Hà là một cậu học sinh con nhà nghèo được sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nhỏ rất thanh bình thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi nhiều nhánh sông nhỏ chi chít bên cạnh gìòng sông Hậu hiền hòa mà đất phù sa luôn bồi đắp nên đã tạo thành một vùng đất phì nhiêu với không biết bao nhiêu hoa quả thơm ngon như xoài và mận đủ màu đủ loại, bưởi, cam, đặc biệt loại cam sành với lớp cỏ sần sùi không đẹp mắt nhưng chất ngọt rất dễ làm người ăn mê thích. Rồi đến những trái quit mọng nước ngọt ngào làm mát lòng người ăn nhất là vào mùa hè nóng nực. Mảnh đất dịu hiền này đồng thời cũng đã sản sinh ra biết bao cô gái xinh đẹp mỹ miều nổi tiếng miền Đồng Tháp.
Vùng Sa Giang hiền lành này cũng là nơi đào tạo ra nhiều nhân tài xuất chúng cho miền Nam Việt Nam vào những thập niên 40, 50 với những vị có học vấn uyên bác làm hãnh diện cho người dân địa phương mỗi khi nhắc đến một vài vị khoa bảng đã từng một thời giữ chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục hay giữ chức vụ lãnh đạo trong guồng máy chính quyền dân sự hay quân sự đương thời cùng các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của miền Nam Việt-Nam. Hà không nằm trong số đó nhưng cũng là một trong những học sinh xuất sắc trong vùng. Vì là con nhà nghèo nên câu ta đã chuyên tâm cố gắng học để mong sao đạt được những thành quả tốt đẹp cho tương lai. Những cố gắng không ngừng của Hà đã được đền bù xứng đáng khi cậu ta đậu Tiểu học nhất tỉnh, và những thành tựu sáng chói ớ bậc trung học sau này, điều khiến thân phụ mẫu Hà vui mừng khôn xiết và hãnh diện với hàng xóm và những người thân.
Sau bậc tiểu học, ba mẹ Hà nộp đơn xin cho cậu vào trường Trung học Chasseloup Laubat, Sài-Gòn nhưng vận may không mỉm cười với cậu khi hồ sơ xin miễn tuổi (dispense d’âge) cho cậu chỉ được Viện Đại học Đà-Lạt (Recteur de Dalat) chấp thuận sau ngày nhập học hơn một tuần lễ nên cậu mất cơ hội vào học một trường nổi tiếng ở Sài-Gòn cũng như trường Albert Sarraut ở Hà-Nội lúc bấy giờ. Do vậy, cậu xin nhập học trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, nhưng những biến cố về trò Trần Văn Ơn sau đó nên thân phụ Hà xin cho cậu về học Collège de Vĩnh-Long vừa mới mở niên học đầu tiên. Tại nơi này, Hà đã nhận được học bổng toàn niên (bourse entìère) do những cố gắng không ngừng của cậu ta trong học tập và do tình trạng gia đình quá eo hẹp của cậu ta. Học bổng này đã tạo điều kiện cho Hà mua một số sách giáo khoa ở Pháp để việc học sau này được thuận lợi hơn,.
Nơi đây, cậu là một trong vài học sinh nhỏ tuổi nhất lớp nên được xếp vào học chung với các bạn nữ học sinh khiến cậu khóc cả buổi vì bị mắc cở nên cuối cùng Ban Giám Hiệu đánh phải ra đặc ân cho Hà bằng cách chỉ định một nam học sinh khác thay thế, có thể sự lựa chọn này đã khiến cậu đánh mất cơ may được thăng tiến xa hơn nữa vì biết đâu chừng khi học chung với các bạn gái cậu ta sẽ chẳng cố gắng hơn vì sợ bị thua sút bạn bè nhất là phái nữ?
Tháng đầu tiên khi ông Hiệu trưởng đến viếng trường và gọi các học sinh lên xếp hàng theo thứ tự cao thấp thì Hà đã mừng rỡ vô hạn khi được xếp vào hạng cao nhất lớp. Trường Trung học này quy tụ học sinh của cả ba tỉnh Sađéc – Vĩnh-Long và Trà Vinh nên các học sinh đã cố gắng tranh đua học tập hầu đem vinh dự về cho tỉnh nhá. Ngoài việc đạt thành tích học vấn đồng đều về mọi môn học, Hà còn là một học sinh khá giỏi về môn Vẽ nên được giáo sư môn hội họa (danh xưng giáo viên bậc trung học ngày xưa) luôn khen ngợi, ngay cả sau này khi Hà tốt nghiệp bằng Thành Chung (DEPSI) tại trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Collège Le Myre de Villers), vị giáo sư này đã khoe với các giáo sư đồng nghiệp trong Ban Giám khảo đây là học trò ưng ý nhất của ông. Cuối năm học cuối cùng ở bậc Trung học Đệ Nhất Cấp, Hà đã lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường với sự hiện diện của thân phụ cậu.
Niên học kế tiếp, Hà phải qua cuộc thi concours vào lớp Tân Đệ Nhị tại Trường Trung học Phan Thanh Giản/Lycée Phan Thanh Gian, Cần Thơ tuyển lựa vì có nhiều học sịnh ghi danh. Lúc bấy giờ, trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ là một trong ba trường trung học đệ nhị cấp của miền Nam Việt-Nam cùng thời với trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Le Myre de Villers) tại Mỹ-Tho và trường Pétrus Trương Vĩnh Ký tại Sài-Gòn.
Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần-Thơ là nơi hội tụ nhiều học sinh của đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Cần-Thơ, Sóc-Trăng, Bạc-Liêu, Kiên-Giang, An-Giang, Châu-Đốc, Cà-Mau nên sự ganh đua học tập càng diễn ra gay go, quyết liệt hơn.
Hà rất chăm chỉ học hành mong được thành đạt vẻ vang với hy vọng duy nhất xóa bỏ mặc cảm nghèo nàn của gia đình do sự phá sản gây ra. Ngoài việc chăm chú học tập, Hà không quan tâm đến việc gì khác. Nhưng, chữ “nhưng” quái ác này là khúc quanh quan trọng và nghiệt ngã trong quảng đời học sinh của Hà. Nếu năm Tân-Đệ-Nhị (Seconde Moderne) là khoảng thời gian dễ thở thì lớp Tân-Đệ-Nhất (Premìère Moderne) lại là giai đọan cực kỳ khó khăn để thí sinh chuẩn bị thi Tú Tài phần I tại trường Trung học Chasseloup Laubat ở Sài-Gòn.
Trong thời gian gay cấn này, thật bất ngờ làm sao khi Hà để ý đến một nữ sinh học dưới Hà bốn lớp. Cô ta là một cô gái khá xinh xắn có thân hình cân đối với làn da trắng như trứng gà bóc cộng với với đôi mắt một mí giống như người Nhật Bổn. Vì có sự quan tâm đến người đẹp nên Hà đã tìm mọi cách để làm quen với các em gái của anh bạn học cùng lớp với Hà đang trú ngụ cùng chỗ với cô ta. Qua sự trung gian này, Hà được biết cô ta có cái tên rất đẹp, đẹp tựa như chị Hằng của mùa thu. Hà tìm cách để làm quen với cô ta nhưng không biết bằng cách nào. Bí mật này được Hà giữ thật kín nhưng làm sao qua mặt được những ông ma mãnh chỉ xếp hàng sau “nhất quỷ, nhì ma” này nên một thời gian sau cả hai lớp Tân-Đệ-Nhất và Đệ Ngũ đều biết có một anh chàng học sinh Tân-Đệ-Nhất đang trồng cây si to tổ bố bên cạnh người đẹp của đảo Phù Tang.
Bọn học trò quỷ sứ này còn trêu ghẹo Hà là Napoléon Bonaparte đang chuẩn bị tấn công nước Nhật? Sở dĩ bọn chúng kháo nhau như vậy là vì đã có một lần Hà đã dám trêu chọc vị giáo sư Sử học từ Pháp về bằng cách trả bài một cách dí dỏm gần giống như cách giảng bài bằng Pháp văn của thầy dạy Sử này về trận đánh thắng vang dội của Napoléon Đệ Nhất vào Trafalgar khi ông ta đang là vị tướng trẻ nhất của thế giới lúc bấy giờ. Tuy đang trồng cây si nhưng Hà chưa có dịp nào để được tiếp xúc trực tiếp hoặc trò chuyện với cô ta. Cậu ta chỉ có cơ may được ngắm nhìn dung nhan kiều diễm của cô ta vào mỗi sáng Thứ Hai khi lớp họp của cô ta phải xuống lầu và đi ngang qua lớp Tân Đê-Nhất của Hà để chuẩn bị dự lễ chào cờ hằng tuần. Cứ mỗi lần như thế thì các bạn học của Hà được dịp để tha hồ trêu chọc cô ta và Hà bằng cách la lên khá lớn “Hà ơi, chừng nào bạn sẽ đánh thắng trận ở Nhật Bổn đây”? làm cô ta mắc cở cuối đầu mà chẳng dám ngước lên nhìn ai vì e thẹn, chắc hẵn các cô bạn gái của cô ta, đồng thời cũng là em gái mấy anh bạn quỹ sứ nghịch ngợm của Hà đã tiết lộ cho cô ta biết về bí mật học trò này. Nhìn rõ dáng điệu luống cuống của cô ta, Hà lẩm bẩm trong cuống họng với niềm vui thích tột độ “Thật đáng yêu làm sao”. Và chỉ có thế thôi.
Cho đến một hôm vận may đã mỉm cười với Hà khi mùa Giáng Sinh đến. Không phải là một tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng Hà cũng tìm mua cho bằng được một thiệp Giáng Sinh thật đẹp và nắn nót viết những lời chúc rất chân thành và dễ thương. Hà rất tự tin ở những dòng chữ mà bạn bè thường khen Hà có nét chữ bay bướm đẹp nhất trường. Muốn cho chắc ăn, Hà phài đạp xe đạp đến tận nơi cô ta nghỉ trọ để biết chắc chắn là địa chỉ hoàn toàn chính xác rồi mới chạy u về nắn nót ghi địa chỉ vào phong bì trước khi gởi đi. Kế tiếp là thời gian chờ đợi trong sự hồi hộp khó tả xen lẫn một chút tự tin vì trước đây Hà đã có gởi thiệp chúc Tết cho vài cô bạn không có cảm tình sâu đậm như với người đẹp Phù Tang này và đều nhận được câu trả lời rất nhã nhặn.
Hai ngày, rồi ba ngày đã trôi qua mà không có một tin tức nào cả. Khi thấy bóng dáng người phát thư vừa ở trước cửa nhà là Hà vội nhảy phóc ra để xem có thư mới đến hay chăng, nhưng một tiếng “không” lạnh lùng đưa gió lộng qua cỏi lòng hồi hộp đợi mong một cái gì hết sức thân yêu mà không thấy!!! Có lẽ Hà thất tình mất rồi, cậu ta bắt đầu hơi chểnh mảng việc học hơn trước, cứ theo đà này chưa chắc Hà sẽ giành được mãnh bằng Tú Tài I sau cuối niên học ??? Không nén được sự hồi hộp, Hà bèn đánh liều cầu cứu anh bạn cùng lớp nhờ cô em gái học chung lớp với cô ta để kín đáo hỏi xem tin tức về “bức thư đã gởi đi mà không được hồi âm” này. Tin tức giữa bạn gái với nhau đi rất nhanh, và ô kìa, cô em gái của anh bạn, chứ không phải là chính cô ta, đã tiết lộ cho Hà biết nguyên văn như sau: “Bồ chuyển lời hộ cho anh ấy biết: (Mình đã có người yêu rồi, anh ta đang học kỹ sư ở bên Pháp, mình xin lỗi không thể đáp lại ân tình của anh ấy, xin anh ấy hãy quên mình đi mà chuyên tâm học hành). Khi nhận được tin chẳng lành này, Hà như người mất hồn, nhưng khi thấy bản thân mình còn quá kém bạn trai cô ta nên Hà cố tự nhủ với lòng mình để cố gắng học giỏi hơn vì bây giờ mình còn thua xa người ấy. Mối tình học trò tự dưng chết lịm trong tức tưởi, tuy nhiên cũng có tác động tốt đến việc học của Hà sau này. Cậu ta không còn có những giấc mơ viễn vong nữa mà dồn hết nổ lực vào việc học đã bị tạm thời gián đoạn trong vái ba tuần lễ đầy mộng mơ.
Năm đó, Hà thi dỗ Tú Tài I một cách chật vật vì phải thi lại phần vấn đáp vào kỳ hai, sau đó cậu cũng lấy luôn được mảnh bằng Tú Tài II. Cậu ta tiếp tục chuẩn bị dự thi vào cả hai trường Đại học Sư phạm và Học viện Quốc Gia Hành Chánh nhưng không ngờ Hà lại có duyên với binh nghiệp nên cậu ta đã tình nguyện ghi danh vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, sau cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam, ngược hẵn với ước mơ của người cha yêu dấu của Hà mong muốn cậu trở thành một giáo sư hay bác sĩ. Trong thời gian này, tuy đã không biết tin tức gì về “người đẹp Phù Tang”, nhưng Hà vẫn âm thầm theo dõi việc học hành của cô vì Hà đã biết trước đây cô ta là một học sinh rất xuất sắc của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Trong một lần xem báo, Hà được biết cô ta đã thi đậu Tú Tài II Toán với kết quả “ưu hạng”.
Sau thời gian khá dài thụ huấn tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam và tu nghiệp gần một năm tại Trường Bộ Binh Fort Benning, Georgia, Hoa Kỳ, cậu ta đã trở về Việt-Nam để phục vụ cho quê hương.
Sau hơn 10 năm phục vụ trong Quân đội, vào một buổi trưa đẹp trời, Hà, lúc bấy giờ là một Đại-úy ngành Quân Huấn, đến thăm một người bạn trước đây cũng học trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ hiện cũng là Đại Úy phụ trách thanh tra huấn luyện. Và thật bất ngờ khi vợ anh ấy, trước đây cũng từng học chung lớp vời “người đẹp” của Hà, kéo Hà qua phòng khách để tâm sự với Hà. Chị ấy hỏi Hà; “Anh có biết bây giờ người đẹp Nhật Bổn của anh đang làm gì và ở đâu không”? Hà khựng người lại vì đống tro tàn đã nguội lạnh bây giờ bị khơi dậy. Dĩ nhiên là Hà không biết gì cả nên đã yêu cầu chị cho biết tin tức người bạn cũ với câu nhận xét :"Chuyện đã xưa lắm rồi, nhắc lại cũng có ích gì đâu, tuy nhiên tôi cũng rất cám ơn cô ấy đã cho tôi biết sự thật để tôi không sa vào mê hồn trận ở tuổi học trò, nhờ vậy tôi đã thực sự yêm tâm lo việc học sau này”.
Nhưng sự thật đã khác xa với những điều Hà suy đoán khi nghe chị ấy tiết lộ sự thật như sau: “Anh biết không, tôi là bạn rất thân với cô ta. Sau lần anh bị từ chồi, thấy dáng vẻ tiu nghỉu của anh, cô ta cũng thấy tội nghiệp anh vô cùng, nhưng cô ta tự nhủ phải làm như vậy thôi và đã tâm sự với tôi là cô ta chưa hề có người yêu nào cả, nhưng nếu cô ta không dứt khoát như vậy thì đường học vấn đang lên của anh sẽ bị ngưng trệ ảnh hưởng không tốt sau này. Cô ta cũng có biết anh đã đi theo binh nghiệp, một con đường mà trước đây chắc anh chưa bao giờ nghĩ đến”. Hà thật sự bàng hoàng khi hay tin trên, và nhẹ nhàng hỏi chị: “ Bây giờ cô ta đang làm gì hả chị”? thì được chị cho biết là sau khi tốt nghiệp kỷ sư Công Chánh, cô đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công Chánh ở một tỉnh miền đông Nam phần, đồng thời chị hỏi tôi có muốn lên thăm cô ấy không vì dường như cô ta vẫn còn sống độc thân?
Hà thấy bồi hồi trong tấc dạ nhưng biết làm sao bây giờ khi cậu ta vừa mới lập gia đình? Tuy nhiên trong tận đáy lòng, Hà cảm thấy lòng mình rưng rưng khi nghĩ đến cô bạn gái ngày xưa ở độ tuổi ô mai, mà cho mãi đến bây giờ Hà vẫn chưa bao giờ được hân hạnh trực diện để nói chuyện riêng tư dù chỉ trong năm ba phút ngắn ngủi, nhưng lòng cao thượng tuyệt vời của cô ta khi đã biết tự kiềm chế mình, quên mất niềm vui tuổi học trò, quên mất bản thân mình để lo lắng cho tương lai của người khác đã khiến Hà chân thành cám ơn và cảm động thật sâu sắc.
Trần Bá Xử
Springfield, MA, mùa thu 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét