Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Mã Ngôi Kỳ 2 馬嵬 其二 - Lý Thương Ẩn


Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc Khê Sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp.

Nguyên tác Dịch âm

馬嵬 其二 Mã Ngôi kỳ 2

海外徒聞更九州 Hải ngoại đồ văn cánh cửu châu,
他生未卜此生休 Tha sinh vị bốc, thử sinh hưu.
空聞虎旅鳴宵柝 Không văn hổ lữ minh tiêu tích,
無複雞人報曉籌 Vô phục kê nhân báo hiểu trù.
此日六軍同駐馬 Thử nhật lục quân đồng trú mã,
當時七夕笑牽牛 Đương thời thất tịch tiếu Khiên Ngưu.
如何四紀為天子 Như hà tứ kỷ vi thiên tử,
不及盧家有莫愁 Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu

Chú giải:

馬嵬坡 Mã Ngôi pha (gò Mã Ngôi), ở phía tây huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây. Năm Thiên Bảo đời Đường, An Lộc Sơn làm phản khiến Huyền Tông phải bỏ chạy qua Thục. Tới quán dịch Mã Nguy, quân sĩ không chịu đi, đòi giết Dương Quý Phi trước mới chịu đi. Vua đau lòng sai Cao Lực sĩ xử tử Dương Quý Phi tại đây. Gò Mã Ngôi nổi tiếng trong lịch sử Trung quốc kể từ đó. Nhiều thi hào thời Đường (trong đó có Lý Thương Ẩn) đã có thơ vịnh.

九州 Cửu Châu: Tên hòn đảo có tiên ở, nơi thày đồng tìm được hồn của Dương quí phi cho Đường Minh Hoàng.
卜 bốc: bói.
聞 văn: nghe.
虎旅 hổ lữ: người rao mõ trong kinh đô.
雞人 kê nhân: người phát thẻ báo chầu cho các quan.
當時 đương thời: lúc ấy.
七夕thất tịch: ngày 7 tháng 7 (ngày mà vua và phi thề thốt dưới sao Ngâu; xin đọc bài Trường Hận ca của Bạch Cư Dị).
如何 như hà: vì đâu?
四紀 tứ kỷ: 4 thập niên.
不及 bất cập: chẳng bằng.
盧家 lư gia: họ Lư. Gã họ Lư chỉ là thường dân giầu có mà bảo vệ được người thiếp đẹp là Mạc Sầu sống yên vui.

Dịch thơ

Gò Mã Ngôi Kỳ 2

Nghe nói ngoài khơi có Cửu Châu
Đời này lỡ bỏ bói đời sau
Không nghe hổ lữ rao lời mõ
Chẳng thấy kê nhân báo thẻ chầu
Buổi ấy lục quân ngừng chiến mã
Ngày này song thất cợt sao ngâu
Vì đâu bốn chục năm hoàng đế
Kém cả Lư gia giữ Mạc Sầu

Lời bàn 

Bài thơ 8 câu này có tác dụng trái ngược với bài Trường Hận ca dài 120 câu của Bạch Cư Dị. Một bài thì đả kích nặng nề Đường Minh hoàng, một bài thì thương khóc cho mối tình vương gỉa Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi.

Bài thơ này đặc sắc ở chỗ một thi sĩ sống trong thời Quân Chủ Chuyên Chế hà khắc (của nhà Đường) mà dám phỉ báng Thiên tử (cũng của nhà Đường) nặng nề đến thế.

- Câu 1:
Mở đề, nói về đảo Cửu Châu, một đảo huyền thoại, không có thật.
- Câu 2:
Ngay câu thứ hai này ông đã phang một nhát búa tạ: làm hoàng đế mà bỏ (vịệc chính trị của) đời này để bói cho đời sau (của một thứ thiếp)!
- Câu 3 và 4:
Tả cáí bê trễ của triều chính thời Đường Minh Hoàng: buổi tối không nghe thấy lời mõ rao tin tức cho thần dân nghe, buổi sáng không nhìn thấy người phát thẻ cho các quan vào chầu! Có nghĩa là trong thời đó mọi hoạt động chính trị đã đình trệ.
- Câu 5:
Tả cái thê thảm của Đường Minh Hoàng trên đường chạy giặc: các chiến mã ngừng lại (để binh tướng xử tử người yêu dấu của mình trước mặt mình). Không có thê thảm nào lớn hơn cho một Thiên tử!
- Câu 6:
Tả cái nét khôi hài của đêm 7 tháng 7 mà Đường Minh Hoàng thề thốt với Dương quý phi. Nó là một đùa rỡn với sao Ngâu.
- Hai câu kết:
40 năm làm hoàng đế mà không giữ nổi người yêu, thua cả một gã thường dân nhà giầu đã giữ nổi người thiếp là Mac Sầu!

Con Cò thiết nghĩ rằng chưa một ai (kể cả những người ngoại quốc) hạ nhục Đường Minh Hoàng nặng nề đến thế.

 Con Cò
***
Mã Ngôi kỳ 2.

Thiên hạ nghe đồn có Cửu Châu,
Kiếp này đã dứt, kiếm đời sau.
Thôi nghe trướng hổ đêm khua mõ,
Hết thấy quan viên sáng gọi chầu.
Ngày đó sáu quân dừng vó ngựa,
Vào đêm thất tịch cợt sao Ngâu.
Vì sao bốn chục năm hoàng đế,
Lại kém nhà Lư có Mạc Sầu.

Mỹ Ngọc
Apr13/2024.
***
Mã Ngôi Kỳ 2

Ngoài biển nghe đồn có chín châu
Kiếp này chưa biết huống mai sau !?
Mõ đêm quân hổ không nghe gõ
Thẻ sáng quan gà chẳng báo chầu
Ngày ấy sáu quân đều đứng ngựa
Lúc này song thất cợt sao Trâu
Tại sao bốn kỷ ngôi vua chúa?
Thua kém họ Lư với Mạc Sầu!

Lộc Bắc

***
Mã Ngôi Kỳ 2

Thuở đó nước Tàu chín huyện thôi
Kiếp sau nào biết!!! Nay tàn đời
Binh hùng chiêng trống đâu còn nữa
Viên chức báo giờ cũng đã thôi
Ngày nọ tinh binh đều xuống ngựa
Hôm nay Ngưu-Chức ngắm sao cười
Làm vua bốn tám năm đằng đẳng
Không sánh Mạc-Lư… chuyện Mã Ngôi

Kiều Mộng Hà
Austin.4.15.24
***
Mã Ngôi Kỳ 2

Đồn rằng có đảo Cửu Châu thiên
Hậu kiếp bói xem chuyện ảo huyền
Binh lính đêm về không đánh mõ
Sáng ra im vắng tiếng khua chiên
Ngựa dừng bất động binh di án
Nhớ ngắm sao Ngâu tình thắm duyên
Bốn tám năm trường vua ngất ngưởng
Sầu-Lư giữ trọn tiếng thề nguyền

Thanh Vân
***
Mạc Sầu Mỹ Nhân

Tiếng đồn khắp cõi gần xa,
Thế gian trần tục, mượt mà cửu châu.
Kiếp này chồng chất thảm sầu,
Ngày sau hóa kiếp - mái đầu ra sao ?
Lục quân tiến bước lao xao,
Tiếng khua trống mỏ - trăng sao ảo mờ.
Kê nhân nào thấy lượn lờ,
Lấy ai cấp báo khắc giờ ngày trôi ?
Đồng lòng binh sĩ bên trời,
Vó câu dừng bước - giữ hơi dặm ngàn.
Canh khuya thất tịch ngỡ ngàng,
Khiên Ngưu tiếu ngạo - lỡ làng nợ duyên.
Mình rồng tứ kỷ muộn phiền,
Cách chi sánh đặng người hiền trời ban:
Lư gia cười nói vọng vang,
Mạc Sầu kỳ nữ - gót vàng nhẹ khua...

Khánh-Hưng
***
Kỳ này, BS có nhiều điều muốn nói về bài thơ và các điển tích:

# Bài ÔC đưa ra theo Thi Viện, có 2 chỗ khác với sách của Trần Trọng Kim và Trần Trọng San.

* Ba chữ cuối của câu 3 là minh tiêu tích, nhưng sách của cụ Kim và San thì viết truyền tiêu thác.
* Chữ thứ 5 của câu 5 là đồng trú mã, sách của cụ Kim và San là tề trú mã.
Chữ thì khác, ý thì giống nhau. Chắc anh Tâm sẽ đưa ra dị bản.
# Hổ Lữ, ÔC giảng là người rao mõ, chẳng hiểu có đúng không?

Thi Viện giảng là quân hùng mạnh, BS e không đúng. Cụ Kim giảng là quân túc vệ của nhà vua thấy có lý hơn.
# Về nàng Mạc Sầu, ÔC giảng ngắn gọn và đủ ý.

Sách của cụ San, giải thích giống như anh Giám, có nhắc tới bài ca của Lương Vũ Đế, nhưng không có đoạn sau, nói rằng nhà vua muốn cướp nàng Mạc Sầu vào cung, nên giết người chồng. Theo lịch sử, thì Lương Vũ Đế Tiêu Dịch thời Nam Bắc Triều, rất nhân từ, lại sùng đạo Phật, ngoài việc trị vì quốc gia, mỗi tháng ông vào chùa tu và làm công quả thì lẽ nào lại giết chồng để cướp vợ người…

# BS đồng ý với ÔC là Lý Thương Ẩn chê Minh Hoàng rất thậm tệ, nhưng có thắc mắc:

Chê như vậy mà sao Lý không bị triều đình bắt tội? Thì ra thời quân chủ ngày xưa còn nhân đạo hơn lũ Cộng Sản bây giờ, chửi Hồ Chí Minh thì không đi mò tôm cũng bị tù mọt gông.

Mã Ngôi Kỳ 2.

Hải ngoại nghe đồn có chín châu,
Kiếp này đã hết, bói đời sau,
Nào nghe lính hổ đêm khua mõ,
Không thấy quan viên sớm báo chầu,
Ngày đó sáu quân cùng hãm ngựa,
Bây giờ thất tịch ngạo sao Ngâu,
Vì đâu bốn kỷ làm thiên tử,
Chẳng sánh nhà Lư có Mạc Sầu?

Bát Sách.
(ngày 13/04/2024)

***
Nguyên tác:           Phiên âm:

馬嵬 其二-李商隱 Mã Ngôi Kỳ 2 - Lý Thương Ẩn
海外徒聞更九州 Hải ngoại đồ văn cánh Cửu Châu
他生未卜此生休 Tha sinh vị bốc thử sinh hưu
空聞虎旅傳宵柝 Không văn hổ lữ truyền tiêu thác
無復雞人報曉籌 Vô phục kê nhân báo hiểu trù
此日六軍同駐馬 Thử nhật lục quân đồng trú mã
當時七夕笑牽牛 Đương thời thất tịch tiếu Khiên Ngưu
如何四紀為天子 Như hà tứ kỷ vi thiên tử
不及盧家有莫愁 Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu

Lý Nghĩa Sơn Thi Tập Chú - Đường – Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱
Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠
Đường Thi Cổ Xuy - Kim - Nguyên Hảo Vấn 唐詩鼓吹-金-元好問
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
Đường Thi Phẩm Vị - Minh - Cao Bính 唐詩品彙-明-高棅
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Cửu Châu: chỉ Trung Hoa cổ đại, gồm chín châu, ở đây không chỉ đảo Kyushu của Nhật Bản
Vị bốc: chưa quyết định, dị bản vị quyết 決=chưa giải quyết
Hổ lữ: đoàn quân trung thành theo Huyền Tông vào Thục, quân phòng vệ của nhà vua
Truyền: truyền lại, dị bản minh 鳴=phát ra tiếng
Thác: mõ canh, tấm sắt; ban đêm canh giờ đánh mõ hay tấm sắt để cầm canh
Kê nhân: người canh phòng cung điện và báo giờ thay cho gà
Trù: dụng cụ đo thời gian
Thử nhật: ngày này, ngày của biến cố Mã Ngôi
Khiên Ngưu: nhắc lại điển cố Ngưu Lang Chức Nữ, sao Ngưu Lang Altair và sao Chức Nữ Vega gặp nhau
Thất tịch: ngày song thất, ngày 7 tháng 7 âm lịch; đêm mồng 7 tháng 7 Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau
Tứ kỷ: bốn kỷ, mỗi kỷ là 12 năm
Mạc Sầu: một phụ nữ xinh đẹp người Lạc Dương, sống rất hạnh phúc với chồng họ Lư. Trung Hoa có nhiều truyền thuyết về Mạc Sầu.

- Nàng Mạc Sầu xinh đẹp lấy chồng họ Lư ở Kim Lăng gia đình hạnh phúc. Chiến tranh xảy ra, chồng phải đi lính trấn đóng ở sông Bạch Lang 白狼 xa xôi, lâu năm không có tin tức. Chờ đợi lâu ngày mòn mỏi, nàng muốn biến thành nước hồ để được theo sông Trường Giang đến nơi chồng đóng quân.

- Một câu chuyện bi thảm hơn là nàng phải quyên sinh để chung thủy với chồng và không bị vào cung làm phi tần cho Lương Vũ Đế. Nơi nàng trầm mình hồ Thạch Thành石城, nằm bờ tây sông Tần Hoài chảy vào sông Dương Tử, nay là Hồ Mạc Sầu ở Nam Kinh. Vũ Đế theo Phật giáo, tôi không thể tin chuyện ông mưu sát chồng để cướp vợ người là thật.

Mạc Sầu là một nhân vật huyền thoại Trung Hoa với nhiều truyện tích khác nhau, là một trong những đề tài thi văn ăn khách, Có trên 80 bài thơ Đường được viết ra với Mạc Sầu trong tựa đề, trong văn bản, hoặc cả hai. Riêng Lý Thương Ẩn, ông có một bài thơ với tựa đề Mạc Sầu 莫愁 và 5 bài thơ khác trong văn bản có nói đến Mạc Sầu :

無題二首 Vô Đề Nhị Thủ
重帷深下莫愁堂,臥後清宵細細長
Trọng duy thâm hạ Mạc Sầu đường, ngọa hậu thanh tiêu tế tế trường
富平少侯 Phú Bình Thiểu Hầu
當關不報侵晨客,新得佳人字莫愁
Đương quan bất báo xâm thần khách, tân đắc giai nhân tự Mạc Sầu
燈 Đăng
客自勝潘嶽,儂今定莫愁
Khách tự thắng phan nhạc, nông kim định Mạc Sầu
越燕二首 Việt Yến Nhị Thủ
盧家文杏好,試近莫愁飛
Lư gia văn hạnh hảo, thí cận Mạc Sầu phi
馬嵬二首 Mã Ngôi Nhị Thủ
如何四紀為天子,不及盧家有莫愁
Như hà tứ kỷ vi thiên tử, bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu

Dịch nghĩa:

Mã Ngôi Kỳ 2

Hải ngoại đồ văn cánh Cửu Châu
Người nước ngoài đồn rằng Trung Hoa có chín châu,
Tha sinh vị bốc thử sinh hưu
Kiếp sau chưa biết thế nào, nhưng số phận trong kiếp này thế là hết.
Không văn hổ lữ truyền tiêu thác
Không còn nghe đoàn hùng bình khua chiên đánh mõ ban đêm,
Vô phục kê nhân báo hiểu trù
Không còn thấy viên quan canh phòng báo giờ buổi sớm.
Thử nhật lục quân đồng trú mã
Ngày ấy binh lính đều dừng ngựa không chịu đi,
Đương thời thất tịch tiếu Khiên Ngưu
Nhớ lại thuở trước, đêm thất tịch cùng nhìn sao Ngưu Lang mà cười.
Như hà tứ kỷ vi thiên tử
Tại sao đã gần bốn mươi tám năm làm vua,
Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu
Mà ta không bằng nhà họ Lư có nàng Mạc Sầu.


Nhìn dưới khía cạnh tâm tư của môt vị vua không còn quyền hành cũng như bầy tôi phục vụ, bài thơ có tính cách châm biếm, nhưng không có chỗ nào buộc tội. Kỹ thuật tu từ trong hai câu cuối, đặt câu hỏi và so sánh hai cuộc sống. Lưu ý về thời điểm các sự việc: Dương Quý Phi bị giết năm 755, Đường Minh Hoàng buồn chết năm 762, bài thơ Mã Ngôì Nhị Thủ của LTA làm năm 838. 76 năm trôi qua. Ngày đó có bao nhiêu người biết và nhớ tới Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng?

Dịch thơ:

Mã Ngôi Kỳ 2

Người gọi Trung Hoa đất Cửu Châu,
Kiếp này là thế, kiếp mai sau?
Binh hùng tướng mạnh còn đâu thấy.
Quân canh báo sớm không về chầu.
Ngày ấy quân binh dừng với ngựa,
Nhớ ngày thất tịch ngắm sao ngâu.
Làm vua bốn tám năm tròn chẵn,
Sánh được chàng Lư với Mạc Sầu.


馬嵬 其二-李商隱 Ma Wei 2 by Li Shang Yin

海外徒聞更九州 Oversea people call China Jiu Zhou (Nine Provinces).
他生未卜此生休 My next life is unpredictable, but this life is finished.
空聞虎旅傳宵柝 The night announcements of the tiger brigade can no longer be heard,
無復雞人報曉籌 Nor can the night watch be resumed to make wake calls in the morning.
此日六軍同駐馬 On this day, soldiers stop on their horses and refuse to move forward,
當時七夕笑牽牛 At that time, on double seven festival, we sit laughing at Altair and Vega
如何四紀為天子 How forty-eight years of the reign as an emperor,
不及盧家有莫愁 Is not as good as life in the Lu family with Mo Chou?

Phí Minh Tâm

***
Góp ý:

不及盧家有莫愁=bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu

Mạc Sầu là tên một người đàn bà đất Sở trong một huyền thoại về Lương Vũ Đế (梁武帝, Nam triều) trong Nhạc Phủ Thi Tập. Mạc Sầu làm dâu nhà họ Lư lúc 15 tuổi và sanh con tên A Hầu lúc 16 tuổi. Cha chồng của nàng (Lư viên ngoại) làm quan Nam triều và được Lương Vũ Đế đến nhà xem hoa mẫu đơn. Lư viên ngoại cho vua biết là hoa do con dâu trồng nên vua đòi xem mặt. Sau đó, vua mê nhan sắc của nàng nên đầu độc chồng để cướp vợ. Mạc Sầu trầm mình ở hồ Thạch Thành thay vì chịu vào triều làm cung phi.

Lý Thương Ẩn có bài thơ Mạc Sầu nhưng tại sao nói đến điển tích Mạc Sầu trong bài Mã Ngôi này thì tôi nghĩ không ra.

Huỳnh Kim Giám
***
@ Phí Minh Tâm trả lời Bát Sách và góp ý với Huỳnh Kim Giám:

Dựa vào nguyên tác của LTA trong sách Lý Nghĩa San Thi Tập Chú - Đường - Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱, thì :

câu 5 xài chữ đồng 同, không phải hồi回,
câu 3, Thi Viện xài chữ minh鳴 dị bản thay vì truyền傳, lại phiên âm sai chữ cuối phải là thác柝, chữ tích không có nghĩa gì,

ngoài ra cần xem lại nghĩa các chữ: cửu châu, hổ lữ, kê nhân, tứ kỷ…. và góp ý với anh Giám:

Mạc Sầu là một nhân vật huyền thoại Trung Hoa với nhiều truyện tích khác nhau.

Nàng Mạc Sầu xinh đẹp lấy chồng họ Lư ở Kim Lăng gia đình hạnh phúc. Chiến tranh xảy ra, chồng phải đi lính trấn đóng ở sông Bạch Lang 白狼 xa xôi, lâu năm không có tin tức. Chờ đợi lâu ngày mòn mỏi, nàng muốn biến thành nước hồ để được theo sông Trường Giang đến nơi chồng đóng quân.

Một câu chuyện bi thảm hơn là nàng phải quyên sinh để chung thủy với chồng và không bị vào cung làm phi tần cho Lương Vũ Đế. Nơi nàng trầm mình hồ Thạch Thành石城, nằm bờ tây sông Tần Hoài chảy ra Dương Tử, nay là Hồ Mạc Sầu ở Nam Kinh. Trong chuyện này, tôi đồng ý với anh BS là chuyện Vũ Đế giết chồng cướp vợ ít có khả năng là thật.

Là một những đề tài thi văn ăn khách, trên 80 bài thơ Đường được viết ra với Mạc Sầu trong tựa đề, trong văn bản, hoặc cả hai. Riêng Lý Thương Ẩn, ông có một bài thơ với tựa đề Mạc Sầu 莫愁 và 5 bài thơ trong văn bản có nói đến Mạc Sầu :

無題二首 Vô Đề Nhị Thủ

重帷深下莫愁堂,臥後清宵細細長
Trọng duy thâm hạ Mạc Sầu đường, ngọa hậu thanh tiêu tế tế trường

Bài thơ: Vô đề (Trùng duy thâm há Mạc Sầu … (thivien.net)

富平少侯 Phú Bình Thiểu Hầu
當關不報侵晨客,新得佳人字莫愁
Đương quan bất báo xâm thần khách, tân đắc giai nhân tự Mạc Sầu

Bài thơ: Phú Bình thiếu hầu - 富平少侯 (thivien.net)

馬嵬二首 Mã Ngôi Nhị Thủ
如何四紀為天子,不及盧家有莫愁
Như hà tứ kỉ vi thiên tử , bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu

Bài thơ: Mã Ngôi kỳ 2 - 馬嵬其二 (Lý Thương Ẩn - 李商隱) (thivien.net)

燈 Đăng
客自勝潘嶽,儂今定莫愁
Khách tự thắng phan nhạc, nông kim định Mạc Sầu
· 越燕二首 Việt Yến Nhị Thủ
盧家文杏好,試近莫愁飛
Lư gia văn hạnh hảo, thí cận Mạc Sầu phi

Phí Minh Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét