Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Quê Ngoại


Má tôi thứ Sáu. Mọi người thường gọi má tôi là cô Sáu hay Bác Sáu( Mặc dù ba tôi thứ Hai đáng lý người ta phải gọi là Bác Hai mới đúng ). Má tôi sinh trưởng tại Phước Thiền (Biên Hoà) lớn lên lấy ba tôi là người Bình Định vào Nam lập nghiệp. Má bỏ phố chợ theo chồng từ dạo đó.

Thuở nhỏ, tôi mê về quê ngoại lắm. Má tôi dẫn 5 anh em tôi ra chợ Long Thành, mua ít đồ làm quà biếu rồi đón xe thổ mộ đưa anh em tôi về thăm nhà. Chiếc xe có con ngựa rất khoẻ, trên đầu chụp cái mũ che đôi mắt chỉ để nhìn phía trước, trên đó gắn lấy cọng lông chim trĩ để trang trí làm đẹp. Con ngựa không thể thấy hai bên nên cứ nhìn thẳng con đường mà phi nước đại “Lọc cọc…lọc cọc…” đều đặn, vui tai. Mấy quang gánh lắc lư lắc lư theo nhịp ngựa phi nước kiệu.

Chiếc xe không lớn hình chữ nhật, phía trên mái vòng cung, hai bên hông có chỗ để móc quang gánh của các bạn hàng đi chợ. Hai bánh xe thật lớn và cao ngang tầm con ngựa. Mỗi khi lên, xuống bác phu xe phải nhắc một ghế đẩu để hành khách bước làm đà.

Tôi thích nhất là được ngồi kế bác xà ích hay ngồi cuối cùng để thòng hai chân xuống một tay vịn chắc vào thành xe, hai chân đong đưa lắc lư như chính mình đang chạy vào vùng thần tiên nhiều cổ tích. Má tôi thường nhét tôi vào trong Bà nói:

- Con gái gì mà rắn mắc, ngồi như dzậy té chết cha nghen con!

Con ngựa cứ phi, người trong xe râm ran hỏi thăm nhau chuyện mua bán trong ngày, bác xà ích tay nắm dây cương giựt giựt điều khiển ngựa chạy, một tay cầm roi thỉnh thoảng quất nghe trót.. trót

Khỏi cầu Quản Thủ, xe quẹo qua ngã ba Phước Thiền, gió hai bên ruộng lúa thổi vào mát rượi, thơm thơm. Vượt qua khỏi dốc cầu là tới chợ Phước Thiền. Nhà bà ngoại tôi nằm ở dãy phố bên tay trái kế chợ. Ngôi nhà của má tôi sinh ra và lớn lên, chiếc xe thổ mộ và tiếng ngựa phi tất cả đi vào ký ức tôi cho đến bây giờ.

Thật tình tôi không còn nhớ mặt ông bà ngoại tôi như thế nào. Má tôi kể bà ngoại tôi rất hiền và thương người. Khi má tôi sinh tôi ra là con gái bà mừng lắm.Bà thường ôm tôi vào lòng hát ru cho tôi ngủ mỗi lúc má tôi đưa tôi về thăm quê. Bà thường âu yếm gọi tôi là: "Con chó con của ngoại". Do đó trong hồi ức tôi ngoại là bà tiên tóc trắng, móm mém nhai trầu, mặc áo bà ba với cái khăn rằn vắt vai rất là nam bộ.

Chợ Phước Thiền có điểm đặc biệt hơn những nơi khác là chợ nằm giữa hai dãy phố hai bên. Chợ xây trên bậc thềm cao, mái lợp ngói, bốn bên trống trơn, chợ rộng rãi thoáng mát. Con đường tráng nhựa tương đối rộng cách ly chợ với hai dãy phố đối diện nên khu chợ trông ấm cúng và ngăn nắp.

Nhà ngoại tôi là dãy phố đối diện chợ Phước Thiền. Cậu Hai tôi -người ta thường gọi là Hai Chánh- bán tạp hoá nên nhà không thiếu thứ gì. Nước mắm, dầu hôi, gạo, giấy tiền vàng bạc, kẹo bánh và luôn cả vật dụng dành cho học sinh. Mặc dù là phố chợ nhưng mặt tiền nhà ba gian rất rộng. Nhà có chiều dài ăn sâu vào tuốt phía sau với rất nhiều lu, khạp thật to để chứa nước mưa. Nhà sau thông với vườn cây ăn trái rộng mênh mông. Những cây dừa thật cao sai oằn những trái, cây cau đứng thẳng lên trời ngó mỏi cổ. Cam, bưởi, quýt, ổi trái chi chít trĩu cành . Chúng tôi thường chỉ được má dẫn về quê ngoại mỗi khi có giỗ (má tôi gọi là cúng cơm) hay dịp Tết hoặc gia đình ngoại có tang, hỷ sự. Thỉnh thoảng má cũng cho anh cả tôi dẫn đàn em về thăm nhà ngoại.

Tôi nhớ như in,( mặc dù bây giờ gần 60 năm đã qua, những người thân yêu thời cố cựu đã ra người thiên cổ, kể cả các anh tôi và các anh chị họ ngoại của tôi.) Mỗi lần tết hay cúng cơm, cậu Hai tôi phải trèo lên cái thang để đốt hương trên bàn thờ tổ tiên. Tôi còn bé đứng nghểnh cổ hết mức mới nhìn được mấy cây nhang cháy lập lòe trên bàn thờ.Tôi sợ lắm vì thấy sao mà nó âm u và linh thiêng quá.Theo má, tôi chắp tay xá xá cúi đầu rồi lôi tay mấy anh chạy tót ra phía sau.

Phía sau nhà là khu dành làm phòng ăn và ở cho con cháu, Gian giữa là phòng của cậu và chứa đồ, gian kế là khu chứa gạo, nước mắm, dầu hôi, đường và vô số thùng, bịch, bao, cái mở cái không. Căn nhà được sáng bởi những tấm kính đặt xen kẽ với ngói âm dương đưa ánh sáng vào nhà. Phía nhà sau là ba bộ ván to đùng. Mỗi bộ ván chỉ có hai miếng. Không biết thân cây này to cỡ nào mà năm anh em tôi với hai đứa con của dì Bảy bị bắt ngủ trưa, nằm trên bộ ván này, lăn qua lăn lại mà vẫn rộng rinh.

Tôi thích nhất nhà Cậu Hai là bộ trường kỷ được đặt ở nhà trên để tiếp khách. Cái bàn rất rộng, bên trên đặt bộ tách trà khay trầu chung rượu và một xị đế, còn bình trà thì được chứa trong một trái dừa khô có khoét lỗ. Bộ trường kỷ có hai băng ghế khảm xa cừ. lưng dựa và tay vịn là những thanh gỗ tròn chạm gọt tinh vi, được tra vào những thanh gỗ hay sắt làm trụ mà khi đưa tay rẹt một cái các thanh gỗ xoay xoay phát ra âm thanh thật đã lỗ tai. Tôi là con nít nên ít khi dám lên nhà trên. Nhưng mỗi lần được đến tôi không rời mấy cái ghế đó, tay mân mê rẹt rẹt như chơi đàn.

Sau này khi trưởng thành đã đi dạy và có gia đình, mỗi khi có dịp về thăm quê ngoai tôi được các anh chị mời ngồi ở bộ bàn này để uống trà. Tôi cũng hay mân mê và đẩy những thanh gỗ đó. Cái ghế đã quá cũ, căn nhà vẫn còn trụ được với thời gian nhưng nó cần tu sửa lại. Những kỷ niệm như một bức tranh tuyệt vời làm tôi lặng yên và rưng rưng nước mắt.

1- CẬU HAI TÔI

Nói tới cậu Hai tôi thì có nhiều chuyện để nhớ đời. Thứ nhất là cậu ốm nhom, cao lêu nghêu miệng móm xọm. Cậu như bộ xương cách trí được lồng trong bộ bà ba trắng đi tới đi lui. Cậu mà uống say thì cậu hay kể chuyện xưa rồi khóc. Cậu vừa khóc vừa nói, điếu thuốc vấn lập bập trên môi trông vừa sợ vừa tức cười. Cậu buôn bán khá giả nhưng tuyệt đối không hút thuốc điếu mà chỉ chơi thuốc rê và đích thân cậu vấn.

Thuốc rê cậu hút phải là thuốc hạng nhất, hút điếu nào vấn điếu đó. Cậu lấy giấy cuốn đã được cắt sẵn rứt một nhúm thuốc bỏ vào cuộn tròn. Xong cậu dùng hai bàn tay vê một cái rẹt đưa lên miệng liếm dính rồi dùng lưỡi giữ điếu thuốc. Cái lưỡi lè ra lè vô như dán lại điếu thuốc cho dính. Hộp quẹt của cậu cổ lỗ xỉ chắc từ thời Bảo Đại chưa về nước có nắp đậy rời ra. Cậu xoay mạnh bánh xe là đá quẹt tóe tia lửa chạm vào mồi bằng chỉ đã tẩm xăng bằng bông gòn ở bên trong. Lửa phát ra, cậu châm thuốc rồi đậy nắp lại. Nắp hộp quẹt liền với sợi dây cột dính ở thắt lưng. Hộp quẹt là vật bất ly thân của cậu Hai tôi cùng với chùm chìa khóa.

Điều đặc biệt và kỳ dị ở đây là tất cả các cột to đùng ở trong nhà đều có gắn tàn thuốc rê của cậu ấy. Khi hút gần hết điếu thuốc cậu bập bập môi lè ra lè vô một lần nữa xong lôi điếu thuốc đã gần hết, ướt nhẹp ra dán vào bất cứ cột nhà nào cậu đứng gần. Đố đứa nào dám lấy quăng đi. Bửu bối của cậu Hai tôi đó. Cậu hay nói :" thuốc ngon nhất là cái đuôi này, tất cả tinh tuy của điếu thuốc nó kết lại ở đây." Đúng như câu nói thuốc ngon nửa điếu. Độ một hoặc hai tuần cậu thu gom tất cả các tàn thuốc lại, lấy thuốc bên trong ra và làm thành những điếu thuốc rê ngon nhất( theo cậu). Cho nên trong nhà này mùi nước mắm, dầu hôi, nước tương, mắm ruốc, thuốc lá quyện thành một mùi đặc biệt, vừa khó chịu vừa khó quên.

Cậu Hai tôi rất thương con cháu. Cậu là bậc trưởng thượng, là người lớn nhất đứng đầu gia tộc, nhưng đám giỗ lớn cỡ nào cậu cũng không ngồi ăn ở bàn khách. Tiếp khách xong, cậu để cho em, con phục vụ cậu xuống ngồi ăn với đám nhóc tụi tôi. Thức ăn được dọn lên đầy đủ ở bộ ván sau nhà. Tụi tôi các con cháu nội ngoại ngồi xếp bằng xung quanh để ăn. Cậu bỏ thức ăn cho mấy đứa, kêu đem thêm đồ ăn hay lấy xương cá ra ngoài cho tụi tôi khỏi bị mắc xương. Thú vị nhất là cậu ăn dùm tất cả thịt mỡ kho tàu. Tụi tôi tha hồ ăn thịt nạc đã được nấu mềm rục chung với dưa giá làm chua. Vì là phố chợ lại ở miệt vườn nên mấy bà chị dâu tôi rất giỏi bếp núc. Thức ăn đám giỗ miền quê ê hề. Các chị làm đủ thứ bánh miền Nam để cúng Ông Bà nên bọn nhóc tụi tôi ăn uống no nê. Mỗi năm anh em tôi mong ngày đám giỗ hay Tết để về quê ngoại mặc sức được ăn ngon và hái trái cây thỏa thích.

Cậu tôi mất khi tôi đủ lớn để biết cảm nhận tình thương nơi cậu. Chị Hai Bé con cậu tôi thay cha buôn bán. Anh rể tôi vừa lo bốc hàng phụ vợ và phát triển ruộng nương. Do đó các cháu tôi có những cái nickname rất lạ: ”Chim, Cò, Két,Tỉnh,Tương, Chao” Đến bây giờ các cháu đã có sự nghiệp riêng, có dâu, có rễ, có cháu nội ngoại mà tôi cũng không biết tên thật của chúng là gì. Gặp chúng tôi vẫn lôi cái tên này ra gọi.Tụi nó quê quá lên tiếng phản đối: “Dì ơi là dì! kêu vậy chết tụi con rồi”



2- MÁ NĂM TÔI

Má tôi thứ Sáu và đương nhiên chị má tôi thứ Năm. Không hiểu sao tụi tôi không gọi bằng dì mà gọi bằng Má -Má Năm-. Nhà dì tôi cũng ở phố chợ Phước Thiền nhưng bên tay phải và cách chợ khoảng sáu bảy căn nhà. Nhà cũng rất rộng và sâu, kéo dài ra tận vườn dừa xum xuê những trái, Vườn nhà má Năm tôi có rất nhiều cam và bưởi. Những trái bưởi sai oằn ngọt tê đầu lưỡi đã quyến rũ anh em tôi mỗi khi về quê ngoại không muốn về nhà.

Má Năm tôi cũng ốm nhom móm mém giống như má tôi. Vẫn thích mặc quần đen, áo túi hay áo bà ba, khăn vắt trên vai hay đội trên đầu mỗi khi ra ngoài. Nhóm trẻ bây giờ không thể thấy hình ảnh những bà mẹ quê miền Nam ngày xưa ăn mặc như thế nào. Này nhé, thường thì họ mặc quần đen ống rộng, đáy nem hay đáy giữa.( Bây giờ không còn thấy ai mặc quần đáy nem hay quần một ống một đáy. Có nghĩa là hai ống quần không nối nhau ở giữa mà có thêm một miếng vải may ở đó để kết nối hai ống quần. Như vậy khi phụ nữ bước đi hai mông không lộ ra theo đường may ở giữa. Khi tôi thành thiếu nữ, má tôi đã cho tôi mặc quần như vậy. Bà nói con gái đoan chính không được để những đường cong của cơ thể lộ ra ngoài quần áo khiến đàn ông có ý nghĩ không tốt. hu hu)

Ở nhà các má hay mặc áo túi có lẽ vì nó có hai cái túi to dùng để đựng khăn mặt, tiền hay những thứ linh tinh. Áo túi thường rộng, ngắn tay và ngắn hơn áo bà ba. Ra đường họ mặc áo bà ba ra ngoài áo túi. Đầu các má đội khăn ngoài chiếc nón lá. (khăn thường có sọc ngang dọc khá dài, một tay nắm một bên múi khăn hất lên đầu, tay kia cũng làm như vậy và cái khăn có cái hình như cái bánh ú. Mỗi khi mệt thì lôi khăn xuống lau mồ hôi. Tiện và lợi) Ở nhà phụ nữ mang guốc mộc .

Mỗi khi đi đám cưới hay dự những tiệc sang trọng họ búi tóc hai vòng rất đẹp có cài trâm hay móc tai vàng để giữ múi tóc không bị sổ ra. Họ mặc quần trắng (hay đen) áo dài lịch sự. Cổ đeo dây chuyền hoặc kiềng vàng bông tai, xuyến vàng sang trọng. Chiếc khăn vuông bằng tơ hay lụa giá trị được xếp chéo đội trên đầu và cột thắt ở cổ như cái nơ. Đôi khi khăn không đội mà cột quàng ở cổ điệu đà. Chân mang guốc sơn có in hoa rất đẹp.

Dì Năm tôi có chồng, tụi tôi gọi là Ba Năm. Ba Năm tôi làm thầy pháp chuyên trị tà ma. Mỗi năm vào rằm tháng giêng thì má tôi dẫn cả bọn tôi về quê để thay bùa. Bùa là là một mảnh giấy vàng cở hai lóng tay, dài độ một gang. Ba Năm tôi dùng mực tàu vẽ ngòng nghèo vào đó làm phép rồi bỏ vào một cái túi nhỏ màu vàng hình tam giác. Chỉ màu gồm vàng, đỏ xanh se dính vào nhau, ba Năm tôi vẽ bùa vào đó rồi làm dây cho tụi tôi đeo.Tụi tôi từng đứa phải đứng trước bàn thờ. Ba Năm tôi dùng nhang vẽ ngoằn ngoèo trên không trung, miệng niệm thần chú thỉnh thoảng xuýt xoa thổi nhang phì phò lên đầu tụi tôi. Khi ông đánh chuông nghe một tiếng beng là xong một đứa. Bùa phép có linh và hiệu nghiệm hay không tôi cũng không biết, chỉ biết mỗi khi đến cái am của ổng là tụi tui sợ điếng hồn ngồi im re không dám nhúc nhích. Am nhỏ, nhưng bày la liệt những hình nhân cô cậu có mấy con hạc, ngựa gỗ đứng hầu. Giấy đỏ, giấy vàng có vẽ bùa treo la liệt khắp nơi. Khói hương lúc nào cũng nghi ngút, trái cây từng dĩa đặt trên khay thờ. Ngoài cửa có cổng với hai con cọp nhe răng phát sợ. Ngay gốc cây vú sữa cạnh đó cột một cặp khỉ. Chúng khọt khẹt nhảy nhót lung tung. Khi chúng ngồi yên là hai mắt nhìn trừng trừng phía trước hay bắt chí cho nhau. Am nằm ở phía sau vườn nhà dì Năm tôi. Mỗi khi về thăm, chúng tôi sợ không dám ra để chào ba Năm. Tôi sợ cái am, sợ mấy con cọp giấy, sợ con khỉ thật khôn cột trước cổng am và sợ luôn ông dượng rể làm thầy pháp.

Ba tôi không tin ba cái vụ đeo bùa hay cúng bái tà ma này. Nhưng có một nguyên nhân do má tôi kể lại mà ông phải chấp nhận. Số là ngày má tôi còn con gái bán buôn ở chợ Phước Thiền. Một ngày bà bán hết hàng, bà để quang gánh không ở đó và đi mua thức ăn về nấu cho cả nhà. Lúc trở lại bà thấy trong thúng có một gói nhỏ. Bà la lên " Ai bỏ trong thúng tui cái gì thì tới lấy để tui còn về." Gọi hoài không ai tới nhận. Mọi người kêu bà mở ra xem trước chợ để coi là cái gì. Bà mở ra thì chỉ có một núm tóc, kim, chỉ, một cái lược nhỏ và một mảnh giấy có viết chữ tàu nguệch ngoạc...Đó là thuật trù ếm gì đó của thời xưa. Đã mở ra rồi má tôi không làm sao tránh được vận xấu mang vào người. Bà bỏ cái gói nhỏ đó lại bên chợ và về nhà. Khi má tôi lấy chồng sinh con ra 3 lần đều không nuôi được. Cứ vài tháng tuổi thì các anh chị tôi mất. Má tôi đã đi thầy giải bùa nhiều lần nhưng không kết quả. Đến đứa con thứ tư má tôi đem cho ba Năm tôi làm phép, cho một ông trùm nhà thờ bên công giáo đỡ đầu. Cuối cùng không dám tự nuôi con mà phải cho em ruột nuôi dùm. Anh tôi èo ọt, bệnh tật liên miên tốn rất nhiều tiền thuốc men. Ba Năm tôi cúng bái, cho đeo bùa trấn ếm mới giữ được. Từ sau đó chúng tôi ra đời yên ổn, má bắt chúng tôi phải đeo bùa thầy để trấn áp.

Ba Năm tôi làm thầy nên rất khó nuôi con nhất là con trai. Đứa con trai duy nhất của Má Năm tôi sinh ra èo uột, xấu xí và phải giao cho dì Bảy tôi nuôi gọi là để sang tay ma quỷ không quấy phá. Điều đặc biệt là con của Ba Năm tôi không dám gọi ông bằng ba mà gọi là Ổng.(- Ổng ơi ổng! Dzô ăn cơm-) lần đầu nghe gọi tôi cứ ngớ ra không biết gọi ai, sau nghe riết rồi quen cũng thấy hay hay. Có lẽ vì làm thầy Pháp tránh ma quỷ trả thù con cái nên ông không dám cho con kêu bằng ba.

Thật ra, ba Năm tôi rất hiền, ông làm thầy là do nghiệp dĩ để giúp người. Nếu có người cần giúp mà ông từ chối là ông bị hành ghê khiếp lắm. Đau đớn toàn thân, đầu nhức, nói năng lảm nhảm và tự đánh mình bầm dập. Cho nên khi cần là ông phải khăn gói đi đến tận nơi để làm phép giải vây cho con bệnh. Công của ông người ta thường trả bằng gạo, trái cây hay hoa lợi trong vườn nhà. Cuộc sống gia đình nhờ vào hai hàng khô mắm của dì tôi và chị dâu tôi ở chợ Long Thành. Ngày tôi còn nhỏ và học Trung học, má Năm tôi thường để dành trái cây cúng, nhất là cam và bưởi cho tôi. Bà nói với má tôi:

- Con gái, cho nó học chi nhiều để nó ốm nhom ốm nhách sau này làm sao nó lấy chồng!

Những trái cam trái bưởi để lâu da dính sát vào múi là những món quà tình thân mà bà gói ghém để vỗ béo tôi bằng tất cả tấm lòng. Khi tôi đã vào Sư Phạm, lần nào đón xe lên thành phố tôi cũng ghé vào chợ thăm bà. Bà nhìn tôi âu yếm, tay quẹt cổ trầu móm mém nói :

- Dữ hông! Sắp thành cô giáo rồi hả chó con. Rồi bà mở hộp tiền lấy ra đưa tôi mấy chục:

- Nè! Má cho! ra bến xe mua ổ bánh mì thịt, lên xe ăn đỡ đói nghen con !”

Tôi không nhận thì bà giận nói tôi chê ít không còn thương bà. Cầm những tờ giấy tiền tẩm mùi mắm thum thủm tôi thương bà biết bao nhiêu. Má Năm tôi, người mẹ thứ hai đã chắp cánh cho tôi bay lên khung trời yêu thương ngọt ngào tình mẫu tử.

3-DÌ BẢY

Em gái má tôi thứ Bảy. Mà kỳ lạ tụi tôi không gọi bằng má hay dì mà gọi trỏng một tiếng “Bảy” Có lần một người bà con bên nội đã rầy la tụi tôi sao gọi dì hỗn hào vậy. Anh tôi trả lời ngon ơ:” Con đâu có biết, hồi nào tới giờ tụi con gọi vậy mà”. Bảy tôi lấy chồng ở xóm Trầu làm nghề nông nên nghèo lắm. Tôi nhớ mỗi khi Tết ba tôi hay chở anh em tôi bằng xe mô tô về thăm. Mấy đứa em họ tôi chạy núp sau hè nhìn vào với đôi mắt vừa sợ vừa ngưỡng mộ. Do Bảy nghèo nên má tôi lúc nào cũng lo lắng và bảo bọc cho gia đình em mình. Bảy tôi sinh đứa con gái đầu lòng cùng lúc Má Năm và má tôi sinh con trai. Cả hai người anh mới sinh đều khó nuôi èo uột, nên sau vài tháng tuổi hai bà đem con về cho Bảy tôi nuôi luôn. Vừa giúp con mình qua khỏi đốt, vừa tạo cho đời sống dì Bảy tôi khấm khá hơn. Bầu sửa của dì Bảy nuôi cả ba đứa trẻ. Đứa con gái của dì trắng trẻo mập mạp. Nhưng để dễ nuôi dì đặt tên Đen, anh con Dì Năm tôi tên Thùi, anh cả tôi tên Thích. "Đen Thùi Đen Thích. "Cả ba được dì chăm sóc bú mớm, ẵm bồng. Đến khi qua đốt khoẻ mạnh các anh tôi mới về nhà cha mẹ ruột.

Dì Bảy tôi con đông, chồng mất sớm nên dì nghèo lắm. Món quà hàng năm ngày Tết của Bảy tôi là những món dân dã cây nhà lá vườn nhưng rất ngon. Như bánh ít nhân dừa hay nhân đậu, bánh tổ, bánh tráng ép chuối khô mà chúng tôi rất thích.Vừa ngọt, vừa béo lại thơm thơm mùi gừng. Ngày Bảy tôi hấp hối bà nhắn má tôi vào, ai cũng nói bà nấm nuối má tôi nên chưa đi được. Vợ chồng tôi chở má tôi vào thăm lúc dì rất tỉnh táo. Tôi cho dì 10.000$ để uống thuốc, dì mấp máy môi nói cám ơn. Má tôi cầm tay dì thương yêu, dì thều thào xin má tôi tha lỗi, nợ nần dì thiếu má tôi đến gần chết dì cũng không trả nổi. Má tôi nước mắt chảy xuống ướt cả tay dì .Má nói:

- Chị cho em luôn đó, em không còn thiếu chị đồng nào hết cứ yên tâm nghen em.”

Chúng tôi chở má tôi về tới nhà cậu Hai tôi thì trong nhà ra báo tin Bảy tôi đã ra đi.

Dì Bảy tôi suốt đời lam lũ góa bụa nuôi đàn con bốn đứa. Nhà nghèo lại không của cải, tấm thân khô héo với bao nhiêu gian khó. Má tôi thương em luôn đùm bọc giúp đỡ. Má không nghĩ cho dì mượn mà là cho em trang trải trong những lúc khó khăn. Không ai biết dì đã thiếu má tôi bao nhiêu tiền nhưng tấm lòng dì ngay thẳng ghi nhớ đến lúc cuối đời. Đó là tất cả sự đôn hậu trung thực của phụ nữ Việt Nam. Ơn đền, nghĩa trả.

4- MÁ TÔI

Má Sáu- Là tiếng gọi thân thương của các con dì tôi dành cho má tôi. Má tôi thời con gái chắc đẹp lắm. Sóng mũi má cao, miệng nhỏ xinh xinh, làn da mượt mà chỉ có đôi mắt hơi lé một chút. Nhìn thật kỹ mới biết mắt má có vấn đề nên tụi tui hay chọc má là :”Người đẹp lé kim.”

Má lấy chồng xứ ngoài (Bình Định) nên gồng gánh cả bà con cùng xứ bên chồng vào Nam lập nghiệp. Các chị họ bên ngoại tôi cũng theo má để học buôn bán và các anh họ theo ba tôi để học lái xe. Cho nên gia đình tôi đông lắm. Ba tôi chỉ biết đi làm lương ba cọc ba đồng còn thì một mình má tôi xoay sở. Bà điều động mọi người cùng làm việc để thu thêm lợi tức sinh sống, nhất là khi các chú ngoài quê vào Nam khá đông để tìm việc làm. Bà thầu thu mua hột cao su rồi bán cho đại lý ở Sài Gòn. Bà thu gom tỉnh nước mắm và chở lên cho hãng chính, mua sỉ nước mắm nguyên chất về bán. Bà lên Sài Gòn bốc hàng về phân phối, bán tạp hóa, nấu rượu và đích thân khai hoang lập vườn…Đôi lúc tôi nghĩ sao má tôi nhiều nghị lực và khả năng đến vậy. Cùng với ba, má đã giúp các chú họ có công ăn việc làm, lập gia thất và ổn định cuộc sống riêng tư tại miền Nam . Cầm trên tay địa chỉ nhà chồng, bà ra tận quê chồng ở tận làng An Nhơn tỉnh Bình Định xa xôi, rước mẹ chồng về trị bệnh và nuôi dưỡng đến cuối đời. Má là tấm gương vợ hiền, dâu thảo mà tôi luôn ngưỡng mộ. Cuộc đời má tôi là chuỗi dài những vất vả gian lao và nhiều bi ai trong đời sống.

Mỗi khi nghĩ về quê ngoại thì hình ảnh má tôi sừng sững ngự trị trong tôi. Má tôi không bao giờ lo chăm chút cho mình mà lúc nào cũng lo lắng cho người trong thân tộc và cả những người không quen. Vải vóc đẹp và đắt tiền em tôi gửi từ bên Mỹ về cho. Biết má tôi tiết kiệm, em tôi dặn tôi phải dẫn má tôi ra tiệm cắt may cho bà. Thấy má vẫn mặc đồ vá, tôi lục tủ và thấy mấy bộ đồ mới không cánh mà bay. Hỏi mãi bà mới nói cho dì nọ, dì kia để mặc đi đám cưới con hay đám tiệc. "Mình cũng còn đồ mặc mà con. Tội nghiệp họ...". Khi bệnh nặng bà dặn nếu bà có qua đời mặc bộ đồ lụa trắng tẩn liệm, còn lại đồ tốt và mới tặng cho mấy dì nghèo trong xóm, đừng bỏ vô hòm thiêu lãng phí. Bà tốt giống như bà Tiên trong chuyện cổ tích hay Phật Quan Âm trong niềm tin tôn giáo trong tôi.

Tôi nhớ hoài hình ảnh má tôi khi phá rừng khai hoang lập rẫy. Dáng nhỏ nhắn của bà len lỏi chặt từng gốc tre gai bằng cái rựa có mấu. Bà gom tre gai lại từng đống chờ khô. Bà chất bổi làm mồi tùy theo hướng gió. Bà dùng cái bùi nhùi bằng mũ cao su đi dài theo từng đống chà tre châm lửa. Gió đưa lửa bùng lên liếm cao từng đống tre gai. Má tôi sau khi châm hết một lượt, bà đứng trên đầu gió, lột khăn đội đầu lau mồ hôi, rồi lấy nón lá quạt phe phẩy miệng không ngớt hô Gió…Gió…Tiếng tre gai tươi nổ nghe lách tách, thỉnh thoảng lại nổ một tiếng to như tiếng pháo. Má tôi mặt đỏ bừng, những giọt mồ hôi thi nhau tuôn theo từng vệt tóc mai. Cái áo đen loang lổ trắng từng đốm mồ hôi muối. Má kêu tôi vào căn chòi nhỏ, lấy cơm đã được bà ém bằng mo cau cắt ra cho tôi chấm với muối mè làm bữa ăn trưa.

Trong trái tim tôi, má tôi là biểu hiệu cho mảnh đất Biên Hòa hiền lành và anh dũng. Khi tôi gia nhập Hướng Đạo, đứng chào lá cờ của đạo Trấn Biên ngoài nhiệm vụ và lời hứa của một hướng đạo sinh, tôi nghĩ đến má tôi: “Nụ cười và nghị lực”. Mẹ Việt Nam trong tôi không chỉ là quê hương mà còn là bà mẹ già nhà quê can cường và hiền dịu. Bàn tay má tôi không mềm mại, thon thả, xinh đẹp như mẹ người ta mà sần sùi, đen đúa. Tôi thương quá đỗi bàn tay lam lũ đưa tôi vào đời. Thương những câu nói mộc mạc chân chất miền nam của má. Thương những kỷ niệm tuổi thơ mỗi khi phạm lỗi, má tôi đã bắt năm anh em tôi nằm dài, roi gát lên mông cho bà trị tội. Bà kể tội từng đứa, vừa kể vừa nhịp roi. (Roi mỗi đứa con má sắm tùy theo tuổi và phải tự cất lấy. Đến khi có lỗi phải tự đem ra và nằm dài cho má đánh) Đánh con đau lòng mẹ nên má đánh không nhiều cũng không đau nhưng những lời dạy của má chúng tôi vẫn nhớ đời.

Phải nói khi tôi biết nhận thức thì má tôi đã là một bà già trầu. Bà nhà quê đến độ rất dễ thương. Ít khi nào gặp má tôi ở những nơi đình đám ăn uống hội họp. Bà chỉ biết làm và chăm chút con cái. Niềm giải trí lớn nhất của bà là nghe tôi đọc truyện. Mỗi tối khi bà xong chuyện nhà, tôi cũng xong bài tập, má tôi và mấy bà dì, cô chồng tụ tập nghe tôi đọc sách. Kẻ nằm võng, người ăn trầu, còn tôi ngồi trước bàn có cây đèn dầu hôi đọc lớn tiếng cho mọi người nghe. Truyện Tiết Nhơn Quý Chinh đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, Phàn lê Huê phá trận,Tam Quốc chí diễn nghĩa. Truyện Phạm công Cúc Hoa, Tấm Cám, Lục Vân Tiên...Những câu thơ lục bát có vần có điệu đã cùng tôi lớn lên theo tôi vào trường, vào lớp.

Tôi luôn nhìn má tôi để sống cho vui lòng bà. Điều làm cho má tôi lo lắng nhất là tôi theo chồng xa xứ khiến bà ăn ngủ không yên. Ngày biến cố 75, tôi đang ở quê chồng miền Trung Quảng trị. Trong cái làng quê mộc mạc thủ cựu đó, tôi lạc lõng bơ vơ.Tôi bị mất quyền dạy học phải làm một người nông dân xã hội chủ nghĩa thứ thiệt. Tôi bị đưa vào hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu miền Bắc. Khi tôi bị nhận chăn con trâu Bầu đầy rận, tôi đã biết mình đã bị cải tạo và bước xuống nấc thang thê thảm nhất của cuộc đời. Con trâu đưa hai mắt ngây ngô nhìn tôi cũng giống như tôi đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn những cái kệch cỡm, nhỏ nhen của những con người tự nhận anh hùng. Ngày cả xã bầu hội đồng nhân dân, tôi bị bắt buộc phải đem con trâu của mình đến chăn tại sân trụ sở. Tôi yên lặng tự nhiên bắt từng con rận to kềnh bám chặt vào thân trâu quăng đi. Tôi đã nhìn những tên Cán Bộ Xã nhỏ nhen như nhìn con trâu Bầu ghẻ lở đầy rận. Tôi bước xuống ruộng đồng đầy đỉa trâu và lạnh giá, tôi cũng chỉ nghĩ đến má tôi và những bụi tre gai ngày nào.Có những buổi đi cấy đêm về mệt mỏi, tôi té ngã nhào trên bờ ruộng hẹp , tôi đã cắn chặt môi không cho nước mắt trào ra. Tôi phải chịu đựng dù gian khổ, dù bị chèn ép đến tận cùng. Tôi không để người dân ở đây nhìn tôi như nhìn một cô gái Sài Gòn chỉ biết se sua đỏng đảnh, một bà vợ sĩ quan kênh kiệu, rởm đời .Tôi thân yếu thế cô, tôi chỉ chống lại những điều mạ lỵ mà họ từng đưa ra tuyên truyền hay diễn trên sân khấu bằng cách của riêng tôi : Chịu đựng và bình thản chấp nhận.

Cuối cùng, tôi được bầu làm phụ nữ xuất sắc nhất xã. Uỷ ban bằng lòng ký giấy cho tôi về thăm nhà với điều kiện khi trở lại tôi phải làm thư ký cho hợp tác xã. Ngày đầu tiên tôi về được miền Nam thăm nhà, Ba Má tôi đứng nhìn tôi khóc ngất. Tôi đen thùi lùi, ốm nhom lại nói nặng giọng miền Trung. Tôi ôm lấy má tôi, hít thật sâu vào lồng ngực mùi mồ hôi quen thuộc thân thương. Mùi của má tôi, mùi thật lạ thật nồng nàn mà tới bây giờ tôi khi viết những dòng chữ này tôi cũng còn nghe như thoảng đâu đây.Tôi ở lại sống với Ba má tôi chờ chồng đi cải tạo về. Tôi lại được má chở che, săn sóc thương yêu.

Má tôi mất trước ngày tôi xuất ngoại một năm. Bà ra đi yên lành, mặt tươi như đang ngủ. Tôi đã tắm rửa thay đồ cho bà trước khi tẩn liệm. Tôi thầm thì bên tai má tôi. :”Má ơi! Má đã trả xong nợ một kiếp người. Má hãy yên tâm về với Phật. Con thương má lắm” Thật lạ, tôi không hề khóc khi má tôi đã ra đi. Khi quan tài đưa vào lò thiêu tôi chắp tay và cầu nguyện cho bà.Trong tôi, má tôi hiền lành và giúp người như vậy thì Phật Trời sẽ độ má tôi kiếp sau có đời sống tốt đẹp hơn.

Tôi yêu má tôi, yêu quê ngoại, yêu cái tỉnh lỵ dễ thương của má, của tôi và đàn con tôi. Tôi tự hào đã sinh ra và lớn lên ở đó. Quê hương tôi trú phú, trái ngọt cây lành. Mặc dù sau biến cố đổi đời tôi như trái bưởi Biên hoà thả xuống sông Đồng Nai trôi nổi theo vận nước. Bao nhiêu gian lao, vất vả bị đày đọa thảm thương tôi cũng chịu đựng và ngẩng cao đầu để chiến thắng nghịch cảnh. Tôi luôn hãnh diện - Tôi là người Biên Hoà.-

Nguyễn thị Thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét