Tôi xin ghi nhận những ân tình cho các nhà thơ đã đóng góp những áng thơ yêu đương và lãng mạn qua bài viết cục bộ này. Mang nghiệp dĩ thi ca chất chứa khuynh hướng lãng mạn hay một tâm hồn văn thơ lai láng đắm say, bất cứ thi nhân nào cũng trải qua các giai đoạn tâm tư bị dằn vật vì yêu đương, vì tương tư hay vì nhớ nhung, vì vậy thế gian mới có những Chopin, Beethoven, Paul Verlaine, Jacques Prévert, Félix Avers, hay Việt Nam ta có những Đỗ Lễ, Hàn Mặc Tử, TTKH, Nguyên Sa, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Hồng Vũ Lan Nhi,... Tất cả những nghệ sĩ này sống với hồn nhạc hay hồn thơ như cái nghiệp chướng mà họ mang. Tôi thích họ bởi cái đặc tính là họ đã nói lên những yêu đương đắm đuối, biết than vãn và họ nếm thú yêu thương hành hạ cho đêm dài thêm trăn trở, cho thổn thức chín đỏ tim yêu và đó là yếu tố làm cho những tác phẩm mà họ gây dựng thêm thăng hoa khi người đời còn nghĩ về họ và văn học sử hay âm nhạc sử liệt kê họ vào khuynh hướng lãng mạn, và âu đó là chủ đề của tôi muốn ghi nhận ra đây. Tôi thích thơ của những thi sĩ thuộc nhóm thi ca lãng mạn này, trong đó có Nguyên Sa nói về người em gái tuổi 13 chìa tay đón mưa rơi như bong bóng vỡ đầy tay, Nguyên Sa trong khung nhạc bất hủ của Ngô Thụy Miên, Nguyên Sa của màu vàng hoa cúc như màu áo em, Nguyên Sa của mực tím đề tình thơ, Nguyên Sa của tháng 6 trời mưa, mưa rơi mãi không dứt, Nguyên Sa của mùa thu Paris và Nguyên Sa của sự lãng mạn khi nhìn tóc em mà lòng ngỡ như từng áng mây bay trong tâm thức.
Đó là thi nhân làm tôi nhớ mãi từng câu ví von, từng lời thơ tâm sự dâng nỗi lòng mà ông bộc lộ thật hồn nhiên, thật thiết tha. Vì yêu là phải nói, mà nói là lời tâm sự khi yêu. Yêu là tâm trạng tự nhiên mà thượng đế ban cho con người. Một khi nhịp đập con tim dâng lên nỗi rung cảm, cái tần số rung động đó đã khiến các thi nhân biến nguồn cảm hứng đó thành những áng thơ bất tử cho vườn thi ca âm nhạc thêm phong phú hơn. Hãy nghe Nguyên Sa tâm sự trong bài "Tương Tư" như sau:
"Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần bay
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay ?"
Khi ta yêu, con tim ngân dài theo phím đàn, tâm tưởng kéo dài theo yếu tố thời gian qua đi. Từng nhịp tim, từng hơi thở, từng cung đàn, từng phút giây đều cho em, nét dịu dàng hiện trên ánh mắt đầy nhớ nhung:
"Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng chờ đợi em
Hay từng hơi thở ra âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương"
(Thơ Nguyên Sa, 1958)
Trong nỗi niềm nhung nhớ cô liêu dâng tràn hồn thơ, Nguyên Sa sáng tác bài tình thơ "Ngừơi Em Sáng Trong Cô Độc" với lời thơ chờ đợi người em gái để rồi hao mòn tâm tư:
“Có thơ sáng thắp trong từng ánh nguyệt
Những lời êm bày biện với linh hồn
Có mùa thu thay áo ở đầu non
Cho dịu lối em về mai lá rụng”
Nhớ em như nỗi hôn mê phủ lấp chân trời tương lai trước mặt. Cả cuộc đời vắng em như ngàn sao đêm vắng lặng trên nền trời tâm tối. Tình yêu ôi, tình yêu !
“Em đã đến chưa ? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động chợt hao đi
Những ngón tay dần chuyển xuống hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt”
Nguyên Sa có những xao xuyến về mùa thu. Mùa thu trong thơ nguyên Sa chứa đựng hồn thơ vui tươi như trong bài "Áo Lụa Hà Đông", anh quen em vào mùa thu tóc ngắn, em duyên dáng trong tà áo lụa Hà Đông để nhà thơ mãi dâng hồn thơ ấp ủ:
“Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.”
Mùa thu của Nguyên Sa có nét chờ mong tích cực thì mùa thu nhớ cố nhân của nhà thơ HVLN nghe như hồn đau buốt, chỉ là mùa thu tưởng nhớ cô liêu, tâm tư khắc sâu hình bóng cũ cố nhân:
“Giờ đây, tưởng nhớ người xưa,
Hồn đau, lòng lạnh, tâm tư lắng chìm.
Trong tim còn một chút tình,
Bởi chưng còn dấu vết hình cố nhân.”
(Nhớ Mùa Thu Xưa, HVLN)
Trong bài “Gửi Cố Nhân” nhà thơ Nguyễn Bính chia xẻ tâm tư thao thức tựa như HVLN. Ý thơ Nguyễn Bính ray rứt trong cơn mưa dầm gió bấc rét lạnh khi mơ tưởng bóng cũ của cố nhân:
“Mưa dầm gió bấc cố nhân ơi!
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa
Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi.”
Ghi chú: HVLN: Hồng Vũ Lan Nhi.
Trong một bài thơ khác, bóng cố nhân lại hiện về khi mà Nguyễn Bính mơ trong nỗi nhớ dịu dàng của bướm say hương sắc, hoa cười hé môi về người mà ông yêu:
“Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người di giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm Hương cố nhân”
(Bài "Hương Cố Nhân", NB)
Một bài thơ bướm hoa khác, ông thố lộ tâm tình khi dòng đời đen bạc vì bị phụ tình như:
“Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng ?
Ai đem nhuộm lá cho vàng ?
Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta.”
Nguyễn Bính vốn là thi sĩ của sự lãng mạn, tôi thích bài thơ “Tương Tư” của ông khi tôi học đệ tam, cái thời gian cho tôi chớm yêu và say thơ lãng mạn của Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Và câu thơ dưới đây đã dính chặc hồn tôi từ dạo ấy:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Trong khi đó Nguyễn Bính còn bài tương lòng khác mà tôi thích là “Người Hàng Xóm”. Hai người ở cạnh nhà, nhưng oái oăm thay cái giậu mồng tơi lại chia cắt, cách trở hai tâm hồn yêu trong cô đơn:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.”
Trong bài “Lòng Yêu Thương”, Nguyễn Bính tỏa tâm sự lòng như sau:
“Yêu yêu yêu mãi thế này !
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”
Rồi nhà thơ lại tôn vinh, thờ phượng người mình yêu chính là vị nữ thần linh thiêng trong tâm hồn. Ngược về quá khứ 1940 khi Nguyễn Bính làm bài thơ này, khuynh hướng xã hội tại Việt Nam thời ấy vẫn còn khép kín chuyện tình yêu lứa đôi ngoài công cộng thì dư luận phải đồng ý là Nguyễn Bính thuộc lớp nhà thơ mới, vô cùng táo bạo và sự phóng khoáng của ông đã đi ra ngoài khuôn khổ thuận lợi của xóm làng hay xã hội cũ:
“Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng.”
Đó là thi ca của Nguyễn Bính. Còn sự lãng mạn của Xuân Diệu trong thi ca như thế nào ? Ngày cũ của lớp đệ tam tôi thích bài “Vì Sao” của Xuân Diệu, chỉ mấy dòng thơ cho tôi say sưa ngâm nga, đã ru kỷ niệm cũ vào thuở biết mộng mơ vì khi đã yêu thì mơ mộng nhiều:
“Làm sao cắt nghiã được tình yêu
Có nghiã gì đâu một buổi chiều
Nó đến hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhè, gió hiu hiu...”
Nói về thơ tiền chiến về yêu, người ta không thể không nghĩ đến bài thơ "Yêu" của Xuân Diệu, nó vốn đã thịnh hành, phổ quát trong dân gian, ít ra là câu đầu:
“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”
Nói về thơ hôn, Xuân Diệu là một trong các nhà thơ khá táo bạo đề cao nụ hôn trong thi ca. Ông sáng tác bài "Hôn" như sau:
“Trời ơi ôm lấy say sưa
Mặt khao khát mặt, lòng mơ ước lòng
Hôn em nước mắt chảy ròng
Em ơi ! Như ngọc đèn chong vẫn chờ.”
Trong niềm khát khao, sung sướng khi yêu nhau và rồi hôn nhau đến lệ tuôn trào. Đó là biểu hiện cho tình yêu đích thật khi con tim rung động dâng cao quá bờ xúc cảm. Nói đến đây tôi bổng nhớ đến bài "Nụ Hôn Đầu" của nhà thơ nữ Hồng Vũ Lan Nhi, chị sáng tác bài này năm 1960 trong cùng nhịp điệu thổn thức tràn dâng, khi con tim xao xuyến đến rơi lệ vì được hôn như sau:
"Nụ hôn đầu, ôi, sao đắm say
Em úp mặt vào đôi bàn tay
Chẳng biết vì sao Em lại khóc
Cho môi hồng thấm lệ tràn đầy"
Xuân Diệu lại tiếp bài thơ “Hôn” khi diễn tả về người yêu của mình:
“Em hôn anh suốt một giờ
Anh hôn em mấy cho vừa lòng đau
Sao mà xa cách giữa nhau
Để cho tháng thảm ngày sầu thế em ?”
Nhà thơ HVLN là một trong những nhà thơ nữ có thơ hôn thặng dư phong phú, tôi đọc nhiều áng thơ của chị, thơ chị làm mượt mà, trau chuốt chan chứa nỗi lòng, nhất là những xúc cảm từ con tim. Bài thơ hôn khác mà tôi ghi nhận là "Nụ Hôn Trinh Nguyên", nó cũng tượng trưng cho kỷ niệm dấu yêu đầu đời khi con tim chớm yêu của thuở thiếu thời:
“Nụ hôn theo gió bay đi
Còn trên môi ấm chút gì nồng say
Hương trinh nguyên vẫn ngất ngây
Trọn đời vẫn nhớ phút giây bão tình”
Khi cơn bão tình đến cho nụ hôn thêm say đắm, cuồng nhiệt, hãy tận hưởng giấc nồng cuồng si vì yêu đương ngất ngây, khi tâm hồn tràn dâng ngàn sao lấp lánh của mùa ái ân đến trong bờ mắt em:
“Mắt em lấp lánh sao rơi
Môi em như đoá mộng đời ngất ngây
Hằn trên môi vị cay cay
Hồn anh ngơ ngẩn, đắm say một đời.”
(“Nụ Hôn Trinh Nguyên“, HVLN)
Đó là sự gợi nhớ ánh mắt đắm đuối khi người nữ được hôn. Xuân Diệu mô tả trong thơ ông về nụ hôn mà ông trao cho người yêu trong bài “Hôn Cái Nhìn” như sau:
“Không phải anh hôn nơi mắt
Anh hôn cái nhìn của em
Mắt em một vùng yêu mến
Thắt anh trong lưới êm đềm”
Xuân Diệu đắm say trong cái nhìn của người yêu đượm không gian chứa chan sự dịu vợi vì ánh mắt biểu lộ sự đồng loã khi được hôn:
“Xin em cho phép anh hôn
Cái nhìn em, gương tâm hồn
Cái nhìn em trong không gian
Trong hồn anh giữ chứa chan.”
Trong cái nhớ nhung, mãi vương vấn hình bóng người yêu, Xuân Diệu sáng tác bài “Vấn Vương”:
“Anh chả hiểu vì sao vấn vương
Năm năm, như mấy chục năm trường
Vẫn làn mắt ấy, làn môi ấy
Anh hãy còn thương, chẳng hết thương”
Khi người mình yêu thương nhiều mà tình không đến như ý muốn thì màn đêm trăn trở chỉ là nỗi niềm của nước mắt nhớ nhung:
“Nằm đêm anh cứ thương em
Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
Thế này cho hết trăm năm
Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em.”
Nhà thơ Xuân Diệu có nhiều áng thơ tự tình tiêu biểu cho mối tương lòng, những mối tình không trọn vẹn để cái hương thơ của ông trở nên lãng mạn vô cùng và nó như loài hoa bất tử trong vườn thơ Việt Nam:
“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em...
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !...”
Trong thi ca lãng mạn của những tác giả và tác phẩm trên khi mà chiều dài của nỗi nhớ nhung chạy vào màn đêm vô tận, thì nhịp tim dâng tiếng lòng mãnh liệt và giấc ngủ bị chôn vùi trong lãng quên để thay thế bằng những áng thi ca bất hủ. Cuộc đời theo luật tương đối, nên không có nguyên tắc lý tưởng trong tình yêu, vì bản sắc tình yêu vốn trắc trở và nhiêu khê mới nẩy sinh ra những tác giả hay tác phẩm bất hủ cho đời vây. Vâng, chính những cái nhiêu khê trắc trở hay những cái dở dang không trọn ven đó trong tình trường mới là nguồn cảm tác được quần chúng ái mộ, tán thưởng trong các lãnh vực thuộc bộ môn nghệ thuật như thơ, văn, nhạc, kịch, phim ảnh và hội họa.
Trong sự ái mộ văn chương và cho tôi nỗi niềm ân tình gợi nhớ thi ca lãng mạn của những Nguyên Sa, Nguyễn Bính, Xuân Diệu và Hồng Vũ Lan Nhi, VH muốn trình bày cái thầm kín riêng tư mà các tác giả đã bày biện nỗi lòng mình lên trên nhiều trang giấy. Và chiều dài cho những tình yêu mà họ đã trải qua, những nhớ mong của nhịp đập con tim dù xao xuyến dấu yêu hay dù thất vọng dở dang vẫn là những chuỗi suy tư dài như thời gian và định mệnh đưa đẩy họ vào cái không gian bất tận của nghiệp thi ca hay những mối tình đã vào dĩ vãng yêu thương chỉ còn lắng đọng lại trong văn chương sau này.
Việt Hải Los Angel
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét