yên
Hơi nước sông Tương phủ mờ dòng sông lúc trời sắp tối,
Vi ngạn vô cùng tiếp Sở điền
Hai bờ lau dài vô tận tiếp liền với đất Sở.
Khứ nhạn viễn xung Vân Mộng trạch
Nhạn ra đi bay xa qua đầm Vân Mộng,
Ly nhân độc thượng Động Đình thuyền
Người ly biệt một mình lên thuyền đậu trên hồ Động Đình.
Phong ba tận nhật y sơn chuyển
Sóng gió chuyển động suốt ngày vỗ mạnh vào núi,
Tinh Hán thông tiêu hướng thủy liên
Dải Ngân hà xuyên màn đêm liền với mặt nước mênh mông.
Linh lạc mai hoa quá tàn lạp
Hoa mai rụng đầy qua cuối tháng chạp,
Cố viên quy túy cập tân niên
Hẹn sẽ về lại quê hương kịp năm mới để uống cho say sưa.

Dịch thơ:

Tiễn Bạn Về Quê

Chiều xuống sông Tương khói phủ mờ,
Hai bờ lau sậy liền đồng trơ.
Nhạn bay cùng nhóm qua Vân Mộng,
Người biệt cô đơn thuyền tách bờ.
Sóng gió ngày đêm vỗ núi thẩm,
Ngân Hà tiếp nước như trong mơ.
Hoa mai rơi rụng tháng năm hết,
Về lại quê hương không đợi chờ.

See Off a Friend at the Xiang River Estuary on Dong Ting Lake by Li Pin

Water vapor darkens the middle flow of the Xiang river at dusk,
Reeds on the river sides run infinitely to join the Chu lands.
The leaving wild geese flew across the Cloud Dream pond in the distance,
The going away person lonely boarded the boat on the Dong Ting lake.
Wind and waves beat the mountain sides all day long,
The Milky Way pierced the dark night to join the immense water surface.
Plum flowers fell sparsely through the late twelfth month,
Will go home by year end the get drunk in the New Year.

Phí Minh Tâm
***
Góp Ý Cho BàiTương Khẩu Tống Hữu Nhân Của Lý Tần.

Đây là lần đầu tiên BS đọc bài thơ này; Đọc xong thì toát mồ hôi và rớt nước mắt, vì thấy nó trúc trắc, rất khó dịch, và khó diễn tả được ý của tác giả. ÔC đã giải thích rõ ràng, nghe cũng xuôi tai. Đọc bài của Đạo Mò và anh Tâm thì BS hoa mắt thêm. Mấy tấm hình Đạo Mò đưa ra nhỏ quá, BS coi xong mà không nắm vững được địa hình. Bèn tra lấy và ghi tóm tắt ra đây để ACE coi cho biết.

Hồ Động Đình là 1 trong 4 hồ lớn của Tàu, 3 hồ kia là Bà Dương, Thái Hồ và Tây Hồ. Hồ Động Đình xưa là lớn nhất, nhưng sau nhỏ lại vì dân lấp đất để cày ruộng, bây giờ diện tích là 2820 km2. Nếu so với ngũ đại hồ ở Bắc Mỹ, hồ nhỏ nhất là Ontario cũng rộng tới 19500 km2, thì hồ Động Đình không thấm vào đâu.

Có 4 con sông đổ vào hồ: sông Tư, Nguyên giang, Lễ thủy, và sông Tương. Sông Tiêu nhập vào sông Tương trước khi sông này chảy vào hồ nên vùng đó được gọi là Tiêu Tương. Chỗ sông đổ vào hồ chính là Hồ Khẩu hay Tương Khẩu.

Hồ nổi tiếng đến nỗi người Tàu đã dùng nó làm trọng tâm để đặt tên 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam.

Đầm Vân Mộng ở trong địa phận tỉnh Hồ Bắc, theo bản đồ thì khá xa Hồ Khẩu. Nhạn là loài chim thiên di, thường về miền nam trốn lạnh, sao lúc Lý làm thơ là mùa đông mà còn nhạn ở đó?
Các chữ khó, ÔC đã giải thích rồi, BS xin bổ túc thêm:
* Xung là con đường cái lơn, hướng về, xông vào, đụng vào, dựng thẳng lên ( tráng sĩ phát xung quan )
* Tận là hết, chấm dứt, hết sức như tận hoan.
* Chuyển là vận chuyển, dời chỗ, tránh né… y sơn chuyển hơi khó hiểu, có lẽ tác giả muốn nói: cả ngày phong ba, bão táp, nên “áo” tức vẻ ngoài của núi bị thay đổi. Và BS dịch theo cách hiểu của mình.
*Linh lạc, từ kép, là rơi rụng, tan tác, tàn lụi (như dương hoa linh lạc ủy thương đài trong Chinh Phụ Ngâm)

Nếu so sánh bài thơ ÔC đăng, và bài thơ trong Thi Viện thì câu chót khác nhau:
- ÔC: Cố viên quy khứ hựu tân niên. (tân niên là sẽ trở lại cố hương)
- Thi Viện: Cố viên quy túy cập tân niên. (say sưa trở lại cố hương đúng tân niên)

Chắc anh Tâm sẽ cho coi dị bản.
Câu này ÔC giải thích là: hẹn nhau năm mới trở lại vườn xưa. BS đâu thấy gì là hẹn nhau.
Và cũng thắc mắc là ai sẽ trở lại cố viên?

Tiễn Bạn Bến SôngTương.

Sông Tương trời tối, khói la đà,
Bờ lau liền ruộng Sở bao la,
Nhạn bay vượt tuyết đầm Vân Mộng,
Ly khách lên thuyền chỉ bác a,
Gió bão cả ngày non cũng đổi,
Sao Hán xuyên mù chiếu nước xa,
Tơi tả hoa mai rơi cuối chạp,
Tân niên là sẽ trở lại nhà.

Nếu dịch theo Thi Viện, thì câu này sẽ là:
Tân niên say khướt trở lại nhà.

Bát Sách.
(Ngày 25/12/2024)
***
Góp ý:

葦=vĩ là từ tắt cho 蘆葦=lô vĩ. cây sậy/reed/roseau. Lau sậy trong thi ca là hình ảnh tượng trưng cho cảnh tiêu điều, hoang vắng.

星漢=tinh hán là một tên cổ của Ngân Hà (银河/Milky Way/Galaxie), ngoài các tên 天河=thiên hà, 星河=tinh hà, 天漢=thiên hán, và 銀漢=ngân hán.

Chữ 臘 có hai lối đọc i) tịch với nghĩa thịt hay cá khô; và ii) lạp với nghĩa lễ tế cuối năm. Lối phát âm lạp cho ta nghĩa tháng chạp.

Vân Mộng, toàn tên là Vân Mộng đại trạch (雲夢大澤) là một địa danh trong lịch sử để chỉ một đầm nước ngọt rộng đến 40,000 km² (tùy mùa nước). Theo Tả Truyện và Quốc Ngữ, các vua Sở ngày xưa có một vùng săn bắn tên Vân Mộng ở hướng đông Vũ Hán bây giờ. Từ thời tiền Tần, đầm Vân Mộng đã dần thu nhỏ lại, biến thành một số hồ nhỏ vì bị lấp dần bởi phù sa từ các sông Hán Thủy và Trường Giang, và bởi hiện tượng "sông kia rày đã nên cồn" rồi thành ruộng đồng nên bây giờ tên Vân Mộng chỉ còn là một địa danh trong lịch sử hay tên của một cái huyện hướng tây của Vũ Hán. Các bạn nào tò mò tìm thử thì có thể thấy một cái hồ vuông tên Vân Mộng bên lề tây Vũ Hán, mỗi bề chừng 200 m.


Trong bản đồ địa thế bên trên đầm Vân Mộng (ngày xưa) là vùng đồng bằng hình tam giác ngược thuộc lưu vực Trường Giang từ Kinh Môn (Jingmen/荆門) qua Hoàng Cương (Huanggang/黄岡) ở hướng bắc xuống đến Nghi Xương (Yiyang/宜昌) ở cực nam. Hồ Động Đình nằm ngang phía trên Nghi Xương. Vũ Hán (Wuhan/武漢) nằm ở phia tây của Hoàng Cương và thế có nghĩa rằng thành phố Vũ Hán - nguồn gốc của nạn dịch covid-19 - được thành hình trên một vùng đầm lầy nước đọng và vì thế người Tàu bảo Vũ Hán là “thành phố nổi trên nước” (武汉一座漂 浮在水上=Vũ Hán nhất tọa phiêu phù tại thủy thượng).

Sông Tương là nhánh hữu ngạn đổ vào hồ Động Đình. 湘口=Tương Khẩu bây giờ là tên một thành phố nhỏ trên bờ Trường Giang, 30km tây-nam Vũ Hán nhưng Tương khẩu trong bài thơ có thể là nơi sông Tương đổ vào bờ nam của hồ Động Đình, cách Vũ Hán chừng 150 km. Cụm từ 湖口=hồ khẩu rất có thể không phải là tên riêng của một địa danh mà chỉ có nghĩa là cửa sông đổ vào hồ, tương đường với cụm từ Tương khẩu. Cái tên hồ khẩu này, nếu có, thì đã biến mất trong lịch sử rồi (trừ tên một thành phố ở Đài Loan) và trang 洞庭湖大桥 này cho ta thấy địa điểm của Tương khẩu ngày nay là cây cầu bắc ngang qua nơi sông Tương đổ vào hồ Động Đình ở Nhạc Dương (Yueyang/岳阳).

岳阳洞庭湖大桥是岳阳市跨越洞庭湖口的一座特大型桥梁. Nhạc Dương Động Đình hồ đại kiều thị Nhạc Dương thị khóa việt Động Đình hồ khẩu đích nhất tọa đặc đại hình kiều lương.

Chỉ hiểu thế mới hình dung được cảnh thi nhân tiễn bạn đang một mình lên thuyền ở hồ Động Đình và thấy hơi nước trên sông Tương. Vùng đất dọc tả ngạn Trường Giang trên hồ Động Đình là đồng bằng nên nhà thơ có thể hình dung cảnh nhạn/ngỗng bay về vùng Vân Mộng nhưng người ni không hiểu tại sao ngỗng lại bay ngược về vùng Vân Mộng đầy tuyết (去雁=khứ nhạn trong bài thơ) ở hướng bắc những ngày cuối năm.

Vì đầm Vân Mộng đã biến mất từ thế kỷ VI, từ Vân Mộng trong bài thơ này không chỉ cái đầm nào cả mà chỉ nhắc người đọc đến một địa danh trong lịch sử. Người ni không đồng ý với Con Cò về ý nghĩa của từ Sở trong cổ thi. Thời Xuân Thu-Chiến Quốc, Sở là một quốc gia độc lập và nguồn gốc của người Sở cũng mù mờ không kém gì tổ tiên người Việt. Nước Sở bị Hán diệt và người Sở bị Hán hóa. Đã đành rằng bây giờ phần đất cũ của Sở đã thành Hán, hay Trung Quốc, các thi/văn sĩ ngày thời Đường vẫn có khuynh hướng hoài cổ và các địa danh Sở, Vân Mộng, Tiêu Tương luôn luôn là những biểu tượng hay điển cố để nói đến chuyện vật đổi sao dời, chiến chinh, xâm lăng và tiêu diệt hay các chuyện biếm truất, đày ải, tha phương cầu thực.

Bài thơ này mượn cảnh tiễn bạn ở vùng Tiêu Tương để nói lên tâm tư hoài cổ của Lý Tần thời Đường mạt.

Huỳnh Kim Giám

@ Phí Minh Tâm bổ sung:

Cám ơn anh Giám! Các địa danh Tương Khẩu trên Trường Giang, Ngô Giang…chắc chắn không phải là địa điểm tiễn biệt nói trong bài thơ. Đúng ra nguyên tác của Lý Tần không có nói đến Tương Khẩu 湘口, mà là Hồ Khẩu 湖口, chỗ sông Tương chảy vào hồ Động Đình.
Tựa bài thơ trong các sách Đường, Thục, Tống… là 湖口送友人 Hồ Khẩu Tống Hữu Nhân.

Phí Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét