Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Cho Và Nhận

 

Trong đời người, có lẽ ngoài sức khỏe, hạnh phúc là điều tất cả chúng ta mong ước có được. Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc cho mình, chúng ta thường quên mình cũng cần mang hạnh phúc cho người khác, thể hiện từ sự quan tâm và sự cảm thông mà không mấy ai có được. Cụ thể, làm sao chúng ta vui vẻ, hạnh phúc sống trong một lâu đài trong khi đó hàng xóm quanh ta nghèo nàn xơ xác. Làm sao chúng ta an nhiên tự tại khi chung quanh ta bao nhiêu sai trái trong xã hội làm mờ lương tâm con người. Vì vậy, chỉ sau khi nghiệm ra được chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, cho đi… là thật sự những yếu tố mang đến niềm vui và hạnh phúc cho cá nhân và tha nhân, nên khi chia sẻ tiếng cười, hay yêu mến giúp đở tha nhân, hạnh phúc trong ta sẽ nhân gấp bội.

Tuy nhiên, Cho Đi với lòng tốt và sự chân thành từ trong tâm mình, giúp mà không đòi hỏi báo đáp đền ơn, chia sẻ mà không một điều kiện tiên quyết mới thật là đạo đức cao thượng đáng trân quý. Vì chỉ có tình cảm chân thật xuất phát từ trái tim biết yêu thương, biết chia sẻ thì mới hóa giải bao bất công và thù hận xã hội, đưa con người đến cuộc sống tốt đẹp và nhân ái hơn. Được vậy, cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu như mỗi chúng ta đều biết Cho Đi, đều biết chia sẻ với những người chung quanh. Đây cũng là một thông điệp quý báu mà chúng ta cần biết và tu tập. Rất đúng khi biết ai đó gặp khó khăn trong cuộc sống thì ta hãy dang rộng vòng tay thân ái ra mà giúp đỡ, như vậy tốt hơn là ngồi bàn cải. Khi bạn mình hay người quen biết trong xóm, trong diễn đàn thân hữu có chuyện buồn chuyện, không may mắn, ta cũng nên có đôi lời an ủi, chia sẻ nỗi đau buồn.

Chớ sợ mất khi ta cho đi. Chớ so đo khi ta giúp đỡ. Chớ hẹp lòng khi ta chia sẻ. Vì theo luật nhân quả, có cho ắc sẽ có nhận. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Qua sự giúp đỡ thiết thực, sự chia sẻ rộng lượng, sự thành tâm Cho Đi với tấm lòng vị tha và khiêm tốn, ta sẽ nhận được tình cảm trong sự biết ơn từ người nhận. “Cho thì còn, ăn thì hết” là vậy đó. Cuộc sống con người y như một vòng tròn của Cho Đi và Nhận Lại – Cho dù cuộc sống đôi khi không công bằng, có những gập ghềnh bất ổn không như ý – nhưng xin hãy cứ Cho Đi. Phải chăng cha mẹ đã trải xuống bao tình thương cho con cháu mình? Phải chăng Chúa đã đổ xuống cho chúng ta bao nhiêu ơn phước? Cho Đi để cảm nhận dòng sữa mẹ ngày nào nuôi ta khôn lớn đã cho ta một tâm hồn vị tha. Cho Đi để biết sự hy sinh của Đức Kitô trên thập tự cao quý như thế nào? Đức bác ái trong sự Cho Đi là một tín hiệu đặc biệt mà ngay cả người điếc cũng nghe và người mù cũng nhìn thấy. Bởi vậy, Cho Đi là chia sẻ những thứ tình quý báu thật sự, được thể hiện bằng hành động của người đức độ.

Cho Đi có thể bằng những hành động tuyệt đối cao quý không thể so sánh bằng tiền hay vật chất, như qua sự hy sinh thân thể mình vì đức tin của Tử Vì Đạo, như tận hiến đời sống mình cho lòng yêu kính Chúa, cho truyền giáo; hay hành động dũng cảm phi thường của người lính chiến xông pha ngoài trận tuyến, Cho Đi mạng sống mình để cứu sống đồng đội. Cho Đi cũng là chia sẻ, là hiến dâng biếu tặng cái gì mình đang có cho một mục đích hướng thượng để giúp tha nhân, xuất phát từ lòng từ tâm chân thật chứ không phải vì dư thừa mà làm bố thí. Trong tấm lòng bác ái của Cho Đi, ta tìm thấy hình ảnh một người có thể vì mọi người hay ngược lại mọi người vì một người – tùy từng hoàn cảnh cá biệt. Và quyết định dẫn đến Cho Đi không thể một sớm một chiều xảy đến, mà nó cần được vun xới qua cách sống của từng cá nhân, thường đòi hỏi một chuỗi liên hoàn tích lũy theo thời gian của những hành động nhân ái, kinh nghiệm sống thích hợp, một bản chất nhân hậu gắn liền với tâm niệm bác ái, một nhân cách đầy tri thức hướng thiện và một đời sống tâm linh vững vàng trong thánh ý…

Tuy nhiên, để Cho Đi đạt đúng ý nghĩa, chúng ta cần phải chọn đúng người, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, đúng cách, đúng nơi, đúng thì…đó là tổng hợp của “Nghệ Thuật Cho” – The Art of Giving – Được như vậy người nhận sẽ cảm thấy món quà ta trao tặng là quý giá với họ. Kết quả đưa đến bên Cho lẫn bên Nhận đồng cảm thấy hạnh phúc.


Phúc âm có đoạn viết “cho đi và sẽ được nhận lại” (Give and it shall be given unto you), hoặc “Cứ cho vì rồi chúng ta sẽ được bội hậu kế tiếp bội hậu” (From given, we receive grace upon grace). Đã Cho thì có ngày sẽ Nhận. Nhận là một phần thưởng tinh thần nói lên lòng biết ơn của bên Nhận đối với phía Cho. Đâu đâu cũng có những tưởng thưởng cho những người xứng đáng từng hy sinh, từng cống hiến cho đất nước, cho quân đội, cho tổ chức… hay dâng hiến niềm tin thành tâm cho mục vụ, cho truyền giáo.

Nói chung, sự Cho Đi và Nhận Lại từ cả 2 phía là mấu chốt hỗ tương lẫn nhau trong vấn đề giúp ta thêm yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống. Để ta luôn cảm thấy cuộc sống này có thêm ý nghĩa, đáng sống và sống một cuộc đời thanh thản, hạnh phúc. Đức Kitô từng phán “Khi các con yêu người, đó chính là các con yêu Ta”.

Chúng ta hãy nhìn hình ảnh Mẹ Têrêxa của Calcutta, một nữ tu xứ Albania được nhà dòng sai đến phục vụ dân nghèo tại nước Ấn Độ. Mẹ đã chọn con đường tu hành bằng cách thực thi tình thương trong việc tìm kiếm chăm sóc những người cô đơn nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi. Mẹ đã thắp lên ngọn đèn giúp mọi người nhìn thấy nhau là anh em, là con của một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa.Để từ đó Mẹ Têrêsa trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 20 khi Mẹ rao giảng Phúc Âm không bằng lời mà bằng những hành động yêu thương cụ thể và chân thành. Sự tận hiến của Mẹ Têrêsa là một minh chứng tuyệt đối của Cho Đi.

Phải chăng cần có tài sản lớn hay của cải dư dả mới làm thiện nguyện? Câu trả lời đương nhiên là không. Quan trọng không nằm ở chỗ to hay nhỏ, nhiều hay ít, mà Cho Đi chỉ vì lòng bác ái vị tha và đức thành tâm thương người. Vì vậy Mẹ Têrêsa từng nói “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện những chuyện to lớn. Tuy nhiên chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình thương lớn” – Not all of us can do great things. But we can do small things with great love.

Bài viết này nằm trong nội dung xây dựng tinh thần Cho Đi của đức Bác Ái trong Mùa Lễ Chay. Ngoài chuyện hãm mình, cầu nguyện, chia sẻ, rao mừng ánh sáng Phục Sinh, chúng ta cần nghĩ đến giúp đỡ kẻ nghèo khó, thương mến người yếm thế…Chúng ta luôn thầm ghi nhận những hy sinh nhỏ nhặt, những ủng hộ xã hội, những hiến dâng thiện tâm của chúng ta chẳng thể so sánh được với tình thương bao la, ân sủng tràn trề mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đời này và mãi mãi đời sau.

Mùa Phục Sinh 2024
Vĩnh Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét