Mỗi buổi trưa, chị đội xây bánh đi từ nhà ở
bên đây cây cầu Bà Điều đến đầu xóm Đập và ghé vào quán cà phê nằm
trên đường Nguyễn Trường Tộ để
bán những chiếc bánh da lợn thơm phứt chị mới làm xong còn nóng hổi.
Màu xanh lá dứa, màu tím lá cẩm, màu vàng
của nhân đậu xanh trông rất đẹp mắt và nhất là hương thơm ngào ngạt đã
tạo thêm phần hấp dẫn đến những khách hàng trong quán cà phê.
Đa số khách buổi trưa của quán là công nhân của
nhà in Long Hồ, một số người quen lối xóm, vài người thầy giáo và mấy
anh học trò của trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ. Khách thường đến quán để uống một ly cà
phê xây chừng, xây nại, bạc tẩy xỉu phé hay nước chanh …. trước khi bắt đầu vào công việc buổi
trưa của mình.
Xây bánh quá mời mọc nên khách không thể không
mua dùm chị một hai chiếc bánh đã được
cắt sẵn có hình thoi hay hình tam giác xinh xinh. Vừa ăn và uống cà phê thì thật là
tuyệt vời. Thỉnh thoảng mấy chị em
tôi cũng len lén mua ăn vì sợ má rầy là hay ăn vặt.
Chị rảo bước một vòng trong quán, khi không còn
ai mua nữa thì chị tiếp tục đi bán dạo dọc theo hai bên đường từ chân
cầu Cái Cá lên đến bến xe Vĩnh Long - Cần Thơ (Bến xe nằm một bên góc đường của trụ thần Phan Thanh Giản, trụ
thần đặt giữa trung tâm của Ngã Ba Cần Thơ). Dẫu cho trời nắng gắt hay mưa dầm, ngày
qua ngày của chị là thế.
Từ lúc tôi rời nhà để lên Sài Gòn học và đi định
cư ở hải ngoại thì tôi không còn
gặp chị nữa. Nhiều lần tôi cảm
thấy thèm được ăn những chiếc bánh da lợn có hương vị, màu sắc tự
nhiên của lá dứa, lá cẩm và đặc biệt là khi bánh “mới vừa ra lò”. Mỗi lần nhắc đến, tôi lại nhớ đến chị:
Hình ảnh của người con gái ở chợ
thành, da dẻ hơi ngâm đen, chị không thoan thả lắm, nhưng lại đẹp người
trong những chiếc áo bà ba màu sắc hồng nhạt, xanh lam, tím lá sen … được
ủi phẳng phiu, chiếc nón lá quai vải được thay đổi cùng với màu áo
chị mặc mỗi ngày, đầu đội xây bánh phủ bằng một lớp vải the trắng
để che bụi. Trông chị rất là mộc
mạc, mượt mà như một cô gái ở miệt vườn quê.
***
Tôi về Việt Nam vào mùa thu năm 2014 để thăm gia
đình. Vào một buổi trưa, tôi cùng cô cháu đi xuống thương xá Vĩnh Long;
chúng tôi ghé sạp giày dép ở tầng dưới của thương xá, cô cháu lo lựa
giày dép ở bên trong, còn tôi thì đứng quay quẩn bên ngoài để chờ. Thình lình, tôi được mời mua vé số từ một
người phụ nữ nhỏ người, gầy gò, nhìn rất là tiều tụy trong chiếc
áo bà ba úa màu, khoác thêm bên ngoài một chiếc áo sơ mi sọc dài tay
cũ kỹ, đội chiếc nón lá hơi lụp xụp và đã bị sờn. Tôi từ chối
không mua, nhưng cứ bị nài nỉ mãi. Bỗng
sao tôi nhận thấy chị ấy có gương mặt hơi quen quen, tôi bèn hỏi: “Có
phải nhà chị ở cầu Bà Điều không?” Chị trả lời: “Dạ phải
và tui tên là Sen”. Tôi biết chắc là chị rồi, nhưng tôi lại hỏi
tiếp: “Chị là chị Sen mà ngày xưa chị bán bánh da lợn và mỗi ngày ghé
bán ở quán cà phê nhà em ở phía bên đây cây cầu Cái Cá?” Chị bảo: “Dạ phải”. Tôi nói với
chị: “Em là Mai Nhỏ ở quán cà phê
dạo ấy đây chị”.
Chị và tôi rất vui mừng sau hơn ba mươi lăm năm mới
gặp lại. Qua vài câu thăm hỏi về
gia cảnh thì tôi được biết là chị không còn ở chỗ cũ, chồng chị bị
tai biến mạch máu não cách đó không lâu nên nằm tại chỗ; chị đưa tôi
xem cườm tay phải của chị bị gãy vì bị tai nạn, tuy đã lành nhưng không
được thẳng như trước nữa. Vì nhà
quá nghèo, đời sống khó khăn, chị không có vốn liếng gì nên phải đi
bán vé số để mưu sinh. Tôi cũng quên hỏi thăm về phần con cái của
chị có hay không và sống ra sao?
Thăm hỏi qua lại xong, trước khi ra về tôi gởi cho
chị một ít tiền và mua dùm chị vài tờ vé số ủng hộ. Chị nắm tay tôi và cám ơn rối rít. Tôi cảm thấy một sự âm ấm nào đó trong
cái nắm tay của chị và tôi, một thứ cảm giác của sự vui buồn lẫn
lộn.
Trước khi rời khỏi sạp giày dép, tôi nhìn chị
đi hướng ngược lại và tiếp tục mời những người khách khác mua vé
số. Lòng tôi thật bùi ngùi, rưng
rưng và ngậm ngùi cho số phận “Chị Sen – Bán Bánh Da Lợn” của
ngày nào.
Khúc Giang
Ngày 1,Tháng Giêng, Năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét