Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Nữ Tướng Bùi Thị Xuân



Bùi Thị Xuân ( 裴氏春; 1771-1802) là một trong Tây Sơn Ngũ Phụng (*), vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một Đô Đốc của vương triều Tây Sơn trong Lịch sử Việt Nam

Nữ kiệt Bùi Thị Xuân là con gái của Bùi Đắc Chí, cháu thái sư Bùi Đắc Tuyên, quê làng Xuân Hòa, huyện Bình Khuê, tỉnh Bình Định. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Tương truyền, nàng là người có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp. Đến khi theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh, bà cũng nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song Kiếm. Nhờ vậy sau này, người con gái này đã dùng kiếm để giải nguy choTrần Quang Diệu khi vị tráng sĩ này bị một con Hổ dữ tấn công. Và cũng từ lần gặp này mà hai người trở thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà người con gái Xuân Hòa để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.

Theo tài liệu, trong trận Đại phá quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789, bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ Huy.
Trong những năm tiếp theo, bà cùng chồng cầm quân đi đánh dẹp các phe chống đối vương triều Tây Sơn, trong số đó có lực lượng của hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Chỉ cấu kết với Tù trưởng Bảo Lạc (Hà Tuyên)...
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước, ngày 29-7- 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đấy vương triều này bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn nhỏ, lại bị người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền.
Bà là vị anh thư đã cùng chồng hết lòng hết sức giúp nghĩa quân Tây Sơn chống nhau với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm, chiến đấu cực kỳ dũng cảm.
Thời gian này, Bùi Thị Xuân được cử vào trấn thủ Quảng Namn, còn chồng bà (Trần Quang Diệu) thì được cử vào Diên Khánh chống ngăn quân Nguyễn. Đến khi nghe tin cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết, Trần Quang Diệu cả sợ, phải kéo quân về kinh đô đóng ở bờ Nam sông An Cựu, thì bà cũng nhận được lệnh hồi triều.
Nghe mật thám báo tin nội bộ nhà Tây Sơn đang lục đục, chúa Nguyễn Phúc Ánh liền tổ chức ngay những cuộc tấn công. Nhưng quân Nguyễn vừa tiến vào thành Quảng Nam, thì bị đánh một trận tơi bời. Tức tối vì thua mưu trí đàn bà, chúa Nguyễn thề sẽ sớm rửa mối nhục. Thấy Chúa Nguyễn rút lui hết, đến lúc ấy, Bùi Thị Xuân mới kéo quân về Phú Xuân để cùng chồng dàn xếp việc triều chính...
Mùa Xuân năm 19802,  vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thuỳ vào trấn giữ Ngệ An, còn tự mình cầm quân đi đánh chiếm lại Phú Xuân. Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá.
Thấy thế trận ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh. Bùi Thị Xuân bèn nắm áo ngự bào của nhà vua để khuyên cố đánh. Nhưng khi nghe tin tướng Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ, cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng; thì đội quân của bà hốt hoảng bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy...
Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế. Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa...

Sau mấy phen cùng chồng lo chiêu quân để toan gầy dựng lại nghiệp Tây Sơn đã nghiêng đổ, hai vợ chồng đều bị bắt tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, rồi bị đem hành hình. 


Về cái chết của bà, theo Thiên Nam nhân vật chí và hầu hết các tư liệu khác đều dựa vào đấy mà cho bà bị lăng trì, đốt cháy cả thi hài. Lại có thuyết, theo tư liệu của giáo sĩ De La Bissachère, bà và người con gái bị hành hình bằng cách voi tung xé xác, và bà đã tỏ ra can đảm phi thường trước sự trả thù tàn bạo và vô nhân đạo ấy của Nguyễn ánh. 

Hiện nay, dãy gò Xuân Hòa là nơi bà tập luyện đàn voi chiến, mặc dù đã bị phá vỡ thành ruộng, song vẫn còn di tích. 
Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của bà. 
Người đời sau có vịnh thơ: 
Vận nước đang xoay chuyển 
Quần thoa cũng vẫy vùng 
Liều thân lo cứu chúa 
Công trận quyết thay chồng. 
Khảng khái khi lâm nạn! 
Kiên trinh lúc khốn cùng 
Ngàn thu gương nữ liệt 
Gương sáng hãy soi chung.


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
Theo: maxreading.com - wikipedia.org
----
(*) Tây Sơn ngũ phụng thư là danh hiệu của năm phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn, gồm có:
  • Bùi Thị Xuân (? - 1802), là vợ Thiếu phó Trần Quang Diệu.
  • Bùi Thị Nhạn (? - 1802), là một trong số vợ của tướng của vua Quang Trung.
  • Trần Thị Lan (? - 1802), là vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
  • Huỳnh Thị Cúc (? - 1802), không có chồng. Bà là nữ tướng dưới quyền của Bùi Thị Xuân.
  • Nguyễn Thị Dung (? - 1802), là vợ của tướng Trương Đăng Đồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét