Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta thấy xuất hiện ở Nam Bộ nhiều nhóm tài tử đờn ca. Những tổ chức này ngày càng phát triển và thành Hội cầm ca. Dần dà từ chỗ đờn ca bình thường đến ca ra bộ. Nghĩa là từ chỗ ngồi hát hay ngâm thơ, nhưng vì hứng với nội dung lời ca, người ta đứng dậy vừa ca, vừa ra bộ. Người nghe thích ca ra bộ hơn là ngồi hát.
Ban nhạc tài tử Tư Triều trình diễn ở Mỹ Tho vào đầu thập niên 1910 đã thu hút rất đông khách hâm mộ cầm ca. Trong số đó có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long (tên thật là Tống Hữu Định, từng làm phó tổng đất Vĩnh Long, một tay công tử ăn chơi nổi tiếng thuở đó). Nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán, ô ng nảy ra ý kiến: Người ca đứng trên ván có ra bộ phát sinh từ đó, đâu vào khoảng năm 1915-1916 gì đó.
Đây là hình ảnh của một cô đào ca ra bộ (được Vương Hồng Sển mô tả trong cuốn 50 năm mê hát): cô đào đứng cứng đơ một chỗ, khi ca hát đưa hết tay này đến tay kia ngang ngực như có lò xo thúc đẩy, bộ tịch thì cứng còng, hoặc cô ngồi không cục cựa, nhúc nhích trên bộ ván và tay cũng làm điệu bộ như vậy. Thuở ấy, kiểu ca ra bộ như vậy cũng đủ làm mê mệt bao người.
Trong bài báo nhan đề: Người cha sanh điệu cải lương là ai?, Nguyễn Văn Hanh đã viết báo Nhân Quý, số ra ngày 15-8-1948, xin trích nguyên văn:
“Trong đời ông Tống Hữu Định (thầy phó Mười Hai ở Vĩnh Long) ông đã ăn xài một số tiền lối 500 ngàn đồng (ông đã qua đời có trên mười lăm năm nay). Ông Tống Hữu Định có nhiều bạn khách ăn uống trong nhà, bạn văn thi và bạn âm nhạc, Hết hòa thi lại hòa đờn. Trong tiệc rượu, anh em mà nhất là cô Ba Định, ông quản Phúc (Sở Bách phần) bày ra lối dâng rượu hào ngâm với đờn: Hai tay bưng chén rượu đào. Miệng mời quân tử uống vào cho vui. Rồi tiếp theo điệu tứ đại oán bằng bài “Bùi kiệm”, hòa nhịp với đờn, có điệu bộ:
Kiệm từ khi thi rớt trở về
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề
Quở trách chàng sao ham bề vui chơi
Kiệm thưa: Tài bất thắng thời,
Cái lối chơi này liền tràn ở các tiệc tùng và cuộc vui chơi ở Vĩnh Long, sau khi xuất hiện ở nhà ông Tống Hữu Định”.
Trong bộ sách khảo cứu bằng tiếng Pháp của ông Trần Văn Khê La musique Vietnamienne traditionelle – Les Presses Universitaires de France, 1962, Vương Hồng Sển tra cứu trang 90 về nguôn gốc cải lương, tác giả viết “cô Ba Định ca bài “tứ đại oán”, “Bùi Kiệm thi rớt” tại nhà thầy Phó Mười Hai ở Vũng Liêm vào năm 1918”. Tài liệu này tác giả trích lục báo Pháp La Dépêche d’Indochine số 2739 ngày 21-9-1937. Tác giả bài báo này là của ông Nguyễn Văn Hanh. Theo ông Hanh, lần thứ nhất diễn tuồng hát cải lương tại nhà thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, tiếp đó đi diễn ở Sa Đéc và Vũng Liêm.
Một người khác, theo ông Vương Hồng Sển, cùng lúc tại Vĩnh Long có ông Quờn (hay Hườn) biết chữ Hán nhiều, làm việc ở tòa án. Ông có sở trường đạt lời ca, thịnh hành nhất là bài tứ đại oán, thanh âm đúng điệu, lựa chữ ăn đờn. Ông có ý định sáng chế ra cây đờn kìm sai kêu hơn cây đờn kìm hiện có. Tiếc thay cây đờn ông sáng chế quá kềnh càng, nên không ai dùng.
Cũng Vĩnh Long, thuở ấy ông Phạm Đăng Đàng, là một thầy đờn kỳ cựu. Nhạc cụ của ông là cây đờn độc quyền (đờn bầu). Ông gốc gác ở miền Trung vào cư ngụ tại Càng Long. Sinh được 2 người con trai, ông lấy tên quê hương thứ hai đặt tên con. Một người tên là Càng, một người tên là Long. Một bài ca tứ đại điển hình, đánh dấu bước đầu nghề đờn ca tài tử của ông. Bài Tứ đại này có in trong bộ Thập tài tử xuất bản ngày 15-6-1915 tại nhà in L’union, Sài Gòn. Đây là một trong những tài liệu quý về nguồn gốc nghệ thuật cải lương, bắt đầu từ những bài va sáng tác tại đất Vĩnh Long.
Trần Thanh Phương
Tống Ngọc Nhan sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét