Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Đám Cưới Muộn Màng


Sau hơn 28 năm chung sống, hai đứa tui quyết định ra tòa làm hôn thú.

Khi biết được chàng và tui mới ký giấy tờ chung thân nhưng thiếu khổ sai, những người bạn mới thắc mắc hỏi tại sao phải đợi gần ba thập niên bà mới chịu nói chữ “I do”? Họ hỏi tui. Tui biểu họ phôn hỏi … bà gìa. Lý do là vì sau một hay hai tháng dọn qua bên này, tuần nào má tui cũng gọi qua hỏi, “Bao giờ thì hai đứa bây làm đám cưới?” Tui trả lời “Con không định lấy him,” rồi đổi đề tài. Mấy lần kế đó, sau khi nói chuyện trên trời dưới đất bà gìa lại đặt vấn đề hỏi cưới. Lòng tui vẫn chưa lay chuyển, “Con không muốn lấy him!” Bà gìa nhắc lại là tui đã và đang làm gương mù cho các con các cháu từ mấy chục năm nay (chung sống mà chưa ra nhà thờ là một tội trọng!)

Bà già nói đúng, tui không thể tiếp tục đánh đu với tình. Tuy nhiên nghĩ đến cái cảnh “nửa đường đứt gánh” mà đâm ra so đo cân nhắc. Tui sợ sau khi leo lên xe hoa lần nữa, lại đi vào vết xe đổ năm xưa thì ai sẽ dìu tui ra khỏi vũng lầy đau khổ? Vì nỗi lo âu chính đáng đó mà gần ba mươi năm tui vẫn chưa chính thức hóa.

Nói cho cùng, bao nhiêu năm qua, ngoài chàng ra tui đâu có ngồi chung xe, ở chung phòng, sống chung nhà với ai lâu hơn một ngày mà không cảm thấy bị tù túng, khó chịu. Thêm vào đó, hai đứa có nhiều sở thích giống nhau. Tuy thế, tui vẫn cứ phân vân. Nhưng sau khi nghe bà gìa phân tích phải trái, và nhứt là sau khi đã để lại gia đình, bạn hữu bên kia bờ Thái Bình Dương để theo người ta vượt mấy ngàn miles qua đây, tui còn chần chờ gì nữa?

Ngẫm nghĩ về chuyện của hai đứa, tui phải tin vào duyên nợ. Hồi mới quen nhau mới có ba tháng, trong một lần đi bộ, chàng hỏi tui, “Will you marry me?” Ngạc nhiên hết sức, tui trả lời “Làm sao chuyện đó xẩy ra được, mình chưa biết nhiều về nhau.” Tui còn thêm, “Hơn nữa, hai đứa mình đâu có côm-pà-ti-bôn. Anh hành động theo lý trí. Tui theo trái tim. Anh thích xà lách, tui ưa canh chua cá lóc. Lúc gọt táo, anh chỉa con dao vô bụng. Gọt trái cây, tui đẩy con dao đi ra. Hai đứa như hai con đường rầy xe lửa song song, mút mùa lệ thủy cũng chẳng bao giờ gặp nhau.” Vậy đó mà hai chữ “không xứng” từ từ rơi vào quên lãng. Sau một thời gian chàng hỏi tui có chịu đeo nhẫn của bà ngoại như là bằng chứng của tình bạn? Tui nhận lời. Rồi từ tình bạn, tui thương anh chàng mắt nâu, mũi lõ hồi nào không hay.

Tuy nhiên, chỉ trong mấy năm, những chuyện không quan trọng lúc đầu bỗng nhiên làm phiền tui rất nhiều. Thêm vào đó, nhận xét “không xứng” lúc ban đầu hiện về mỗi ngày một mãnh liệt. Hình ảnh hai đứa đi cùng một con đường để nhìn về một hướng sao qúa bi quan, tối ám! Tui bỏ cuộc, tháo nhẫn, trả lại cho khổ chủ và chia vẹc-bờ “chia tay.”


Người tính không bằng Trời tính. Chỉ trong vòng mấy tháng, hai đứa lại châu về hiệp phố.

Tháng bẩy năm vừa rồi, sau khi suy nghĩ kỹ càng về chuyện hai đứa, tui nhờ chàng gọi toà án để xin hẹn ngày ra đó làm đám cưới. Qua bao lần tui đổi ý, chàng tưởng tui dỡn chơi.

Tui không đùa lần này. Tờ giấy bà thẩm phán trao cho chỉ có hiệu lực trước mắt người đời. Hai đứa phải ra nhà thờ để nhận chúc lành của Thiên Chúa. Sau bảy tháng trời ròng rã bổ túc giấy tờ với những người chuyên phụ trách hôn nhân của nhà thờ chánh tòa dưới phố, ngày quan trọng cũng tới. Cha Poli cho biết ngài sẽ làm đám cưới cho hai đứa trong 13 ngày tới!

Mười ba ngày làm sao đủ thời gian cho tui đi kiếm đồ cưới? Tui chạy đi tìm mua áo đầm, giầy dép cho ngày lên xe hoa về nhà người, và cũng là nhà mình, mà muốn khùng. Mua sắm bên Đảo Lớn này rất nhiêu khê vì ít lựa chọn. Tui tới nhiều tiệm quần áo phụ nữ để tìm cái gì vừa người và cũng vừa mắt mà đi không về rồi! Quần áo bên này sao mà coi già và lỗi thời qúa trời! Ai cấm đàn bà mặc cái gì tươi tắn, hợp thời trang, dù đã năm hay sáu bó, miễn là đừng có lố lăng?
Tui đề nghị gửi những vị chuyên lo đặt mua y phục phụ nữ bên này đi tu nghiệp về sở thích thời trang của phụ nữ không còn son. Cái “gu” của những người này hình như là dậm chân tại chỗ, từ năm một ngàn chín trăm lâu lắm. Dòm mấy cái áo đầm buồn thỉu, buồn thui treo trên móc mà tui ngán ngẫm.

Sực nhớ tới ngáy cưới gần kề, tui đâm lo và cái bụng đánh lô tô. Chết cha, ngày 17 tháng 2 đã sắp tới, mà tui chưa tìm được một mảnh áo nào coi cho vừa ý thì làm sao đây? Tui quyết định “chế” một bộ đồ cho mình. Định vậy thôi chứ tui không biết mầu áo là mầu gì, cần mấy mảnh, chưa kể ba bốn thứ chàng của tui nói cô dâu phải có, để được may mắn (một món cũ, một món mới, một món mượn của ai đó và một món mầu xanh da trời).

Một tuần trước ngày cưới, tui rủ chàng lái lên phía Bắc Hilo, hy vọng tìm được cái gì thích hợp cho cô dâu lên xe hoa lần thứ hai. Khi bước vào một tiệm consignment, trong dẫy áo dạ hội, tui thấy được một cái áo choàng ren ngắn mầu ngà. Mặc thử thì thấy cũng ngồ ngộ, tui nói chàng trả tiền rồi hí hửng đi ra, tay cầm cái bao xinh xắn đựng cái áo choàng mà lòng tràn đầy hy vọng. Thế là tui đã có được một cái gì cũ. Nhìn thấy bên kia đường cũng có một tiệm tương tự, tui ghé vô, mong là sẽ kiếm thêm được cái gì nữa. Đúng vậy. Chàng của tui lựa được một cái áo bolero màu xanh vỏ trứng chim robin.

Vậy mà khi mặc thử với những chiếc áo đầm có sẵn, tui thất vọng tràn trề! Không có gì hợp với chiếc áo bolero và áo choàng ren! Tui nản qúa, muốn mặc đại cái gì cho rồi. Tình cờ làm sao, một người quen khoe là đã mua được một chiếc áo đầm cho con gái tại một tiệm bán quần áo phụ nữ dưới phố. Đây là cơ hội cuối cùng. Tui định lòng là nếu không có gì để mặc với hai món đã tậu được thì sẽ mặc lại áo cũ. Tới tiệm ngay buổi chiều hôm đó tui kiếm được một chiếc áo đầm mầu hồng phấn, tuyệt vời với hai mảnh đã mua.

Xong phần quần áo, tui chọn một đôi xăng-đan mầu nâu nhạt, coi cũng tạm được để đi với bộ đồ đầm. Đó là một món gì mới. Chàng của tui muốn đặt hoa choàng cổ (lei) cho khách và cho hai đứa, thêm với vòng hoa trên đầu cho “cô” dâu. Tui nói tui già rồi, tui không muốn đội Haku Lei. Chàng nói là chàng muốn cô dâu của chàng đội vòng hoa, dù cho trên đầu cô dâu có hai hay ba, bốn thứ tóc. Không muốn cãi vã lôi thôi, tui bằng lòng. Hai đứa đi đặt bánh vì trong đám cưới mình nên có cái bánh để cắt ra mời bạn hữu. Tui nên thêm hai chữ “bà con” vì thằng con lớn của tui đã toan tính đi qua dự đám cưới của má nó, mà không cho hay.
Buổi sáng của ngày quan trọng, tui còn chưa tỉnh ngủ thì chàng nói phải đi công chuyện, một lát sẽ về. Tui thắc mắc tiệm hoa, tiệm bánh mở cửa sau 8 hay 9 giờ sáng. Giờ này mới có 5 giờ rưỡi, chàng đi đâu? Chưa kịp hỏi thì chàng đã nhanh chóng đi ra khỏi phòng rồi. Khoảng một tiếng sau đó tui nghe tiếng xe nên đi ra mở cửa. Cửa mở ra. Tui thấy chàng vẫn còn ngồi trong xe mà thằng con lớn đứng đó, nhìn tui nhe răng cười. Xúc động qúa, tui ôm con khóc một tăng! Hèn chi mấy ngày trước đó, chàng của tui canh cái xì-mạc phôn như tá điền canh ruộng lúa chín chưa có giờ gặt, khiến tui nổi dóa. Tui nói là từ hồi nào tới giờ ông biết tính tui không có tò mò hay tìm tòi lục lọi, sao mấy bữa nay ông hành động kỳ lạ hết sức? Chàng làm lơ không trả lời hay giải thích gì. Giờ thì tui hiểu được đầu giây mối nhợ.

Mới đầu hai đứa tính “chỉ có hai đứa mình”, vì hồi tháng 7 năm ngoái đã mời 3 người khách, cộng với bà thẩm phán về hưu. Ai dè, chàng của tui không giữ được bí mật. Chàng cho ông chủ nhà biết. Ông chủ nhà bèn cho cô nhân viên địa ốc biết. Hai người này đã biết thì chẳng lẽ không mời những người bạn mới trên con đường làng Kaieie? Thế là từ “hai đứa mình thôi nhé” trở thành 13 người, kể cả cô em tinh thần, cũng bay sang từ Cali để chung vui mà không cho hai đứa tui hay trước. Tui vui qúa chừng. Một ngạc nhiên nữa là ông chủ nhà và cô nhân viên địa ốc có nhã ý đặt cho tui một bó hoa để cầm cho nó đỡ … trống trải hai bàn tay. Giờ, có cô em tinh thần, cổ sẽ cầm bó hoa khi hai đứa trao nhẫn cho nhau. Thằng con vừa giao má cho ông dượng vừa làm ring boy. Thế là xong phần lễ nghi quân cách.

Trước khi lên xe đi đến nhà thờ chàng tặng tui một sợi giây đeo tay có dắt hột đá xanh. Giây hơi rộng cho cổ tay ốm nhom, tui bèn đeo vô chân. Chàng hỏi tui có mượn ai được món gì chưa thì tui nói để hỏi cô em tinh thần. Cổ có cái kẹp tóc tí hon, tui hỏi mượn. Vậy là xong bốn món cần có để được hên. Nói dỡn mà chơi chứ tui không có tin mấy điều này.


Những chiếc leis trao lên cổ quan khách và vị linh mục chủ tế đem những nụ cười và ngạc nhiên không kém. Phần chụp hình cũng bất ngờ. Ông Fred, người lo về hôn nhân, tình nguyện làm phó nhòm. Vậy là tui không phải đi kiếm người lạ nhờ chụp dùm vài tấm.

Tội nghiệp chàng của tui. Khi cha Poli nói chàng đọc theo lời của ngài khi xỏ nhẫn vô ngón tay tui thì tui mới khám phá ra sự luýnh quýnh qúa cỡ thợ mộc của chàng. Lý do là khi tui đưa bàn tay trái đã đeo sẵn cái nhẫn solitaire của bà ngoại chàng, thêm với cái nhẫn của má tui (hai cái nhẫn này tui đeo hơn một năm trời cũng trên cái bàn tay trái này), chàng cứ muốn nắm bàn tay phải để xỏ nhẫn vô. Như người khác thì đã kêu lên, “Lộn tay rồi”, hay là “Tay trái. Tay trái,” hoặc lên hai câu vọng cổ:

Khoan, khoan, chàng ơi, hãy dừng tay lại,
Xin đừng xỏ vô ngón đó
Mà hãy xỏ vô ngón này!

Tuy nhiên, vì sợ nói ra thì có vẻ mất trang nghiêm, thêm phần làng trên xóm dưới sẽ biết được, tui cứ ráng đặt bàn tay trái lên bàn tay phải, hy vọng chàng hiểu ý mà xỏ nhẫn vô. Vậy mà tay này chưa chạm tay kia thì chàng lại đẩy tay tui ra, cứ nhất định muốn xỏ nhẫn vào ngón tay trên bàn tay phải! Cứ như thế, hai đứa cứ gạt qua gạt lại tới hai lần. Không biết ai nhắc mà tự dưng chàng mới ý thức được cái hành động “sai trái” của mình nãy giờ! Tội nghiệp, gương mặt chàng của tui lúc bình thường đã hơi hường hường, bữa đó đỏ như cổ con gà tây! Thằng con tui chọc là tại vì đây là lần đầu chàng đeo nhẫn cho cô dâu cho nên mới ra nông nỗi.

Sau cùng thì hai đứa cũng trao nhau lời thề hứa đầu bạc hơn và răng long hơn. Quan khách lục tục kéo tới nhà hàng để ăn trưa. Trời mưa tầm tã. Ngay cửa đi vào nhà hàng Liko Lehua ngập nước. Chàng phải dời xe đi chỗ khác để có chỗ khô ráo hơn cho “cô dâu” vô nhà hàng. Nhà hàng mới khai trương. Hai đứa có ăn trưa hồi tiệm chỉ là một cái lỗ trong tường. Khi biết được nơi mới mở khang trang, rộng rãi, có nhiều chỗ đậu xe, chàng của tui rủ ghé qua coi địa điểm và mướn một phòng riêng cho tiệc cưới của mình. Nói tiệc cưới cho sang. Quan khách cộng với cô dâu chú rể chỉ có 13 người. Bữa đó, tui ló cái đầu vô coi thì thấy chổng chơ có ba cái bàn vuông và một lọ hoa cao mầu xanh dương không có tới một cành hoa. Trên tường chưa treo tranh ảnh gì. Bức tranh duy nhất trong phòng vẫn còn dựa vô tường, dưới đất.

Sau khi đồng ý mướn cái phòng này để mời khách ăn trưa, tui không biết sẽ trang trí ra sao. Tui đi về mà đầu óc nghĩ lung lắm. Chàng hỏi có muốn nhà hàng đặt khăn ăn với khăn trải bàn? Tui nghĩ đã tính làm giản tiện mà bây giờ lại bàn tới việc khăn ăn với khăn bàn bằng linen! Tui nói không cần và còn bạo dạn khoe là sẽ lo phần cắm hoa và trang trí. Nói thì hay chứ tui chưa biết sẽ cắm hoa hay làm đẹp bàn tiệc ra sao. Từ hồi nào tới giờ ai nhờ tui cắm hoa thì những bó hoa trở thành bó rau. Tui nghĩ bụng sẽ cắm hoa thử. Đám cưới mình chứ của ai đâu mà lo. Nếu hoa mà coi như rau thì cũng là chuyện hiếm có trên đời!

Thấy chung quanh khu vườn Ken có ba bụi hoa lan mầu cam nhụy đỏ nở rộ, anthurium mọc dưới gốc cây hapuu, ổi dại dọc con đường làng Kaieie, Star of India, lá hai mầu trắng xanh trước sân nhà hàng xóm, hoa ngò như những cánh hoa cúc trắng tí hon trong mảnh vườn tí hon của hai đứa. Tui nghĩ thầm sẽ dùng cây nhà lá vườn thử cắm ba bình hoa. Tình cờ làm sao, mầu cam của hoa lan, mầu đỏ của anthuriums, mầu vàng và xanh của ổi, mầu trắng và xanh lá cây của Star of India và màu trắng của hoa ngò hợp lại thành một chậu hoa thật lạ mắt, và lại tiệp với mầu xanh, cam, vàng, đỏ của những tấm khăn choàng cổ.

Những vòng hoa trên cổ quan khách gồm có nụ bông Bụt mầu cam cho nam giới, hoa lan trắng được phủ một lớp mầu hồng nhạt dành cho nữ giới. Các nhân viên nhà hàng hít hà vì mùi hoa tuberose và puakenikeni từ hai vòng hoa của cô dâu toả ra, thơm phứt cả phòng tiệc.

Lễ Giao và tiệc cưới đơn giản trong một căn phòng cuả nhà hàng Liko Lehua ấm cúng với hoa lá từ vườn chủ nhà, khăn bàn từ những khăn quàng cổ, qùa của một cô em. Dù biết rằng những người thân yêu không thể sang chung vui được, các bạn mới ở trên con đường làng Kaieie, và hai người thân bay sang từ đất liền để chung vui đã làm ấm trái tim của đôi tân hôn.

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét