Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Tháng Ba khắc khoải


Chỉ mấy tuần trước đây, Đảo Lớn vẫn còn nhộn nhịp với khách viếng thăm từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Du thuyền ghé Vịnh Hilo ba, bốn lần một tuần. Trên những bãi cát vàng, đen, đông đảo du khách ngâm mình trong làn nước mát và trong bầu khí hải đảo, hay tản bộ dưới hàng cây bàng cổ thụ đang thay lá. Phố phường nhộn nhịp kẻ bán người mua. Những buồng dừa tươi, có thể mới được chặt xuống từ đêm qua, bao giờ cũng được chiếu cố tận tình.

Thế mà bất chợt như một trận cuồng phong dông tố, một đại dịch khởi đi từ một thành phố lớn bên Tàu, như một tấm màn đen tối ám đã và đang bao phủ lên trên địa cầu. Tấm màn phù thủy này không phân biệt màu da, tiếng nói hay giai cấp, đã lấy đi hơn ba chục ngàn mạng sống, và gây khiếp sợ trong lòng mọi người, vì sự nhiễm bệnh tăng theo cấp lũy thừa. Giới chức y tế tiên đoán là trong tương lai gần, sẽ không một ai có thể thoát khỏi nanh vuốt của con vật COVID-19. Không nặng thì nhẹ. Do đó, giới hạn gặp gỡ là một biện pháp cấp bách và cần thiết để làm chậm lại tiến trình của sự lây bệnh, hầu các nhà thương có đủ phương tiện và nhân lực để chữa trị những trường hợp nguy nan. Bộ mặt thế giới đã hoàn toàn thay đổi, từ các sinh hoạt với tầm mức quốc tế cho đến đời sống hàng ngày của chúng tôi.

Sau khi trở về nhà từ bốn tiếng tình nguyện hôm thứ Ba, ngày mồng 10 tháng Ba, bà trưởng phòng gọi cho hay là ban Giám đốc đã quyết định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tất cả mọi người (kể cả thân nhân, các người phụ trách các chương trình giúp vui, mục sư giảng Kinh Thánh, tình nguyện viên) đều tạm thời không bước vào Viện Dưỡng Lão. Sau đó là tin trường học đóng cửa, lễ ra trường của toàn thể các cấp đã hoãn, Đại Hội Hula Merrie Monarch, cuộc đua bơi lội, xe đạp và chạy đường trường Iron Man Marathon và Kau Coffee Festival là vài chương trình nổi tiếng toàn cầu cũng phải dời vào ngày khác. Các cửa nhà thờ cũng đóng.

Như các gia đình khác trên đảo hay bên đất liền, biện pháp hạn chế gặp người xung quanh đã thay đổi khá nhiều đời sống hằng ngày của chúng tôi. Ngày xưa, khi muốn lái xe ra biển hóng gió hay lái về phía Núi Lửa thì không phải suy nghĩ đắn đo. Ngày xưa, khi mua sắm, chúng tôi nhẩn nha lựa chọn món nào ưng ý nhất rồi mới bỏ vào xe. Giờ đây, không còn nữa. Khi tới quầy nào có món gì cần mua, chúng tôi bỏ vào xe rồi nhanh chóng đẩy xe đi nơi khác, cố gắng tránh việc đứng gần người khác trong vòng hai thước.

Không biết hôm nay, sau hai tuần lễ ghé qua Target, hàng hóa có đầy đủ hơn không, nhất là giấy bản. Hôm đó, khi đẩy xe tới quầy bán các loại giấy dùng trong nhà, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Thật ra, chúng tôi có nghe chuyện người ta dành nhau mua giấy vệ sinh, hay nghe tin những kệ hàng trong siêu thị đã trống trơn. Có ngờ đâu, ngay cả bên hòn đảo đất rộng người thưa này cũng khan hiếm! May thay, có người reo lên, “Hàng mới đang tới, ở dãy kế bên”. Quả thật, một nhân viên mặc đồng phục áo đỏ, quần mầu kem đang đẩy một xe có khoảng bẩy hay tám gói to tới. Chồng tôi với tay lấy một bao. Đồ hộp vẫn còn, sữa tươi, bánh mì, khoai tây, táo, dâu … đều còn đầy đủ trên kệ. Thế mà vài ngày sau, khi nói chuyện với một người hàng xóm thì mới hay là không còn sự gì, khi bà ta tới Target chỉ sau chúng tôi vài tiếng.

Từ khi bị cấm cung bất đắc dĩ, đi bộ hàng ngày giúp hai đứa tạm quên thực tại của một thế giới đang bị dồn vào sự tranh đấu cho việc sống còn từng giây từng phút, khi mà sự thương cảm khi hay tin số người chết gia tăng hàng ngày đã xâm chiếm tâm hồn mọi người. Từ sân nhà bước ra, quẹo trái, theo con dốc đi xuống ngã ba. Từ đó, nếu quẹo phải thì sẽ đi qua một cây cầu nhìn xuống một dòng suối. Tùy mùa, mực nước cao thấp cùng nôn nóng theo nhau đổ về đại dương, đoàn tụ với Biển. Kế dòng suối này là trạm rác công cộng, mở cửa ba ngày một tuần, cho dân mang rác tới bỏ vào thùng, vì không có dịch vụ đổ rác của thành phố. Tiếp tục đi trên con đường mang tên Old Mamalahoa này, chúng tôi thấy lại dòng suối, đậm màu phù sa vì mưa lớn đêm qua. Qua khỏi một đoạn, con đường song song với Quốc lộ 19, nay thì xe qua lại rất thưa thớt.

Cũng từ ngã ba này, quẹo trái sẽ dẫn tới hai con đường vắng người, trước khi nhập vào Quốc lộ 19. Một là con đường làng, dẫn vào những khu vườn chôm chôm và hạt đậu macadamia. Con đường này gần như không có ai lui tới, trừ vài chiếc xe máy cầy của nông gia hay xe cam-nhông chở người tới hái trái cây. Khi hết mùa, sự yên tĩnh trả lại cho con đường. Có còn chăng là tiếng chân của hai người bộ hành và tiếng chim hót líu lo trong vòm cây.

Con đường thứ hai có nhiều nhà cửa hai bên đường. Nhà thờ Immaculate Heart of Mary nằm ở đầu con dốc. Từ khi không được đi nhà thờ vì đại dịch, tôi hay ghé qua thăm Chúa Giêsu. Đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi chào Chúa vài câu, lòng xúc động vì nhớ Chúa. Chúa có nhớ chúng con không? Phía bên phải của cuối con đường là một bãi cỏ lớn. Có ai đó đã thả hơn chục con cừu để cho chúng gặm cỏ, đỡ phải leo lên máy cắt. Đám cừu hiền như bồ câu, ngước mắt nhìn hai người từ xa đi tới, cái miệng thật là có duyên, thong thả nhai những cọng cỏ non. Dường như cừu không biết chuyện gì xẩy ra trên dương thế, đang làm điên đảo triệu, triệu người. Tôi nhìn cừu rồi nhìn chim chóc đang hót trên cành, nhìn con mèo thu mình dưới gầm một chiếc xe lim dim ngủ, nhìn những cánh hoa mộc, hoa bông bụt, hoa hướng dương rồi tự hỏi chúng có nhỏ lệ xót thương cho một thế giới đang bị đắm chìm trong bão tố đại dịch, không biết bao giờ mới thấy được ánh thái dương lóe lên ở cuối chân trời?

Trao đổi tin tức với thân nhân bạn hữu vẫn còn nhiều thì giờ trống trải. Tôi làm gì cho tâm trí tạm quên đi nỗi lo sợ cho mình và cho thân nhân bạn hữu. Ai còn, ai mất? À, tôi nhớ ra rồi. Sau bữa ăn cuối khóa, tôi đề nghị bà thầy cho tôi đem cái khăn trải bàn về giặt. Nhờ đó tôi mới khám phá ra rằng cái khăn có hơn 20 lỗ bị mối ăn. Thông thường, tôi chỉ cần bỏ ra khoảng đôi tiếng để làm công việc vá quần áo, nếu dùng máy may. Tuy nhiên, nghĩ tới triển vọng ở trong nhà cả tháng hay lâu hơn, tôi lấy kim, chỉ ra vá tay. Chỉ trong vòng hai buổi chiều, tôi vá xong. Sáng nay, nhìn quanh không có gì muốn làm, tôi moi cái khăn trải bàn đã vá ra, vá tiếp. Tôi lấy vải vụn đủ màu, cắt hình trái tim đủ cỡ, khâu lên những chỗ đã vá. Tôi nghĩ thầm, “bà thầy sẽ bật cười khi mở tấm khăn ra, vì thấy chiếc khăn cũ kỹ của mình nay đính hình quả tim.”

Nghe tiếng con chim hồng y ngoài sân, tôi ngừng gõ. Bước tới gần cửa sổ, vén màn nhìn ra. Một con chim lông đỏ nổi bật giữa đám lá nhiều sắc xanh của cây avocado. Cái mỏ ngước lên nhìn trời xanh mây trắng mà ca: huýt huýt huýt huýt. Hình ảnh này khiến tôi nở một nụ cười. Cám ơn chim. Cám ơn chim đã cho ta một phút giải khuây.

Gần cuối tháng Ba. Trời đã sang xuân nên mưa liên tiếp. Mưa ngày, mưa đêm. Những giọt mưa khi đáp nhè nhẹ trên lá, khi nhiễu xuống từ những rãnh của mái tôn, trông như những giọt nước mắt. Có khi mưa đổ ào, đổ ạt như giận dữ điên cuồng trước sự tàn phá của con vi khuẩn tí ti, đã và đang mang đi hàng chục ngàn sinh mạng của dân gian. Mưa cũng thấy bất lực như người. Mưa không đưa một người đi vào giấc ngủ yên bình như tháng Ba những năm trước!

Tôi đi ngủ mà lòng buồn sầu vì biết rằng ngày mai, khi thức giấc, sẽ có thêm nhiều người không thấy mặt trời mọc lần nữa vì đã ra đi. Ra đi trong cô quạnh, không có người thân bên cạnh để gặp nhau lần cuối. Ra đi mà người thân chưa biết tin!

Tinh cầu này đã trải qua bao nhiêu nạn dịch tể, mất mùa, hạn hán. Thế giới này đã chứng kiến bao nhiêu triệu sinh mạng rời cõi tạm trong vòng một thời gian ngắn. Dân xứ nào, đất xứ nào, dù mang danh là văn minh trên hết các nền văn minh, nếu không chuẩn bị để đối phó với một loại vi khuẩn chỉ có hơn 30 ngàn genes này thì hậu quả sẽ tai hại không lường được.

Trong gia đình tôi hiện giờ cũng không đứng bên lề đại dịch. Con trai của một cô em là nhân viên xe cứu thương đã được lệnh từ thượng cấp là phải ở nhà 14 ngày, bắt đầu từ hôm Thứ Hai, vì đã chuyên chở một bệnh nhân có kết quả dương tính coronavirus! Cha mẹ của cháu buồn lo. Chúng tôi, cô dì chú bác khắc khoải lo âu. Khi nghe tin xét đánh ngang tai, tôi không ngăn được cảm xúc, thốt lên hai tiếng “Chúa tôi!” Vì không có đủ dụng cụ thử nghiệm, không có cách gì khác hơn là người ta khuyên cháu ở nhà. Nếu có đủ phương tiện để thử, thì nơi thành phố cháu đang làm việc đã không thiếu một nhân viên xe cứu thương, và cháu không phải sống trong lo âu về một viễn ảnh bấp bênh. Cầu mong sao nhờ còn trẻ, cháu được bằng an.

Bên sân nhà hàng xóm có tiếng máy cắt cỏ vang sang. Tiếng ống pô của chiếc mô tô của ai đó vẫn nổ đinh tai nhức óc khi chạy ngang qua nhà. Hình như mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Những con chó bên phía phải vẫn sủa vào ban ngày. Những con chó phía đằng sau vẫn tiếp tục sủa vào ban đêm. Lúc này, những tiếng chó sủa liên tục ngày đêm dù vẫn đánh thức chúng tôi vài lần trong đêm đã không làm phiền chúng tôi nữa. Bao nhiêu ngàn người đang bên bờ tử sinh, chết thầm chết lặng, chết mà không có những giọt nước mắt nhớ thương của thân nhân, vì chưa được tin. Có hề hấn gì tiếng sủa của gần 20 con chó?

Cầu xin Thượng Đế ban cho nhân loại mau tìm được y dược để chữa cho gần bảy trăm ngàn người đang nhiễm đại dịch. Cầu mong con tàu Hành Tinh Xanh này, hiện đang nằm trong một trận cuồng phong khủng khiếp sớm tới bến bờ bình an. Thật sớm.

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét