Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Kim Lăng Ngũ Đề - Ô Y Hạng 金陵五題-烏衣巷 - Lưu Vũ Tích (Trung Đường)


Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Vân, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Văn bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.

Lưu Vũ Tích
Trong hai bài trước (Huyền Đô Quán Đào Hoa và Tái Du Huyền Đô Quán) Lưu Vũ Tích tỏ ra ngạo nghễ, bài này phô bày thái độ thanh cao của ông.


Nguyên tác                Dịch âm

金陵五題-烏衣巷 Kim Lăng ngũ đề - Ô Y hạng

朱雀橋邊野草花 Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜 Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕 Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家 Phi nhập tầm thường bách tính gia.


Dịch nghĩa

Năm Bài Về Kim Lăng - Ngõ Ô Y

Bên cầu Chu Tước, cỏ dại đầy hoa,
Trong ngõ Ô Y mặt trời xế bóng.
Chim én nơi lâu đài họ Vương, họ Tạ ngày trước,
Nay bay vào những nhà của thường dân.

Chú giải

Ngõ Ô Y:
Ở bên bờ nam sông Tần Hoài, huyện Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay), đời Tấn là nơi ở của những danh gia vọng tộc. Vào thời đó, con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi ngõ Ô Y.

Chu Tước:
Cầu bắc qua sông Tần Hoài, đi vào trung tâm ngõ Ô Y phải qua cầu này. Xưa trên cầu, Tạ An cho xây một ngôi lầu có trang trí hai con chim sẻ bằng đồng; nên gọi là cầu Chu Tước.

Vương Tạ:
Vương Ðạo 王導 và Tạ An 謝安, là hai thế gia vọng tộc ở ngõ Ô Y. Vương Đạo là khai quốc công thần đời Tấn, Tạ An là tướng chỉ huy trận chiến Phì Thuỷ.

Dịch thơ

Năm Bài Về Kim Lăng - Ngõ Ô Y

Trong ngõ Ô Y nắng đã tà,
Bên cầu Chu Tước cỏ đầy hoa.
Yến thời Vương, Tạ ngày xưa ấy,
Bay tới nhà dân đậu tỉnh bơ.

Lời bàn 

Lại một bài thơ bất hủ nữa của Lưu Vũ Tích. Bài thơ, dùng thể tỷ, nói về sự thăng trầm của quan chức theo thời thế và tính xu thời của bọn tiểu nhân cơ hội (xin đọc chú giải). Hai họ quyền quý Vương và Tạ nay đã sa sút. Những chim yến ngày xưa phè phỡn ở đó, nay bay hết sang nhà thường dân để kiếm ăn. (bọn tiểu nhân nịnh bợ bỏ hai họ này vì không còn nhờ vả được nữa). Cụm từ “tỉnh bơ” của Việt Nam rất đắc địa cho bài này.

Con Cò
***
Năm Bài Kim Lăng. Hẻm Áo Đen

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa tràn
Trong ngõ Ô Y chút nắng tàn
Chim én lâu đài Vương, Tạ trước
Bay vào làm tổ chốn dân gian!

Lộc Bắc
***
 Năm Bài Kim Lăng

Nơi cầu Chu Tước có nhiều hoa
Trước ngõ Ô Y bóng xế tà
Vương/Tạ danh gia chim Én đậu
Nay thời Én trú chỗ dân gia

Kiều Mộng Hà
Sept.21.2024
***
Ngõ Ô Y

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa vươn
Chiều ngõ Ô Y khuất bóng dương
Vương, Tạ dinh xưa chen chúc én
Nay chim tụ tập chốn dân thường


Thanh Vân
***
Năm Bài Về Kim Lăng- Ngõ Ô Y

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa đầy,
Trong ngõ Ô Y nắng ngả tây.
Én đậu lâu đài Vương Tạ cũ,
Nay nhà dân giã tới lui bay.

Mỹ Ngọc 
Sept. 21/2024.
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

烏衣巷-劉禹錫 Ô Y Hạng - Lưu Vũ Tích

朱雀橋邊野草花 Chu tước kiều biên dã thảo hoa
烏衣巷口夕陽斜 Ô y hạng khẩu tịch dương tà
舊時王謝堂前燕 Cựu thì Vương Tạ đường tiền yến
飛入尋常百姓家 Phi nhập tầm thường bách tính gia

Bài thơ có mộc bản trong sách:

Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠

Năm Bảo Lịch thứ hai (826), Lưu Vũ Tích rời chức thứ sử Hòa Châu (nay là huyện Hoà, tỉnh An Huy) trên đường về Lạc Dương, đi qua Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), viết tập thơ vịnh hoài di tích này, tên là Kim Lăng Ngũ Đề金陵五題, trong đó có 5 bài thơ: Thạch Đầu Thành, Ô Y Hạng, Đài Thành, Sinh Công Giảng Đường, và Giang Lệnh Trạch.

Ghi Chú:

Ô Y Hạng: ngõ Áo Đen. Đời Đông Tấn (265 – 420 trước công nguyên), con cháu hai họ Vương và Tạ sống trong ngõ này mặc áo quần màu đen, từ đó có tên ngõ Áo Đen. Vương Đạo và Tạ An là hai Tể Tướng danh tiếng của nhà Tấn. Vào thời Tam Quốc, trên bờ phía nam của cầu Văn Đức (ngày nay là đông nam của thành phố Nam Kinh), là nơi Đông Ngô đóng quân. Vì lúc đó cấm quân mặc quân phục màu đen, cho nên tục gọi nơi này là Ô Y Hạng. Lục Triều (Đông Ngô, Đông Tấn, Nam Tống, Tề, Lương, Trần) lần lượt xây dựng đô thị ở Kiến Khang tức Nam Kinh ngày nay. Vào thời Đường, Ô Y Hạng trở thành phế tích. Ngày nay, quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, trải dài trên sông Tần Hoài, là nơi hội tụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dân gian.

Chu tước: một loại chim sẻ màu đỏ đậm
Cầu Chu Tước: cầu trên sông Tần Hoài, bên ngoài phía nam thành phố Kim Lăng (nay là huyện Giang Ninh, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô). Khu Ô Y Hạng nằm bên cạnh cầu Chu Tước.
Cựu thì: ngày xưa, đời nhà Tấn
Vương Tạ: Vương Đạo và Tạ An, tướng nhà Đông Tấn, thế gia đại tộc, hiền tài đông đảo, đều ở trong ngõ Ô Y
Đường tiền: phía trước ngôi nhà chính
Yến: chim yến, én
Tầm thường: bình thường
Bách tính: người dân, bá tánh

Dịch Nghĩa:

Cỏ hoa dại mọc chung quanh cầu Chu Tước
Mặt trời lặn chiếu sáng ngõ Ô Y
Ngày xưa là nhà của họ Vương và họ Tạ, nơi chim tước đến làm tổ
Nay chúng bay vào nhà dân bình thường mà đậu.

Dịch Thơ:
Ngõ Áo Đen

Quanh cầu Chu Tước cỏ chen hoa
Ngõ phố Áo Đen rạng ánh tà
Vương Tạ lâu đài xưa cất tổ
Nay cùng dân thứ yến làm nhà.


Black Shirt Alley by Liu Yu Xi

Grass and flowers has run wild around the Red Sparrow bridge,
The setting sun shines the entrance of the Black Shirt Alley.
Where once were the great homes of Wang Dao and Xie An and where red sparrows came to perch.
Now they have to perch on the doorway of the common people's homes.

Notes:
Red Sparrow Bridge: is in the Jiangning county, Jiangsu province..

Black Shirt Alley: It still exist in NanJing City. It was in the southern area of Jiangning county, Jiangsu province. During the Jin Dynasty (265AD to 420AD), the children of the two families of Wang and Xie were wearing all black. Therefore people called the lane where they lived Black Shirt Alley. Wang Dao and Xie An were great Prime Ministers during the Jin Dynasty.

Phí Minh Tâm

***
Góp ý:

Lưu Vũ Tích đỗ tiến sĩ lúc mới có 21 tuổi nhưng phải thi bác học hoành từ khoa (博學宏辭科) để được ra làm quan; sự kiện này và việc sử liệu (Cựu và Tân Đường Thư) nói khác nhau về quê quán của họ Lưu cho ta biết rằng ông không được triều đình chú trọng cho lắm, một phần có lẽ vì là người gốc Hung Nô. Ông đã từng bị giáng chức và đày ra khỏi triều đình hai lần, rất có thể vì không chịu làm quan theo lối tham nhũng và nịnh bợ.

Họ Lưu làm bài thơ Ô Y hạng này với mục tiêu gì? Các điển tích Chu Tước và Ô Y hạng nhắc đến hai gia tộc, Vương Ðạo (王) và Tạ An (謝安), thời Đông Tấn (tk4) được người dân biết đến như sang trọng và quyền thế không thua gì vua; nhưng đó là chuyện 4 thế kỷ trước. Tới thời họ Lưu thì khu phố Ô Y chỉ còn là nơi đầy hoa đồng cỏ dại và câu ‘tịch dương tà’ là hình tượng của sự tàn phế cuối thời đại. Ngày xưa chim én làm tổ dưới mái lầu các nhà Vương-Tạ nhưng bây giờ lầu các không còn nữa, và thay vì cảnh én liệng lầu không thì nhà thơ thấy én ra vào nhà thường dân. Én bắt mồi khi đang bay và chỉ làm tổ trên tường, dưới mái hiên ngoài nhà nên hình tượng ‘phi nhập bách tính gia” cho người đọc hiểu là nhà thường dân cũng không có người ở.

Lưu Vũ Tích là người thời Trung Đường nhưng bài thơ tả tình cảnh suy sụp của đất Hoa Lục thời Vãn Đường và có thể muốn nói rằng những người như Vương Đạo, Tạ An không còn nhập thế.

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét