Chiết tự để tìm hiểu Ý NGHĨA gốc của 4 chữ TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO 尊師重道 :
1. TÔN 尊: Là chữ thuộc dạng Hội Ý. Hình dạng Tượng Hình Hội Ý lúc ban đầu như thế nầy:
TÔN 尊 : Nghĩa gốc là Cái Ly đựng rượu, sau dùng chung để chỉ Các Dụng Cụ đựng rượu. Bây giờ cái CHAI đựng rượu cũng được gọi là Tữu Tôn 酒樽 ( 罇 ).( Chữ TÔN là Cái Chai, được ghép thêm bộ MỘC là Cây hoặc bộ PHẪU 缶 là Đồ Gốm vào bên trái như trên 罇 ).
Nghĩa phát sinh của chữ TÔN gồm :
TÔN 尊 : Danh Từ: Chỉ người có địa vị hoặc vai vế cao, như TÔN TRƯỞNG, THẾ TÔN...
Hình Dung Từ : TÔN QUÝ, TÔN TI ...
Động Từ : SUY TÔN, TÔN TRỌNG, TÔN KÍNH, TÔN THỜ...
Kính Từ : Gọi nhà của người ta là TÔN PHỦ ( Nhà mình thì là TỆ XÁ hoặc " HÀN GIA ở mái tây thiên, Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu " là lời của Đạm Tiên nói với Kiều trong mộng ).
Gọi cha của người ta là LỆNH TÔN ( Cha của mình là GIA PHỤ ).
Gọi Vợ của người ta là TÔN PHU NHÂN ( Vợ của mình là CHUYẾT KINH hoặc CHUYẾT THÊ hay " Má bầy trẻ ở nhà " )....
Mạo Từ ( Article ): NHẤT TÔN là Một Pho. Vd : NHẤT TÔN Phật Tượng 一尊佛像 là MỘT PHO tượng Phật.
Chữ TÔN trong TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO là Động từ TÔN KÍNH.
2. SƯ 師: Chữ Hội Ý, gồm chữ Đoái 垖 bên trái, có nghĩa rất nhiều gò đất cao. Bên phải là chữ Táp 帀 có nghĩa là Bao Bọc. Hội Ý là Có rất nhiều gò đất bao bọc xung quanh, Ý chỉ Rất Nhiều, cũng có Ý chỉ Quân Lính đông. Theo diễn tiến Văn Tự như sau:
* Người dạy dỗ chỉ bảo cho người khác : GIÁO SƯ, LÃO SƯ, SƯ PHỤ ( Thầy dạy ). SƯ ĐỒ là Thầy Trò.
* Người giỏi về một kỸ thuật, nghệ nghiệp nào đó, như : LUẬT SƯ, KỸ SƯ, Y SƯ, KIẾN TRÚC SƯ...
* Những từ gọi có liên quan đến Thầy Trò, như : SƯ MẪU, SƯ HUYNH, SƯ ĐỆ, SƯ MUỘI...
* Từ dùng gọi Thầy Chùa và Thầy Pháp, như : THIỀN SƯ, PHÁP SƯ, ĐẠO SƯ...
* Từ dùng cho quân đội, như : HỘI SƯ, XUẤT SƯ ( Xuất Quân ), SƯ ĐOÀN...
* Từ dùng gọi Thủ đô của một nước, như KINH SƯ ( Kinh Đô ).
* Một họ trong Bách Gia Tính : Họ SƯ.
Chữ SƯ trong TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO có nghĩa là THẦY DẠY ( Bất cứ DẠY về cái gì ).
3. Chữ TRỌNG 重: Gồm chữ THIÊN 千 là Ngàn, chồng lên trên bộ LÝ 里 là Dặm. NGÀN DẶM là cái Dặm được lặp đi lặp lại nhiều lần, nên chữ 重 vốn đọc là TRÙNG, có nghĩa là TRÙNG LẮP. Ở đây ta chỉ xét cách phát âm là TRỌNG có nghĩa là NẶNG mà thôi. Về mặt diễn biến của chữ TRỌNG từ xưa đến nay như sau:
* Hình Dung Từ : TRỌNG là Nặng, trái với KHINH là Nhẹ, như : TRỌNG LƯỢNG, TRỌNG LỰC...
Chỉ Mức độ : như TRỌNG BỆNH, TRỌNG ÁN...
Chỉ Số Lượng : như TRỌNG BINH, TRỌNG GIÁ...
Chỉ Chủ Yếu : như TRỌNG ĐIỂM, TRỌNG TÂM...
Cẩn thận, không khinh suất, như : THẬN TRỌNG, TỰ TRỌNG ...
* Động Từ : Xem Nặng cái gì đó, như TRỌNG SẮC là chỉ xem trọng Sắc Đẹp. TRỌNG LỢI là chỉ xem trọng Lợi Lộc. TRỌNG ĐẠO là chỉ xem trọng Đạo Lý, Đạo Nghĩa.... Đây chính là Ý nghĩa của chữ TRỌNG trong 4 chữ " TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO ".
4. chữ ĐẠO 道 : Chữ Hội Ý, gồm bộ Xước 辶 bên trái dưới, có nghĩa là Bước Đi, bên phải trên là chữ THỦ 首, có nghĩa là Đầu. Gom 2 Ý lại có nghĩa : Mở đầu cho những bước đi, đưa đến nghĩa ĐẠO là Con Đường. Chữ Đạo theo diễn tiến của văn tự như sau:
* ĐẠO là Con Đường, là Đường đi cụ thể, như ĐẠO LỘ, QUAN ĐẠO là Đường Cái Quan.
* ĐẠO cũng là con đường đi của Tâm linh, như ĐẠO GIÁO, ĐẠO HẠNH, TU ĐẠO, HÀNH ĐẠO.....
* ĐẠO là chuẩn mưc, phép tắc qui củ ở đời : ĐẠO ĐỨC, ĐẠO LÝ, ĐẠO NGHĨA... Đây chính là cái ĐẠO phải được xem trọng trong Thành ngữ : TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO.
* ĐẠO GIÁO là một ĐẠO tu tiên có nguồn gốc từ ĐẠO LÃO của Trung Hoa, với các từ : ĐẠO SĨ, ĐẠO CÔ, ĐẠO QUAN là Chùa của Đao sĩ và Đạo cô tu.....
* ĐẠO là Nói Rằng. VĂN ĐẠO là Nghe nói rằng .
Đạo Đức Kinh của Lão Tử mở đầu bằng câu : " ĐẠO khả ĐẠO phi thường ĐẠO 道可道非常道。Có nghĩa là : Cái ĐẠO mà có thể thuyết giảng được thì không phải là cái ĐẠO thường. Chữ ĐẠO vừa có nghĩa là Đạo Giáo vừa có nghĩa là Thuyết Giảng (nói).
Trước tiên ta thấy thành ngữ nầy được thành lập bởi 2 Động từ là TÔN và TRỌNG, hợp cùng với 2 Danh từ làm Túc từ là SƯ và ĐẠO. Cho nên nghĩa đã khá rõ ràng rồi:
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO là " Tôn kính người thầy đã dạy ta học, và Trân trọng cái đạo lí mà thầy đã dạy cho ta ". ĐẠO LÝ ở đây bao gồm cả Kiến Thức, Đạo Đức và cả Đạo Nghĩa làm người nữa !
Một điều cần đề cập nữa là : Muốn cho người học trò biết Tôn Sư Trọng Đạo, thì Ông thầy phải cho ra thầy, phải sống mẫu mực và phải biết Tôn Sư Trọng Đạo trước đã, nghĩa là phải Dĩ Thân Tác Tắc 以身作則, tức là phải lấy bản thân mình làm gương cho học trò noi theo. Cái nếp sống mẫu mực của người thầy gọi là nếp sống Sư Phạm đó vậy!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét