Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Kỷ Niệm Với Bác Sĩ Tô Văn Nghiễn Và Anh Em Ờ Trung Tâm 4 Hồi Lực

 
Tôi ra trường năm 1967. Sau khi học quân sự và hành chánh, tôi đi Thiết Giáp 2 năm 68-69, 69-70, rồi Tiểu Đoàn 7 Quân Y 70-71 ở Mỹ Tho và năm 71-72, tôi xuống Cần Thơ, Trung tâm 4 Tuyển mộ Nhập ngũ. Tôi được Bác sĩ Hoàng Như Tùng, Chỉ huy trưởng Quân Y viện Phan Thanh Giản cho ở ké trại độc thân của Quân Y viện. Tại đây, lần đầu tiên tôi được biết Bác sĩ Tô Văn Nghiễn. Anh quê tại Thái Bình, sinh năm 1930. Sau khi tốt nghiệp khóa 4 trường Võ Bị Đà Lạt, anh gia nhập Không quân. Mãi đến năm 1957, anh mới được quân đội cho phép học Y khoa. Ra trường năm 1964, anh phục vụ tại Tiểu đoàn 25 Quân y, thăng chức dần dần, làm Tiểu đoàn trưởng một thời gian rồi đổi về Quân Y viện Phan Thanh Giản từ năm 1969.

Ở trại độc thân, năm 1971, có khá đông người: Vũ Thiện Đạm, Nguyễn Minh Nhựt, Nguyễn Tuấn Khoan và tôi, mỗi đứa có một cái giường sắt tênh hênh, ông đi qua bà đi lại tha hồ dòm ngó. Hai vị cấp tá là anh Nghiễn và anh Nghị, oai hơn được mỗi người một phòng nhỏ có cửa cho kín đáo.

Anh Nghiễn người gầy và cao, tính tình vui vẻ, lúc nào cũng cười hề hề. Dù bị suyễn nặng, anh hút thuốc liên miên hiệu Cra- ven A có đầu lọc, và uống rượu cũng dữ. Trong phòng anh đủ thứ rượu mạnh, Johnny Walker, Hennessy, Rémi martin, Martel. Anh thích nhất Martel, trong xe lúc nào cũng có vài chai phòng hờ. Dạo đó, ca sĩ Jo Marcel đang nổi tiếng, chúng tôi đùa gọi anh là Jo Martel, anh chịu lắm.

Thấy mấy đứa đàn em không biết nhậu, anh hơi nản, nhưng khi buồn cũng hay dắt một đám đi cho biết mùi… rượu. Anh ngồi uống tì tì, ăn rất ít, chúng tôi ăn lia chia, lâu lâu mới nhấp chút rượu. Anh tức lắm, mắng loạn lên: Tụi mày toàn phá mồi, đừng hòng theo tao nữa, chỉ mấy mày sau, anh quên tuốt luốt, lại kéo bọn phá mồi đi nữa.

Lúc đó chuyện chưởng Kim Dung đang thịnh hành, hầu như ai cũng đọc. Trong Cô Gái Đồ Long, Lục Mạch Thần Kiếm… các nhân vật suốt ngày gọi nhau là ca ca, muội muội. Vì anh Nghiễn họ Tô, tôi gọi anh là Tô ca ca. Được gọi như vậy anh thích lắm, cho đến một hôm, đang nhậu say sưa, một tên thầy dùi thóc mách: anh ơi, ca ca là tiếng Tây chứ không phải tiếng Tàu đâu. Mọi người cười ầm lên. Anh giận lắm, chỉ mặt tôi: “à, thằng này đểu, mày dám sỏ tao”. Rồi thôi. Mọi người tiếp tục nhậu, tôi vẫn gọi anh là Tô ca ca.

Khi Trung tâm 4 Hồi Lực dọn về Trà Nóc, cách Cần Thơ cỡ 15 km, tại một bệnh viện của Mỹ để lại, anh Nghiễn được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng, có Châu Tiến Mã và Vĩnh Quý làm y sĩ điều trị (Mã trên tôi 1 lớp, Quý dưới tôi 2 lớp). Lúc đó., Trần Cao Thăng, Nguyễn Tất Toại và tôi còn làm ở Trung tâm 4 Tuyển mộ Nhập ngũ. Qua năm 1972, cả 3 chúng tôi đều về đầu quân với anh Nghiễn. Châu Tiến Mã đổi đi, tôi thay Mã làm Chỉ huy phó, kiêm Trưởng Khối Chuyên Môn. Sau này có anh Nguyễn Sơ Đông, trên tôi 2 lớp cũng về đây làm việc.

Toại và Quý có gia đình, ở ngoài. Thăng và tôi được anh Ng hiễn cho một phòng rất khang trang, gắn máy lạnh, đồ đạc đầy đủ, nhưng tụi tôi ham chơi, vẫn đóng đô tại cư xá Sĩ quan Quân Y viện Phan Thanh Giản cho vui vì có nhiều bạn bè, để đêm đêm còn phòng trà, mạt chược…. Bạn đàng hoàng như Vũ Thiện Đạm, Nguyễn Tuấn Khoan dùng để … ăn ké, bạn bê bối như Trần Mộng Lâm, Hoàng Xuân Trường, Trần Trọng Cần để du hí.

Toại có phòng mạch ở Phụng Hiệp, xa lắm, đi lại nhờ chiếc Simca Aronde màu đen, nhưng xe nằm ụ ở garage để sửa chữa nhiều hơn đưa chủ đi làm.

Vĩnh Quý không làm phòng mạch. Hắn có chiếc xe hiệu gì tôi không nhớ, nhưng rất cũ, mỗi khi thắng là 2 cửa mở bung ra. Lâu lâu được hắn chở đi, đỡ mỏi chân, thì lại mỏi tay vì phải dùng tay trái giữ chặt cửa xe, sợ nó mở ra bất tử.

Thăng và tôi có phòng mạch tại quận Cái Răng. Khách khứa lưa thưa, chỉ đủ trả sở phí và tối tối đi ăn canh chua đầu cá ở bến Ninh Kiều. Vì thương 2 đứa không có xe hơi, mà Trà Nóc-Cái Răng lại ngược đường nên sáng nào anh Nghiễn cũng cho xe jeep Hồng Thập Tự xuống đón tụi tôi tại Quân Y viện Phan Thanh Giản, chiều lại chở về.

Anh Nghiễn là ông xếp dễ tính hết cỡ - đàn em muốn làm gì thì làm, tới giờ nào, về giờ nào cũng được miễn là công việc trôi chảy, thương bệnh binh được chăm sóc chu đáo – không bao giờ xin nghỉ phép mà anh từ chối. Có lần, Tướng Cục trưởng xuống thăm đơn vị, tôi vắng mặt vì đêm trước đánh bài tới sáng, vậy mà anh vẫn cười, không mắng không phạt.

Thăng có mấy tên bạn Quân Cảnh hay đến rủ hắn đi ăn nên buổi trưa thường chỉ có anh Nghiễn và tôi, hai anh em ăn cùng. Ăn xong, anh kéo tôi vể phòng tán dóc và nghe nhạc. Dàn nhạc của anh là số một lúc bấy giờ AKAI, TEAC, SANSUI, PIONEER…. Băng nhạc nhiều vô kể, chất đầy phòng. Lúc đó, tôi có người yêu du học ở Canada nên thường nhờ anh thâu những bản hay và hợp tình hợp cảnh như Nghìn trùng xa cách, Biển nhớ, Thu hát cho người. Anh phải tìm từng bài trong nhiều băng nhạc khác nhau rất mất thời giờ. Tính anh cẩn thận, không vừa ý là làm lại, có khi 2-3 lần, đến lúc hoàn hảo mới đưa cho tôi.

Còn một chuyện nữa, tuy hơi xấu hổ, nhưng tôi cũng viết ra đây để nói lên tính hào sảng của bực đàn anh. Tôi vốn mê cờ bạc, mạt chược, xì phé quanh năm. Cờ bạc thì khi được, khi thua: Được thì vung vít dắt bạn bè đi ăn uống, thua thì hốc hác chạy lên cầu cứu anh Nghiễn: muốn mượn bao nhiêu cũng được, có thì trả, không có thì lờ đi, chẳng bao giờ anh đòi…. Đến khi mất nước, tôi vẫn nợ anh, tuy không nhiều nhưng vẫn là nợ.

Giữa tháng 4 năm 1975, tình hình Việt Nam nguy ngập, nhiều đồng nghiệp đã về Saigon, không trở lại.
Ngày 16 tháng 4, anh Nghiễn cho phép tôi về thăm nhà ở Sai- gon, gặp cha mẹ và 2 chị tôi để bàn tính công việc. Tôi trở lại Cần Thơ ngày hôm sau.
Khoảng 20-21 tháng 4, tới phiên anh Nghiễn về Saigon, tôi xử lý thường vụ. Lúc đó tại Trung tâm 4 Hồi Lực, chỉ còn Thăng và tôi, 2 tên độc thân gồng mình thủ trại.
Sáng 30/4. Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Thăng và tôi tập họp mọi người nói lời từ biệt và xin lỗi vì không thể làm gì để giúp họ trong lúc đó. Nhìn đám thương bệnh binh thất thểu ra đi, kẻ cụt chân, người cụt tay, Thăng và tôi không cầm được nước mắt, vừa thương họ, vừa thương thân, vì chính chúng tôi lúc đó cũng đâu biết phận mình sẽ ra sao.

Nhờ có bạn ở Hải quân, đặc biệt là Nha sĩ Trần Văn Bé, chúng tôi được đi ké tàu há mồm di tản khỏi Cần Thơ khoảng 6 giờ tối. Chuyến phiêu lưu của chúng tôi ly kỳ lắm, nhưng không phải chỗ để kể lại ở đây.

Anh Nghiễn về Saigon, rốt cuộc bị kẹt. Nếu anh đem gia đình xuống Cần Thơ thì có lẽ đêm 29/4, anh đã đi cùng với bạn anh là Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tư lệnh vùng 4 sông ngòi.
Anh bị tù 3 năm. Khi được thả, anh về làm việc tại phòng cấp cứu Nguyễn Văn Học. Năm 1990, anh được bảo lãnh qua Mỹ, tiểu bang OHIO.
Anh lập gia đình với chị Nha sĩ Ngọc năm 1958, và năm sau, anh chị có cháu trai đầu lòng, cháu tên Nha, theo nghiệp bố. Sau Nha, anh Nghiễn còn có 4 cháu, 2 trai, 2 gái, 3 người theo nghề mẹ. Anh đã có 3 cháu nội và 1 cháu ngoại.

Anh Nghiễn qua đời ngày 11/1/2001, hưởng thọ 80 tuổi.

Anh Nghiễn ơi, em viết bài nhắc kỷ niệm xưa mà toàn chuyện vui, không có chuyện buồn, có vẻ không hợp với việc anh vừa quy tiên, nhưng đó là chuyện thật. Trong thâm tâm, lúc nào em cũng kính trọng và quý mến anh, người đàn anh vui vẻ, hoà nhã và độ lượng. Em cầu mong, ở bên kia thế giới, anh vẫn được vui vẻ như thuở sinh thời.

Nguyễn Thanh Bình (Bát Sách)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét