Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai (Phần 6)


Di Tích Gốm Sứ Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai-Biên Hòa: 

Ngày nay, dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai cũng như dưới lòng sông, thỉnh thoảng các ngư phủ trên sông vẫn thường hay bắt gặp những di vật gốm sứ, nhiều nhất là dụng cụ để nấu nướng và ăn uống như nồi, nêu, tô, chén, dĩa... tất cả đều được làm bằng đất nung, hay gốm có màu nâu đỏ, xám và xám đen. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm thấy nhiều dụng cụ dùng trong sinh hoạt hằng ngày như các loại đèn gốm, bình vôi, ống nhổ, ấm trà, bát nhang, lọ, chai, chậu, vân vân. Tất cả đều có men màu trắng, màu lam, màu nâu, hay màu xanh ngọc. Đây có thể là những đồ dùng của người Hoa đến đây khai khẩn vào thế kỷ thứ XVII, vì chúng được chế tác khá tinh vi, chứ không phải bằng đất nung, dày, thô và nặng như các loại gốm sứ cổ có phong thái văn hóa Óc Eo.

Ngoài những di vật khảo cổ về gốm sứ ở Đồng Nai-Biên Hòa có niên đại từ trước thời Óc Eo, ngay thời Óc Eo và sau thời Óc Eo ra, không ai biết truyền thống gốm sứ thời cận đại ở vùng Đồng Nai-Biên Hòa có từ thời nào, nhưng có lẽ từ cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi vùng Cây Mai (Sài Gòn) bị đô thị hóa với những công trình xây cất lớn thì các lò gốm tại đó đã lần lượt chuyển tới các vùng Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, vân vân. Ngày nay, gốm sứ Biên Hòa đã rất nổi tiếng trên khắp Nam Kỳ. Đặc trưng của gốm sứ Biên Hòa là sự kết hợp giữa phong cách Việt Nam và Trung Hoa. Tuy nhiên, gốm sứ Biên Hòa nặng phần trang trí hoa văn quanh sản phẩm với những nét vẽ chìm hoặc trổ thủng, rồi sau đó tô men lên. Đa số sản phẩm gốm sứ Biên Hòa bao gồm đèn lồng, dĩa, tượng voi, bình, lư, hũ, chai, lọ, chóe(48), đôn(49) có hình voi, tượng voi, tượng lân, và tượng người, vân vân. Về phía Tây Nam của thành phố Biên Hòa, sát bên bờ sông Đồng Nai là phường Bửu Long nằm đối diện với huyện Tân Uyên bên tỉnh Bình Dương. Trước đây, Bửu Long có một làng gốm sứ nằm kế ngay Đò Trạm(50), từ đây theo đường sông cách cù lao Rùa khoảng 800 mét. Làng gốm Bửu Long xưa nay nổi tiếng là nơi sản xuất ra những đồ gốm bằng đất nung rất nổi tiếng. Tại phường Bửu Long cũng có một ngôi chùa mang tên Bửu Long, người ta không biết chùa được xây dựng vào năm nào, nhưng có thể đã được xây dựng từ sau khi công nữ Ngọc Vạn kêu gọi người Việt Nam đến đất Đồng Nai khai hoang lập ấp, nghĩa là sau năm 1620.

Trong ‘Biên Hòa Sử lược Toàn Biên’, ông Lương văn Lựu có viết về việc tướng Trần Thượng Xuyên đã cho tu sửa lại ngôi chùa nầy và thỉnh sư Hoàng Long về trụ trì vào năm 1679. Như vậy chùa Bửu Long phải được xây trước năm 1679. Điểm đặc biệt là cư dân trong làng gốm Bửu Long vừa sản xuất đồ gốm sứ, vừa làm ruộng. Đất làm gốm ở đây được lấy từ chân núi Bửu Long(51), đây là loại đất sét vàng, pha lẫn đất sét trắng, có độ dính cao. Chính vì thế mà sau khi nung xong, gốm sứ Bửu Long có màu rất đẹp, đỏ tươi hoặc đỏ gạch hay đỏ hồng. Ngày nay làng gốm Bửu Long vẫn còn hoạt động, nhưng từ khi người ta bắt đầu sử dụng bếp gas hay dầu lửa, thì các lò gốm ở đây không còn sản xuất cà ràng, khuôn đúc bánh và nồi nhiều như trước đây nữa, nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất tô, chén, dĩa, chậu trồng bông. Tuy nhiên, ngày nay trong phường Bửu Long chỉ còn khoảng 10 gia đình sống với nghề gốm sứ. Như vậy làng gốm sứ Bửu Long đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự cạnh tranh của nhiều làng gốm khác cũng như nhu cầu đồ gốm sứ trong sinh hoạt hàng ngày càng ít đi. 

Biên Hòa Qua Các Thời Đại: 

Biên Hòa là vùng giao tiếp giữa phía Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần nên tuy có địa hình bằng phẳng của miền Nam, nhưng phía Bắc Biên Hòa hãy còn nhiều ngọn đồi thấp và có xu hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam, như các ngọn núi giữa Lâm Đồng và vùng Tân Phú, cao từ 200 đến 800 mét, cũng như những ngọn núi mồ côi (núi đứng chơ vơ một mình) trong vùng Định Quán và Xuân Lộc. So với các vùng khác của miền Nam thì địa thế của Biên Hòa có phần hiểm trở hơn nhiều, nên khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì họ đã chia đi cắt lại phần đất của tỉnh Biên Hòa nhiều lần. Ngay sau khi lấn chiếm Biên Hòa vào năm 1862, người Pháp đã chia Biên Hòa ra làm nhiều hạt nhỏ và kiểm soát rất gắt gao nên các toán nghĩa binh khó lòng hoạt động được. Cuối cùng, họ cắt tỉnh Biên Hòa của Nam Triều ra làm 3 để thành lập các tỉnh mới là Biên Hòa(52), Thủ Dầu Một và Bà Rịa để dễ bề kiểm soát và cai trị. Theo La Cochinchine được chính quyền thuộc địa biên soạn năm 1890, về vị trí thời đó Biên Hòa Bắc giáp với Cao Miên, Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, Tây giáp Thủ Dầu Một, và Đông giáp Bình Tuy. Lúc đó dân số Biên Hòa là 132.000, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa và người Khmer. Tỉnh lỵ Biên Hòa nằm trên tả ngạn sông Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Biên Hòa là một vùng đất cao so với các vùng khác của Nam Kỳ Lục Tỉnh, nên ngay từ thời các Chúa Nguyễn, Biên Hòa đã có một hệ thống đường bộ đáng kể ở miền Nam. 

Cầu Ghềnh

Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ xây dựng đường xe lửa xuyên Việt chạy ngang qua Biên Hòa trên một tuyến đường dài hơn 100 cây số. Cách Biên Hòa khoảng 35 cây số có thác Trị An, dưới thời chánh quyền VNCH đã xây đập thủy điện, vừa dẫn thủy vừa cung cấp điện cho miền Đông Nam Kỳ. Hiện tại Biên Hòa có nhiều nhà máy dệt, nhà máy cưa gỗ, xưởng cất rượu và làm đường. Nhờ số lượng cao su vượt trội nên những năm gần đây Biên Hòa đứng đầu miền Nam về kỹ nghệ đồ gia dụng bằng cao su. Với số lượng đất đỏ vô tận đã đưa Biên Hòa lên hàng đầu trong việc sản xuất gạch ngói, đồ gốm, đồ sứ cho toàn miền. Và với số lượng đá hoa cương rất tốt (granite) trong vùng núi Chứa Chan, Biên Hòa cũng đứng đầu về ngành khắc đẽo tượng đá. 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Biên Hòa là một trong những thành phố lớn ở miền Nam. Chính quyền đã xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, vừa tạo ra nguồn điện, vừa điều hòa lưu lượng nước về tưới tẩm cho hầu hết những vùng đất miền Đông. Có thể nói vùng Biên Hòa là cái nôi của cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, vì trong suốt thời Nam tiến, mọi sinh hoạt chính trị và văn hóa quan trọng đều diễn ra tại vùng này. Vì là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất của miền Nam với những di chỉ khảo cổ Ốc Eo ở Định Quán, cũng như dấu tích văn minh cách nay trên 1.300 năm của dân tộc Phù Nam ở Cát Tiên. Sau đó có nhiều dân tộc khác di dân đến vùng Biên Hòa sinh sống như người Stieng, người Chơ Ro, người Khmer, người Mạ, người Chàm, rồi đến người Việt, người Hoa... nên truyền thống văn hóa dân gian của vùng này rất phong phú, đặc biệt là truyền thống của các dân tộc thiểu số như lối hát Tam Pót của người Mạ ở Định Quán. Bên cạnh đó, Biên Hòa còn là quê hương của những loại nhạc cụ dân gian thật độc đáo như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiêng đồng, thanh la, kèn bầu, kèn môi... Vào đầu năm 1955, Biên Hòa hãy còn là một trong những tỉnh lớn nhất của Nam Bộ thời đó. Về địa giới của tỉnh Biên Hòa năm 1955 bao gồm các vùng Biên Hòa, Bình Dương (trừ quận Phú Hòa thuộc tỉnh Gia Định), Bình Long, Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy và quận Thủ Đức(53).

Về tôn giáo, đa số theo đạo Phật, còn lại một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi, Cao Đài và Hòa Hảo. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 1A (Cà Mau-Hà Nội) chạy ngang qua Biên Hòa. Ngoài ra, liên tỉnh lộ 51 Biên Hòa đi Long Thành, đến Ngã Ba Nhơn Trạch rồi ra Bà Rịa-Vũng Tàu; giữa Trảng Bom và thị xã Long Khánh (Xuân Lộc) đi về hướng Đông Bắc là tỉnh lộ 20 đến Định Quán và Tân Phú, đi về hướng Tây Nam là tỉnh lộ 763 đi Long Thành; từ thị xã Long Khánh có tỉnh lộ 56 đi ngang khu cổ mộ Hàng Gòn đến Cẩm Mỹ. Từ Long Thành có tỉnh lộ 770 đi Cẩm Mỹ. Đường xe lửa Sài Gòn Hà Nội chạy song song với quốc lộ 1A đi ngang qua Biên Hòa. 

Tỉnh Đồng Nai Sau Năm 1975: 

Sau năm 1975, địa phận tỉnh Biên Hòa đã trải qua nhiều lần sáp nhập và chia cắt, nhưng rồi đến năm 1996, chánh quyền mới lại cho sáp nhập vùng Long Khánh và Định Quán với thành phố Biên Hòa để thành lập tỉnh Đồng Nai với diện tích 5.904 cây số vuông, chiếm 25,5 phần trăm diện tích miền Đông, tương đương với 1,76 phần trăm diện tích toàn quốc. Như vậy tính đến năm 1996, địa bàn tỉnh Biên Hòa hồi Nam Kỳ Lục Tỉnh bị chia chẻ ra làm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu và quận Thủ Đức (bây giờ quận Thủ Đức cũ lại được chia làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9). Về vị trí, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (hai tỉnh Bình Long và Phước Long sáp nhập lại), phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, và phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Hiện tại tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các quận Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom.
Dân số toàn tỉnh khoảng 2.483.211 người(54), mật độ trung bình khoảng 387 người trên một cây số vuông. Đa số cư dân tỉnh Đồng Nai là người Việt, chiếm khoảng 85 phần trăm; khoảng 5 phần trăm là người Hoa; số còn lại là các dân tộc thiểu số khác như người Stieng, người Mạ, người Khmer, người Chàm...Hiện tại, Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển kinh tế mạnh nhất tại miền Đông Nam Kỳ, với hệ thống giao thông thuận tiện vì có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, và đường xe lửa Xuyên Việt (Bắc Nam). Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn nằm gần vùng cảng Sài Gòn và phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất nên việc giao thông giữa Đồng Nai và các vùng khác rất thuận tiện về mọi mặt. Năm 2008, chánh phủ cho khởi công xây dựng phi trường Long Thành với qui mô quốc tế để có thể đón nhận từ 80 đến 100 triệu lượt khách mỗi năm. Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam với những điều kiện giao thông thuận tiện về cả đường bộ, đường thủy, đường xe lửa, lẫn đường hàng không.
Trong tương lai, các tuyến đường cao tốc nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn-Đà Lạt sẽ chạy ngang qua địa phận tỉnh Đồng Nai(55). Ngoài ra, chánh quyền sẽ xây dựng thêm những tuyến đường cao tốc khác như tuyến Long Thành-Cẩm Mỹ-Xuân Lộc, và tuyến Bến Lức-Nhơn Trạch-Long Thành, vân vân. Hiện nay các nước trong khu vực Đông Nam Á đang dự trù thiết lập hệ thống hỏa xa nối liền Tân Gia Ba và Côn Minh, thộc tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc, trong đó sẽ có ít nhất 50 cây số đường rầy chạy ngang qua tỉnh Đồng Nai trên tuyến đường nầy. 

Riêng với hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh Đồng Nai có 5 tuyến chính, đó là quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51, và quốc lộ 56, với tổng chiều dài trên 244 cây số. Hiện tại, Đồng Nai có khoảng 20 tuyến đường tỉnh lộ như các tỉnh lộ 761, 764, 766, và 769, vân vân, với khoảng 75 phần trăm đã được tráng nhựa, với tổng số chiều dài khoảng 370 cây số. Số còn lại là đường đá đỏ hay rải đất hầm. Tại các huyện hiện có tổng cộng trên 250 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 3.835 cây số, trong đó khoảng 60 phần trăm đã được tráng nhựa. Về đường thủy, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều sông ngòi, đặc biệt là các sông Đồng Nai, La Ngà, Nhà Bè, Lòng Tàu, và Thị Vải. Nhờ vậy mà giao thông đường thủy của tỉnh Đồng Nai rất thuận tiện.

Hiện tại, trên sông Đồng Nai có các cảng Đồng Nai, cảng SCTGAS-VN, cảng VTGAS, cảng Phú Hữu II(56) dành cho tàu có trọng tải 20 ngàn tấn , cảng Tam Phước. Trên sông Nhà Bè có các cảng gỗ Phú Đông cho tàu 25 ngàn tấn, cảng xăng dầu Phước Khánh cho tàu 25 ngàn tấn, cảng nhà máy đóng tàu 76 dùng sửa chữa tàu 50 ngàn tấn, cảng tổng hợp Phú Hữu I cho tàu 20 ngàn tấn, cảng cụm xây dựng công nghiệp Nhơn Trạch(57) cho tàu 20 ngàn tấn, cảng dầu nhớt Trâm Anh, cảng gỗ Vikowochimex, cảng sắt thép Sun Steel. Trên sông Thị Vải có các cảng như cảng tổng hợp Phước An, cảng Phước Thái, cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu B, cảng Long Thành, vân vân. Hiện nay, về giao thông đường sắt, trên tuyến đường xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua Đồng Nai, từ nhà ga Trảng Bom xuống khu vực ga Biên Hòa đài khoảng 19 cây số, sẽ được xây dựng thêm tuyến đường sắt đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong địa phận tỉnh Đồng Nai có khoảng 88 cây số đường sắt chạy qua các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Chánh, Gia Ray và Trảng Táo. Còn về giao thông đường hàng không, hiện tại tỉnh Đồng Nai có hai phi trường lớn, đó là phi trường Biên Hòa và phi trường Long Thành. Riêng phi trường Long Thành(58) được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa như một phi trường quân sự, và được chánh quyền mới dự tính xây dựng lại thành phi cảng quốc tế, chỉ cách phi trường Biên Hòa có 32 cây số và cách phi trường Tân Sơn Nhứt khoảng 43 cây số mà thôi.

 

Chú Thích: 


(1) Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí thì vào khoảng năm 1658, vùng biên trấn của xứ Đàng Trong hay Nam Hà là vùng Phú Yên, chứ chưa phải là Biên Hòa. Chính vì thế mà quân của các dinh từ Bình Khang, thuộc Nha Trang, phải đi đến 2 tuần lễ mới tới được Bà Rịa. Kỳ thật ngay từ năm 1471, sau khi đánh hạ kinh đô Trà Bàn, giết chết 4 vạn lính Champa, đồng thời bắt sống vua Trà Toàn cùng 3 vạn tù binh. Lúc nầy vua Lê Thánh Tông đã lấy đến các vùng Chiêm Động, Cỗ Lũy, và Trà Bàn. Nhà vua đặt tên cho các vùng mới nầy là thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa, tức các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ngày nay. Theo các bô lão địa phương Phú Yên kể lại thì lúc đó vua Lê Thánh Tông có lên núi Đá Đen, tức 
Đồng Trụ Sơn và khắc lên đó hai câu thơ và ba chữ “Thạch Bi Sơn”. Dầu trải qua bảy tám thế kỷ nay, những câu thơ trên núi Thạch Bi của vua Lê Thánh Tông không còn nữa, nhưng cái tên núi 
“Thạch Bi” hay núi “Đá Bia” vẫn còn được dân chúng địa phương gọi cho đến ngày nay. Như vậy, vua Lê của Đại Việt đã đến núi Đá Bia vào khoảng năm 1471, nhưng sau khi chiếm xong, Đại Việt không thiết lập bộ máy hành chánh, mà mãi đến năm 1611, do quân Champa hay mang quân lên đánh phá xứ Đàng Trong nên chúa Nguyễn Hoàng mới sai tướng đem quân đánh lấy lại vùng đất nầy và đặt làm phủ Phú Yên. 
(2) Theo sử nước Cao Miên, ngôi vương có 3 cấp: Chính vương, Nhị vương và Tam vương. Thời đó, Nặc Sô (Neak Sor) làm Chính vương, em là Nặc Tân làm Nhị vương, con trưởng của Nặc Sô là Nặc Xá Phủ Tâm không được làm vua, y bèn giết cha rồi tự lên ngôi. Nặc Tân cùng người em là Nặc Nộn chạy sang Nam Hà. Sau đó, Nặc Xá Phủ Tâm bị vợ giết chết, con là Nặc Chi lên kế vị. Năm 1674, quan quân Nam Hà tiến đánh, Nặc Chi bỏ chạy rồi chết, quan quân Nam Hà bèn đưa Nặc Tân và Nặc Nộn về Cao Miên. Con trai thứ của Nặc Sô là Nặc Thu (Nặc Su) xin hàng trong khi Nặc Tân bị bệnh qua đời, nên triều đình Nam Hà cho lập Nặc Thu làm Chính vương, còn Nặc Nộn làm Nhị vương. Trong Cao Miên Sử không thấy ghi Nặc Ong Đài, mà sự ghi chép những biến cố xảy ra cũng hơi khác với tài liệu của triều đình Nam Hà. 
(3) Sự kiện thứ nhất là việc công nữ Ngọc Vạn, con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đi về phương Nam làm hoàng hậu xứ Chùa Tháp vào năm 1620; và sự kiện thứ hai là việc chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm quan kinh lược tại vùng đất phương Nam vào năm 1698. 
(4) Vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay. 
(5) Tại Việt Nam, các bộ tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer như bộ tộc Mạ còn khoảng 25 ngàn người, bộ tộc Cho Ro còn khoảng 15 ngàn người, bộ tộc Stiêng còn khoảng 50 ngàn người. Tuy nhiên, tại miền đông Nam Phần, các bộ tộc nầy hiện nay còn khoảng 40 ngàn người. 
(6) Tại Việt Nam, bộ tộc M’Nông còn khoảng 92 ngàn người. Tuy nhiên, tại miền đông Nam Phần, các bộ tộc nầy hiện nay còn khoảng 46 ngàn người tại các vùng Đắc Nông, Lâm Đồng và Bình Phước. 
(7) Núi mồ côi là ngọn núi nằm đơn độc giữa vùng đồng bằng. 
(8) Nay là 2 vùng Bình Long và Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước. 
(9) Khu vực nầy chiếm khoảng 41,9 phần trăm diện tích toàn vùng. 
Thượng Xuyên cất lại bằng ngói. Từ sau đời quan kinh lược sứ Nguyễn hữu Cảnh đến đây vào năm 1698 được trùng tu lại. Đến năm 1829 lại được một nhóm Phật tử trùng tu theo kiến trúc Trung Hoa. Từ năm 1964 đến nay, chùa được giao cho phái Lục Hòa Tăng trụ trì. 
(45) Tướng Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình và Trấn thủ Quảng Tây là Dương Ngạn Địch đã đem 50 chiến thuyền cùng 3.000 quân vào khai phá vùng đất Thủy Chân Lạp vào năm 1679. Trần Thượng Xuyên thì đi ngược cửa Xoài Rạp lên khai phá vùng Đồng Nai, còn Dương Ngạn Địch thì ngược dòng sông Tiền lên khai phá vùng Mỹ Tho ngày nay. 
(46) Những chiếc trống đồng nầy được tìm thấy tại vùng Bưng Sình-Phú Chánh, tỉnh Bình Dương, đều có phong cách văn hóa Đông Sơn. 
(47) Theo kết quả của các cuộc khai quật những mộ chum trong vùng Cần Giờ, trong khoảng từ 2.000 đến 2.500 trước đây, Cần Giờ đã từng là một cảng thị chính của cộng đồng cư dân cổ tại đây. Họ đã phát triển thương mại qua đường sông và đường biển với nhiều khu vực khác nhau từ các vùng Sa Huỳnh ở Bình Định, đến các đảo bên Philippines, Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, vân vân. 
(48) Chóe là loại bình chứa xưa, có màu men đen dùng để đựng rượu. 
(49) Đôn là một loại ghế ngồi xưa, không có chỗ dựa. 
(50) Ngày nay Đò Trạm cũng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. 
(51) Công đoạn sàn lọc đất của làng gốm Bửu Long rất công phu. Loại đất mới lấy lên từ chân núi Bửu Long là loại đất tạp với nhiều thành phần như sỏi đỏ, đất trắng, đất xám, và cát mịn... Sau khi mang đất sét về, người ta phải phơi khô, dùng vồ đập cho đất mịn ra, rồi sàn lọc để lấy phần đất mịn. 

(52) Tỉnh Biên Hòa của Nam Triều bị thực dân Pháp cắt ra làm ba tỉnh mới, đó là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Tỉnh Biên Hòa mới gồm 10 tổng người Việt là Chánh Mỹ Thượng, Chánh Mỹ Hạ, Chánh Mỹ Trung, Long Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Hạ, Phước Vĩnh Trung, Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ, và Bình Lâm Thượng. 5 tổng người Thượng là An Viễn, Bình Tuy, Phước Thành, Tập Phước, và Thuận Lợi. 2 tổng người Miên là Bình Cách và Tân Thuận. 
(53) Theo số liệu niên giám thống kê của VNCH năm 1970, tỉnh Biên Hòa đầu thời VNCH bao gồm các tỉnh Biên Hòa (diện tích 1.891 cây số vuông, với 6 quận, 70 xã, 475.735 dân), tỉnh Bình Dương, trừ quận Phú Hòa của Gia Định (diện tích 1.794 cây số vuông, với 5 quận, 45 xã, 238.103 dân), tỉnh Bình Long (diện tích 2.240 cây số vuông, với 3 quận, 29 xã, 76.721 dân), tỉnh Phước Long (diện tích 5.299 cây số vuông, với 4 quận, 18 xã, 41.773 dân), tỉnh Long Khánh (diện tích 4.400 cây số vuông, với 3 quận, 19 xã, 157.695 dân), tỉnh Phước Tuy (diện tích 1.927 cây số vuông, với 5 quận, 29 xã, 120.531 dân), và quận Thủ Đức (diện tích 200 cây số vuông, với 1 quận, 15 xã, 151.003 dân). Như vậy toàn tỉnh Biên Hòa hồi đầu đệ nhất Cộng Hòa có tổng diện tích là 17.751 cây số vuông, với 27 quận, 225 xã, 1.223.965 dân. 
(54) Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, tỉnh Đồng Nai gồm có thành phố Biên Hòa và thị xã Long Khánh cùng 9 huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, và Xuân Lộc. Thành phố Biên Hòa có diện tích gần 154,7 cây số vuông và dân số 526.100 người (mật độ trung bình khoảng 3.401 người trên một cây số vuông). Thị xã Long Khánh có diện tích hơn 194 cây số vuông và dân số 164.000 người (mật độ trung bình khoảng 845 người trên một cây số vuông). Huyện Định Quán có diện tích hơn 966 cây số vuông và dân số 214.300 người (mật độ trung bình khoảng 222 người trên một cây số vuông). Huyện Long Thành có diện tích hơn 535 cây số vuông và dân số 204.800 người (mật độ trung bình khoảng 383 người trên một cây số vuông). Huyện Nhơn Trạch có diện tích hơn 410 cây số vuông và dân số 116.200 người (mật độ trung bình khoảng 283 người trên một cây số vuông). Huyện Tân Phú có diện tích hơn 774 cây số vuông và dân số 164.200 người (mật độ trung bình khoảng 212 người trên một cây số vuông). Huyện Thống Nhất có diện tích hơn 247 cây số vuông và dân số 146.100 người (mật độ trung bình khoảng 591 người trên một cây số vuông). Huyện Vĩnh Cửu có diện tích hơn 1.092 cây số vuông và dân số 106.100 người (mật độ trung bình khoảng 97 người trên một cây số vuông). Huyện Xuân Lộc có diện tích hơn 727 cây số vuông và dân số 207.800 
người (mật độ trung bình khoảng 286 người trên một cây số vuông). Huyện Trảng Bom có diện tích hơn 326 cây số vuông và dân số 192.600 người (mật độ trung bình khoảng 591 người trên một cây số vuông). Huyện Cẩm Mỹ có diện tích hơn 468 cây số vuông và dân số 149.800 người (mật độ trung bình khoảng 320 người trên một cây số vuông). 
(55) Tuyến đường nầy nối liền Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây-Đà Lạt. 
(56) Khu vực đối diện cảng Cát Lái của Sài Gòn. 
(57) Thuộc khu công nghiệp Ông Kèo. 
(58) Chỉ riêng kinh phí xây dựng phi cảng quốc tế Long Thành đã vào khoảng 6,6 tỉ Mỹ kim. Như vậy có thật sự cần thiết phải xây dựng 3 phi cảng quốc tế nằm san sát nhau như thế hay không?

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét