Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Khuất Nguyên

      Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là Tiết Đoan Ngọ, mà ta thường đọc trại ra là Tết Đoan Ngọ, là Tết giữa năm, giữa mùa hè nóng nực, rắn rết xuất hiện nhiều, nên có lệ treo ngãi trước cửa và rắc hùng hoàng quanh nhà, để đề phòng rắn rết xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Vì thế mà có sự tích Thanh xà Bạch xà rất ướt át, diễm tình trong văn học Trung Hoa....
      Mùng 5 tháng 5 có tục lệ ăn bánh ú, Ú lớn ú nhỏ ú mặn ú ngọt bày bán đầy chợ, khi còn ở VN và dạy ở Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, mùa nầy, tôi lãnh ít nhất là 10 cái bánh ú nhân thịt nấm đông cô loại lớn......Bánh chỉ dành riêng cho cá ăn, để chúng khỏi ăn thịt của nhà thơ cổ đại, vĩ đại của nền văn học Trung Hoa thời Chiến Quốc : KHUẤT NGUYÊN. Mời cùng xem tiểu sử và sự nghiệp văn thơ của ông ta dưới đây. Đây là ông Tổ của loại thơ 7 chữ sau nầy đó nhé ! Các từ TAO ĐÀN, TAO NHÂN MẶC KHÁCH.... đều do tập thơ LY TAO của KHUẤT NGUYÊN mà ra cả.....Xin mời cùng đọc ...


      Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.
Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.
      Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.
      Bây giờ mời tất cả cùng đọc bài thơ sau đây : Bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ làm để tưởng nhớ đến Thi Tiên Lý Bạch, nhưng lại có liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 và Khuất Nguyên. bài thơ có tựa đề là : " Thiên mạt hoài Lý Bạch " ( Bên trời nhớ Lý Bạch ).....
      
                天末懷李白     THIÊN MẠC HOÀI LÝ BẠCH
                   (杜甫)                          (  Đỗ Phủ  )
               涼風起天末,    Lương phong khởi thiên mạt,
               君子意如何。    Quân tử ý như hà ?
               鴻雁幾時到,    Hồng nhạn kỷ thời đáo,
               江湖秋水多。    Giang hồ thu thủy đa.
              文章憎命達,    Văn chương tăng mệnh đạt,
               魑魅喜人過。    Si mị hỉ nhân qua.
               應共冤魂語,    Ưng cộng oan hồn ngữ,
               投詩贈汨羅。    Đầu thi tặng Mịch La.

【作者簡介】
        杜甫(公元712─770)字子美,唐代最有名的大詩人之一,與李白合稱“李杜”。他的詩風格多樣,而以沉鬱為主,最擅長古體詩和律詩。
Tiểu Sử Tác Giả : 
              Đỗ Phủ ( 712-770 ), tự là Tử Mỹ, là một trong các thi nhân lớn nổi tiếng của đời Đường, cùng với Lý Bạch hợp thành một cặp Lý Đỗ thời sơ Đường . Thơ của ông rất đa dạng, phong cách lấy trầm uất làm chủ, giỏi về thơ cổ thể và thơ luật.

【字句淺釋】
       題解:李白於公元758年流放夜郎,次年途中遇赦而還;杜甫於759年寫此詩懷念他(不知他已經遇赦)。天末:天邊。鴻雁:即大雁,古有“鴻雁傳書”的傳說。命達:命運好,有顯達的社會地位。魑魅:山林、澤地裡能害人的妖精。汨羅:汨羅江,發源於江西,流入湖南,大詩人屈原曾經自投此江而死。
 Chú Thích :
            1. Năm 758 Lý Bạch bị đày đi Dạ Lang, năm sau gặp đại xá được tha mà về. Năm 759 Đỗ Phủ làm bài thơ nầy để tưởng nhớ đến ông (  không biết ông đã được tha ).
           2. Thiên mạt : là bên trời, góc trời, chân trời.
           3. Hồng Nhạn : là loài chim nhạn lớn, Xưa có truyền thuyết " Hồng nhạn truyền thư ", nên Hồng nhạn là chỉ tin thơ.
           4. Mệnh Đạt : là Vận mệnh tốt, hiển đạt, có địa vị trong xã hội
           5. Si Mị : là 2 loài yêu tinh quỷ quái ở trong núi rừng, ao đầm, chuyên hãm hại người lành.
            6. Mịch La : là con sông tên Mịch La, phát nguyên ở tỉnh Giang Tây, chảy vào tỉnh Hồ Nam. Đại thi nhân Khuất Nguyên đã nhảy xuống đây để tự trầm. 

【全詩串講】
        天際秋風乍起,冷颼颼使人覺得悲涼。
遙望雲天,向朋友問一聲近來怎麼樣?
不知何時能看到捎來你書信的鴻雁,
江湖上風波險惡啊,你可要小心點。
文才出眾的人,命運中總是多磨難。
鬼怪喜歡害人,只要你走過它面前。
料想你會同屈原的冤魂互相訴委屈,
把你的詩歌投入汨羅江,贈送屈原。

        Bên trời chợt nổi trận gió thu hiu hắt, xin hỏi người quân tử gần đây như thế nào ? Không biết bao giờ mới có tin của bạn do hồng nhạn đưa sang. Người có văn tài xuất chúng thường hay gặp vận không may, những loài yêu ma quỉ quái thường hay bức hại những người qua lại. Nghĩ rằng bạn có thể cùng với oan hồn của Khuất Nguyên bày giải nỗi niềm, nên mới bỏ thơ nầy xuống sông Mịch La mà tặng cho Khuất Nguyên.

【言外之意】
        殷切的思念,細微的關注,發自內心的真摯情感,以及替友人作的聯想,一一道來,使讀者猶如展讀一封朋友的來信,倍感親切。
         Thương nhớ thiết tha, quan tâm chu đáo từng chút một, là tình cảm chân thành phát xuất từ nội tâm quan tâm tới bè bạn, mỗi một lời một chữ đều thân thiết như một bức thơ của bạn bè mở ra trước mắt.

 DIỄN NÔM :
                         Gió thu nổi ven trời,
                          Bạn hiền đã sao rồi?
                          Tin nhạn bao giờ tới,
                          Sông hồ nước vẫn trôi.
                          Văn chương bất đắc chí,
                          Yêu quái mặc rong chơi.
                          Oan hồn cùng yên ủi,
                          Mịch La thơ tặng người!

       Lục bát :
                          Gió thu hiu hắt bên trời,
                          Hỏi người quân tử độ rày ra sao?
                          Trông tin hồng nhạn biết bao,
                          Sông hồ giờ đã dâng trào nước thu.
                          Văn chương ghét kẻ ôn nhu,
                          Đầy đường ma quái như thù ghét ghen,
                          Oan hồn cùng tỏ nỗi niềm,
                          Mịch La thơ trút niềm riêng tặng người!

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét