Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

Họa Hàn Lục Sự Tống Cung Nhân Nhập Đạo - Lý Thương Ẩn


Từ thời sinh viên, Bát Sách đã mê truyện chưởng của Kim Dung. Bát Sách mê vì cốt truyện ly kỳ, diễn biến bất ngờ, những thế võ có tên rất văn chương, nhiều mối tình khi thì thơ mộng, lãng mạn, khi thì đau khổ, tuyệt vọng…và nhất là những bài thơ mà Tra tiên sinh (Tra Lương Dung là tên thật của Kim Dung) đã đưa vào trong tác phẩm của mình, như tà phong tế vũ bất tu quy của Trương Chí Hoà trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, thập niên sinh tử lưỡng mang mang của Tô Đông Pha trong Thần Điêu Đại Hiệp…

Kỳ này Bát Sách nói đến mối tình của Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, và bài thơ được trích dẫn.
Trưởng môn phái Hoa Sơn là Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần và vợ là nữ hiệp Ninh Trung Tắc, có một người con gái duy nhất là Nhạc Linh San. Lệnh Hồ Xung là đại đệ tử của Nhạc, được thu nhận từ nhỏ, và được Nhạc phu nhân coi như con.

Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San là thanh mai trúc mã, thân thiết và quấn quýt nhau từ nhỏ, đã từng sáng chế ra “ Xung Linh Kiếm Pháp “ để tập luyện, vô cùng âu yếm, lúc nào cũng Xung ca, San muội, tưởng rằng duyên nợ đã thành.
Ngờ đâu, Nhạc Bất Quần, vốn là ngụy quân tử, vì ham Tịch Tà Kiếm Phổ, nên gây ra bao nhiêu nghi án, kể cả việc lấy cắp kiếm phổ, đổ lên đầu Lệnh Hồ Xung, trong khi chính Nhạc là người đã chiếm được kiếm phổ và lén tập luyện. Lại còn nhận Lâm Bình Chi, chủ nhân của kiếm phổ làm đồ đệ. Từ ngày có Lâm tới Hoa Sơn, Linh San thân với sư đệ mà nhạt nhẽo với đại sư ca.

Truyện rất dài, với nhiều diễn biến ly kỳ, gây cấn, viết ra thì quá dài, chỉ xin tóm tắt đại cương:

* Lâm Bình Chi, lấy lại được kiếm phổ, cố gắng luyện tập để trả thù, nhưng phải tự hoạn, nên tuy đã kết hôn với Linh San mà không có đời sống vợ chồng. Sau Lâm thành công, giết được kẻ thù, và đâm chết vợ, người đã hết lòng yêu thương hắn ….

* Hai vợ chồng Nhạc Bất Quần, Ninh Trung Tắc cũng qua đời.

* Lệnh Hồ Xung, sau bao nhiêu tang thương vân cẩu, thì kết hôn với Nhậm Doanh Doanh, là người vừa đẹp, vừa có tài, lại vô cùng rộng lượng, biết thông cảm với mối tình không trọn vẹn của lang quân…

Có lần, Lệnh Hồ Xung dắt Doanh Doanh về thăm lại núi Hoa Sơn, là nơi chàng sống cả một thời thơ ấu. Khi vào căn phòng cũ của Nhạc Linh San, cả một trời kỷ niệm hiện về làm Lệnh Hồ Xung bàng hoàng, ngơ ngẩn: bàn ghế đầy bụi bặm, không có đồ trang điểm của phụ nữ; trong ngăn kéo, còn những đồ chơi của trẻ con mà chàng đã làm cho tiểu sư muội ngày xưa… Doanh Doanh để cho chàng khóc. (Đây là một đoạn ngắn, nhưng rất hay, tiếc rằng trong 3 phim Tiếu Ngạo Giang Hồ đã xem qua, BS chưa thấy ai nhắc tới.)

Trên tường còn treo 4 câu thơ mà Hàn Giang Nhạn đã dịch ra tiếng Việt:

Phụng nữ điên cuồng biệt cố nhân,
Nguyệt Nga còn vướng nợ hồng trần,
Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử,
Xương trắng thành tro hận chửa tan.

Cách đây cỡ 1 năm, BS ức quá, mới đem câu chót dịch ra chữ Nho bạch cốt thành hôi hận vị tiêu, rồi tìm trong google, thì thấy bài thơ của Lý Thương Ẩn, có tựa là Hoạ Hàn Lục Sự Tống Cung Nhân Nhập Đạo, một bài thất ngôn bát cú mà câu chót là: MAI cốt thành hôi hận vị HƯU, sai 2 chữ, và rất cảm phục mạng lưới điện tử. Bài thơ như sau:

和韓錄事送宮人入道 Hoạ Hàn Lục Sự “Tống Cung Nhân Nhập Đạo”

星使追還不自由 Tinh sứ truy hoàn bất tự do,
雙童捧上綠瓊輈 Song đồng bổng thướng lục quỳnh chu.
九枝燈下朝金殿 Cửu chi đăng hạ triều kim điện,
三素雲中侍玉樓 Tam tố vân trung thị ngọc lâu,
鳳女顛狂成久別 Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt,
月娥孀獨好同遊 Nguyệt Nga sương độc hảo đồng du,
當時若愛韓公子 Đương thì nhược ái Hàn Công tử,
埋骨成灰恨未休 Mai cốt thành hôi hận vị hưu.

Bài này có nhiều chữ khó, và một số điển tích, BS cố giải thích theo sự hiểu biết của mình:

Tinh sứ, cũng như thiên sứ, là sứ giả của trời.
Song đồng là Tiên đồng, Ngọc nữ, tức Thiện Tài Đồng Tử và Tiểu Long Nữ, là đệ tử của Quan Âm Bồ Tát, thường theo thầy đi ban phước lành.
Lục quỳnh chu là chiếc thuyền ngọc màu xanh, phương tiện di chuyển của thầy trò Quan Âm.
Cửu chi đăng là đèn 9 nhánh hay ngọn trên thiên đình, hay trong cung vua.
Tam tố vân, là đám mây 3 màu bao phủ thiên đình. (chỗ này, BS hơi thắc mắc, vì tố là mầu trắng, tại sao tác giả không dùng chữ sắc?)

Phụng Nữ, theo Thi Viện, là Lộng Ngọc, con gái Tần Mục Công. Lộng Ngọc thổi ống Sinh, nghe tiếng tiêu của Tiêu Sử mà si mê. Sau nhờ cha sai người dò la, tìm được Tiêu ở núi Hoa Sơn, cho hai người kết duyên. Tiêu Sử vốn là tiên, nên có một ngày, chàng thổi tiêu thì có rồng và phượng xuống đậu trước điện, Tiêu Sử cưỡi rồng, Lộng Ngọc cưỡi phượng, bay lên trời. (Kiều có câu: Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng,)

Vậy thì nhân duyên hảo hợp, tại sao lại “điên cuồng thành cửu biệt “? Mình phải hiểu là Lộng Ngọc điên cuồng yêu Tiêu Sử, cùng chàng lên tiên nên phải cửu biệt với cha già.

Nguyệt Nga, là vợ Hậu Nghệ, vì uống trộm thuốc trường sinh của chồng, quá liều, thay vì nửa viên mà uống cả viên nên bay lên mặt trăng.

Sương là đàn bà hóa chồng.
Độc là cô độc. Nguyệt Nga trên mặt trăng, cô độc, nên làm bạn với ngọc thố (thỏ Ngọc) để cùng đi chơi (đồng du). Bên Tàu, theo truyền thuyết, chỉ có ngọc thố, không có chú Cuội, Cuội là tích của Việt Nam.

Hàn Công Tử, theo Thi Viện, ám chỉ người yêu của cung nữ trước khi vào cung. Ngô Vương Phù Sai, có con gái là Tử Ngọc, mê Hàn Trọng 韓重, nhưng Hàn đi học xa, nên nàng ốm tương tư mà chết. Khi Hàn trở về kinh, đi thăm mộ, nàng hiện hồn, hát một bài ca, trong đó có câu: “bi kết thành chẩn, một mệnh hoàng lô” (buồn kết thành bệnh, chết thành đất vàng). Dùng điển này, Lý muốn nói, cung nữ cũng có tình riêng, được thả ra mà không cho về với người yêu, bắt “nhập đạo” thì tới khi xương cốt thanh tro cũng chưa tiêu mối hận tình…

Bài thơ có 8 câu, mà Kim Dung chỉ trích 4 câu cho hợp với cốt truyện: cuộc tình hoàn hảo của Lộng Ngọc, mối tình dang dở của Nguyệt Nga, và mối tình của Nhạc Linh San với Lâm Bình Chi còn thê thảm hơn nữa, nàng đã chết rồi mà tình hận chưa nguôi.

Bài thơ dẫn và cốt truyện làm BS vô cùng cảm khái mà viết bài này, nhưng trong lòng có một thắc mắc mà không tìm ra câu trả lời:

Bài thơ có tựa là Hoạ Hàn Lục Sự Tống Cung Nhân Nhập Đạo. Hàn Lục Sự là Hàn Tông 韓琮, đỗ Tiến Sĩ, làm Hồ Nam Quan sát sứ, làm thơ rất hay, nhưng trong 24 bài tìm lại được, không có bài Tống Cung Nhân Nhập Đạo. Đó là theo Thi Viện. Tìm trên Google thì không thấy Hàn Tông.

Bài Tống Cung Nhân Nhập Đạo là của Hạng Tư, đã được Trần Trọng Kim và Lê Nguyễn Lưu dịch. Bài này không phải là bài Xướng mà Lý Thương Ẩn đã Hoạ, và ý chính là các cung nhân bị bắt buộc đi tu, mà khi tụng kinh, vẫn giữ giọng như khi ca múa trong cung, hoàn toàn khác với ý bài thơ của Lý. Xin nhờ quý anh chị tra cứu giùm.

Họa bài “Tiễn Cung Nhân Vào Đạo” Của Hàn Lục Sự.

Tinh sứ đi về chẳng tự chuyên,
Tiên đồng, ngọc nữ rước lên thuyền,
Dưới đèn chín ngọn chầu kim điện,
Trong ráng ba màu chực ngọc hiên,
Phụng nữ điên cuồng thành vĩnh biệt,
Nguyệt Nga góa bụa kết thần tiên,
Nhớ xưa luyến ái Hàn Công tử,
Xương cốt tro vùi hận chửa quên.

Bát Sách
(ngày 13/08/2023)

Hoạ bài “Tiễn cung nhân nhập đạo” của lục sự họ Hàn

Thiên sứ đi, về có dễ đâu.
Thuyền quỳnh đồng-nữ rước lên cao
Dưới đèn chín ngọn hầu kim điện
Trong ráng ba màu giúp ngọc lâu
Lộng Ngọc cuồng si, đành vĩnh biệt
Hằng Nga cô quả, thỏ gần nhau
Nếu xưa yêu mến Hàn công tử
Xương dẫu bụi tro vẫn hận sầu!

Lộc Bắc
Aug23
***.
Họa Hàn lục sự" Tiễn Cung Nhân Nhập Đạo."

Thiên sứ đi về chẳng dễ dàng,
Thuyền quỳnh đồng tử đón mời sang.
Dưới đèn chín ngọn chầu cung ngọc,
Trong áng ba mầu chực các vàng.
Lộng Ngọc si tình đành vĩnh biệt,
Hằng Nga cô quả thích lang thang.
Xưa kia mê đắm Hàn Công Tử,
Xương có thành tro hận vẫn mang.

Mỹ Ngọc
Aug. 15/2023.
***
Kiếp Phi Tần Cung Cấm

Kính tặng Chú Bát Sách,

Đằng vân sứ giả nhà trời,
Chiếu ban Ngọc Đế - tuân lời há sai.
Tiên đồng, Ngọc nữ sánh vai,
Buồm xanh cặp bến - gót hài ra khơi...
Cây đèn chín ngọn sáng ngời,
Cung vàng phủ phục - trọn đời hầu đây.
Lớp mây ba sắc phủ vây,
Phụng long điện ngoc, hằng ngày vào ra.
Nhớ Nàng Lộng Ngọc kiêu sa,
Cuồng si thuở trước - cách xa suối vàng.
Hằng Nga góa bụa than van,
Kết làm tri kỷ - đa mang nỗi buồn.
Nếu như để dạ luyến thương,
Yêu Hàn công tử - cố hương thiếu thời,
Rủi thành tro cốt biệt đời,
Cửu trùng oán thán - khôn ngơi hận lòng..

Khánh-Hưng
***



Nguyên tác: Phiên âm:

和韓錄事送宮人入道 Họa Hàn Lục Sự “Tống Cung Nhân Nhập Đạo”


李商隱 Lý Thương Ẩn

星使追還不自由 Tinh sứ truy hoàn bất tự do
雙童捧上綠瓊輈 Song đồng bổng thướng lục quỳnh chu
九枝燈下朝金殿 Cửu chi đăng hạ triều kim điện
三素雲中侍玉樓 Tam tố vân trung thị ngọc lâu
鳳女顛狂成久別 Phụng Nữ điên cuồng thành cửu biệt
月娥孀獨好同遊 Nguyệt Nga sương độc hảo đồng du
當時若愛韓公子 Đương thì nhược ái Hàn công tử
埋骨成灰恨未休 Mai cốt thành hôi hận vị hưu

Bài họa của LTA rất thịnh hành và đăng trong nhiều sách: · Lý Nghĩa San Thi Tập Chú - Đường - Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱 · Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回 · Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全 唐詩-清-聖祖玄燁
Ngoài bài họa của LTA, Toàn Đường Thi có cho 8 bài thơ khác trong tựa có Tống Cung Nhân Nhập Đạo: 
. Tống Cung Nhân Nhập Đạo -Vi ứng Vật 送宮人入道-韋應物 
· Hán Cung Nhân Nhập Đạo -Đái Thúc Luân 漢宮人入道-戴叔倫
· Tống Cung Nhân Nhập Đạo -Vương Kiến 送宮人入道-王建 
· Tống Cung Nhân Nhập Đạo Quy San -Vu Hộc 送宮人入道歸山-於鵠 
· Tống Cung Nhân Nhập Đạo -Trương Tịch 送宮人入道-張籍 
· Tống Cung Nhân Nhập Đạo -Trương Tiêu 送宮人入道-張蕭遠 
· Viễn Cung Nhân Nhập Đạo -Ân Nghiêu Phiên 宮人入道-殷堯藩 
· Tống Cung Nhân Nhập Đạo -Hạng Tư 送宮人入道-項斯

Trong ghi chú cho bài họa, LTA có nhắc hầu hết các thi nhân bên trên. Tuyệt nhiên không tìm được bài xướng của Hàn Tông 韓琮 trong 25 bài thơ ông để lại trong Toàn Đường Thi Khố (27 bài theo trang Sưu Vân).

Ghi chú:

-Hàn Lục Sự: là Hàn Tông 韓琮. Theo Đường Thi Vựng Bình 唐诗汇评, Hàn Tông là thi nhân thời Đường, ngày năm sanh tử đều không rõ, tự Thành
Phong, đậu tiến sĩ năm Trường Khánh thứ tư (824). Trong sự nghiệp, ông làm quan qua nhiều chức vụ: tiết độ sứ, tiết độ phán quan, kiện phong viên ngoại lang, hộ bộ lang trung, quan sát sứ Hồ Nam, có để lại một tập thơ "Hàn Tông Thi".
- Cung nhân: phi tần cung nữ nói chung
- Nhập đạo: xuất gia làm tăng ni hoặc đạo sĩ; ở đây ý nói cung nữ, sau khi bị đuổi khỏi cung, bị cưỡng bách đi tu. Trong bài thơ này, tu theo Đạo giáo hơn là Phật giáo vi các ẩn dụ và điển cố đều chỉ Đạo giáo.
- Tinh sứ: cũng như thiên sứ, sứ giả của trời, ẩn dụ các cung nhân là thiên sứ, xuất gia sẽ thành tiên
- Tự do: do chính mình làm chủ, không bị hạn chế; có quyền hoạt động không hạn chế trong phạm vi pháp luật quy định như tự do ngôn luận, hội họp, lập hội; áp dụng vào thực tế sự hiểu biết các quy tắc phát triển của sự vật và thế giới khách quan.
- Song đồng: Ngọc Đồng và Ngọc Nữ. Theo Đạo Thư của Đạo giáo, song đồng là thị giả đem xe/thuyền lục quỳnh chu đến nghinh đón những người vào đạo thành tiên.
- Lục quỳnh chu: thuyền/xe ngọc màu xanh, phương tiện trong Đạo giáo để đón các vị tiên
- Cửu chi đăng: đèn 9 nhánh hay ngọn toả chín ánh sáng khác nhau dùng trong cung thất, cung điện vua chúa. Hán Vũ Đế cho thắp cửu chi đăng khi Tây Vương Mẫu đến thăm. Cụm từ này còn được LTA dùng trong hai bài thơ khác là Sở Cung 楚宮 và Hành Chí Kim Ngưu Dịch Ký Hưng Nguyên Bột Hải Thượng Thư 行至金牛驛寄興元渤海尚書.
- Tam tố vân: mây ba chất, 3 màu hay nhiều màu. Theo trang Sưu Vân: Đạo giáo vị nhân thân trung nguyên khí hữu tử, bạch, hoàng tam sắc: tì vi hoàng tố, phế vi bạch tố, can vi tử tố, hợp xưng “ tam tố vân ” Theo Đạo giáo nguyên khí trong thân thể có ba màu tím, trắng, vàng: lá lách là chất vàng, phổi là chất trắng, gan là chất tím, gọi chung là "tam tố vân". Cụm từ này còn được Bảo Hòa 鮑溶 dùng trong bài Thái Cát Hành 采葛行 và Ngô Quân 吳筠 trong bài Bộ Hư Từ Thập Thủ 步虛詞十首
Cửu chi đăng hạ triều kim điện, Tam tố vân trung thị ngọc lâu: chỉ những việc mà các cung nữ sau khi nhập đạo phải làm thường ngày.
- Ngọc lâu: tòa nhà lộng lẫy, nhà thổ, nhà điếm
- Phụng Nữ: là Lộng Ngọc, con gái Tần Mục Công. Lộng Ngọc nghe tiếng tiêu của Tiêu Sử mà si mê. Sau nhờ cha sai người dò la, tìm được Tiêu Sử ở núi Hoa Sơn, cho hai người kết duyên. Tiêu Sử vốn là tiên, nên một ngày, chàng thổi tiêu thì có rồng và phượng xuống đậu trước điện, Tiêu Sử cưỡi rồng, Lộng Ngọc cưỡi phượng, bay lên trời bỏ lại cha già.
- Nguyệt Nga: Hằng Nga, vợ Hậu Nghệ. Vì uống trộm thuốc trường sinh của chồng quá liều, nên bay lên cung trăng sống cô độc, làm bạn với thỏ Ngọc Thố chớ không có Cuội như ỏ Việt Nam. Mạnh Giao trong bài Khán Hoa 看花 cũng dùng Nguyệt Nga để chỉ trăng trong câu Nguyệt Nga song song hạ月娥雙雙下.
- Đồng du: người đồng hành, tương tác với nhau
- Hàn Công Tử: Hàn Trọng韓重, người yêu của Tử Ngọc trước khi nàng bị tiến cung cho Ngô Phù Sai. Trong ghi chú về Hàn Công Tử, LTA có viết Hàn Tông lấy tình huống của Hàn Trọng và Tử Ngọc để nói tâm sự của chính mình (之諸公子借以况韓録事也 chi chư công tử tá dĩ huống Hàn Lục Sự dã).

Dịch nghĩa:

Họa Hàn Lục Sự “Tống Cung Nhân Nhập Đạo”

Họa Thơ Của Lục Sự Họ Hàn
Tinh sứ truy hoàn bất tự do
Sứ giả của trời đi về không có được tự do (biện minh cho việc cung nhân bị cưỡng bách),
Song đồng bổng thướng lục quỳnh chu
Thành tiên Ngọc Đồng và Ngọc Nữ đem xe/ thuyền ngọc xanh đón về trời.
Cửu chi đăng hạ triều kim điện
Từ nay chăm đèn chín ngọn được thắp sáng trong điện vàng,
Tam tố vân trung thị ngọc lâu
Ngày ngày chỉ nhìn mây ba màu trên lầu ngọc.
Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt
Giống như Lộng Ngọc thuở trước si mê Tiêu Sử mà xa cách cha già,
Nguyệt Nga sương độc hảo đồng du
Nên chỉ còn biết kết bạn giao du với Nguyệt Nga cô độc không chồng.
Đương thì nhược ái Hàn Công tử
Nếu trước khi vào cung Tử Ngọc đã thương yêu Hàn Trọng,
Mai cốt thành hôi hận vị hưu
Thì nay hận vẫn chưa nguôi hận dù xương cốt có thành tro bụi.

Dịch thơ:

Cung Nhân Bị Cưỡng Bách Xuất Gia

Sứ trời nào có tự do,
Song Đồng xe ngọc đón cho về trời.
Đèn cung chín ngọn sáng ngời,
Mây ba màu sắc đón mời lầu cao.
Lộng Ngọc thuở nọ yêu mau,
Nguyệt Nga cô độc kết giao thâm tình.
Tử Ngọc yêu trót Hàn Sinh,
Thân thành tro bụi hận tình chưa tan.

Lạm bàn:

Bài thơ của LTA là một bản án cho thấy sự đối xử cực kỳ tàn bạo của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Không được xem như con người với đầy đủ nhân vị, người phụ nữ được xem là một món đồ chơi nâng niu, hất hủi, giam cầm, giữ bỏ tùy thích của một người được cho là con trời. Bất tự do trong câu 1 và hận vị hưu trong câu cuối đã sắp xếp cho thấy cuộc sống cay đắng và tình cảm khổ đau của phụ nữ trong cung cấm trong toàn bộ bài thơ với nhiều ẩn dụ và điển cố để nói ý.

Hai câu mở đầu cho thấy, dù được xem như thiên sứ, người phụ nữ không có tự do với ví dụ về hai đồng tử của bồ tát Quan Âm bị bất chợt kêu về trời. Từ lúc thất sủng, cung nữ được xem như nô tỳ hằng ngày chăm lo việc đèn đuốc cửu chi đăng chỉ còn nhìn lên ngọc lầu để thấy tam tố vân. Bị bắt vào cung lúc còn nhỏ phải sống xa cách gia đình cha mẹ anh em, cách biệt thế gian khác chi Lộng Ngọc và sống cô độc khác chi Nguyệt Nga. Nếu đã có người yêu, cung nhân mất đi tình yêu ở tuổi thanh xuân khác chi Tử Ngọc và Hàn Trọng.
Sự bạo tàn đối với cung nữ chưa chấm dứt khi không còn được ưa thích hoặc khi cần được giảm nhân số để triều đình tiết kiệm công quỹ. Cung nhân không được trở về sống với gia đình, không được kết hôn để trở vể thế gian. Người cung nhân bị ép xuất gia vào đạo, nên từ biển khổ trong cung lại rơi xuống vực sâu khác của đền chùa, nhất là trong tình huống của Tử Ngọc và Hàn Trọng đã yêu nhau từ trước tiên cung mà cũng không được gần nhau khi bị đuổi khỏi cung.
Hận vị hưu không quá đáng khi kết luận bài thơ. Dù cuộc sống lúc nào cũng có khó khăn khổ đau, chúng ta phải thấy mình may mắn không sống trong thời đại phong kiến.
Trong những năm trước 1975, bài thơ của LTA được làm sống động trở lại trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ khi Hàn Giang Nhạn dịch 4 câu chót để miêu tả mối tình dang dở của Nhạc Linh San và Lệnh Hổ Sung:

Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt Nguyệt nga sương độc hảo đồng du Đương thì nhược ái Hàn công tử Mai cốt thành hôi hận vị hưu

Hàn Giang Nhạn dịch:

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân Tóc tơ vương vấn nợ hồng trần Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử Xương trắng thành tro hận chửa tan

Nhưng dù nguyên do nào:

Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
(Hồ Dzếnh)

Phí Minh Tâm
Ngày 20-8-2023
***
Nguyên tác Dịch âm

和韓錄事送宮人入道 Hoạ Hàn lục sự Tống cung nhân nhập đạo

星使追還不自由 Tinh sứ truy hoàn bất tự do,
雙童捧上綠瓊輈 Song đồng bổng thướng lục quỳnh chu.
九枝燈下朝金殿 Cửu chi đăng hạ triều kim điện,
三素雲中侍玉樓 Tam tố vân trung thị ngọc lâu,
鳳女顛狂成久別 Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt,
月娥孀獨好同遊 Nguyệt Nga sương độc hảo đồng du,
當時若愛韓公子 Đương thì nhược ái Hàn Công tử,
埋骨成灰恨未休 Mai cốt thành hôi hận vị hưu.

Chú giải:

Cửu chi đăng hạ triều kim điện, Tam tố vân trung thị ngọc lâu: Ám chỉ những việc mà các cung nữ sau khi nhập đạo phải làm thường ngày như dưới ánh đèn chín ngọn chầu kim điện và trực trong lầu ngọc suốt ngày để nhìn mây bamàu (tím trắng vàng). Cửu chi đăng là đèn toả chín ánh sáng khác nhau, dùng trong cung thất.
Phụng nữ: Chỉ Lộng Ngọc, con gái của Tần Mục Công, yêu mến và lấy Tiêu Sử có tài thổi sáo, vài năm sau hai người cưỡi phượng hoàng bay lên trời bỏ lại cha già bơ vơ nơi trần thế.
Nguyệt nga: Tức Hằng Nga, hay Thường Nga, do uống nhầm thuốc trường sinh của chồng là Hậu Nghệ mà bay lên cung trăng trở thành người đàn bà góa chồng.
Hàn công tử: Ám chỉ người yêu của các cung nữ trước khi vào cung. Sưu thần ký chép Ngô vương Phù Sai có con gái tên Tử Ngọc yêu mến Hàn Trọng, muốn lấy mà không được nên đau buồn mà chết. Hàn Trọng đi học xa trở về, đến thăm mộ nàng. Tử Ngọc hiện hình, ngoảnh lại mà hát. Nhạc phủ thi tập cũng có chép bài Tử Ngọc ca, trong đó có câu “Bi kết thành chẩn, một mệnh hoàng lô” (Buồn kết thành bệnh, chết thành đất vàng). Ở đây ý nói mỗi cung nữ cũng có thân thế và tình cảm riêng, qua đó cảm thương cho việc bị ép buộc nhập đạo.

Dịch nghĩa

Họa thơ lục sự Hàn tiễn cung nữ nhập đạo


(Làm) sứ giả của trời thì đi hay về không được tự do tuỳ theo ý mình, (Nhưng) song tiên (tiên đồng và ngọc nữ) đã đón thuyền quỳnh màu xanh (về trời). (Từ nay) dưới ánh đèn chín ngọn chầu điện vàng, (Và) nhìn mây ba màu tím vàng trắng khi hầu hạ trong lầu ngọc. Phụng nữ thuở trước cuồng si nên phải xa cảch cha, Hằng Nga goá bụa vì uống nhầm thuốc của chồng mà lên được cung trăng. Nếu trước khi nhập đạo mà yêu mến Hàn Trọng, Thì nay xương cốt dẫu thành tro cũng vẫn chưa nguôi hận.

Dịch thơ

Họa thơ lục sự Hàn tiễn cung nữ nhập đạo


Thiên sứ đi về chằng dễ dàng 
Song tiên đã đón được thuyền trăng. 
Dưới đèn chín ngọn chầu kim điện, 
Lầu ngọc nhìn mây tím trắng vàng. 
Phụng nữ cuồng si xa cách bố, 
Nguyệt Nga góa bụa tới cung hằng. 
Ngày xưa nếu mến yêu Hàn Trọng Xương dẫu thành tro vẫn hận căm.

Con Cò 
***
Góp Ý:

Muốn hiểu bài họa, người đọc phải hiểu bối cảnh của bài Tống Cung Nhân Nhập Đạo. Sự kiện cung nhân nhập đạo là chuyện có thật xảy ra từ năm 趙歸真) 842 dưới thời Đường Vũ Tông (唐武宗, 814-846). Đường Vũ Tông, đồng thời với Lý Thương Ẩn (813-858), là người mê các thuật trường sinh của Đạo giáo rồi nghe lời đạo sĩ Triệu Quy Chân khuyên nên đàn áp các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo với vài sắc lệnh từ năm 842. Đa số các chùa phải đóng, Phật tử phải hoàn tục, và cung nhân (theo Phật) bị "đày" vào đạo viện. Đó có thể là lý do ta có ít nhất 8 bài thơ Tống Cung Nhân Nhập Viện mà anh Tâm nói đến. Thay vì cũng làm thơ về biến cố đó, thi nhân họ Lý lại họa thơ. Một lý do làm BS thắc mắc là vì chúng ta không biết Lý Thương Ẩn họa bài nào, của ai. Một số bài chữ Hán trên internet bảo lục sự Hàn Tông là bạn đương triều với Lý Thương Ẩn và năm Khai Thành thứ 3 (838) 480 cung nhân bị cho đi an trí tại Lưỡng Nhai Tự quán nhưng tôi tìm không cái đạo quán này ở đâu và lý do gì cung nhân cuối thời Đường Văn Tông lại bị đi an trí ở đó.

Các điển tích trong bài thơ nói về chuyện tu tiên, luyện phép trường sinh bất tử làm người đọc liên tưởng đến Đường Vũ Tông. Song đồng ở đây không phải là Tiên Đồng Ngọc Nữ trong truyền thuyết Phật giáo Hoa Lục mà là hai tiên đồng tiếp đón các đạo sĩ đã tu thành tiên với xe lục quỳnh.

Chữ 輈=chu là từ đồng âm với 舟 nhưng không có nghĩa là thuyền; đó là cái đòn xe. Mặc dù điển tích phụng nữ nói đến Lộng Ngọc của Tần Mục Công nhưng câu này khó hiểu vì có gì điên cuồng trong việc tìm được người yêu Tiên Sử rồi được thành tiên và cưỡi chim phụng theo chồng cưỡi rồng lên trời? 久別=cửu biệt điều gì, hay vĩnh viễn xa ai? Cửu biệt cõi trần không phải là mục đích tối hậu của việc tu tiên và của Đạo giáo hay sao?

Các trang tiếng Việt và Hán trên internet đều giải thích 月娥=Nguyệt Nga là Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ nhưng có một điều lạ là không có một điển tích nào dưới tên Nguyệt Nga, chỉ có Hằng hay Thường Nga. 孀=sương là đàn bà góa nên không thể là Hằng Nga, 獨=độc là bà già không con, thế thì ai đồng du với ai? Hằng Nga không hề tính chuyện tu tiên, chỉ thành bất tử vì uống nhằm thuốc của chồng, nhưng ngao du với đàn bà đơn côi hay sống như người đơn côi thì có gì vui thú! Các điển tích này làm tôi nghĩ rằng Lý Thương Ẩn muốn chỉ trích việc làm điên rồ của Đường Vũ Tông để phải chết sớm vì dùng đan dược tào lao. Và nếu họ Lý chỉ trích Vũ Tông thì bài thơ này phải được làm sau thời Khai Thành của Văn Tông vì các vua Đường từ thời Vũ Tắc Thiên mộ Phật.

Điển tích cuối cùng không nói về chuyện tu tiên trường sanh bất tử mà, ngược lại, nói về cái chết vì tương tư. Ai tương tư ai? Cô gái nào đó có thể đã có người yêu trước khi bị/được tuyển cung làm cung nữ, thế thì cô ta còn tương tư người tình cũ từ trước khi đi an trí ở đạo viện hay tương tư nhà vua? Nếu

ngày xưa không yêu Hàn công tử thì đã không chết vì tương tư; thế thì còn hận chuyện gì sau khi chết?! Và vì thế tôi cũng không hiểu Kim Dung muốn nói gì qua ngòi bút của Nhạc Linh San! Chữ 若=nhược có nghĩa là nếu, giả sử; Nhạc Linh San đã yêu và làm vợ Lâm Bình Nhi nên không còn thể nói 'nhược", và Hàn công tử ở đây phải là Lệnh Hồ Xung. Nếu Nhạc Linh San yêu họ Lệnh thay vì họ Lâm thì có thể đã không chết oan uổng, thế thì còn hận cái gì? Có phải chăng Kim Dung, cũng như chúng ta, thấy các câu thơ hay rồi trích ra nhưng cũng không hiểu chúng nghĩa là gì?! 

Huỳnh Kim Giám


1 nhận xét:

  1. Anh Thanh Bình đề cập tới "hiện tượng Kim Dung" trong văn học miền Nam Việt Nam những năm 1960s và 1970s, đặc tính của các nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Kiếm Hiệp của Kim Dung đều được nhiều người say mê và hiểu rõ, chẳng hạn như cô nương Nhạc Linh San trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ".

    Và cả câu thơ đậm sâu tả khối tình thống hận tới thác cũng không thể tan của Nhạc Linh San, được chép lên tấm lụa treo trên vách, từ thơ họa của Lý Thương Ẩn, Hàn Giang Nhạn đã dịch ra tiếng Việt:

    Phụng nữ điên cuồng biệt cố nhân,
    Nguyệt Nga còn vướng nợ hồng trần,
    Nhớ xưa luyến ái Hàn Công Tử,
    Xương trắng thành tro hận chửa tan.

    Sau năm 1975, truyện Kiếm Hiệp Kim Dung đã bị đốt đi và bị kiểm điểm cho là không phân biệt rõ "chính tà" , mãi tới sau năm 1985 lại được đem ra nghiên cứu phân tích trở lại.

    Trả lờiXóa