Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Tháng Mười Nghe Mưa Rơi


Đây là bài số sáu trăm ba mươi lăm (635) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Mấy ngày nay Portland có những cơn mưa lạnh. Từ trong nhà nhìn ra vườn sau, người viết thấy lá vàng rơi rụng nhiều nhưng không thể ra quét lá vàng như tuần trước được vì mưa lạnh.
Những cơn mưa vào mùa Thu cũng khiến ta nhớ đến nhạc phẩm Giọt Mưa Thu là nhạc phẩm cuối cùng của cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong được xếp vào những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam

“….Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ...”

Lúc trời mưa người viết cũng thích đứng bên cửa sổ ngắm mưa rơi bên ngoài.
Cảnh trời mưa thường buồn hơn là vui và cũng có vẻ lãng mạn tình tứ hơn. Trong các phim tình cảm Đại Hàn hay Đài Loan thường có màn anh nắm tay em chạy đụt mưa dưới hè phố hay anh che dù cho em cùng em đi dưới mưa! Ôi chao! Thật tình tứ! Thật lãng mạn! Thật ấm áp quá! Phải không bạn?

Người viết lại xúc cảnh sinh tình nhớ đến những cơn mưa Sàigon năm cũ.

Tháng Mười Nghe Mưa Rơi

Trời Tháng Mười, Portland mưa nhiều lắm
Mưa ban ngày, mưa luôn cả ban đêm
Nằm lắng nghe mưa đổ nước bên thềm
Lại chợt nhớ những cơn mưa ngày cũ

Tuổi mười tám, những mộng mơ ấp ủ
Tuổi học trò, tôi thích ngắm trời mưa
Bên người yêu, mưa rơi nhẹ cho vừa
Đủ ướt áo cho anh truyền hơi ấm

Bên hè phố đôi ta cùng lặng ngắm
Những giọt mưa rơi tí tách trên đường
Mưa lạnh buồn, mưa tạo mối yêu thương
Dưới dù nhỏ, đôi ta cùng chung bước

Rồi chinh chiến, nào ai mà biết trước
Những chia ly cách biệt, biệt trùng xa
Mưa xứ người càng gợi nhớ quê nhà
Nhớ bè bạn, nhớ mẹ cha, kỷ niệm

Lục ảnh cũ để chỉ mong tìm kiếm
Những hương xưa, tình cũ những ngày qua
Đã mất rồi những ngày tháng ngọc ngà
Khi đã mất mới thấy là đáng quí!

Dẫu buồn lắm nhưng ta không ủy mị
Mà quên đi những ngày đẹp đang chờ
Cuộc đời này vẫn tươi đẹp nên thơ
Khi ta biết vững niềm tin hiện tại

Dẫu sung sướng hay đau buồn vẫn phải
Sống thế nào không thẹn với lương tâm
Vẫn tự tin, vẫn hy vọng nhủ thầm:
“Hết mưa lạnh ngày mai trời lại sáng”

Hy vọng đó tôi xin trao cho Bạn
Đừng lo chi chuyện không có, có không
Hoa rụng rồi hoa lại nở trong lòng
Hết Đông lạnh là Xuân về, mai nở.
(Sương Lam)

Tháng Mười Hoa Cúc dễ thương làm sao với những dòng thơ dễ thương của Trần Mộng Tú:

….Bây giờ là tháng mười Em hiền như hoa cúc
Sao anh không là đất
Cho em ngả vào lòng …

đã được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc và đưa lên Youtube. Xin mời quý bạn thưỏng lãm qua link dưới đây:

 

Mùa Thu đẹp hơn nữa với cúc vàng nở rộ đầy sân. Ngắm nhìn hoa cúc trong tiết Thu lành lạnh cũng là một cái thú hưởng nhàn thanh nhã của ẩn sĩ. Ở Việt Nam hoa cúc được xếp vào hạng tứ quý trong các loại hoa: mai, lan, cúc, trúc.
Người viết rất thích ngắm hoa cúc mùa Thu trong vườn nhà của tôi. Những chậu hoa cúc tôi mua chưng vào ngày Tết được đem đi trồng lại khi hết Tết. Thế là mùa Thu năm đó tôi lại được dịp ngắm hoa cúc vàng nở đẹp ở vườn sau. Vui thay!
Xin mời quý bạn đọc dưới đây một tài liệu được người viết sưu tầm nói về hoa cúc để chúng ta cùng tìm hiểu thêm về loại hoa quý này nhé.
Hoa cúc có nhiều loại, nhiều màu. Trong Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia có một trang nói về họ Cúc và hình ảnh 12 loại thuộc họ cúc như sau:

Họ Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae hay Compositae), còn gọi là họ Hướng dương, họ Cúc tây, là một họ thực vật có hoa hai lá mầm. Tên gọi khoa học của họ này có từ chi Aster (cúc tây) và có từ nguyên từ gốc tiếng Hy Lạp mang nghĩa ngôi sao-hình dáng của bông hoa trong các loài của nó, được điển hình hóa thành tên gọi phổ biến chung là hoa cúc. Họ Asteraceae là họ lớn thứ nhất hoặc thứ hai trong ngành Magnoliophyta, chỉ có họ Phong lan (Orchidaceae) là có thể có sự đa dạng lớn hơn, với khoảng 25.000 loài[4] đã được miêu tả. Họ này theo các định nghĩa khác nhau chứa khoảng 900-1.650 chi và từ 13.000-24.000 loài. Theo dữ liệu của Vườn thực vật hoàng gia Kew mà APG II trích dẫn, họ này chứa 1.620 chi và 23.600 loài[5] và như thế thì nó lại là họ đa dạng nhất, do cũng theo dữ liệu của Kew thì họ Lan chỉ có khoảng gần 22.000 loài. Các chi lớn nhất là Senecio (1.500 loài), Vernonia (1.000 loài), Cousinia (600 loài), Centaurea (600 loài). Định nghĩa các chi thường có vấn đề và một số chi thường xuyên bị chia nhỏ thành các nhóm nhỏ hơn[6].
Họ Asteraceae phân bố rộng khắp thế giới, nhưng phổ biến nhất tại các khu vực ôn đới và miền núi nhiệt đới.
(Nguồn: Wikipedia)

Hoa cúc Chrysanthemum được nhiều người ưa chuộng. Ngoài màu vàng truyền thống thì còn có màu trắng, tím, và đỏ.
Chrysanthemum được chia làm hai nhóm cơ bản là nhóm chịu rét trồng vườn và nhóm trưng bày. Nhóm chịu rét còn có khả năng nở nhiều hoa nhỏ mà không cần nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật, có thể chịu đựng mưa gió. Nhóm trưng bày thì cần qua đông ở nơi tương đối khô, mát và thỉnh thoảng cần được chiếu sáng vào ban đêm.
Chrysanthemum đã được trồng tại Trung Quốc từ 1.500 năm trước Công nguyên. Sau nhiều thế kỷ, số lượng giống cây tăng đã lên rất nhiều. Chrysanthemum có nhiều công năng hữu ích cho cuộc sống của con người như làm hoa trang trí, làm thuốc chữa bệnh, làm phong phú cho đời sống ẩm thực và thậm chí là làm thuốc trừ sâu. Chrysanthemum cũng in đậm dấu ấn vào văn hóa của nhiều quốc gia.
Trong văn hoá, ở Âu Châu hoa cúc bẻ cong là biểu tượng của sự chết và chỉ được dùng trong đám tang hoặc đặt trên mộ giống như hoa cúc trắng là biểu tưọng của sự than khóc và nỗi sầu khổ ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Cúc trắng còn biểu tượng của lòng chân thành.
Tuy nhiên theo văn hóa Trung Hoa thì cúc là một trong “tứ quân tử” (mai, lan, cúc trúc), biểu tượng của sự thanh cao.
( Nguồn: sưu tầm trên internet)

Mời bạn cùng thưởng thức với người viết Youtube Portland Hoa Cúc Mùa Thu do người viết thực hiện với những hình ảnh hoa cúc do phu quân của tôi chụp lúc chúng tôi đi xem triển lảm hoa cúc ở Portland mấy năm về trước. Xin cám ơn ông xã nhé.

Portland Hoa Cúc Mùa Thu


Sau cùng, Xin mượn câu chuyện câu chuyện Thiền dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay bạn nhé.

Hương hoa cúc

Một hôm, một thiền sư đi chơi núi mang về một cây hoa cúc. Ông đem trồng ở sân thiền viện. Ba năm sau, cúc sinh sôi nảy nở thành vườn. Tới mùa thu, cả thiền viện đều thơm mùi hoa cúc. Dân chúng dưới núi đều ngửi thấy mùi thơm này, do đó lên chùa thưởng ngoạn. Họ không ngừng khen ngợi:
-Thật thơm quá !
Họ năn nỉ thiền sư cho vài cây đem về trồng. Thiền sư vui vẻ đồng ý. Dòng người xin cây liên tục không dứt. Không lâu vườn cúc trống không. Các đệ tử nhìn vườn cúc thê lương than thở :
-Thật đáng tiếc ! Đang hương vị ngạt ngào thiền viện.
Thiền sư nghe được bảo:
-Như vậy càng tốt, 3 năm nữa thì toàn thôn đều ngát mùi hoa cúc.
(Nguồn: Email bạn gửi- cảm ơn anh TH)
Thôi thì chúng ta hãy cố gắng học tập tấm lòng nhân hậu, cách chia sẻ lợi ích của sự cho và nhận của vị thiền sư nói trên, bạn nhé.

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.


Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 635-ORTB 1063-10262022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét