Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3 西江月其三 - Tô Thức (Bắc Tống)Từ


Tiểu sử của tác giả

Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.

Ông sinh năm 1036 (có sách nói là 1037), mất năm 1101. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình, dạy ông học. Khi nghe giảng về truyện Phạm Bàng (danh tướng đời Đông Hán, có công dẹp rợ Khương), ông khái nhiên hỏi mẹ: “Con sau này được như Phạm Bàng, mẹ có chịu không?” Bà mẹ đáp: “Con mà được như Phạm Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ Bàng?”

Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất thích đọc sách của Giả Nghị và Lục Chí). Như vậy ta thấy ông rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Nhưng khi đọc sách Trang Tử, ông lại bảo: “Trước kia tôi có ý kiến, nhưng chưa diễn ra được; nay đọc sách này, hợp ý tôi quá”. Tính tình ông phức tạp, mâu thuẫn ở điểm đó; suốt đời ông chịu ảnh hưởng cả Nho, lẫn Lão và Phật nữa, nhờ vậy mà tâm hồn ông khoáng đạt, tuy trong hoạn đồ chìm nổi nhiều phen mà không có giọng ai oán như Giả Nghị, Liễu Tông Nguyên, vẫn mỉa mai ngạo đời được. Cũng nhờ vậy mà văn ông siêu thoát, có nhiều vẻ hơn các nhà khác.

Năm 21 tuổi ông đậu tiến sĩ, nhờ bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận (bài này Âu Dương Tu rất thưởng thức, ngờ là của Tăng Củng làm nên không lấy ông khôi nguyên mà hạ xuống á nguyên). Ông lãnh chức Chủ bạ Phúc Xương rồi làm quan luôn ba chục năm, nhưng chìm nổi bất thường, một phần vì ông có giọng mỉa mai, hay làm thơ châm biếm về chính trị, nên ít người ưa; một phần vì ông đứng vào phe cựu đảng của Tư Mã Quang, nên khi tân đảng của Vương An Thạch lên cầm quyền thì ông bị biếm ra những châu quận ở ngoài.

Ông làm Thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu, có hồi vì chê bai tân pháp mà bị giam vào ngục, rồi biếm đi Hoàng Châu, làm chức Đoàn luyện phó sứ. Ở Hoàng Châu, ông cùng các ông lão nhà quê ngao du sơn thuỷ, cất nhà ở một sườn núi phía đông (đông pha), rồi lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ (do đó người đời sau gọi ông là Tô Đông Pha).

Năm 1085, vua Triết Tông lên ngôi, Thái hoàng thái hậu đương chính, bỏ chính sách của Vương An Thạch, dùng cựu đảng, ông được gọi về kinh, nhận chức Trung thư xá nhân, rồi chức Hàn lâm học sĩ kiêm Thị độc học sĩ, nhưng không được lâu, rồi lại bị đổi ra Hàng Châu, Dĩnh Châu, Định Châu cũng vì tính hay châm biếm.

Năm 1093, vua Triết Tông mới thực cầm quyền, lại dùng tân đảng, và hoạn đồ của ông càng trắc trở, bị biếm hai ba lần, có lần tới Quỳnh Châu (nay là đảo Hải Nam). Sống tịch mịch, già cả mà vất vả, phải cất lấy nhà mà ở, thuốc thang không có, đành viết sách để tiêu khiến. Năm 1100, vua Huy Tông lên ngôi, ông được đại xá, về lục địa, năm sau mất ở Thường Châu.

Ông ở trong phái thủ cựu, không ưa những cải cách mạnh bạo của Vương An Thạch, khi luận về chính trị thường giữ đạo trung hoà, không cầu gấp thành công, cứ bình tĩnh đợi sự tình biến đổi mà đối phó. Ông viết những bài Tần Thuỷ Hoàng luận, Thương Ưởng luận, mượn cổ mà chê kim, có ý so sánh chính sách của Vương An Thạch với chính sách của Tần Thuỷ Hoàng, của Thương Ưởng, bảo chính sách đó dùng ít thì hại ít, càng dùng nhiều càng hại nhiều.

Tuy nhiên ông không phải là cổ hủ, rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình thì là nông dân, nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính), ông lại thực hiện được công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên, rất ngoạn mục.

Ông sáng tác được 4000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bài hay (như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...). Tác phẩm ông lưu lại có bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi tập 25 quyển, bộ Đông Pha từ 1 quyển, bộ Cửu Trì bút ký 2 quyển, bộ Đông Pha chí lâm 5 quyển. Ngoài ra, vâng lời dặn dò của cha lúc lâm chung, ông viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha bỏ dở, rồi viết thêm những cuốn: Luận ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.

Ông vì chịu ảnh hưởng của Lão, Trang, nên văn ông như hành vân lưu thuỷ, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buộc nào cả (như bài Siêu nhiên đình ký, Phóng Hạc đình kí và nhất là bài Tiền Xích Bích phú).

Chẳng những văn ông hay, thơ ông tuyệt mà vẽ cũng khéo, viết chữ cũng tài, ông lại thông cả âm nhạc nữa. Thực là một thiên tài trác việt. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, rất trọng ông, cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, viết một cuốn kể đời ông, tức cuốn The gay genius - Life and times of Su Tungpo.

Nguyên tác Dịch âm

西江月其三 Tây Giang Nguyệt Kỳ 3  

照野彌彌淺浪 Chiếu dã my my thiển lãng,
橫空隱隱層霄 Hoành không ẩn ẩn tằng tiêu.
障泥未解玉驄驕 Chướng nê vị giải ngọc thông kiêu,
我欲醉眠芳草 Ngã dục tuý miên phương thảo.

可惜一溪風月 Khả tích nhất khê phong nguyệt,
莫教踏碎璚瑤 Mạc giao đạp toái quỳnh dao.
解鞍欹枕綠楊橋 Giải yên y chẩm lục dương kiều,
杜宇一聲春曉 Đỗ vũ nhất thanh xuân hiểu.
 Tô Thức 

Chú giải

照野 chiếu dã: chiếu đồng nội.
彌彌 my my: khắp nơi.
驄驕 thông kiêu: ngựa tốt có lông trắng pha xám.
障泥 chướng nê: Cái chắn bùn ở dưới bụng ngựa. Câu này ý nói sắp phải lội qua dòng suối (vì thế sẽ phải cởi cái chắn bùn ra).
璚瑤 quỳnh giao: Ngọc quỳnh dao, ở đây ẩn dụ cho ánh trăng.
西江月其三 蘇軾

Dịch nghĩa

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Trăng chiếu khắp nơi trên đồng cỏ (trong gió) trông như từng lớp sóng ngắn,
Ngang trời thấp thoáng những tầng mây (vì có gió nhẹ).
Cái chắn bùn buộc dưới bụng ngựa ngọc vẫn chưa cởi,
Cỏ thơm khiến ta say muốn ngủ một giấc.

Đẹp thay một dòng suối đầy gió trăng (suối phong nguyệt),
Chớ để cho ai đạp vỡ ngọc quỳnh dao (chớ cho ai lội xuống suối khuấy động ánh trăng).
Cởi yên ngựa làm gối ngủ ở trên cầu có cây dương liễu,
(sẽ đánh một giấc cho tới khi có) Một tiếng cuốc kêu buổi sớm xuân.

Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thuỷ 蕲水, gặp quán rượu uống say, theo trăng tới một cây cầu nhỏ, cởi yên ngựa làm gối nằm nghỉ, ngắm cảnh cho đến sáng khi con cuốc đánh thức dậy.

Dịch từ

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Trăng chiếu cỏ hoang tợ óng,
Ngang trời thấp thoáng từng mây.
Chắn bùn chưa cởi ngựa đêm nay,
Ta muốn ngủ say vì mùi cỏ.

Đẹp thay con suối trăng gió,
Xin đừng đạp ngọc quỳnh dao.
Cởi yên làm gối ngủ trên cầu,
Một tiếng cuốc kêu xuân sớm.

Lời bàn:

Đúng là phong thái của một thi sĩ lãng du bất đắc trí (khi bị biếm đi Hoàng Châu); thèm rượu thì cứ uống cho say; buồn ngủ thì cứ ngủ (ngay cả trên cầu). Nhưng thấy cảnh thiên nhiên quá đẹp (suối đầy trăng gió) thì trân quý, không muốn ai lội xuống nước làm vỡ cảnh gió trăng này. Từ của Tô Đông Pha đẹp tuyệt vời!

Nhưng đọc lại câu 3, Con Cò tự hỏi tại sao họ Tô lại nói tới cái chắn bùn buộc dưới bụng ngựa (một chi tiết rẻ tiền và rất khó diễn đạt với 7 chữ) trong bài thơ tao nhã này?

Tìm được câu trả lời rồi: Bởi vì cái chắn bùn tiềm ẩn nhiều ý lắm. Con sông này nhỏ. Chiếc cầu cũng nhỏ (người đi được nhưng ngựa thì không; nên phải cột ngựa ở đầu cầu có cây dương liễu; ngày mai mới dắt nó lội qua sông. Vậy thì cứ ngủ ở trên cầu một giấc cho thoải mái rồi sáng mai hãy cởi cái chắn bùn ra để sang sông). Còn nữa, Tô nói rằng ngủ tới khi tiếng cuốc kêu buổi sáng đánh thức dậy nhưng kỳ thực Tô ngắm cảnh suốt đêm (để canh chừng không cho ai lội suối làm bể ngọc quỳnh).

Con Cò
***
Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Chiếu khắp đồng hoang sóng ngắn,
Ngang trời ẩn hiện mây bay,
Chắn bùn chưa tháo ngọc câu oai,
Muốn ngủ khướt say trên cỏ.
Đẹp quá suối đầy trăng gió,
Chớ cho khuấy vỡ ánh châu,
Tháo yên nằm gối liễu xanh cầu,
Chỉ có cuốc kêu xuân sớm.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
July 19/2022.

Góp ý của Bát Sách:

Đây là một bài từ có nhiều chữ khó, và quá súc tích, vì chữ ít mà ý nhiều nên BS đọc mấy lần mới hiểu ý tác giả, và cũng nhờ vào giải thích của ÔC nên sáng thêm một chút nữa.

- Chiếu: là chiếu sáng, nhưng vật gì chiếu sáng? Đọc toàn bài mới hiểu là trăng.
- Dã: là đồng nội, bãi hoang, quê mùa, hay những gì ở bên ngoài thành.
- My là nước đầy, ngập, tràn, đầy tràn.
- Ẩn: là kín, giấu, nấp, trốn.
- Tiêu: chữ khó, có nghĩa là khoảng trời trống, mây, sương mù, mưa bay.
- Chướng: có rất nhiều nghĩa như che, chắn, ngăn, cản, lấp, bảo vệ.

Chướng nê trong bài này là cái chắn bùn. Nhưng BS chưa biết nó gắn ra sao ở con ngựa, nhờ anh Tâm, anh Giám tìm hộ.

- Thông: là ngựa trắng xám.
- Kiêu: là kiêu căng, cao lớn, mạnh mẽ.

Ngọc thông kiêu chỉ con ngựa tốt, cao lớn, khỏe mạnh, chẳng hiểu có đúng không?

- Tích: là tiếc nuối, yêu quý, tham lam.
- Mạc: không phải, đừng, chớ nên.
- Đạp: là đạp, giẫm lên, đi tại chỗ.
- Toái: là đập vụn, làm vỡ nát, nhỏ mọn. Ở bài này là làm vỡ.
- Yên là yên ngựa.
- Y: là dài, xanh tốt, dựa, tựa vào.

Bài này đại khái kể chuyện tác giả cưỡi con tuấn mã, một mình nhẩn nha dạo nơi đồng hoang : ánh trăng chiếu vằng vặc khắp nơi, cỏ dại mọc cao, khi gió thổi, đám cỏ nhấp nhô như sóng nhẹ. Trên không, trăng sáng, có những từng mây ẩn hiện, lấp ló vắt ngang… Tác giả chưa tháo tấm chắn bùn ở bụng ngựa, vì ông thấy mùi cỏ thơm, muốn say mà ngủ. Hai chữ tuý miên này làm BS thắc mắc. Cả bài từ không có chỗ nào nói tới rượu thì tự nhiên sao lại say rượu được? Mà Tô đâu có say! Trước cảnh trăng thanh gió mát, bóng trăng in trên mặt nước như một viên ngọc quỳnh giao, ông còn tự khuyên mình không nên cho ngựa bước xuống khe suối mà làm vỡ viên ngọc ấy. Ông cởi yên ngựa làm gối, ngủ ở trên cầu có cây dương màu xanh, cho tới sáng sớm, khi nghe cuốc kêu mới tỉnh dậy.

Đọc bài của ÔC, thấy viết” ngắm cảnh cho đến sáng, khi con cuốc đánh thức dậy “. Nếu ngắm cảnh cho đến sáng thì đâu cần con cuốc đánh thức. BS nói cho vui thôi, không phải đá giò lái, để ÔC muốn sửa thì sửa.

Tây Giang Nguyệt Kỳ Ba

Trăng chiếu đồng hoang gợn sóng,
Ngang trời lấp ló từng mây,
Chưa cởi chắn bùn ngựa tốt ngay,
Muốn say cỏ thơm, ta ngủ.

Đáng tiếc một khe trăng gió,
Chớ nên đạp vỡ quỳnh giao,
Tháo yên làm gối ngủ cầu dương,
Sáng sớm cuốc kêu tỉnh giấc.

Bát Sách.
(Ngày 20 tháng 07 năm 2022) *
*Hôm nay là ngày chia đôi đất nước, 68 năm về trước.

***
Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Đồng lóa dập dờn sóng cạn
Lưng trời thấp thoáng mây cao
Chắn bùn chưa tháo khỏi ngựa câu
Ta muốn ngủ say ngát cỏ

Thích thay gió trăng một suối
Chẳng để đạp vỡ quỳnh dao
Tháo yên làm gối, liễu dương cầu
Xuân sớm cuốc kêu một tiếng!

Đồng ánh chiếu dập dờn sóng nhỏ
Mây lưng trời lấp ló tầng cao
Chắn bùn chưa tháo ngựa câu
Cỏ thơm ta muốn ngọt ngào ngủ say

Suối gió trăng đẹp thay muôn vẻ
Ngọc quỳnh dao đừng để vỡ tan
Yên làm gối, liễu dương màn
Sớm xuân một tiếng cuốc khan bên cầu!

Lộc Bắc
***
Màn Trời Chiếu Đất

Nhấp nhô tựa sóng, cỏ tranh,
Ánh trăng chiếu rọi, đồng xanh ngút ngàn.
Bầu trời thấp thoáng phù vân,
Chắn bùn - tuấn mã còn mang nặng nề.
Mùi hương thảo mộc đê mê,
Khiến ta thèm ngủ - chân tê mỏi chồn!
Gió trăng đùa bỡn nơi cồn,
Đẹp thay dòng suối - thả hồn ngất ngây.
Chớ ai lội nước cuồng say,
Kẻo không vỡ nguyệt - ngọc này quỳnh dao.
Cởi yên, đầu gối tựa cao,
Bên cầu, dương liễu lao xao khôn dừng.
Thiu thiu giấc điệp mông lung,
Cuốc kêu xuân thắm - đón vừng đông lên...

Khánh-Hưng
***
Tây Giang Nguyệt西江月: nguyên là tên một ca khúc của Đường giáo phường, sau lấy làm tên cho một điệu từ. Điệu từ này có 50 chữ chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu 6 chữ - trừ câu 3 có 7 chữ, có 2 bình vận (vần bằng) và 1 diệp vận (chữ cuối của đoạn trên và đoạn dưới là diệp vận thanh trắc).
 

Ghi chú:

Di di: trông như làn sóng nước động
Tằng tiêu: những đám mây mỏng tràn ngập bầu trời
Chướng nê: một tấm vải hoặc gấm lót dưới yên ngựa, kéo dài đến hai bên bụng ngựa để che bụi bặm.
Ngọc thông kiêu: tuấn mã tráng kiện, ngựa tốt mạnh mẽ
Khả tích: thương tiếc
Quỳnh dao: ngọc quỳnh dao, ẩn dụ ánh trăng trong suối
Đỗ vũ: chim đỗ quyên

Dịch nghĩa:

Tây Giang Nguyệt Kỳ 3

Chiếu dã di di thiển lãng
Trăng chiếu khắp nơi trên đồng cỏ trông như từng lớp sóng ngắn,
Hoành không ẩn ẩn tằng tiêu
Trên bầu trời ẩn hiện mấy tầng mây.
Chướng nê vị giải ngọc thông kiêu
Chắn bụi bên hông ngựa quý vẫn chưa cởi,
Ngã dục túy miên phương thảo
Ta muốn ngủ say một giấc giữa cỏ thơm.

Khả tích nhất khê phong nguyệt
Đáng thương một dòng suối đầy gíó trăng,
Mạc giao đạp toái quỳnh dao
Không để con ngựa đạp vỡ ngọc quỳnh dao (chớ cho nó lội xuống suối khuấy động ánh trăng).
Giải yên y chẩm Lục Dương kiều
Cởi yên ngựa làm gối ngủ bên cầu Lục Dương,

Đỗ vũ nhất thanh xuân hiểu

Say giấc cho đến khi nghe tiếng đỗ quyên báo buổi sáng sớm mùa xuân.

Điền từ:

Vì không hát được bài dịch, nên chỉ điền từ một cách máy móc cho có nghĩa và nhất là đúng thanh và vần theo từ phổ.


Điệu Từ Tây Giang Nguyệt:

Theo trang 詞牌 西江月 (sou-yun.cn), có 1314 bài từ theo điệu Tây Giang Nguyệt. Riêng Tô Thức, từ năm 1079 đến 1097, đã làm 15 bài Tây Giang Nguyệt, mỗi bài có một tựa khác nhau để phân biệt. Tựa Tây Giang Nguyệt Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3… (không theo thứ tự thời gian) chỉ thấy ở Việt Nam mà không thấy trên trang web chữ Hán nào. Bên dưới là thông tin thêm của trang Sưu Vân về 3 bài Tây Giang Nguyệt của Tô Thức do Thi Viện đăng.

Tây giang nguyệt kỳ 1 - 西江月其一 (Tô Thức - 蘇軾)
詩詞 蘇軾 西江月 黃州中秋 (sou-yun.cn)

Tựa: 西江月 黃州中秋 Tây Giang Nguyệt Hoàng Châu Trung Thu

Làm tại: Tỉnh Hải Nam… (năm 1097) 海南省海南省直辖县级行政区划儋州市 Hải Nam Tỉnh Hải Nam Tỉnh Trực Hạt Huyện Cấp Hành Chánh Khu Hoa Đam Châu Thị.

Tây giang nguyệt kỳ 2 - Trùng cửu - 西江月其二-重九 …
詩詞 蘇軾 西江月 重陽棲霞樓作 (sou-yun.cn)

Tựa: 西江月重陽棲霞樓作Tây Giang Nguyệt Trùng Dương Thê Hà Lâu Tác
Làm tại: Lầu Thê Hà, Hoàng Cương, Hồ Bắc (năm 1083)湖北省黄冈市栖霞楼Hồ Bắc Tỉnh Hoàng Cương Thị Thê Hà Lâu.
Tây giang nguyệt kỳ 3 - 西江月其三 (Tô Thức - 蘇軾)
詩詞 蘇軾 西江月 春夜行蘄水山中。過酒家飲。酒醉,乘月至一溪橋上,解鞍曲肱。醉臥少休。及覺已曉。亂山攢擁,流水鏘然,疑非塵世也。書此詞橋柱上 (sou-yun.cn)

Tựa:
西江月 春夜行蘄水山中。過酒家飲。酒醉,乘月至一溪橋上,解鞍曲肱。醉臥少休。及覺已曉。亂山攢擁,流水鏘然,疑非塵世也。書此詞橋柱上 Tây Giang Nguyệt Xuân Dạ Hành Kỳ Thủy Sơn Trung, Quá Tửu Gia Ẩm. Tửu Túy, Thừa Nguyệt Chí Nhất Khê Kiều Thượng, Giải Yên Khúc Quăng. Túy Ngọa Thiểu Hưu. Cập Giác Dĩ Hiểu. Loạn San Toàn Ủn, Lưu Thủy Thương Nhiên, Nghi Phi Trần Thế Dã. Thư Thử Từ Kiều Trụ Thượng .

Làm tại: Huyện Hy Thủy, Hoàng Cương, Hồ Bắc (năm 1082) 湖北省黄冈市浠水县Hồ Bắc Tỉnh Hoàng Cương Thị Hy Thủy Huyện.

Họa đồ Google bên dưới cho thấy vị trí của Hoàng Châu, sông Kỳ và sông Hy ngày nay, cả hai sông đổ vào sông Dương Tử phía nam Hoàng Cương.

Câu: Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thủy 蕲水, gặp quán rượu uống say, theo trăng tới một cây cầu nhỏ, cởi yên ngựa làm gối nằm nghỉ, ngắm cảnh cho đến sáng. trong Bài thơ: Tây giang nguyệt kỳ 3 - 西江月其三 (Tô Thức - 蘇軾) (thivien.net) là dựa vào tựa bài trong sách của Tô Thức, nhưng không có cho nguồn tài liệu cũng như không ghi chú rõ ràng.

Xin xem mộc bản trong các sách in với tựa bài tử và ghi chú:

Tống - Tô Thức Tống - Hoàng Thăng Thanh - Huyền Diệp

Đông Pha Từ - Tống - Tô Thức 東坡詞-宋-蘇軾

又(春夜行蘄水中過酒家飲酒醉乘月至一溪橋上解鞍曲肱少休及覺已曉亂山蔥茏不謂人世也書此詞於橋柱上 )

Hựu (Xuân dạ hành Kỳ Thủy trung quá tửu gia ẩm tửu túy thừa nguyệt chí Nhất Khê kiều thượng giải yên khúc quăng thiểu hưu cập giác dĩ hiểu loạn sơn thông lung bất vị nhân thế dã thư thử từ vu kiều trụ thượng)

Tạm dịch:

Lại (Đêm Xuân đi dọc sông Kỳ Thủy, ghé quán rượu, uống say, theo trăng đến cầu Nhất Khê, cởi yên ngựa, khoanh tay, nghỉ ngơi một lúc, cảm nhận những ngọn núi xanh um hỗn độn trong ánh bình minh, nghi ngờ không phải nhân thế, vậy viết bài từ này trên cột cầu)

Hoa Am Từ Tuyển - Tống - Hoàng Thăng 花菴詞選-宋-黃昇

西江月(公自序雲春夜行蘄水中過酒家飲酒/醉乘月至一溪橋上解鞍曲肱少休及覺已曉亂山蔥茏不謂人世也書此語橋柱上)

Tây giang nguyệt (công tự tự vân xuân dạ hành kỳ thủy trung quá tửu gia ẩm tửu túy thừa nguyệt chí nhất khê kiều thượng giải yên khúc quăng thiểu hưu cập giác dĩ hiểu loạn sơn thông lung bất vị nhân thế dã thư thử ngữ kiều trụ thượng)

Ngự Tuyển Lịch Đại Thi Dư - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選歷代詩餘-清-聖祖玄燁
前調(月夜蘄水橋上) 蘇軾

Tiền điều (nguyệt dạ kỳ thủy kiều thượng) Tô Thức
Giai điệu phía trước (trên cầu Kỳ Thủy vào đêm trăng) Tô Thức

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:


Bài này làm trong thời gian Tô Đông Pha bị biếm trích đi Hoàng Châu. Một đêm xuân cưỡi ngựa bên sông Kỳ Thuỷ 蕲水,...

Đề nghi Con Cò xét lại các dữ kiện này; nếu Tô Thức đang ở bên sông Kỳ Thủy thì tại sao tựa đề lại có Tây Giang? Hoàng Châu (黄州) là một địa danh ở Hồ Bắc và Kỳ Thủy một con sông trong vùng đó. Tô Thức bị đi đày lần đầu (1080-86) đến Hoàng Châu thật và lấy biệt danh Đông Pha từ đó nhưng tựa đề bài thơ chỉ Tây Giang (西江) và Tây Giang là phụ lưu chính của Châu giang (珠江) trong tỉnh Quảng Đông.

Tây Giang là Xi trong bản đồ trên, và là hợp lưu của Quế Giang 桂江/Gui) và Tầm Giang (浔江/Xun). Tô Thức bị đi đày lần thứ nhì (1094-1100) xuống Huệ Châu (惠州), rồi Đam Châu (儋州, đảo Hải Nam). Ta có thể thấy Huệ Châu trên bản đồ (Huizhou, trên Hương Cảng), trên tả ngạn Đông Giang (東江/Dong). Địa điểm này gần Tây Giang hơn là Hoàng Châu, và ở đó sáu năm chắc chắn thi nhân/họa sĩ họ Tô đã đi du ngoạn khắp vùng.

Bài từ kỳ nhị có hai câu: 涼南浦當年戲馬會東徐, 今日淒涼南浦 Đương niên Hí Mã hội Đông Từ, Kim nhật thê lương Nam Phố kể chuyện năm xưa họ Tô đi chơi hội Hí Mã ở Từ Châu nhưng năm nay làm người cô đơn ở Nam Phố. Các trang chữ Hán, và Việt vin vào địa danh Hí Mã đài và Từ Châu để nói rằng Tô Thức đang ở Hà Bắc nhưng nếu ta đi tìm địa danh Nam Phố thì sẽ ... chưng hửng vì nó không có thật (hoặc chỉ có thật ở Đại Hàn)! Nam phố chỉ là một từ kép dùng trong các bài từ để nói đến sự chia ly, xa cách. Trích từ 南浦 (词牌名) Nam phố (từ bài danh)

南浦原指南面的水边, 后常用来称指送别之地 Nam phổ nguyên chỉ Nam diện đích thủy biên, hậu thường dụng lai xưng chỉ tống biệt chi địa. Nguyên thủy Nam phố chỉ bờ Nam của sông, sau này thường dùng để chỉ nơi tống biệt.

Nơi tống biệt ngày nay không nhất quyết phải là nơi giao hoan ngày xưa; và thế có nghĩa rằng các bài từ Tây Giang chưa hẳn đã được sáng tác ở Hoàng Châu.

Huỳnh Kim Giám
***
Bài Cảm Đề:

Trăng tròn soi bóng giòng sông
Soi cả thôn nữ chỗ nông đầm mình
Nhấp nhô sóng vuốt thân hình
Nõn nà trắng muốt mặt xinh tuyệt vời
Ta cũng muốn, bơi tới người
Chỉn e nàng thẹn chẳng cười với ta
Bỏ đi tóc che thân ngà
Thôi thì ôm gối tà tà mơ tiên

Đồ Cóc

1 nhận xét: