Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

Một Thời Để Yêu Là Một Thời Để Viết!

Không biết bây giờ, còn bao nhiêu người viết thư-tình ?!
Thời đại này, khi hầu hết thư từ, văn kiện, đơn xin vv đều được gởi qua “mạng”, khi những thăm-hỏi, hẹn hò được gởi qua “cellphone” ..vv thì những lá thư đã hiếm dần đi, nói chi đến những lá thư-tình!

Bây giờ, viết thư-tình đã được thay bằng gõ thư-tình!

Như một bài luận, thư-tình cũng có nhập đề (tỏ-tình), thân đề (say-tình) nhưng ít có kết-luận. Cưới nhau rồi thì ít (?) ai tình-thư cho vợ(chồng). Thư (tuyệt)-tình còn hiếm hơn nữa (?), nhất là với cánh đàn ông (?): “cứ … lặn(g) rồi đi, rồi khuất bóng” như “Cô hái mơ“ (Nguyễn Bính)!

Không biết ai là tác giả lá thư-tình đầu tiên? - Chắc chắn không phải là Adam. Không phải vì Adam không biết .. viết ( và Eva không biết đọc ) mà vì không có lý do gì để Adam bỏ công, tốn của “cua“ Eva cả. Không cần mất ngày giờ, không cần moi óc viết thư, không phải chịu khó lủi thủi theo sau, không bỏ công tán tỉnh, không cần mời ăn nhà hàng, uống sinh tố , không sáng quà, chiều cáp vv nhưng Eva vẫn chịu chàng như thường. Chứ không chịu chàng thì chịu ai? Chả thế mà câu “Madam, I’m Adam”, đọc theo kiểu Tây (trái qua phải) hay kiểu Tàu (phải qua trái) gì cũng vậy: cũng vẫn là “I’m Adam”, một Adam “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Còn ai trồng .. táo đất này nữa?!

Theo “wikiwand”, lá thư-tình xưa nhất thế giới là lá thư trong thần thoại Ấn Độ (Bộ “Bhagathava Purana”, quyển 10, chương 52), xuất hiện từ hơn 5000 trước: lá thư của công chúa Rukmini gởi cho vua Krishna.
Nhưng đó chỉ là lá thư thần thoại!

Lá thư xưa nhất thế giới có lẻ là lá thư (mất nhiều đoạn) được tìm thấy ở Novgorod, một thành phố cổ, nằm giữa Moscow và Saint-Petersburg. Lá thư được viết trên những vỏ cây, khoảng 1100-1200, của một người nữ gởi một người nam. Trên vỏ cây số 752, người ta đọc được những lời .. trách móc : Em đã gởi cho anh 3 lần. Anh có giận gì không mà tuần này (hoặc chủ nhật này), anh không đến gặp em ..(1) . Hóa ra, từ 10 thế kỷ trước, người phụ nữ đã bị cho “ăn thịt thỏ” trong một “sáng chủ nhật trời trong“ rồi (“7 ngày đợi mong “/ Trần thiện Thanh) !!!

Lá thư-tình xưa-nhất-tìm-thấy ở Anh, được viết năm 1477, của cô Margery Brews viết cho hôn phu John Paston (2). Ở Pháp, là lá thư-tình của Bá tước Sade viết cho phu nhân Renée Pélagie (10/1781).

Ở Việt Nam, tôi không biết lá thư-tình xưa-nhất-tìm-thấy được viết năm nào? tiếng Hán hay tiếng Nôm, Pháp ngữ hay Việt ngữ ? Trong quyển “Giai Thoại Làng Nho” (1966) của Lãng Nhân, tôi đọc được bài thơ (tỏ tình) của cậu chiêu Phạm Thái (1777-1813) viết cho Trương Quỳnh Như, em gái người đồng chí ( phò Lê ): Trấn Thủ Trương đăng Thụ. Cụ Lãng Nhân cho biết, trước đó, Phạm Thái và Quỳnh Như đã kết mối duyên văn tự, xướng họa rất tâm đắc. Từ đó, tình thơ cho tình thư:

Từ chốn thiềm-cung trộm giấu hương
Dễ xui tao khách mối sầu vương
Gió thông réo-rắt rong đàn oán
Trăng hạnh chênh-vênh rạng bóng dương
Nếu phải tình-duyên may chút phận
Thì xin ân ái vẹn hai đường
Phong lưu đôi lứa ai đà dễ
Bụi tục chi cho bợn lóa gương.
Phạm Thái

Nhưng đời không như là thơ! Bị mẹ ép duyên phải lấy anh công từ con nhà giàu, học dốt, xí trai, Quỳnh Như phẫn uất quyên sinh! Chán đời, Phạm Thái tìm quên trong men rượu. Ông mất năm 37 tuổi! Cuộc đời ông được đã được nhà văn Khái Hưng viết lên “Tiêu Sơn Tráng Sĩ “.

Viết thư-tình, đành rằng nội dung là chánh nhưng hình thức cũng quan trọng không kém. Chữ cua bò, gà bới, lên núi, xuống đồng thì khó mà làm cho .. đọc giả “phút đầu đọc thư, tinh tú quay cuồng “. Nếu lại dùng giấy học trò kẻ-hàng nữa thì coi như .. xong! Lá thư đầu tiên cũng là .. chiếc lá cuối cùng (‘‘đêm chưa qua mà trời sao vội sáng ‘‘)!

“Graphologie” là một kỹ-thuật (technique) “xem chữ đoán người”. Nói chuyện với một phóng viên đài BBC- Châu – Phi (9/2021), Oladipubo Macjob, một bác sĩ Nigerien, chuyên viên ‘‘xem chữ mà bắt hình dong ‘‘(graphalogue), cho biết : ‘‘nếu đôi mắt là cửa sổ của linh hồn thì đôi tay là cửa sổ của khối óc ‘‘( tout comme l'œil est la fenêtre du corps, nos mains sont la fenêtre du cerveau ). Theo ông, nếu nét chữ nghiêng về bên phải thì đó là một người sống tình cảm, hành động theo cảm xúc. Ngược lại, nếu nghiêng về bên trái (thiên tả ?) thì đó là một người hời hợt (ne fait toujours attention) . Nếu viết thẳng đứng, thì đó là người tự chủ‘‘(3)

Ở Việt Nam, ngày xưa, tôi đã nghe mấy lời bàn ‘‘sờ mu rùa’‘ này rồi! Nào là người viết chữ to là người, không nhất thiết phải to.. con, nhưng là một người rộng rãi; viết chữ nhỏ, khít rịt là người bần tiện. Nào là người viết chữ như rồng bay, phượng múa (?) không bắt buộc phải là người thích nhảy .. đầm, nhưng đó phải là một người lãng mạn, bay bướm ; người viết chữ tròn trịa, không hẳn phải ‘‘tròn" , mà là một người có óc sáng tạo, nghệ sĩ vv!! Thú thật, tôi nghi ngờ cái ‘‘bút tích học’‘ này lắm ! Giản dị vì tôi đã là nạn nhân của vài đứa viết chữ to, chữ ‘‘rồng bay, phượng múa’‘, chữ to nhưng rất bần: uống cà phê xong cứ ngồi chờ thằng khác trả tiền, hay những đứa ‘‘xuân hạ thu đông có 4 mùa / tánh hay hút thuốc lại không mua / thấy ai có thuốc rề rề tới/ một điếu hút, còn điếu .. secour " ! Thế những người dân quê, ít học, cầm bút không quen chỉ nguệch ngoạc … khít rịt thì sao? Hay những người chịu khó sửa lại chữ viết cho đẹp ( tôi biết vài người ) mà không chịu sửa tánh ? Hồi ‘‘lycée’‘, lớp tôi có một chàng rất lạ. Khi viết, chàng cầm bút tay phải (chữ khít rịt) nhưng khi lên bảng thì chàng viết bằng tay trái (chữ rất to). Tôi không biết chàng có hai .. bộ mặt hay không. Chỉ biết đó là một người bạn hiền lành, học giỏi!


Để kiểm chứng cái ‘‘technique graphologie‘‘, theo đây là chữ viết của một số nhân vật ‘‘nổi tiếng" miền Nam mà chúng ta đã biết nhân cách của họ : thi sĩ Vũ hoàng Chương, nhạc sĩ Phạm Duy, văn sĩ Mai Thảo, thiếu tướng Lê văn Hưng và nhạc sĩ Trịnh công Sơn.

(thư Trịnh công Sơn viết cho Dao Ánh/ em gái Diễm xưa (Bích Diễm)

Khác với khuôn mặt: xấu đẹp tùy người đối diện, viết chữ xấu thì ai cũng thấy ngay.

Viết (chữ) xấu khác với viết tháo. Chữ viết tháo chưa chắc là chữ viết xấu. Mà là khó đọc. Trước 75, viết tháo ‘‘nổi tiếng’‘là mấy đấng Bác Sĩ, văn sĩ (viết báo) . Nhưng không vì thế mà không đọc ra. Khó đọc khác với không đọc được.

Không biết bây giờ thì sao nhưng so với thế hệ đào tạo sau 75, phải công nhận là ‘‘chúng ta " viết chữ ‘‘đẹp’‘! Chuyện cũng dễ hiểu, không chỉ vì, ngay từ những lớp vỡ lòng, chúng ta đã bặm môi, gò tay, viết theo những bài tập cô thầy cho, quyển ‘‘Tập Đồ"‘, từ A tới Z , mà xã hội chúng ta sống, đa phần là những người viết “đẹp“, từ cô thư ký đến bác xã trưởng, từ anh hạ sĩ đến ông thiếu tướng vv!

Chữ viết không liên quan gì đến trình độ nhưng tôi để ý thấy từ ‘‘lycée’‘trở lên, số người viết chữ xấu giảm đi .Theo tôi, chữ ‘‘Bác Sĩ " không phải là chữ xấu, chữ gà bới. Mà là chữ viết tháo. Có thể người ‘‘ngoài" không đọc được tên thuốc (có đọc, cũng chả hiểu gì) nhưng người trong giới (corps médical), họ biết ngay!

Nên, tôi rất ngạc nhiên khi đọc trên website ‘‘caodangyduocsaigon‘‘ bài viết của Thu Hương, trong đó, giảng viên Đặng thùy Linh của trường ‘‘Cao đẳng Y Dược Sài Gòn’‘, nói về ‘‘chữ ‘‘BS viết xấu, không đọc được lý do tại sao ‘‘(4), để chứng minh, tác giả chụp lại toa thuốc của một ‘‘Bác sĩ’‘được ‘‘Cách Mang’‘ đào tạo .

Giải thích hiện tượng này, theo Giảng viên Thùy Linh, có 3 lý do: không có thời gian nắn nót, phải viết lúc đi, đứng; bệnh nhân quá đông ! Mấy lý do đưa ra, tóm gọn lại chỉ là một lý do: không có thời gian! Không có thời gian vì bệnh nhân quá đông, nên không “nắn nót” (!), không ngồi được để viết!

Chuyện BS ‘‘không có thời gian’‘ không lạ lùng gì trước 75, nhất là các nam BS. Do họ làm 2 jobs (quân đội / phòng mạch tư) nhưng không vì thế mà họ viết một cái ‘‘toa’‘trời ơi, đất hỡi như cái toa của BS-XãHộiCN dưới đây: 
Viết như thế này thì không phải là viết xấu, viết tháo. Mà là vẽ bùa! Bố ai đọc cho nổi!
Thảo nào, sau 75, nhiều người miền Nam thà đến thẳng pharmacie tả bệnh rồi mua thuốc, còn hơn là đi khám BS ‘‘Cách Mạng ‘‘lấy toa!

Trở lại với thư-tình.

Ai không có lần viết, hoặc đọc, thư-tình? Những sáng bâng khuâng, những chiều tư lự, những đêm thức trắng, kiếm từng ý ‘‘hay’‘, chọn từng con chữ, viết cho người-yêu-dấu. Hàng chục (?) lá thư xé đi, viết lại, sao cho khéo, cho cảm động. Rồi kén bút, chọn màu. Bút máy ‘‘chic" hơn bút nguyên tử. Mấy cậu giản dị, cứ màu đen, màu xanh làm chuẩn. Mấy cô thì lãng mạn hơn, hay chọn màu tím, màu hoa ‘‘pensée‘‘!

Tôi không biết ‘‘nét bút đa tình lả lơi’‘ theo nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là nét bút như thế nào nhưng chắc chắn là nó không có nghĩa ‘‘suồng sã, chớt nhả ‘. Có lẻ đó là nét chữ bay .. bướm(?), … ‘‘ bồng bềnh‘‘(?)..vv: nét chữ … ‘‘nghệ sĩ ‘‘( !)

Nhiều quyển sách viết về ‘‘Những lá thư-tình hay nhất thế giới ‘‘, ‘‘Cách viết thư-tình‘‘, ‘‘Thư tình cho chàng , cho nàng‘‘vv Việt có, Tây có. Với tôi, một lá thư-tình hay, là một lá thư-tình viết thật với lòng mình, có sao, nói vậy.Thơ mộng hoặc lãng mạn ; giản dị hay ‘‘cải lương’‘vv sao cũng được, miễn không ‘‘sáo’‘. Có như thế, thư-tình, viết ở tuổi nào, cũng đều đẹp, đều hay.

Trước đây, tôi cứ tưởng thư-tình ‘‘đẹp’‘nhất phải là những ‘‘phong thư-tình ngây dại ‘‘của tuổi học trò. Nhưng sau này, nghĩ lại, chính những lá thư-tình của Lính, hay thư- tình viết cho Lính mới là những lá thư - tình ‘‘đẹ ’‘nhất. Đẹp nhất vì chúng là những lá thư viết cho Hiện Tại của đôi tình nhân. Có khi, lá thư được gởi đi nhưng người nhận đã không còn! Có khi, thư đang dở trang thì người viết đã hy sinh ! Đẹp nhất vì chúng là những dòng chữ của những người chấp nhận hy sinh, không chỉ cho quê hương không thôi, mà còn để cho những người yêu nhau được tiếp tục gởi nhau những lá thư -tình.

Thư-tình của người Lính Cộng Hòa đã được nhạc sĩ Trần thiện Thanh (ký tên : Anh Chương (con trai lớn nhạc sĩ & Trần thiện Thanh Tâm (người em kế nhạc sĩ ) vinh danh qua ‘‘Tình thư của Lính‘‘, một ca khúc vui nhộn, dễ thương, viết sau biến cố Mậu Thân . Đó là một lá thư ‘‘không xanh màu trời , không nồng hương, không nét hoa đa tình‘‘ lại không ngay hàng thẳng lối do viết trên ba lô nhưng ‘‘thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy" vv

‘‘Tình thư của Lính", theo tôi, phải là một trong những ca khúc ghi vào Nhạc Sử Việt Nam. Không chỉ vì nó cho thấy một ‘‘phương diện’‘ khác của miền Nam trong chiến tranh, mà nó còn cho các thế hệ mai sau thấy rằng: người Lính Cộng Hòa là một người Lính rất ‘‘người’‘, họ không ‘‘chiến đấu thần thánh’‘, không ‘‘quang vinh đại thắng’‘, không bị ép đi ‘‘giải phóng’‘ai, không chỉ cầm súng đuổi giặc, người Lính miền Nam còn cầm bút viết những dòng chữ yêu đương, những câu yêu đương từ trái tim họ, một trái tim không có Đảng nào nhảy vào, chễm chệ lấy gần hết chỗ, như lời của thi-nô Tố Hữu: ‘‘ Mà nói vậy, trái tim anh đó / Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ / Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều / Phần cho thơ, và phần để em yêu". Trái tim ‘‘đỏ’‘của thi-nô có 3 phần mà Đảng đã chiếm hơn 1/3 rồi, em và thơ chịu khó xê ra chỗ khác !

Nên, tôi không lấy làm lạ gì khi đọc ‘‘Tình thư của .. bộ đội‘‘: Bác Sĩ Nguyễn văn Ích, từ chiến trường ‘‘liên khu 5’‘ gởi ra Bắc lá thư-tình cho vợ. Tôi không cười trên nỗi đau kẻ khác nhưng đó là một lá thư-tình vừa láo lại vừa lếu. Lá thư đề ngày 30/10/1962. Tháng 3/1962, Chính quyền miền Nam đã áp dụng kế hoạch ‘‘Ấp Chiến Lược ’‘gây nhiều khó khăn cho Cộng Sản (như họ đã thú nhận), thì làm gì có chuyện ‘‘Em hãy vui lên trước tình hình cách mạng miền Nam ngày càng phát triển‘‘. Nói là thư tình mà chả thấy tình đâu, chỉ thấy miểng nổ văng tùm lum! Đã thế lại còn mang Đảng vào chung với vợ con !!! Ai bắt ông ta phải làm chuyện đó ?! 


Nếu ‘‘tình thư của Lính’‘ là những lá thư-tình đẹp nhất thì tình-thư ‘‘cải -tạo’‘ là những lá thư-tình tội-nhất ! Tội nhất bởi vì chúng chỉ được viết âm thầm, viết nhọc nhằn, trong trí nhớ ! Có không ít những lá thư-tình đã nằm xuống đất sâu với người viết !

Cũng có những lá thư-tình mà tôi gọi là những lá-thư-tình-đáng-thương nhất. Đó là những lá thư-tình của ‘‘nghìn trùng xa cách’‘ sau ‘‘hòa bình’‘( !). ‘‘Nghìn trùng’‘ của những đôi tình nhân, ‘‘Xa Cách’‘ của những cặp vợ chồng do di-tản, vượt biên ! Những nhớ nhung viết được, mà không dám gởi ( sợ liên lụy bên nhà ) ! Những đau thương muốn viết, mà phải viết trái đi ( sợ bị bỏ tù !) như một câu thơ Cao Tần : ‘‘thư quê – hương như tên hề ốm nặng. Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười ..’‘.

Tôi yêu ‘‘lá thư ’‘‘‘Mưa buồn Long Giao ‘‘của nhà thơ Hà Thượng Nhân (Trung tá Hoàng Sĩ Trinh chủ nhiệm báo Tiền Tuyến ), được viết trong những ngày đầu bị giam ở Long Giao ( 1975 ) :

‘‘…Anh nhớ em từng phút/ Anh thương con từng giây / Chim nào không có cánh/ Cánh nào không thèm bay/ Người nào không có lòng/ Lòng nào không ngất ngây …’‘

Hay những câu thơ thay cho lá thư-tình của người lính Bùi Khiết, viết trong lúc hành quân (1966) :

Vào đêm em ngủ chưa em?
Trong mơ có gặp ưu phiền nhiều không?
Đèn xanh thành phố xa trông
Hoang vu anh đứng mà lòng chiêm bao
Mưa rừng tiếng lá xôn xao
Tay ôm súng lạnh buồn sao là buồn ..
……

Những ‘‘phong thư ngào ngạt hương’‘, những dòng chữ, những nhớ thương, của ‘‘một thời để yêu là một thời để viết‘‘ đó, nay đã về đâu? Đã về đâu khi, sau 21 năm chiến tranh tàn khốc, là mấy mươi năm ‘‘hòa bình‘‘(!) tang tóc, chia ly?!

-Buồn sao là buồn!

BP

(1)https://www.passeisme.com/articles/focus-sur-lune-des-plus-anciennes-lettres-damour/#:~:text=R%C3%A9dig%C3%A9e%20entre%201100%20et%201200,de%20la%20Rus'%20de%20Kiev.
(2)https://blog.myheritage.fr/2011/02/angleterre-une-lettre-d%E2%80%99amour-vieille-de-plus-de-500-ans/
(3) https://www.bbc.com/afrique/region-58679797
(4) https://caodangyduocsaigon.com/tin-tuc/chu-bac-si-viet-xau-c8815.html




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét