Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Hùng Ca Sử Việt 1: Phù Đổng Thiên Vương

Sáu đời Hùng vận vừa suy
Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài.
Làng Phù Đổng có một người
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.


Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay Thần Tướng đợi chờ phong vân
Nghe vua cầu tướng ra quân, 

Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích ngang 

Lời thưa mẹ , dạ cần vương
Lấy trung làm hiếu một đường phân minh.

Sứ về tâu trước thiên đình,
Gươm vàng ngựa sắt đề binh tiến vào.


Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh San
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.

Miếu đình còn dấu cố viên.
Chẳng hay chuyện cũ lưu truyền có không?
(Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca)



     Kể từ khi thành lập nước Văn Lang, dưới sự cai quản của các vua Hùng, dân chúng an cư lạc nghiệp.Đến đời Hùng Vương thứ 6 cậy nước mình giàu mạnh, mà chểnh mảng việc triều cống Bắc phương. Vua nhà Ân mượn cớ tuần thú sang xâm lược. Hùng Vương nghe tin, triệu tập quần thần hỏi kế công. Có người phương sĩ tâu rằng:
- Sao không cầu Long Vương đưa quân âm lên giúp! Vua nghe lời, bèn lập đàn, bày vàng bạc lụa là lên trên, ăn chay, thắp hương, cầu đảo ba ngày. Trời nổi mưa to gió lớn, bỗng thấy một cụ già cao hơn chín thước, mặt vàng bụng lớn, mày râu bạc trắng, ngồi ở ngã ba đường mà cười nói ca múa. Những người trông thấy biết là kẻ phi thường, mới vào tâu vua. Vua thân hành ra vái chào, rước vào trong đàn. Cụ già không ăn uống cũng không nói năng. 
Vua nhân hỏi: 
- "Nghe tin quân Bắc sang xâm lược, ta thua được thế nào, ngài có kiến văn xin bảo giúp". 
Cụ già ngồi im một lúc, rút thẻ ra bồi, bảo vua rằng: 
- "Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi, có thể dẹp được giặc vậy".
Dứt lời, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân. 
      Quả nhiên, ba năm sau, người biên giới cấp báo có giặc Ân tới. Vua làm theo lời cụ già dặn, sai sứ đi khắp các nơi cầu hiền tài. 
Lúc bấy giờ ở làng Gióng (làng Phù Đổng), huyện Tiên Du, Bắc Ninh có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu.
Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Người mẹ nghe tin sứ giả tới mới nói giỡn rằng: 
- "Sinh được thằng con trai này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy thưởng của triều đình, báo đáp công bú mớm". 
Người con nghe thấy mẹ nói, đột nhiên bảo: 
- "Mẹ gọi sứ giả tới đây". 
Người mẹ rất lấy làm kinh ngạc, kể lại với hàng xóm. Hàng xóm cả mừng, tức tốc gọi sứ giả tới.
Sứ giả hỏi:
- "Mày là đứa trẻ mới biết nói, mời ta đến làm gì?".
- "Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh bại, vua không phải lo gì nữa?".
Sứ giả mừng rỡ vội về tâu vua. Vua vừa kinh vừa mừng nói rằng: 
- "Ta không lo nữa".
Quần thần tâu: 
- "Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?". 
Vua nổi giận nói: 
- "Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa! Mau đi tìm năm mươi cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón sắt.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, gươm sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến gặp. 
Người mẹ sợ hãi bèn bảo người con rằng: - Tai họa đã đến. 
Con cả cười bảo rằng: 
- "Mẹ hãy đưa nhiều cơm rượu cho tôi ăn, việc đánh giặc mẹ chớ có lo". 
      Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn rất nhiều, người mẹ cung đốn không đủ. Hàng xóm sửa soạn trâu rượu bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng.
Vải lụa gấm vóc rất nhiều mà mặc vẫn không
kín thân, phải đi lấy hoa lau buộc thêm vào cho kín người. Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu ở Vũ Ninh, người con duỗi chân vươn vai đứng dậy cao hơn mười thước (có chỗ nói là trượng) ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn:
"Ta là thiên tướng đây!"
      Rồi đội nón cưỡi ngựa. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, chớp mắt đã tới trước quân của nhà vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau
      Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẩy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Tướng Ân bị chết ở trong trận.
      Đuổi đến đất Sóc Sơn huyện Kim Hoa, thiên tướng cởi áo cưỡi ngựa bay lên trời. Hôm đó là ngày mồng 9 tháng 4, còn để vết tích ở hòn đá trên núi.
      Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả mầu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy 
Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một ngàn mẫu ruộng, sớm hôm hương lửa. 
      Nhà Ân đời đời, 644 năm không dám ra quân. Sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu ở làng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ. Tới đời vua Thuần Đế nhà Lê, ở xã Phù Lỗ có người con gái tên là Ngô Chi Lan chăm đọc sách, rành văn chương, thơ ca điêu luyện, nhân đi dạo chơi tới núi này có đề bài thơ rằng: 

Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn,
Vạn tía muôn hồng rỡ thế gian.
Ngựa sắt bay rồi tên vẫn đó,
Anh hùng sống mãi với giang san.
(Dịch Ý Thơ)



   
Đền thờ Thánh Gióng

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét