Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Chân Chèo Bối Rối


(Mượn ý thơ chị Ngọc Hương)

Mái tóc cắt tém, khuôn mặt đen nhẻm, hốc hác với dáng người nhỏ thó. Từ đằng sau người ta dễ lầm em là một chàng trai nhỏ bé. Nhìn em rạp người kéo bạt cafe. Tôi xót lòng ghé vai vào phụ kéo, em đẩy ra 
- Thôi chị tránh đi, lôi một tí mặt tái nhợt rồi ngồi đó mà thở ... 
Tôi bật cười - Không thở thì chết à?
Đợi trải xong bạt tôi gọi các em lại uống nước. Em xà lại bên tôi cười cười hỏi .
- Chị có biết năm ngoái vô hái cho chị em ghét chị không? - Biết! 
- Chị có biết em cố tình hất cafe vương vãi cho chị lượm không? - Biết. 
Em tròn mắt - Biết sao chị không la mà năm nay vẫn nhận em làm?
- Vấn đề là chị thấy sự nhiệt tình của em trong công việc, làm có trách nhiệm, chị nghĩ nếu tức giận không kiềm chế được làm tổn thương em, lòng chị có thanh thản không mới là vấn đề. Chị thương chị chứ không thương em.
- Nhưng em thấy chị cũng có vẻ ghét em mà?
- Không ghét cũng không thương, hơi thiếu thiện cảm vì tóc tém, rít thuốc liên tục và chửi thề.
Em cười hì hì - Chị biết hút thuốc và uống rượu không? - Biết nhưng không thích - Ủa sao chị cũng biết?
- Vì ngày xưa khi còn là tình nhân, chị với ông xã hay đi rong mưa rồi chui vô quán cafe, lạnh , anh tập cho chị hút rồi hai đứa hút chung một điếu, thế là biết.
Còn uống rượu là lúc đi dạy làm công tác dân vận nên phải uống rượu Cần với đồng bào rồi quen, vui bạn bè quay ra uống rượu mía, uống cho vui chứ không thích lắm. 

Em hỏi lan man thêm vài chuyện đến lúc vô làm. Tôi đứng dậy đi theo phần việc của mình em gọi vói cười tinh quái - Chị L! - Gì? - Nghe nhạc suông chị có thấy hay không? – Không? - Em cũng vậy! Quen rồi, nơi không có “đệm” em khó chịu lắm. Mấy hôm nay nể chị em kìm giờ chị cho em nói nghe
Tôi nghiêm mặt - Tùy ở em, nhà chị ông xã với mấy cậu con trai đều không nói “đệm” chị nghe không quen, lúc nào em thích nói thì chị tránh đi chỗ khác
Em xịu mặt nhún vai. Có lần thoáng thấy tôi ở hàng café bên cạnh, em chạy qua lạu bạu “Chị coi, ai mà dễ ghét ghê, hái mà chừa lại vài chùm quả ở đầu cành không à !” - Chị hái đó, vì lúc đó hái bói, còn chùm xanh nhiều nên chừa lại.
Em ngúng ngoảy bước, dặm giày bình bịch vất lại câu nói - Chủ vườn mà cái gì cũng không biết, bán đây về PK đi nghe
Tôi vung nắm café trên tay theo lưng em - Kệ tui, tui cứ ở đây cho đến già, đến chết đó
Em khựng lại nhoẻn miệng cười - Vậy em cũng hái cho chị đến già, đến chết
Tôi nhấm nhẳng - Hôm nay biết hôm nay đi.

Về với công việc của mình tôi không thôi nghĩ về em. Hai mươi tuổi học xong Trung cấp lý luận, sẵn có năng khiếu em tham gia luôn theo ngành văn hóa nghệ thuật. Theo phân công của trường đi biểu diễn ở các đồn biên phòng và phong trào ở các buôn làng, cuộc sống khổ cực với những năm giao thời nhưng tươi vui với tuổi trẻ. Em sống hết mình với đam mê đàn hát, rồi lấy chồng, có con. Tính khoáng đạt, kèm theo chút ương bướng không thích nghi được với cuộc sống làm dâu gò bó. Vợ chồng chia tay, em đem con về vùng nông thôn cho gần cha mẹ, xin vào làm biên tập và phát thanh viên của xã. Ngoài giờ thu, phát em làm đủ mọi việc để nuôi con, lúc không còn việc em thu mua phế liệu và đến mùa thì đi hái café công nhật. Gái một con lại xinh xắn, em đấu tranh với những cạm bẫy và cám dỗ vây quanh. Những tiếng gõ cửa đêm, những lời tán tỉnh dung tục. Để bảo vệ mình em phải khoác bộ mặt đanh đá, bặm trợn, lâu dần thành quán tính, em nói năng bừa bãi làm tôi khó chịu nhưng tôi biết trong sâu thẳm em luôn thèm khát sự dịu dàng và chia sẻ. Tôi cảm nhận được tình cảm của em với mình qua những cử chỉ nhẹ nhàng lo lắng cho tôi khi thấy tôi cố làm những việc không hợp sức mình.

Cái dáng người nhỏ bé kia lại chứa một nghị lức quá lớn. Em miệt mài làm cũng xây được căn nhà cấp bốn vừa cho hai mẹ con ở, cũng leo lên lợp tôn, cũng đảo vữa trộn hồ như một thợ xây thành thạo. Không có tiền thuê đào giếng, ban ngày phải mưu sinh, đêm về em tự đào, hai cái bình ắc qui, một trên, một dưới. Cậu con trai mười ba tuổi phụ mẹ kéo đất bằng thùng sơn hai ký, cứ thế đêm đêm mẹ đào con kéo đến nửa đêm, ròng rã ba tháng trời. Cũng đường kính một mét hai, sâu xuống mười ba mét thì gặp nước. Em tự hào và sung sướng không còn phải đi xin từng thùng nước nữa.
Buổi trưa lúc nghỉ ngơi em không ngủ như mọi người mà ngồi lại gần tôi. Em dụi mái tóc ngắn vào vai tôi gọi - Chị L - Gì? - Em bật dậy xoay người lại nhìn tôi chằm chằm - Chị không dịu dàng được với em sao? - Được, nhưng không thích - Tại sao? À! Em hiểu rồi, chị sợ dịu dàng với em, em lại “phun“ ra phải không? Tôi bật cười, em lại dựa đầu vào vai tôi hỏi - Em kể cho chị nghe về em nhiều sao không kể về chị cho em nghe?
- Mọi cái qua rồi, khổ đau, hạnh phúc. Cơn ác mộng của cuộc đời cũng qua, có gì đâu mà kể
- Em không tin, mắt chị nói nhiều lắm, kể sẽ vơi đi mà chị .

Đẩy đầu em ra tôi búng mũi - Tò mò cô bé, chúa đã dạy “Đừng hỏi thì khỏi bị nghe nói dối” - Bộ chị không vui, không buồn gì sao? Khó tin quá 
Sao lại không! Nhưng biết dung hòa nó thì nhẹ nhàng thôi. Ví như chị rất sợ làm tổn thương người khác, vì một lý do không mong muốn lỡ làm ai đó tổn thương chị dằn vặt và ray rứt mãi, nhưng khi biết những ray rứt của mình vô nghĩa bởi ai đó đã hoan hỉ với niềm vui mới, chị lại thấy nhẹ nhàng. Vì cuối cùng họ cũng đã trở thành tầm thường và nhỏ bé trong mắt mình mất rồi. Chị ích kỷ và hẹp hòi thế đó, chỉ muốn mình được vui thôi. Có lần chị đã nói với em câu này chị không nhớ của ai  “Không ai thương mình bằng mình cả, mọi người tìm đến mình vì họ thương chính thân họ đấy thôi”, em nghiệm đi.
Đột nhiên mặt em xịu xuống, buồn tênh. Tôi đã nghe em kể, em đang yêu, chàng là đại úy bộ đội, cố nhân của thời em là cô bé nhỏ nhắn, duyên dáng ôm đàn biểu diễn nơi đồn biên giới. Họ quen nhau rồi vì nhiều lý do đành thất lạc nhau, giờ gặp lại tình yêu sống dậy. Chàng đang có một gia đình hạnh phúc với hai con gái, vợ là giáo viên cấp ba nhưng vẫn buồn vì không có con trai. Chàng mong em sẽ sinh con trai và sẽ bảo bọc mẹ con em suốt đời. Em choáng ngợp trong tình yêu, tin vào lời hứa nhưng còn băn khoăn vì vợ con chàng yêu chàng tha thiết nên em muốn liều.

Tôi đã nhăn mặt nghe em kể và hỏi - Vậy nếu em cũng sinh ra một đứa con gái nữa thì sao, liệu anh ta có bảo bọc em không? Em bây giờ đâu còn là cô bé xinh xắn của ngày xưa nữa. Tại sao phải cúi mặt trước vợ anh ta khi em xứng đáng ngẩng cao đầu tự hào với những điều em đã làm được. Phụ nữ mình quả là có sức chịu đựng mà khi nhìn lại mình cũng giật mình, không ngờ mình đứng vững được trước bão tố cuộc đời. Dù bây giờ cái mơ ước, cái hạnh phúc nhỏ nhoi nhất mình vẫn không thể nắm được vì nó không phải của mình, em tỉnh táo lại đi.
- Em khổ tâm và bối rối lắm chị, nhưng em yêu anh ấy quá, em phải thế nào đây?
- Tùy, chị nói rõ rồi em tự quyết định, còn muốn liều chị không cản “Chúa đã tạo ra sự đau khổ ắt sẽ ban cho sức chịu đựng”
Nói chuyện với chị chán quá, những người như chị sống giả dối lắm, mơ mơ hồ hồ. Yêu không dám nói yêu, tại sao phải tự làm khổ mình, chối từ điều mình mong muốn, em ghét mấy người như chị. Chị có biết lúc nghỉ trưa em hay nhìn lén chị không? Cái mặt chị ác lắm! Tôi cười thích thú - Không ác sao chống chọi với cuộc đời, chả phải vấn đề để chị quan tâm, em cứ nghĩ và nói những gì em thấy
Bực bội em quay ra ôm đàn hát nghêu ngao.

Rồi mùa cũng xong, em bin rịn chia tay, dặn dò băn khoăn - Ở một mình đau ốm gì phải gọi em nghe! - Ừ - Đi đâu xa tê tay không chạy xe được thì gọi em nghe! - Ừ - Em cáu - Cái gì cũng ừ, chị thì lì phải biết, giờ biết chị rồi em cứ thấy không an tâm sao ấy 
Tôi cười đẩy em ra - Tại em rảnh quá mắc gì lo cho chị?
Nhìn dáng em liêu xiêu trong chiều muộn. Lòng dâng lên nỗi thương cảm khôn nguôi …. Ôi em ……phận người.

Hoàng Thị Viễn Du 
23-12-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét