Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Các Trường Phái Ca Vọng Cổ - Của Các Nam Nghệ Sĩ Thuộc " Thế Hệ Vàng"

       Thập niên 60 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX là thời kỳ phát triển và hưng thịnh nhất của Cải lương miền Nam. Trong giai đoạn hoàng kim này, có lúc Cải lương lấn át cả Tân nhạc. Theo thống kê, riêng trong thập niên 60 tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã có tới 39 rạp hát cải lương. Những đoàn hát nổi tiếng được mệnh danh là đại bang gồm: Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ, Dạ Lý Hương của bầu Xuân, Kim Chung (gồm 7 đoàn) của bầu Long, Hoa Anh Đào Kim Chưởng của bà bảy Chưởng, Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An… Các nam nghệ sĩ thượng thặng được gọi là “thế hệ vàng” gồm có: Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hữu Phước, Hùng Cường, Thành Được, Thanh Tú, Thanh Sang, Tấn Tài, Chí Tâm, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng…

      Cái hay của các nghệ sĩ tài danh thuộc “thế hệ vàng” này là sự khổ luyện để tìm cho mình một nét riêng trong nghệ thuật ca diễn, để không ai có thể nhầm lẫn giữa một nghệ sĩ này với bất kỳ một nghệ sĩ nào khác được! Và theo sự nhận định của nhạc sư Trần Quang Hải, giọng ca của các nghệ sĩ tài danh này có thể được phân chia thành các trường phái như sau:

1- Trường phái Út Trà Ôn:

Soạn Giã Viễn Châu, Út Trà Ôn

      Tiêu biểu có Thành Được, Thanh Hải, Phương Quang, Thanh Sang. Những nghệ sĩ thuộc trường phái này ca chân phương, mùi mẫn, hùng tráng, âm vực rộng, khi hát họ không ngân mà thường “hơ”. Câu ca được phân nhịp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Đa số là giọng đồng, một số có giọng kim pha thổ. Đây là trường phái ca mẫu mực, không lạng bẻ, kiểu cọ, sang trọng và hay nhưng hơi xưa, so với thời nay. Những giọng ca trẻ ngày nay không theo trường phái này!

2- Trường phái Hữu Phước: 


      Gồm có Út Hiền (mặc dù là đệ tử của Út Trà Ôn), Hà Bữu Tân, Hoài Vĩnh Phúc. Những nghệ sĩ này có giọng ca rất mùi, chín, có hơi ngân như tân nhạc. Phân nhịp trong lòng câu thường là nhịp lẻ, nháy lót khi dứt câu nghe rất hay. Đa số là giọng kim pha thổ. Đây là trường phái có thể thích ứng với lớp trẻ sau này. Lối ca của Hữu Phước có xưa, những hậu duệ của ông theo trường phái này áp dụng cách ngân nga làm cho câu vọng cổ trở nên mùi hơn, êm hơn, mới hơn, ca tân cổ dễ quyến rũ người nghe một cách êm đềm, sâu lắng. Nghệ sĩ Trọng Phúc là đại biểu trẻ nhất của trường phái này.


3- Trường phái Minh Cảnh: 

Nghệ sĩ Minh Cảnh trên sân khấu Kim Chung xưa 

       Gồm có các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng, Giang Châu, Linh Vương, Tuấn Anh, Ngân Giang. Đây là trường phái ca mới, tuy là ca với giọng kim, giọng đồng nhưng có nhiều cách tân trong cách ca vọng cổ, khác hẳn hai trường phái trên. Sự xuất hiện của giọng ca Minh Cảnh như một làn gió lạ. Sau nhiều năm thưởng thức nghệ thuật ca chân phương, truyền cảm, trầm hùng, nay khán giả được nghe cách ca vọng cổ bay bổng, lả lướt, ẻo lả, trữ tình, sướt mướt hơn.

      Lúc nghệ sĩ Minh Cảnh mới nổi, những người yêu thích hai trường phái trên cho đây là giọng ca bóng rỗi, không nghệ thuật, không sang trọng, thuộc về khán giả bình dân. Nhưng dần dà, Minh Cảnh đã chứng minh ngược lại, trở thành giọng ca trẻ hay nhất, độc đáo nhất, mới lạ nhất, làm mẫu cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cho đến tận bây giờ. Giọng ca của Minh Cảnh cao vút, êm ngọt, sắp nhịp rất hay, thường ca chẻ song lang nhịp 24. Minh Cảnh vừa ca điêu luyện trong cách nhấn nhá, bẻ giọng,lại vừa truyền cảm.

      Nói về ca vọng cổ, chính Minh Cảnh trong thời hoàng kim của mình, đã được sánh như người thay thế vị trí của Út Trà Ôn (tính theo sự ăn khách, ái mộ của khán giả thời ấy). Lối ca hò Huế, ca hơi dài chính là những sáng tạo mà nghệ sĩ Minh Cảnh đã tạo dấu ấn trong cách ca vọng cổ.

4- Trường phái Tấn Tài: 


      Đây là giọng ca lạ mà cho tới bây giờ vẫn chưa có người xứng đáng thay thế! Giọng ca Tấn Tài vừa ngọt, vừa cao, vừa nhẹ. Đặc biệt là khi nhấn dấu sắc rất êm, rất chín, khó bắt chước. Một số nghệ sĩ ca theo lối nhấn dấu sắc này gốm có Dũng Thanh Lâm, Phương Bình, Tài Bửu Bửu, Thanh Tài. Giọng ca Tấn Tài không xưa, vẫn rất hấp dẫn nhưng chỉ riêng Tấn Tài mới có thể đạt được. Trường phái này đang mai một.


5- Trường phái Thanh Tuấn: 


      Vào giữa thập niên 70, sự xuất hiện của giọng ca Thanh Tuấn như luồng gió mới, tổng hợp được những yếu tố của các trường phái trên. Thanh Tuấn có chất giọng đồng ngân vang của Út Trà Ôn, có hơi ngân độc đáo của Hữu Phước, có cách ca dài hơi ngọt ngào, lạng bẻ của Minh Cảnh, dấu sắc chót vót của Tấn Tài và đặc biệt là cách sắp nhịp độc đáo, chín chắn. Thanh Tuấn đã tạo ra một trường phái, một cách ca vọng cổ vừa sang trọng, ngọt ngào mãi mê, vững chắc trên cái nền cũ, bay bổng với những sáng tạo mới. Thanh Tuấn xứng đáng đứng đầu cho một trường phái ca vọng cổ hiện đại.

      Hiện nay, có nhiều nghệ sĩ trẻ đang bắt chước theo giọng ca của Thanh Tuấn, nhưng ca hay và đạt được chất giọng như Thanh Tuấn thì chưa có được ai! Thanh Tuấn có thể hát tình ca lẫn anh hùng ca rất hay. Giữ cao độ rất chuẩn, có thể lên cao vút hoặc xuống thật thấp, luyến láy rất ngọt. Có thể nói ca vọng cổ như Thanh Tuấn là đạt đến trình độ thượng thừa!

6- Trường phái Châu Thanh:

      Hiện nay lối ca này đang gây nhiều tranh cãi, người ủng hộ cũng nhiều vì cách ca mới lạ, phá cách, sử dụng nhiều luyến láy, pha tân nhạc cùng với cách sắp nhịp 128 lạ tai. Được giới trẻ rất yêu thích, nhất là khán giả miền Trung.Tuy ca không giống nhau, nhưng cách tìm hướng đi riêng cho mình của Châu Thanh phần nào giống như trường hợp của Minh Cảnh ngày trước -tìm cái mới-. Tuy nhiên, người trong nghề hay những người yêu thích lối ca chân phương lại không tán đồng cách ca này!

      Thật ra, trường phái này gợi ra một cách ca mới, tránh lập lại lối mòn. Một thực tế không thể phủ nhận là có những giọng ca theo lối chân phương mặc dù ngọt ngào nhưng lại không ăn khách, do có thể sao chép, minh họa lại cái đã có, không mới. Còn lối ca này, đòi hỏi người ca phải có làn hơi phong phú, mạnh mẽ, không rập khuôn, phải luôn tìm cách ca lạ, ngọt ngào, trẻ trung, bay bướm, phá cách. Đây cũng là lối ca khó, phù hợp với lớp khán giả bình dân.

Tín Đức

*Tài liệu tham khảo:
- Nhận định về Cải lương của Trần Quang Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét