Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Suối Tương Tư


Dưới bầu trời xám ảm đạm, Phượng lững thững đi dọc theo bức tường bằng đá đen ghi chi chit tên những quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến nàng rùng mình. Nàng ngừng lại và đặt một nhánh hoa dại màu vàng xuống sàn xi măng trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M. Nàng thì thầm: “ Hoa của riêng Minh đấy! Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé!”

Đã từ lâu, nàng có thói quen viếng thăm bức tường này vào ngày giỗ của Minh, người mà nàng yêu tha thiết. Chàng cũng đã bỏ mình trong trận đánh ở An Khê năm xưa khi hai người đang chuẩn bị đám cưới. Mỗi lần đứng trước bức tường đá lạnh lẽo với những cái tên xa lạ, nàng thường tự hỏi: “ Có bức tường nào dài đủ để ghi tên Minh và những người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh thảm khốc đó?”
Phượng đưa mắt hững hờ nhìn những du khách đang bước vội vã bên bức tường đá lặng câm. Nàng thả hồn vào quá khứ xa xăm mà tưởng chừng như vừa mới hôm qua, như vừa buổi sáng…

Phượng chào “Tù Trưởng Muốn” một lần nữa rồi lễ mễ ôm quả mít no tròn và thơm lừng đi về phía bác tài xế đã đậu xe chờ nàng bên bờ suối. Vừa đi, nàng vừa tủm tỉm cười vì cái tên ngộ nghĩnh mà bố con nàng đã gọi Tù trưởng của buôn Thượng này. Sở dĩ ông được gọi như thế vì mỗi khi gặp bố nàng, ông ta nói rất nhiều lần tiếng “ Tôi muốn”. Thực ra, mọi thứ ông xin, đều là xin cho dân làng nhưng vì không biết nhiều tiếng Việt nên ông chỉ nói “Tôi muốn”, rồi dùng tay ra hiệu hoặc chỉ vào những thứ mà ông muốn.
Từ ngày đơn vị của bố nàng đóng quân tại vùng cao nguyên Pleiku, nàng vẫn thường theo bố vào các buôn Thượng lân cận để giúp đỡ những người dân bản xứ, khi bố nàng có giờ rảnh rỗi. Lúc đầu, nàng chỉ đi cùng bố cho vui. Lâu dần, nàng cảm thấy thương mến những người dân miền núi thật thà chất phác nên nàng đã dành rất nhiều thời giờ cho công việc này. Phượng là Y tá nên dân làng rất cần sự giúp đỡ của nàng. Do đó, mỗi khi thấy Phượng tới, họ vui mừng gọi tên nàng ơi ới và tiếp đãi thật nồng hậu. Những buổi chiều nhạt nắng, từ trại gia binh, nhìn những làn khói lam tỏa ra từ những ngôi nhà sàn, Phượng lại thèm ăn một ống nứa cơm thơm thơm mà nàng thường được mời mỗi khi vào thăm các gia đình người thượng.
Bố nàng đã ra lệnh cấm không được đi riêng lẻ vào buôn vì lý do an ninh. Nhưng nhiều lần Phượng đã trái lệnh! Đối với nàng, những ngôi nhà sàn mái lá nâu sậm, chênh vênh trên những cây cột gỗ cao lênh khênh và đống củi khô chất đầy phía dưới, bên cạnh những cây mít, cây mận sai chúc chíu đã trở nên thân quen, mời gọi.

Chiều nay, sau khi ra khỏi Quân y viện, Phượng năn nỉ bác tài xế cho nàng ghé vào buôn một lúc để gặp “Tù trưởng Muốn”. Nàng muốn báo cho ông một tin vui là nàng đã xin được một số quần áo và tặng phẩm của một hội nhà thờ ở Saigon để phát cho dân làng vào dịp Giáng sinh sắp tới. Nàng tiếc là không có thời giờ để ở lại ăn cơm cùng gia đình ông Tù trưởng, mặc dù họ ân cần mời mọc. Nàng vừa dùng tay ra hiệu vừa nói với họ bằng tiếng Thượng:
Tôi ở lại đây, bố tôi cắt cái đầu!
Nghe Phượng nói tiếng của ông, “ Tù trưởng Muốn” cười ha hả, để lộ mấy cái răng vàng chói. Rồi ông ta bảo vợ hái quả mít chín và to nhất tặng cho nàng.
Phượng đi loanh quanh qua những con đường đất đỏ bụi mù theo từng cơn gió lốc. Rồi nàng băng qua rừng cây um tùm để đến bên bờ suối. Chiều xuống thật nhanh. Mới lúc nãy hãy còn ánh nắng mà bây giờ trời đã tối xầm lại. Một vài con chồn, con thỏ nghe tiếng động, chạy vụt vào trong những lùm cây. Tiếng chim kêu, gió hú đã làm tăng thêm vẻ âm u của vùng rừng núi. Một nỗi sợ hãi đang bủa vây trong tâm hồn Phượng. Nàng không sợ bị Bố quở mắng, nhưng nàng đang lo những chuyện bất trắc có thể xảy ra tại đây. Nàng ân hận vì đã vào buôn một mình khi trời tối.

Ban ngày, cuộc sống ở đây cũng bình thường và nhộn nhịp lắm. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì hình như sự nguy hiểm, chết chóc rình rập đâu đây. Hơi thở của mỗi người hình như nặng nề hơn, dồn dập hơn và giấc ngủ nào cũng chập chờn những cơn ác mộng. Nhiều đêm, ánh hỏa châu sáng rực cả bầu trời. Tiếng trọng pháo nổ ầm ầm xen lẫn những tiếng súng nhỏ cắc cùm, cắc cùm… khi xa, khi gần, khiến mọi người tỉnh giấc, hốt hoảng chui vào hầm trú ẩn. Hồi hộp muốn vỡ tung lồng ngực nhưng ai nấy vẫn lâm râm niệm Phật, cầu Chúa.
Phượng đi thật nhanh, nhưng hình như khoảng cách vẫn không thu ngắn được là bao. Cuối cùng, nàng cũng lội qua được con suối, đến bên chiếc xe Jeep mà bác tài xế đang đợi nàng. Phượng thở phào nhẹ nhõm, vừa leo lên xe, nàng vừa nói:
Xin lỗi bác nhé, tôi không ngờ tôi ở trong đó lâu như thế.
Bác tài xế vui vẻ:
Không sao cô ạ. Tôi chỉ lo lát nữa về nhà bị Đại úy la thôi!
Bác đừng lo, lỗi của tôi mà.
Chiếc xe chưa kịp chạy, bỗng hai người nghe tiếng rên rỉ khe khẽ. Lương tâm của một Y tá đã thắng sự sợ hãi của phượng. Nàng nhìn quanh và nhận ra một người đàn ông mặc quân phục bị thương, nằm cách đó không xa. Nàng nhanh nhẹn lấy thùng vật dụng cứu thương, băng bó cho nạn nhân rồi giúp bác tài xế vực ông ta lên xe, đưa về bệnh xá, nơi nàng làm việc.

Đêm đã khuya lắm mà Phượng vẫn còn trằn trọc không thể nào ngủ được. Nàng nghe tiếng gió hú từng cơn và tiếng súng từ xa vọng lại. Nàng bỗng nhớ tới người quân nhân bị thương mà nàng đã mang vào bệnh xá hồi tối. Không biết anh chàng đã tỉnh lại chưa? Vết thương khá nặng và máu ra nhiều, nếu nàng không tình cờ gặp thì có lẽ giờ này anh ta đã chết từ lâu rồi. Phượng thở dài nhè nhẹ khi nghĩ tới đồng bào của nàng đã phải sống kinh hoàng trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh mà họ không lựa chọn. Những bom đạn, sản xuất từ một nơi xa xôi nào đó, đã được mang tới đây để tàn phá phần đất nhỏ bé và dân tộc hiền hòa này. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, Phượng đã gặp không biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Ngoài sự xúc động tận cùng của tâm hồn, nàng chỉ còn biết cầu nguyện và làm hết sức mình để xoa dịu một phần nào vết thương của cuộc chiến.

Phượng vừa chợp mắt được một lúc thì chuông đồng hồ reo vang, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Nàng trở dậy, sửa soạn qua loa, rồi cùng bố mẹ ăn sáng. Món xôi đậu đen của mẹ nóng hổi, ăn với muối mè sao mà ngon thế! Nhất là vào những hôm trời trở lạnh như hôm nay.
Thấy con gái ăn một loáng là đã hết bát xôi, mẹ Phượng nói đùa:
Anh xem, con nó ăn có giống con nhà chết đói không kìa!
Bố Phượng cười:
Chưa chết! Nhưng đói là cái chắc! Vật giá cứ leo thang mãi như thế này, mai mốt sợ không có xôi mà ăn nữa đó.
Phượng thắc mắc:
Nhà mình hai lương mà còn nghèo thế này, những gia đình lính và những người Thượng làm sao họ sống Bố mẹ nhỉ?
Bố Phượng thở dài:
Thì bữa no, bữa đói chứ còn làm sao nữa. À, hôm qua con lại vào làng Thượng phải không ? Bố đã bảo con đừng đi một mình mà, nguy hiểm lắm!
Con ghé có một chút thôi, nhưng sau đó con gặp một người bị thương bên bờ suối. Con và bác tài chở ông ta vào bệnh xá nên về hơi trễ.
Mẹ Phương lắc đầu, chép miệng :
Tội nghiệp ! Ông ta bị thương có nặng không con?
Nặng lắm mẹ ạ. Máu ra nhiều lắm, không biết có sống được không?
Sau khi ăn điểm tâm, Phượng chào bố mẹ rồi ra xe jeep, bảo bác tài chở nàng lên bệnh xá.
Vừa gặp Bác sĩ trực, nàng đã hấp tấp hỏi:
Thưa Bác sĩ, người quân nhân bị thương tối hôm qua tỉnh lại chưa ạ?
Tỉnh rồi! Nhưng còn yếu lắm, đang truyền thêm máu.
Phượng reo lên:
May quá, thế là chúng ta cứu được ông ấy rồi! Đêm hôm qua, tôi lo quá, không thể nào ngủ được!
Gặp bệnh nhân nào cô cũng lo như thế thì chẳng mấy lúc cô cũng thành bệnh nhân cô Phượng ạ.
Bác sĩ yên tâm, tôi không ốm được đâu. Vì nếu tôi ốm thì ai săn sóc bệnh nhân đây ?
Muốn vậy, cô phải lo giữ sức khỏe và nhất là đừng lang thang vào buôn Thượng một mình. Nhỡ gặp Việt cộng thì phiền lắm đấy.

Từ giã vị Bác sĩ, Phượng đi thẳng tới giường của người quân nhân bị thương tối hôm qua. Nàng chăm chú nhìn người đàn ông đang nằm thiêm thiếp dưới tấm chăn màu trắng đã ngả màu ngà. Khuôn mặt ông ta hơi vuông, nước da ngăm ngăm, đôi lông mày rậm và cái miệng rộng với đôi môi tái nhợt. Bịch máu được treo lủng lẳng trên một cây sắt dựngđứng phía cạnh đầu giường. Những giọt máu đỏ tươi của một người nào đó đangchậm chạp rơi xuống cái ống thủy tinh nhỏ bằng ngón tay út, chạy qua sợi dây nhựa nhỏ xíu, truyền vào mạch máu nơi mu bàn tay đen xạm.
Người đàn ông bỗng cựa mình rồi mở lớn đôi mắt nhìn Phượng. Đôi mắt mệt mỏi nhưng vẫn toát ra vẻ thông minh, lanh lợi. Phượng bối rối, chớp chớp đôi mắt mơ màng. Nàng chưa kịp nói gì thì người đàn ông đã cất tiếng hỏi rất nhỏ:
Tôi đang ở đâu đây, thưa cô?
Ông đang ở Quân y viện. Hôm qua, tôi gặp ông nằm mê man bên bờ suối, gần buôn Thượng nên tôi đem ông về đây.
Người đàn ông nhíu này như cố nhớ lại những chuyện đã xảy ra rồi nói:
Cảm ơn cô. Thế là tôi đã mang ơn cứu mạng của cô rồi. Tôi bị thương có nặng không hả cô?
Ông yên tâm tĩnh dưỡng vài ngày là khỏi. À, ông có muốn báo tin cho gia đình không?
Không cô ạ, mẹ tôi ở xa lắm. Vả lại, tôi cũng không muốn cho mẹ tôi biết để mẹ tôi khỏi phải lo lắng.
Nhắc tới mẹ, giọng của người đàn ông tràn đầy xúc động. Phượng nhìn bệnh nhân một lần nữa rồi nói sau khi biết tên ông ta trong hồ sơ:
– Chào ông Minh nhé, lát nữa tôi sẽ trở lại. Từ hôm nay, tôi sẽ là Y tá của ông trong thời gian ông điều trị tại đây.

Khi bình phục, Minh cảm ơn cứu mạng và sự săn sóc của Phượng bằng một bữa cơm thịnh soạn ở hiệu ăn Diệp Kính. Hiệu ăn tọa lạc ở ngay góc đường Lê Lợi và Hoàng Diệu, khu thương mại đông đúc của thị xã Pleiku, nhất là vào những buổi chiều khi lính Mỹ tủa ra từ những căn cứ quanh vùng. Sau đó, hai người đi nghe nhạc ở quán Mimosa trên đường Hoàng Diệu.
Phượng e ấp bên Minh, lòng rộn lên một niềm vui nhè nhẹ. Trong căn phòng ấm cúng với ánh đèn mờ ảo, tiếng đàn, tiếng hát vang lên dìu dặt : « Phố núi cao, phố núi đầy sương… » Phượng như quên hẳn là nàng đang sống trong một vùng chiến tranh sôi động, và người đàn ông ngồi bên nàng không phải mới gặp mà đã thân quen từ muôn kiếp trước.
Đêm hôm ấy, Phượng lại trằn trọc không thể ngủ được. Lần này, không phải vì nàng lo cho sự sống của người quân nhân bị thương bên bờ suối mà vì nụ hôn nồn nàn của Minh khi chia tay, vì đôi mắt to, đen, thông minh lanh lợi.

Thế rồi một mối tình đẹp như mơ, trong như dòng suối nảy nở giữa Minh và Phượng.Tình yêu của họ bị chiến tranh, súng đạn vây quanh, rình rập. Do đó họ tận hưởng từng giây, từng phút khi có nhau.
Có những buổi chiều, hai người ngồi bên nhau trên đồi vắng, lắng nghe gió thổi xào xạc qua rừng cây. Ngắm những đám mây trắng như bông lang thang trên bầu trời xanh bao la, rồi tan biến đi, không còn một dấu vết. Có những đêm rằm, hai người trải chiếu ra phía sau nhà, ngắm trăng sao, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống. Có những buổi sáng, khi sương mù còn lãng đãng khắp vùng rừng núi, hai người vội vã đi tìm nhau để biết chắc rằng người mình yêu còn sống sót sau trận giao tranh đêm hôm trước. Hai người cũng thường vào các buôn Thượng, phát thuốc men, thực phẩm hoặc bất cứ thứ gì mà họ xin được từ các hội từ thiện và các căn cứ Mỹ trong vùng. Minh làm những công việc này với lòng hăng say và một tình thương vô bờ bến. Chàng thường xiết mạnh tay người yêu mỗi khi nhìn những người Thượng làm ruộng, làm rãy với những dụng cụ thô sơ:
Em trông kìa ! Trong lúc người ta lên mặt trăng thì người dân nước mình sống như thời tiền sử!
Vậy mà em thấy họ hồn nhiên và hạnh phúc.
Đúng vậy em ạ. Họ hạnh phúc vì họ không biết họ khổ. Tuy nhiên, những người văn minh đã đem súng đạn tới, cướp mất cái hồn nhiên và hạnh phúc đơn sơ của họ đi nhiều rồi đấy.
Phượng và Minh cũng thường cùng nhau thơ thẩn dạo chơi bên bờ suối, nơi mà họ đã gặp gỡ. Khi yêu nhau, hình như người ta trẻ lại và làm những điều lẩm cẩm.

Trước kia, mỗi khi tấy các bạn khắc tên người yêu lồng vào nhau và vẽ những trái tim với mũi tên đỏ thắm thì Minh cười ngất và nói:"Cải lương quá!". Nhưng từ ngày yêu Phượng, Minh lại thích những trò chơi này. Tên của hai người cũng được khắc vào những thăn cây gần đó. Con suối cũng được họ đặt cho một cái tên rất là thơ mộng: "Suối Tương Tư" , và hẹn rằng sẽ đến đây mỗi khi nhớ nhau. Hai bản nhạc tình lãng mạn Suối Mơ của Văn Cao và Còn một Chút Gì Để Nhớ cua Pạm Duy và Vũ Hữu Định cũng đã như là của riêng Minh và Phượng. Không lần gặp gỡ nào mà họ không nghêu ngao hát hai bản nhạc này. Minh cũng thường ngắt những nhánh hoa dại màu vàng bên đường, cài lên tóc người yêu.
Có ai thích hoa dại bao giờ ? Thế là anh được độc quyền, phải không em?
Càng gần Minh, Phượng càng yêu thương chàng. Vòng tay của chàng như muốn ôm cả thế giới vào lòng. Tình yêu của họ cũng được bố mẹ Phượng tán thành. Ông bà thường khuyên hai người tiến tới hôn nhân. Nhưng cả Minh và Phượng cùng dè dặt vì từ trong đáy thẳm của tâm hồn, họ biết cuôc tình của họ mong manh như sương, như khói, như những đám mây trong bầu trời vần vũ.
Chiến tranh vẫn tàn phá núi rừng. Bom đạn vẫn cướp đi những mạng sống hàng ngày, hàng giờ. Những người lính Mỹ xa quê hương, những cô gai bán Bar đến từ những làng mạc đã bị tan hoang, yêu cuồng, sống vội. Những trẻ mồ côi lang thang khắp nơi, khắp chốn…

Tình hình chiến sự ngày càng gay go, tinh thần Minh càng suy sụp. Nhất là khi Minh biết tin gia đình Phượng sẽ đổi về Saigon mà chàng lại phải đi hành quân luôn. Thời gian gặp nhau càng ít ỏi, tình yêu của họ càng đắm say, mạnh mẽ. Nhưng Minh vẫn không muốn hai người thành hôn mặc dù bố mẹ Phượng thúc dục nhiều lần. Chàng thấy mình quá ích kỷ nếu chàng cưới Phượng. Chàng mong rằng khi theo cha mẹ về Saigon, Phượng sẽ gặp được người chồng đem lại cho nàng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.
Vì thương con, vì quý mến Minh, bố Phượng đã âm thầm vận động với bạn bè để Minh cũng được thuyên chuyển về Saigon.
Minh mừng rỡ đi tìm Phượng để báo tin là chàng cũng được đổi về Saigon và bàn với Phượng khi về Saigon hai người sẽ lo chuẩn bị làm đám cưới.

Ngày cuối cùng Phượng ở tại Pleiku, nàng đã được dự một bữa tiệc vô cùng cảm động do" Tù trưởng Muốn khoản đãi. Khi Minh và Phượng đến nơi thì dân làng đã tề tựu khá đông tại trường học, ngôi trường vách gỗ mái tôn mà đơn vị của bố Phượng đã giúp cất lên từ năm ngoái. Tù trưởng Muốn " chạy ra tận nơi đón tiếp và mời hai người uống rượu cần khai mạc, trong lúc một số người đánh trống, đánh chiêng hát hò inh ỏi. Phượng nói thầm bên tai Minh:
Em không biết uống rượu, làm sao bây giờ?
– Em đừng lo, họ mời anh và em uống cùng một lúc, em cứ giả vờ ngậm cái cần, để anh uống hết cho.
Phượng yên tâm cùng người yêu đến bên lu rượu. Minh giải thích:
Họ quý mình lắm nên mới mời mình uống rượu trước tiên đấy! Trong lu rượu, họ để một cây ngang làm dấu, mình phải uống tới mức đó mới được thôi.
Uống nhiều thế, anh say thì làm sao?
Bên em, lúc nào anh chẳng say!
Minh và Phượng châu đầu vào nhau, mỗi người ngậm một cái cần cong cong còn đầu kia đã được thả vào lu rượu. men rượu và đôi mắt mơ màng của Phượng khiến Minh nóng bừng cả mặt. Phượng cũng nhấp thử một ngụm rồi nàng tiếp tục uống với Minh cho tới mức quy định mới thôi. Mọi người vỗ tay reo hò ầm ĩ. “ Tù trưởng Muốn” đến bên hai người, cười ha hả, khen:
Giỏi lắm!
Sau đó, “Tù trưởng Muốn” và những người lớn tuổi lần lượt uống rượu.Rồi tất cả mọi người được chia phần ăn, gồm thịt bê thui, cơm thổi trong ống nứa và một loại mắm làm bằng thịt heo. Bố của Phượng không đến dự nhưng ông cũng đã cho người mang tới mấy thùng Coca nên dân làng được một bữa no nê và vui vẻ.

Trước khi rời buôn Thượng, “ Tù trưởng Muốn” đại diện dân làng tặng cho phượng một cái ná bằng gỗ màu nâu đậm và bóng láng cùng một khúc vải dệt bằng tay , màu đen, có những sọc ngang sặc sỡ. Phượng rơm rớm nước mắt, dơ tay vẫy vẫy, chào từ biệt mọi người rồi lặng lẽ đi bên Minh trên những con đường đất đỏ bụi mù.
Nắng chiều đã lịm tắt, màn đêm buông xuống vùng rừng núi tịch mịch, hoang lêu. Mãi tới khi băng qua khu rừng để đến bên bờ suối, Phượng mới cất tiếng thì thầm:
Ngày gặp anh, lúc đi qua đây em sợ lắm! Hôm ấy em ôm một quả mít to thật là to, cũng do ‘ Tù trưởng Muốn” tặng.
Minh choàng tay ôm người yêu:
Giá như hôm ấy, em không cứu anh thì bây giờ hồn anh đã ở đâu rồi, em nhỉ?
Phượng cười khúc khích:
Và như vậy thì em ế chồng rồi, phải không?
Bây giờ thì em yên tâm chưa? Em về Saigon trươc, tháng sau anh về, chúng mình sẽ bàn chuyện đám cưới nghe.
Phượng thở dài:
Thế là mình chỉ còn được gần nhau tối nay nữa thôi.
Minh ngây ngất ngắm người yêu:
Ừ, thời gian mình còn lại với nhau ngắn ngủi quá em nhỉ?
Dứt lời, chàng ôm chầm lấy Phượng mà hôn như mưa lên trán, lên mắt, lên môi nàng. Lúc này, bóng tối đã bao trùm vạn vật. Chiếc đèn pin Minh đang cầm trên tay rơi xuống đất, soi sáng một vạt cỏ hiếm hoi trên vùng đất khô cằn. Mùi hương tóc của Phượng hòa với hương cỏ thơm nhè nhẹ tỏa khắp không gian. Tiếng gió thì thầm. Con “ Suối Tương Tư” róc rách reo vui như chúc tụng, ngợi ca một mối tình nồng thắm.


Sáng hôm sau, Phượng cùng bố mẹ lên máy bay về Saigon. Tạm biệt mà như vĩnh biệt, Minh và Phượng cùng bịn rịn mãi, chẳng muốn rời xa. Qua ô cửa kính của máy bay, qua màn nước mắt, Phượng thấy Minh đứng cô đơn, ngước nhìn nàng, dơ tay vẫy vẫy. Rồi chiếc máy bay, bay vút lên không trung, bỏ lại vùng đồi núi Pleiku đất đỏ, sương mù. Bỏ lại con Suối Tương Tư, nước chảy trong veo. Bỏ lại Minh với những dự tính của một đám cưới không bao giờ được cử hành. Vì một tháng Minh ở lại Pleiku, tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cho súng đạn cướp đi mạng sống của chàng giữa lúc Phượng đang hân hoan chờ đợi ngày Vu Quy.
Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, Phượng theo làn sóng người tỵ nạn, đặt chân đến Mỹ. Những mất mát của tuổi trẻ đã làm cho tâm hồn nàng héo úa, tàn tạ như lá mùa Thu.Nàng sống lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ ở Washington DC. Thỉnh thoảng, nàng viếng thăm bức tường đá đen lạnh lẽo, ghi chi chit tên 56 ngàn quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Nàng để thả hồn vào dĩ ãng xa xưa với hình ảnh Minh và những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Và lần nào tới đây, Phượng cũng đặt một nhánh hoa dại màu vàng xuống sàn xi măng, trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M:
Hoa của riêng Minh đấy! Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé!

Lê Thị Nhị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét