Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Lễ Tro Và Mùa Chay Thánh

 

Lễ Tro Và Mùa Chay Thánh

Ge 2:12-18; 2Cr 5:20—6:2; Mt 6:1-6, 16-18
 Dưới đây là bài suy niệm qua những học hỏi nghiên cứu trong Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội, sách vở và suy tư rồi chia sẻ lại với những ai ưa thích, hoàn toàn không phải là bài giảng như của một linh mục hay chức quyền. 

     Vào ngày Lễ Tro, linh mục lấy tro làm dấu thánh giá trên trán giáo dân. Tro là dấu hiệu cho biết con người vì phạm tội nên bị Chúa phạt phải chết, “ Ngươi là tro bụi sẽ trở về với tro bụi” (St 3:19). Tro là biểu hiệu của tàn phai chóng qua, cho thấy đời người là phù du và giả dối. Nếu nghĩ đến một đời sống vĩnh cửu thì chúng ta là Kito hữu phải lo chuẩn bị để có được đời sống đó là chủ đích của con người mà Chúa Kito đã khuyên dạy. Giáo Hội lập ra Mùa Chay là cơ hội để cho chúng ta thực thi những điều Chúa dạy và Giáo Hội truyền. Lễ tro là khởi đầu bước vào hành trình mùa chay thánh, năm nay nhằm ngày thứ tư sau Chúa Nhật VI thường niên. Vậy, là Kito hữu chúng ta phải sống Lễ Tro và Mùa Chay thánh thế nào?

     *Bài đọc 1 (Joel 2:12-18) kêu gọi chúng ta canh tân niềm tin vào Kinh Thánh và coi lại nhũng hành vị tôn giáo đạo đức mà chúng ta đã sao lãng trong quá khứ. Tiên tri Joel đã nêu rõ mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như là trung tâm điểm của niềm tin kinh thánh, và nhấn mạnh là chúng ta phải đầu tư vào tình liên đới đó với hết tâm trí mình. Câu  nói “với hết tâm trí mình” là diễn tả một căn bản niềm tin vào kinh thánh như lời kêu gọi nói trong sách đệ nhị luật 6:4-5. Mose đã nhắc lại mười điều răn của Thiên Chúa, thúc dục dân Israel “Hãy nghe đây (shema), hỡi Israel! Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu  mến Chúa hết lòng hết tâm trí mình.” Giống như những người Do Thái đạo đức hiện nay vẫn luôn luôn đọc hàng ngày nhiều lần lời nguyện này,  Chúa Giêsu đã nhắc lại lời cầu xin này khi được yêu cầu xác định giới luật quan trọng nhất của điều răn thứ nhất do Thiên Chúa ban ra được ghi trong sách Torah (coi Mc 12:28-30). Từ viễn tượng kinh thánh đó, yêu Chúa với  hết tâm hồn hết trí khôn không đơn giản chỉ là một tình yêu do cảm súc nhất thời, nó phải có chủ ý lâu bền vì trong Kinh Thánh, đặc biệt Cựu Ước, danh từ “tâm hồn” có ý chỉ là trí khôn. Vậy chúng ta nên hiểu là khi ngôn sứ joel kêu gọi chúng ta canh tân tình yêu Chúa của chúng ta thì phải hiểu theo nghĩa như vậy. Ngôn sứ Joel kêu gọi chúng ta yêu Chúa với hết tâm hồn và trí khôn của con người chúng ta. Hành động như vậy vì Thiên Chúa đã luôn luôn và sẵn sàng ban ra tràn đầy ân sủng và lòng thương sót cho chúng ta. Bản dịch tiếng Việt của chúng ta là “ Yêu Chúa với hết tâm hồn và hết trí khôn” quả là chính xác và đắc địa.

     Chăm chú vào lời kêu gọi với hết tâm hồn, Ngôn sứ Joel đã biến đổi kiểu thực hành tôn giáo cổ truyền thành: chay tịnh, hành xác, khóc than, dâng lễ vật và tụ họp dân Chúa để cùng nhau cầu nguyện. Tất cả những tâm tư tác động đó có mục đích quay trở lại về với Thiên Chúa. Ý niệm căn bản quay về với Chúa đôi khi bị hiểu sai lạc cho là muốn Thiên Chúa bớt đi tình thương sót đối với chúng ta và thực hành nhiều hơn nữa để biến đổi tâm hồn chúng ta, trong khi Chúa vẫn luôn luôn thương sót chúng ta. Thực hành ăn năn thống hối như ngôn sứ Joel đã nhắc nhở và những điều chúng ta học biết được trong Mùa chay thánh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được cuộc khổ nạn không ngừng và bất biến của Thiên Chúa cho chúng ta.

     *Thánh Phaolo và bạn đồng hành là Timothy, trong bài đọc 2 (2Cr 5:20--6:2), khi tuyên xưng mình là “sứ giả” của Thiên Chúa, các ông đã xác định sứ điệp các ông đưa ra là từ Thiên Chúa, không phải do các ông. Sứ điệp này kêu gọi chúng ta phải lớn lên trong hiểu biết về những việc mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua Chúa Kito. Sứ điệp gồm có những yếu tố bất giệt từ muôn thuở kêu gọi người Kito hữu trước nhất là “phải hòa giải với Thiên Chúa.” Ở đây có cái hay là trong tiếng Hy Lạp nguyên thủy lại ở thể mệnh lệnh thụ động. Cấu trúc văn phạm này -phân tích ra cho biết- mệnh lệnh “phải hòa giải với Thiên Chúa” là để cho Thiên Chúa hành động trên chúng ta. Nói cách khác, việc hòa giải của chúng ta với Thiên Chúa -vào mùa chay- bắt đầu là việc Thiên Chúa làm cho chúng ta và vì chúng ta. Thiên Chúa đã kích động chu trình hòa giải đó. Phần chúng ta là biểu lộ những đáp ứng dồi dào và quảng đại với Thiên Chúa để chứng tỏ hiểu biết và nhận ra hồng ân Thiên Chúa bằng việc làm trong cuộc sống của chúng ta.

     Để giúp chúng ta thêm hiểu biết và ý thức được hồng ân đó, thánh Phaolo đã tóm lược điều mà Thiên Chúa đã làm nơi Chúa Kito: đấng vô tội trở thành người có tội. Phaolo đã không nói rõ cái mấu nối kết giữa chúng ta với Thiên Chúa nhưng chúng ta phải nhận ra là vì Chúa Kito trở thành kẻ có tội nên Người đã để tội của chúng ta cho chết trên thập giá. Vì vậy thánh Phaolo đã cho chúng ta thấy là Chúa Kito đã ban cho chúng ta một đặc quyền cảm nghiệm hay đúng hơn một tình trạng về Thiên Chúa ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Trong Chúa Kito, chúng ta có thể  tuyên xưng là cộng sự viên với Thiên Chúa và biểu hiện sự công chính của Người ở trần gian. Qua những nhận xét này, Phaolo còn nhắc khéo chúng ta là phải nhận rõ tình trạng của chúng ta. Chúng ta chẳng có công trạng gì. Ngài khuyên chúng ta đừng nhận ơn Thiên Chúa một cách vô hiệu mà không sinh ra hoa trái kết quả gì. Danh từ ‘vô hiệu’ mà thánh Phalo dùng ở đây là dư âm của truyền thống khôn ngoan Kinh Thánh, nó đã cho ngài cơ hội để nói lên một lần nữa sự thật muôn đời của người Kito hữu: Nó luôn luôn là cơ hội để nhận ra thời giờ cứu chuộc đã đến. Và vì vậy, chúng ta đang bước vào MÙA CHAY. Chúng ta nhận ra những việc mà Thiên Chúa đã làm và còn tiếp tục làm cho chúng ta trong Chúa Kito, và chúng ta đáp ứng lại trong mến yêu đa tạ.

     *Sứ điệp của chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 6:1-6, 16-18) giống như trong bài đọc 1 có hai nhắc nhở trong việc thi hành cử chỉ đạo đức, là bên trong và bên ngoài. Nói với các môn đệ về những thực hành đạo đức, chúa Giêsu đã làm sáng tỏ về ba hành động “bác ái, cầu nguyện và ăn chay” là những thí dụ điển hình. Là nòng cốt của mùa chay, những thực hành cổ truyền này thúc dục chúng ta hòa giải và canh tân sự công chính và công bằng (trả nợ Thiên Chúa và những người anh em mà ta còn mắc nợ). Như khi chúng ta làm phúc, làm việc bác ái, chúng ta nên nghĩ lại những điều mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta còn nhiều hơn việc chúng ta làm cho người khác, cả về vật chất thể xác lẫn tinh thần. Đừng nghĩ đến những tham lam khác như danh vọng tiếng khen. Hãy canh tân trách nhiệm hầu chia sẻ nguồn lợi của  mình, để sau cùng thành những quản gia tốt hơn của những phần thưởng mà chúng ta đang có. Nói rộng ra những của bố thí sẽ khuyến khích canh tân công bằng công lý đối với những người chung quanh chúng ta, đặc biệt những người cần thiết nhất. Cầu nguyện làm sống lại và canh tân những tận tụy hy sinh của chúng ta cho Thiên Chúa và có thể cho chúng ta cảm nghiệm được có sự hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích giải tội. Ăn chay hãm mình một khi được thực hiện trong tinh thần tu đức sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ dến nỗi khốn khổ của kiếp người và sau cùng phải lệ thuôc vào Thiên Chúa. Như vậy nó sẽ giúp chúng ta tái ổn định những ưu tiên của chúng ta và rồi canh tân sự công chính và công bằng giữa chúng ta với nhau và con người với nhau để chúng ta có thể có tình liên kết thực sự với Thiên Chúa.

     Tuy nhiên, đối với tất cả những việc thiện như làm phúc, cầu nguyện và ăn chay hãm mình (hay bất cứ môt hành động linh thao nào khác) có thể mang lại thì vẫn bó buộc phải có một cam kết sâu sa hơn về những hành động đạo đức ấy; nó cũng là một đòi hỏi cần phải chuyên chú đặc biệt ngay lập tức đi theo. Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta là, nếu không có nhận thức sâu sắc và sáng suốt đúng mức này, thì hành động đạo đức đó có thể  bị coi như có một mục đích khác với những lý do sai lạc. Những thôi thúc sai lạc này làm giảm giá trị và mục đích của những hành động đạo đức có tính linh thao ấy và khiến chúng ta chú ý quá mức không hợp lý đến những hành động đạo đức đó của chúng ta thay vì dẫn đưa những người khác đến với Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện cũng vậy. Cầu nguyện là nói chuyện riêng với Thiên Chúa, là tâm tình với Thiên Chúa, là bày tỏ tâm tư mình và cầu xin lòng thương sót Chúa ban cho chúng ta những điều cần thiết đẹp lòng Chúa; chúng ta chẳng nên khoe khoang tỏ lộ cho những người khác thấy là mình đạo đức. Hành động khoe khoang như vậy tự nó đã làm giảm giá trị của cầu nguyện, chưa chắc đã được Chúa nhận lời. Toa thuốc của Chúa Giêsu là thực thi hành động đạo đức trong khiêm tốn không khoe khoang ra ngoài, không gây ồn ào chú ý. Vậy bất cứ một hành động có tính linh thao đạo đức nào đươc thực hiện trong mùa chay thánh này phải theo chỉ dẫn của chúa Giêsu: Việc làm của chúng ta sẽ có thể biến đổi sự sắp đặt nội tâm của chúng ta để không còn ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà luôn luôn hướng về Thiên Chúa.

Lời nguyện:

     Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con -nhờ việc giữ chay tịnh hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện trong mùa chay thánh này- được gia nhập trong hàng ngũ chiến đấu của Chúa, để nhờ đó có thể đương đầu với mọi mưu mô của tà thần. Nhờ Đức Kito, Con Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần làm một Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời.  Amen. 

Fleming Island, Florida
Ngày 9 tháng 2 năm 2024
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét