Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế. Chúng ta cùng đến với Sử gia Tư Mã Thiên.
***
Ngày xưa, một người bị tội xử cung hình coi như không còn là con người nữa, đó là một nỗi nhuc không gì so sánh.Thế nhưng Tư Mã Thiên đã nén và bước qua nỗi nhục này để lưu cho đời sau bộ danh sử "Sử Ký Tư Mã Thiên".
Tư Mã Thiên Nhẫn Nhục Viết" Sử Ký"
Tư Mã Thiên (145 TCN-86TCN) tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử Ký (史記); với bộ sử đó, ông được tôn là Sử thánh, một trong10 vị Thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Ông làm chức Thái sử lệnh (太史令) rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử Ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát vềlịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế Công trình này là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.Với tác phẩm bất hủ “Sử Ký” hay còn gọi là “Ghi chép của ômg Thái sử” (Thái sử công thư), ông được coi là nhà chép sử đầu tiên và vĩ đại nhất Trung Hoa. Tư Mã Thiên lớn lên trong một gia đình có truyền thống viết sử. Cha ông, Tư Mã Đàm, làm Thái sử lệnh của nhà Hán.
Tư Mã Đàm chịu trách nhiệm theo dõi các hiện tượng thiên văn và xem ngày cho các buổi lễ, cũng như ghi chép lại những sự kiện hàng ngày ở trong triều. Khi còn nhỏ, dưới sự dìu dắt của cha, Tư Mã Thiên rất chịu khó nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm kinh điển.
Năm 126 trước CN, Tư Mã Đàm sắp xếp một chuyến chu du thiên hạ cho đứa con 20 tuổi của ông. Trong chuyến đi, Tư Mã Thiên đã thăm các công trình cổ xưa và lăng mộ của các vị Hoàng Đế vĩ đại trong quá khứ. Ông ham mê nghiên cứu các bộ sưu tập lịch sử phong phú của những tác giả đời trước, trong đó có Khổng Tử và đã thu hoạch được rất nhiều lợi ích từ cuộc hành trình này.
Sau khi quay trở về kinh đô, Tư Mã Thiên được cử làm vị trí Lang trung tham dự vào triều chính và có nhiệm vụ đi cùng Hán Vũ Đế kiểm tra từng khu vực. Dù đi đến đâu, ông luôn thu thập và biên soạn lại những câu chuyện lịch sử ở các địa phương
Khoảng năm 110 trước CN, Tư Mã Đàm đổ bệnh. Trước đó ông đã bắt đầu một kế hoạch đầy hoài bão của mình, đó là viết bộ Sử ký đầy đủ đầu tiên về Trung Hoa, bao trùm 2000 năm lịch sử từ triều đại Hoàng Đế đến triều đại Hán Vũ Đế.
Biết mình không thể qua khỏi, Tư Mã Đàm vội bảo người con trai tiếp tục sứ mệnh quan trọng này. Tư Mã Thiên đã thề nguyện sẽ hoàn thành tác phẩm của cha ông.
Tư Mã Thiên sau đó kế thừa vị trí Thái sử lệnh của cha.
Ông tin rằng một nhà viết sử cần phải công bằng và độc lập, hơn là phục vụ cho sự yêu cầu của riêng Hoàng đế.
Để ghi chép về các nhân vật và sự kiện lịch sử một cách khách quan và công bằng, ông đã cống hiến phần lớn thời gian và nỗ lực để thu thập và chứng thực các chi tiết lịch sử. Ông đã luôn trung thực, làm tốt nhất để đảm bảo rằng những ghi chép là toàn diện và không có thiên kiến.
Một thử thách mà Tư Mã Thiên phải trải qua là làm thế nào để ghi lại việc làm của các Hoàng Đế hiện tại và trong quá khứ. Cuối cùng, ông quyết định ghi lại tất cả sự việc, cả việc tốt lẫn việc xấu. Tuy nhiên, điều này không hợp với ý của Hán Vũ Đế.
Tư Mã Thiên 司马迁 bắt đầu viết bộ Sử kí 史记 là vào năm 42 tuổi, vừa mới viết được 5 năm thì đại hoạ giáng xuống đầu. Lí Lăng 李陵, người đảm nhiệm chức Đô uý, thống lĩnh 5000 nhân mã đi đánh Hung Nô, kết quả bị 3 vạn kị binh của Thiền vu vây chặt. Mặc dù Lí Lăng và sĩ binh ra sức chiến đấu, nhưng vì quả bất địch chúng nên đã bại trận, chỉ có hơn 400 binh sĩ thoát được trở về. Lí Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình trên dưới, quần thần khiển trách Lí Lăng không nên tham sống sợ chết đầu hàng Hung Nô. Khi hoàng đế hỏi ý kiến của Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lí Lăng, cho rằng Lí Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lí Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, thâm nhập vào đất địch đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lí. Lí Lăng không chịu chết ngay lúc đó chắc có lí do riêng, nhất định muốn đem công chuộc tội báo đáp hoàng thượng. Hoàng đế lại cho rằng Tư Mã Thiên vì việc Lí Lăng đầu hàng nói đỡ để thoát tội nên lấy tội danh đối kháng triều đình bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị một hình phạt tàn khốc, đó là cung hình.
Tư Mã Thiên nghĩ rằng: không có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục cung hình. Người bị cung hình không thể xem là con người. Nỗi đau khổ trong lòng Tư Mã Thiên đã vượt hơn nỗi đau thể xác cả ngàn vạn lần. Lại thêm mọi người chê cười, bạn bè thân thích xa lánh, Tư Mã Thiên đau buồn đến mức không thiết sống. Giữa vấn đề sống và chết, Tư Mã Thiên phải nhẫn nhịn chịu sỉ nhục, chịu sự chê cười của mọi người, sống một cuộc sống không phải nam không phải nữ. Tư Mã Thiên nghĩ đến Khổng Tử gặp hoạn nạn mà viết nên bộ Xuân Thu 春秋, Tôn Tử bị cắt gót chân mà viết nên bộ Binh pháp 兵法, Khuất Nguyên bị đuổi mà viết nên Li Tao 离骚. Những vĩ nhân này sau khi gặp đại nạn đều nhẫn chịu nỗi giằn vặt mà viết sách. Bộ Sử kí của mình vừa mới bắt đầu, sao không nhẫn nhục để hoàn thành? Như vậy, để hoàn thành bộ Sử kí, một công trình vĩ đại, Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết. Nỗi xấu hổ, sỉ nhục, phẫn nộ, tất cả ngưng tụ vào ngọn bút, Tư Mã thiên bắt đầu giai đoạn từ thời đại Hoàng Đế 黄帝 trong truyền thuyết đến năm Thái Thuỷ 太始 (1) thứ 2 đời Hán Vũ Đế (năm 95 trước công nguyên), biên soạn nên bộ trứ tác đồ sộ, được Lỗ Tấn 鲁迅 đánh giá là:
Sử gia chi tuyệt xướng, vô vận chi Li tao
史家之绝唱, 无韵之离骚
Sử ký dài 526.000 chữ, chia làm ba mươi chương. Nó không những là pho sử chính trị, xã hội, kinh tế mà còn là lịch sử đầy đủ về học thuật, văn hóa, các gương mặt danh nhân đất nước từ vua chúa, triết gia, chính trị gia, nhà văn, thương gia, hiệp khách… Nó là một kho tư liệu vô giá và chính xác được làm bởi một năng lực tổng hợp cao những tư tưởng vĩ đại, những hình tượng chân thật và sống động, những tâm sự đau đáu mang sức mạnh thi ca. Tư Mã Thiên là người tổng kết văn hóa Trung Quốc lần thứ hai sau Khổng Tử với công lao không kém gì vị sư biểu này. Tác phẩm không nhằm viết ra để cầu lợi cầu danh. Nó được công bố sau khi ông qua đời khá lâu, do người cháu ngoại Dương Vận thời Tuyên đế thực hiện.
Sử ký là một kiệt tác về lịch sử, đồng thời là một kiệt tác về văn học cổ điển mang tầm nhân loại, một tập “Ly tao không vần” ( Lỗ Tấn). Về sau, suốt 2.000 năm các sử gia khác của Trung Quốc đã theo gương ông để viết Nhị thập tứ sử (24 bộ chính sử).
Nghị lực sống chiến thắng tất cả, Tư Mã Thiên đã nêu cho đời một tấm gương sáng: hy sinh cái nhỏ để phụng sự mục đích lớn.
***
Theo : vietdailynguyen.com - vikypedia.com - vanhoanghean.com - "Tư Mã Thiên Nhẫn Nhục Tả Sử Ký" (Người dịch Huỳnh Chương Hưng)
Huỳnh Hữu Đức biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét