Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Thanksgiving 2023


Chuyện Cà Kê của Cường Trâm.

Những ai, bạn bè đã biết chúng tôi, thì đều hiểu rằng, chúng tôi có một cuộc chiến chưa tàn, của 53 năm nội chiến từng ngày, kết quả với 4 người con, bảy người cháu.

Bây giờ con cái lớn khôn, chúng như đàn chim lìa tổ, mỗi đứa một mái ấm gia đình, bỏ lại trơ thổ địa hai vợ chồng già, thế là chúng tôi hợp lại, không cãi nhau nữa, mà chung nhau ngao du đất trời, ở nước Mỹ này đi chơi mà đi tàu thủy, Mỹ gọi là đi Cruise, Tây gọi là Croisière, thật vậy chỉ tốn năm bảy trăm bạc một người, chúng ta có một chuyến đi họp đoàn cả mấy chục người, cùng chơi chung với nhau thật là thoải mái, thú vị cả tuần lễ. Lý do phải kê khai đầu cua tai nheo, để cô bác thấy rằng, đây là những cuộc đi chơi bình dân, ai đi cũng được. Không có gì là xa hoa mà phải khoe khoang cho bị ghét bỏ.

Chúng tôi xin kể một số chuyện trong năm 2023 này, chúng tôi ráo riết đi trên biển khơi để lấy cho bằng được cái thẻ lên tàu hạng Kim Cương. Nhiều hãng tàu, nhiểu loại tàu, người ta cạnh tranh với nhau ai mà đi trên tàu nào nhiều lần thì người ta cho thẻ có những tên khác nhau và từ đó người có thẻ được hưởng những quyền lợi tùy theo tên trên thẻ. Chúng tôi phải cố gắng để có cái thẻ cao gần bằng bậc nhất là thẻ mang tên “Diamond” do đấy năm nay chúng tôi đã dành thì giờ rất nhiều đi cho đủ điểm. Chuyến đầu tiên đi vào tháng 5, đúng là vào dịp 53 năm Anniversary của vợ chồng. Chuyến tàu này đi từ Baltimore và xuôi về miền Nam..

Ở đâu cũng thế, đi đâu cũng vậy, lên boong thì thấy biển cả mênh mông, chân mây mặt nước chỉ là một đường thẳng giao nhau ở cuối trời, điều thú vị là bình minh khi sương lam còn vương vất nơi chân trời xa thẳm, thì một luồng ánh sáng tỏa ra, đem mặt trời nhô khỏi mặt nước, nó tròn xinh và dịu hiền như một chiếc đĩa sắc vàng tuyệt đẹp, nhưng nhanh lắm, chỉ tích tắc, mặt trời nhô cao, nó không còn hiền hòa mà tạo uy vũ dũng mãnh, phóng những tia nắng chói chang lên cả bầu trời, tạo một ngày mới bắt đầu.
Ánh sáng lấp lánh chiếu trên mặt biển, cho thấy biển cả quả là vĩ đại, nó chiếm ¾ diện tích của quả đất. Thật sợ hãi, trước bình minh con người chỉ là hạt bụi đối với đại dương.

Trở lại câu chuyện Anniversary đúng vào dịp lên tàu, nhớ chuyện năm ngoái, trong dịp Anniversary ở nhà hàng, bạn bè chúng tôi đều tham gia, hưởng ứng lời yêu cầu của vợ chồng tôi, họ đã đến dự tiệc tặng tiền chúng tôi thay vì cho quà, nhờ có tiền mà chúng tôi đã chuyển tới chị Mộng Hoa giúp cho những nạn nhân chiến cuộc ở Ukraine. Vậy thì năm nay chúng tôi phải làm cái gì để cảm ơn, bằng cách chúng tôi âm thầm đặt quà biếu bạn, vì phải mang theo vali quần áo vật dụng, chúng tôi còn rất ít chỗ, chúng tôi phải mua những món quà giản dị biếu bạn, thay vì thông báo mọi người để họ đem quà lên tàu biếu mình.

Chúng tôi nghĩ là tứ hải giai huynh đệ, bất kể những người quen lạ, đi lên tàu trong cùng nhóm, dù không quen, không bạn chúng tôi cũng biếu quà. Duy nhất có hai người mà chúng tôi bày tỏ ý định để xin giúp đỡ cho chúng tôi làm tiệc trên tàu là anh chị Hiệp Thư, hai ông bà này đã đi tàu nhiều đến nỗi mà thẻ lên tàu của họ là “Double Diamonds", với tấm thẻ này, anh chị Hiệp có rất nhiều quyền lợi trên tàu, nên tôi nhờ anh chị Hiệp giúp tôi tổ chức bằng cách mượn cho tôi một cái “Conference room”.

Anh chị Hiệp còn làm hơn thế, anh còn chuẩn bị nhạc để sau buổi lễ, cắt bánh là văn nghệ vui chơi. Tất cả tốn kém, nhân lực, bánh trái, services linh tinh, anh chị Hiệp lo cho chúng tôi hết, chúng tôi không mất một đồng nào. Đã thế, ngay cả tiền tips cho nhân viên anh chị Hiệp cũng đã kín đáo cho hết, không chịu cho chúng tôi chi. Rồi câu chuyện càng thêm cảm động khi anh Vũ An Thanh biết tôi nhờ anh làm EMCee cho buổi tiệc, thì anh Thanh cũng biết rằng trong dịp này cũng là Anniversary của vợ chồng Thái Hằng, thế là chúng ta có hai cái bánh, có hai Anniversary, bốn người chúng tôi hoan hỉ cùng nhau cắt bánh vui chơi, VAT đã đích thân hát một bài hát “Mãi Mãi Bên Em” tặng vợ chồng chúng tôi, chưa bao giờ tôi nghe bạn tôi hát hay đến thế!! Một điều tế nhị mà tôi rất thích anh chị Hiệp đã giúp chúng tôi, anh chị còn có cái thẻ “Kim Cương Plus" anh chị có hàng chục ly rượu “Free” mời bạn bè trong bữa cơm chiều.

Quý ông uống rượu vang “Free” quý bà uống cam vắt "Free"" do ông bà Hiệp mời thay vì phải trả cả đến $14.00 một ly. họ đã uống “Free”, mà ngay cả tiền tips, ông bà Hiệp cũng kín đáo cho bồi, không để cho bạn bè biết. Tôi không sống vô tình, tôi biết rượu free, nhưng tiền tips cho bồi thì không free, tôi để ý đời sống, thấy vợ chồng Hiệp thật hào sảng và tế nhị, đã chơi thì không muốn mất lòng ai. Quan niệm sống của tôi theo người Mỹ là “Two ways traffic” Con đường hai chiều, có đi mà cũng có phải có lại, chúng ta không thể để cho bạn bè mời mình như một bổn phận. Ngay sau đó anh chị Hiệp có chuyến đi Cruise, cũng lộ trình này, mà đi tàu to, đi tại New Jersey. vừa muốn chiều bạn, vừa muốn lấy thêm điểm cho tấm thẻ lên tàu, khi nghe anh chị Hiệp rủ là chúng tôi “Say Yes” liền, không đầy mấy tháng sau chúng tôi lại theo anh chị Hiệp lên New Jersey đi chơi. Trong chuyến đi này cũng có muôn vàn điều để nói. Ông Giời không đóng cửa ai, nước Mỹ công bằng, có làm có hưởng, có chơi có quyền lợi, chúng tôi cũng đã bò theo sát ván ông bà Hiệp Thư. Không kim cương (Plus) cũng hột xoài (Xoàn). Có lẽ, kể từ nay, chúng tôi là một đoàn người hiên ngang hùng mạnh đi chơi trên biển nhất.

Hãy xin phép biểu dương lực lượng: Bỏ những quyền lợi vặt vãnh như chụp hình, cà phê ngon, nước uống tinh khiết và free wifi, hay mỗi khi có show thật hay, không cần đặt chỗ trước, cứ xòe thẻ Kim Cương là Dzô. Hãy chỉ nói về quyền lợi uống rượu của những người kim cương.
Anh chị Hiệp Thư: Diamond Plus có 12 ly rượu Free 1 ngày. (chỉ có 1 mình anh Hiệp uống) .
Anh chị Thanh + chị Thủy: Diamond có 12 ly rượu Free (chỉ có 1 mình anh Thanh uống)
Anh chị Cường Trâm: Diamond có 8 ly rượu Free/1 ngày chỉ có 1 mình Cường uống).
Anh chị Thái Hằng: Diamond có 8 ly rượu Free/1 ngày chỉ có mình Thái uống.

Trong một nhóm đi chơi mà chúng ta có 9 người này cùng đi trong nhóm, thì chúng ta có 40 ly rượu Free/1 ngày mà chỉ có 4 người uống (Thái, Hiệp Thanh và Cường). Một người một ngày phải chơi liền tù tì 10 ly rượu mạnh cho đủ “quota”, bảo đảm sẽ say bí tỉ, nhất là chỉ có Thái là okay, còn ba chàng Hiệp Thanh Cường thì rượu chè làng chàng lắm, có khi mới ngửi mùi rượu là đã say rồi. Vậy từ nay trong những chuyến đi chúng ta nên rủ thêm bạn bè cho họ cùng uống. Lộc bất khả hưởng tận, chúng ta phải chia chác cho bạn bè. Chúng tôi đề nghị chúng ta đặt tên nhóm cho có vẻ dân chơi thứ thiệt là "Nhóm Tứ Trụ Kim Cương Cộng Caribbean/D.C.". Trưởng nhóm là Kim Cương Cộng Hiệp Vũ, ba nhóm viên là Kim Cương Thanh, Kim Cương Thái và Kim Cương Cường. Nhóm chúng ta có nhãn hiệu trình toà, không phải gian nhân hiệp đảng, nói tới Hiệp thì phải nói tới Thanh. Tôi với Vũ An Thanh(VAT) đầu tiên là hàng xóm, chúng tôi mua nhà gần như sát nhau ở Springfield. Thanh nguyên là thiếu tá chỉ huy trưởng quân cụ Đà Lạt, tôi là ông quận chăn dân ở Long An, kể ra thì kẻ 8 lạng người cũng nửa cân, cuộc đời hai thằng cũng có 1 tí quá khứ chứng minh cho hiện tại. Chúng tôi hợp nhau và tâm đắc lắm..Từ chuyện cổ tích xa xưa, không dám vênh vang với ai, nói ra thì tổ cho người ta đố kỵ mà ghét mình thêm, nên chúng tôi thường kể cho nhau để hai người thống khoái âm thầm với nhau mà thôi. Bây giờ thì tuy vẫn hợp nhau, nhưng gió đã đổi chiều, không còn niềm kiêu hãnh xa xưa, mà hai người là cố vấn của nhau, chia nhau bệnh tật, chia nhau bác sĩ hay, bác sĩ dở, và suốt ngày nói chuyện thuốc men!

Có một hôm khoảng năm 1977, VAT kêu tôi một câu chuyện về tướng Trưởng, anh ta nói một hôm ở trong nhà Bank, anh Thanh thấy một ông lính cùng đứng xếp hàng, đợi khá lâu, ông lính nói chuyện vì hỏi ra cũng biết Thanh là lính. Bỗng dưng ông lính hỏi là anh Thanh quân cụ, có biết người quen của ông không, thấy người ông lính hỏi, dưới vế Thanh nhiều, chàng bèn nghĩ ông này cũng cỡ ông kia là cùng, chàng Thanh bèn lên giọng hỏi ông lính tên anh là gì?, ông lính điềm nhiên trả lời tên tôi là Trưởng. VAT giật mình, nhìn kỹ đúng là trung tướng Trưởng. Thanh bèn đứng nghiêm chào và xin lỗi trung tướng, lúc đó VAT đang làm nghề sửa xe và khám xe.

Thanh cũng bèn xin trung tướng đem xe lại nhà, Thanh xửa dùm.
Nhờ Thanh mà tôi biết và quen trung tướng (TT) Trưởng. Rồi tôi cũng bị hố như Thanh. Sau này tôi có viết một cuốn sách kể chuyện đời lính của tôi, tôi có biếu trung tướng Trưởng một cuốn qua người bạn. Rồi bỗng một hôm tôi nghe phone reng ở nhà, nhấc vội lên, chưa kịp hỏi “xin lỗi ai ở đầu dây” thì có tiếng nói là cho tôi gặp thiếu tá Cường. Tôi phì cười vì nghĩ người đầu dây bên kia đùa bỡn, tôi bèn cao giọng”
- Giờ này còn Tá với Điền gì nưã hở trời. Ông riễu dở rồi. Xin lỗi ai đó?
Tôi là Trưởng đây, gọi cảm ơn thiếu tá đã cho tôi cuốn sách. Chết mẹ tôi rồi, tôi nghĩ thầm trong bụng rồi tôi rối rít ra lời:
- Em thành thật xin lỗi trung tướng, em không biết TT kêu, đã đùa vô ý thức xin Trung tướng bỏ qua.

Trung tướng thật hiểu biết, vui vẻ nói chuyện vài câu về cuốn sách trước khi cúp phone. Rồi chưa hết tôi cũng bị hố một cách không ngờ nữa, một buổi tối đi chơi về, Trâm đói bụng đòi ăn. Chúng tôi bước vô một cái quán nhỏ bên đường, khách khứa còn lơ thơ mấy người vì quán cũng sắp đóng cửa. Tôi tình cờ gặp anh Chiêm, anh Chiêm có danh hiệu là Quốc Vũ, một người nghệ sĩ nổi tiếng trong vùng, là bạn thân với anh, tôi chỉ chào qua loa anh Chiêm và một ông bạn già nhỏ bé ngồi cùng anh. Anh Chiêm đứng lên kéo tôi ngồi xuống ghế, nói ngồi chơi với tôi một tí, có gì mà vội thế, nói rồi anh chỉ qua ông già mà nói, đây là đại tướng Cao Văn Viên, thông gia của tôi. Tôi giật thót người, bật phắt dậy như một cái lò xo, nghiêm chỉnh kính chào đại tướng theo kiểu nhà binh.
- Em thành thật xin lỗi đại tướng em có mắt không tròng, xin Đại tướng bỏ qua cho em.

Miệng tôi nói, nhưng bụng tôi nghĩ ông này không phải đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của tôi. Tôi biết ông nhiều, khi tôi còn học sinh ngữ ở trong bộ Tổng Tham Mưu(BTTM), mỗi sáng thứ hai tôi đều phải lên chào cờ. Đại tướng lúc giờ là trung tướng, thường ra cùng chào cờ và đi duyệt hàng quân. Sau này ông lên đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, nhà ông ở Chợ Lớn, mỗi sáng đi làm kẹt xe đến nỗi không thể đi xe được, mà phải dùng trực thăng, đáp ngay sân cỏ Câu Lạc Bộ An Đông, ngay trước phòng ngủ của tôi, đón ông đưa lên BTTM. Đại tướng Viên uy nghi to lớn, oai vệ. Cái nghị định mà ông ký cho tôi lên thiếu tá, chữ ký của ông cứng rắn và mang đầy nghị lực. Chữ ký của đại tướng như chữ ký của Tông Tông Trump bây giờ vậy.

Tôi lầm lẫn là đúng, ông già nhỏ xíu kia chính là đại tướng của tôi, ông đã bị một cái bệnh như “Xúc Cốt công” xương cốt chun lại và bắp thịt càng ngày càng teo đi.
Đại tướng kêu tôi ngồi nói chuyện cùng ông. Chắc đã có lần anh Chiêm nói chuyện với ông về tôi, về cuốn sách của tôi. Nên đại tướng bảo tôi là:
- Anh Cường viết cuốn sách “Tôi Là Lính” hay lắm, còn cuốn nào anh cho tôi một cuốn?
Tôi lễ phép trả lời:
- Thưa đại tướng, em rất cảm ơn được đại tướng khen, em sẽ xin biếu ngay đại tướng một cuốn. Nhưng xin được tha lỗi, vì sách em biếu đại tướng không khác gì, múa rìu qua mắt thợ. Xin đại tướng đọc qua lấy cái vui thôi.
Nói rồi tôi nhờ Trâm chạy nhanh ra xe lấy cho tôi cuốn sách.
Tôi kính cẩn đề là:” Kính Biếu Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng
QLVNCH với lòng kính trọng và quý mến. Ký tên Đinh Hùng Cường. Tôi trao sách đến đại tướng với hai tay và thực lòng suy nghĩ. Tôi ước mong ông đại tướng chết đi ngoài trận mạc, để tấm lòng ích kỷ của tôi được thỏa mãn trong đầu với hình ảnh một vị bề trên to lớn mà tôi kính mến, hơn là thấy ông tàn tạ với tuổi già và thời gian cướp đi cái dũng khí của ông. Tôi cũng cảm ơn anh Chiêm, một người bạn tốt của tôi, anh đã theo Chúa lúc quá vãng cuộc đời, tôi đã đích thân đại diện gia đình đưa anh lên nhà thờ và tiễn anh tới nơi an nghỉ cuối cùng. Một ông đại tướng, một người dân giã, trước cái chết đều đã giống như nhau. Đúng như người Tây đã nói:” Nous somme égaux devant la mort” Có khác chăng chỉ có tấm lòng đối nhau khi còn sống.

Bây giờ nói chuyện tới ông Thái, là một người trẻ trong nhóm. Thái trẻ người nhưng không non dạ. Thái ra đi một mình năm 75 với cái lon thiếu uý khiêm nhường trên vai, nhưng tuổi trẻ, lon thấp lại là cái lợi muôn phần trên đất Mỹ này, có kiến thức, có học thức, dân Hải Quân thường là người giỏi, Thái nhanh chóng thành công leo lên tới “Vice President” của CitiCorp. Một hệ thống banking vô cùng to lớn của Mỹ, rồi Thái về trụ trì ở bộ Cưụ Chiến Binh với chức vụ to lớn mà tiền lương ngang hàng với tướng lãnh của Mỹ.

Tính Thái hơi Trương Phi, nhưng vô cùng sắc sảo, anh hay tìm bạn tốt để chơi. Trong một chuyến “Land cruiser” do ba chúng tôi chủ trương Thái Thanh và Cường. Thái đã tìm ra hai người bạn vô cùng dễ mến. Khi vui chơi trở về thả cô bác ở Eden, Thái đã mời hai người bạn này theo Thái và tôi vô tiệm ăn giới thiệu anh chị Việt Mai, Thái nói nhỏ bên tai tôi anh chị này tử tế lắm, trong suốt chuyến đi, họ tự động đỡ người già cả lên xe, xuống xe, sách hành lý dùm mỗi khi vô hotel. Họ chả có trách nhiệm gì, chỉ đóng tiền đi chơi theo mình mà tử tế quá.

Thái muốn kết bạn. Tính tôi vô tâm, cho dù sau đó chúng tôi cũng có mời ông bà này đến cái nhà to đùng của Trâm dự tiệc, xong rồi quên bẵng. Cho đến hôm lên tàu đi cruise chung, tôi mới nhớ ra và thành thật xin lỗi anh chị Mai Việt rất nhiều. Là dân Nam Kỳ chính hiệu, ông bà Mai Việt thể hiện đúng cái gốc của mình. Hai vợ chồng vui vẻ, hoà nhã với mọi người. Tôi thấy người anh Việt gọn gàng, đẹp trai tôi mới hỏi quê hương gốc gác anh ở đâu?
Anh Việt nói tôi, anh là người Cà Mau. Tôi không tin, vì Cà Mău làm gì có người đẹp trai lịch thiệp như anh.
Anh Việt hỏi tôi, tại sao anh Cường lại kỳ thị, là Cà Mâu lại không có người như em?.

Tôi cười bảo anh có lẽ hôm nay tôi gặp anh Việt, tôi sẽ thay đổi quan điểm của tôi về người Cá Mau, trước đây tôi có quen một gia đình, ông thiếu tá Châu Văn Tiên(Tôi thường gọi là anh Ba) làm tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mău). Sau này ông Tiên lên đại tá làm tỉnh trưởng Gia Định. Người nhà anh Ba nói với tôi rằng An Xuyên là nơi sản xuất than Đước, nó là than củi, nhưng tốt và đen nhánh như than đá, rồi cái quận Năm Căn muỗi hơn trấu, trâu bò ngủ mà còn phải mắc mùng, thì người Cà Mâu tội lắm, làm than lấy cây đước mà đốt thì người đen như củ súng, rồi ngày đêm muỗi đốt cái mặt sưng như cái mền, làm sao có những người thanh nhã như anh Việt.

Anh Việt bảo tôi, có lẽ đúng cho vùng Năm Căn Cái Nước, còn tỉnh lỵ cũng ngon lành lắm, sạch sẽ và khang trang. Chị Mai vợ anh Việt khéo ôi là khéo, qua chị Mai tôi đã học được nấu ăn hai món Nam Kỳ số dách là canh chua cá bông lau và cá kho tộ. Bảo đảm một ngày đẹp trời, tôi sẽ thi thố tài năng nấu ăn của tôi cho các bạn thưởng thức. Xin đừng cười tôi là người đầu bếp. Vì khi xưa còn thời thì tôi lên ngựa bắn cung, nay hết thời rồi thì tôi ra chợ lấy thung bắn ruồi!.


Cái chuyến đi tháng 10 này do Vũ An Thanh đầu têu, Thanh nói rằng, nhiều năm trước chúng mình đã đi lên phía bắc Mỹ này, mùa Thu đẹp lắm, hãy làm lại chuyến hải hành, thế là hai mươi mấy người đang đi trên tàu tháng 5/23, đã nghe lời anh họ Vũ, kéo nhau ghi tên ngay tại chỗ, chỉ có 10 người đi. Con số bù trấc, nhưng rất đẹp cho chuyến đi kỳ tới, vì nó đủ túc số cho một bàn tiệc của 10 người mỗi buổi chiều, rất tiện lợi cho Thái. Anh chàng trẻ tuổi này hay có những cái bắt tay nồng ấm có lót dollars cho bồi, cho supervisor.

Nhưng là những người đồng điệu, chúng tôi không để bạn bị thiệt. Ăn đều kêu sòng. Quả đúng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nó đi xa lắm. Cái bàn của chúng tôi được tiếp đón như những ông hoàng, bà chúa. Rượu bia, nước uống nhanh chóng dọn ra, chỉ một cái ngoắc tay của người trong bàn l bồi chạy đến, supervisor chạy đến, món ăn nào không vừa ý là thay ngay. Đã thế, Supervisor còn đề nghị cho những bữa ăn riêng của Restaurant trên tàu với ½ giá tiền. Có người bảo đi trên tàu đồ ăn thừa mứa, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, an chiều, rồi pizza, sandwich, snacks tứ tung đến nỗi mà tôi hay hát nhạo trên tàu là “Eat around the clock”. 

Ăn uống lòi phèo lại “Free” thế còn bày vẽ ăn nhà hàng làm chi cho tốn? Không phải vậy, nếu người ta nói:” Ngoại Thiên Hữu Thiên”, ngoài trời còn có trời thì trên Tàu cũng vậy. Một bữa ăn trên nhà hàng tàu biển tốn cả trăm một người chưa kể Tip. Thái “dealed” chỉ trả $49.99. cộng cả tax & tip. Phòng ăn riêng (Private), bồi hầu riêng, uống 7 thứ rượu vang khác nhau. Thịt, cá đều là hạng nhất hơn hẳn trên tàu. Năm chục đồng bạc, thời buổi lạm phát mua được cái gì? Chết có mang theo được đâu? Khổ cực cả đời, ăn cho nó sướng!

Tháng 5 chưa qua, tháng 10 đã tới. Mười người chúng tôi lên Baltimore xuống tàu, không hẹn mà gặp. Một phái đoàn thân thiết, nhưng thuộc loại tuổi tác và bề trên của chúng tôi cũng có mặt. Chị Ngọc Hạnh với người con trai Dr. Đức, chị Hồng Ngọc, chị Diễm Quỳnh là những người chị của chị Thư (người thân thiết của Trâm trong Air VN), chị Phi Oai, Hiền Vũ, Kim Phiến, Kim Phượng, Hoà Phạm và ông bà nguyễn Văn Hiệp. Thế là chúng tôi lại có nhau, đi đâu cũng gặp quý vị này, sáng trưa chiều tối đều đụng mặt, vui thật là vui.
 

Tôi thường hay thức sớm, lên boong tìm nước uống, nhìn biển cả đem ngòm, nhâm nhi ngụm cà phê, chờ bình minh và nghiền ngẫm thú đau thương của cuộc đời. Tôi bỗng để ý một người đàn ông tàn tật, gác cái walker bên cạnh, ngồi gần bàn tôi trầm ngâm im lặng. Tôi đoán anh là người Á Đông, chắc cùng tâm sự, nhưng sau này tôi biêt là không phải, anh Thanh nói tôi ông là Việt Nam tên Hiệp bạn làm cùng sở với anh Hiền già. Vỡ lẽ, tôi lại xin lỗi anh, sở dĩ tôi không biết anh Hiệp vì ít khi anh ngồi chung với vợ, với đám đông, thích lê cái “walker” ngao du một mình. Anh Hiệp nói:
- Tôi biết ông, là ông Đinh Hùng Cường, năm xưa tôi có gặp Ông ở Pleiku mà ông không nhớ. Tôi còn biết cả bạn ông Hàn Phú cùng ở không quân với tôi.

Tôi xin lỗi anh Hiệp, cho sự vô tình của tôi. Quả đúng Hàn Phú lá 1 trong 5 người bạn lớp nhì của tôi từ thời tiểu học, 4 người kia là Oánh Cờ Bay (KQ), Chu Cự Hải (CVA), Đặng Văn Thụ (Tổng đoàn trưởng trừ gian của nội các ông kỳ) và Hạnh mít (pilot AirVN cùng hãng với Trâm). Chúng tôi ngồi nói chuyện lâu lắm và từ đó tôi thường chào anh Hiệp một cách vui vẻ mỗi khi gặp nhau.

Biển yên, sóng lặng, con tàu như là một thành phố nổi, trôi bồng bềnh bình lặng trên đại dương bao la. Nó đi ba đêm hai ngày đến điểm đỗ đầu tiên là Boston. Lên bờ VAT biến thành Tôn Tẫn không hạ san, cái chân đau làm anh không đi được. Thế là lặc lè chân thấp chân cao, lum khum tập tễnh anh Thanh lui lại, lên tàu cùng người vợ hiền yêu dấu. Toán còn lại chúng tôi lấy hai cái taxi chạy khắp phố phường. Nước Mỹ chỗ nào cũng to lớn, chỗ nào cũng vĩ đại, đường xá thi nhau chằng chịt, xe cộ vun vút như mắc cửi, nhưng chúng tôi là dân Mỹ nên chẳng rối mắt tí nào.

Nếu nói thủ đô D.C là cái nôi chính trị của Hoa Kỳ thì Boston là cái nôi văn hóa của Mỹ và thế giới, nhiều trường đại học nổi tiếng ở đây, nhiều trung tâm văn hóa lịch sử ở đây. Và tiểu bang Machachusset là nơi lập nghiệp của gia đình Kennedy, một tổng thống vẻ vang của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Đi coi danh lam thắng cảnh đã đời, chúng tôi dừng chân ngay phố Tàu, mỗi người đánh một bát phở Pasteur quốc hồn quốc túy “Tái nạm gầu gân sách hành trần nước béo, thêm giá trụng “. 

Khi chúng tôi trở lại, vợ chồng VAT ngồi cô đơn trên tàu buông lời than thở:” Một con ngựa đau, cả tàu đi ăn Phở”


Mặt trời đỏ rực như lửa cháy ở phương Tây,cái đĩa to đỏ lòm khổng lồ đại, từ từ chìm xuống nơi đáy biển cuối chân trời, thì cũng là lúc con tàu lặng lẽ dời bến đến điểm kế cho ngày (N+4).

Cái thành phố Portland ở Maine này vô cùng đắt đỏ, cái nhà con tí, người "Tour guide” chỉ cho chúng tôi giá tiền của nó lên tới cả hai triệu đồng, trong khi một cái nhà ở tỉnh New Brunswick, chỉ trên cao một chút nằm phía Canada chỉ có hai trăm ngàn dollars. Một người bạn quá vãng của tôi anh bác sĩ Dương Quang Hớn đã dạy tôi rằng, đến một nơi nào, hãy tìm tiệm nào ngon nhất cho vợ ăn và cái gì hay nhất cho vợ xem, vì biết đâu mình sẽ không có cơ hội trở lại. Thật đúng vậy, Hớn đã ra đi, những gì anh đã hưởng qua, quả là tốt cho cuộc đời đã sống. Theo đúng tôn chỉ “Monkey sees, Monkey does". Tôi biết tôm hùm ở Maine là ngon nhất. “Lobster Tail” là số một, to, ngon, mềm, có vị và rất “Juicy", tôi rủ bạn và tìm tiệm ăn, nhưng không hiểu sao, nơi thổ sản tôm hùm ngon nhất thế giới này lại chỉ cắt con tôm mà cuộn lại, không bán nguyên cả cái đuôi tôm cho khách hàng ăn cho sướng mồm, rõ chán!. Thế là chúng tôi lại xếp hàng mua “Potato donut", một cái tên bánh lạ chưa từng nghe ở những nơi khác, nhưng rồi cũng chẳng ra gì, chỉ là bột khoai tây họ xay ra làm bánh mà thôi. Phí cả giờ đồng hồ xếp hàng, ăn cái bánh mà không khác.

Ngày (N+5) chúng tôi thực sự đổ bộ lên New Brunswick, một tỉnh của Canada tiếp giáp USA, phải nói ông Canada với ông Mỹ là một, đời sống, dân chúng, ăn ở, sinh hoạt giống hệt nhau. Có khác là khi năm 1975, chúng tôi đến Mỹ thì 80 xu Canada ăn một dollars Mỹ, bây giờ thì 79 xu Mỹ ăn một dollars Canada. Lại hai taxi lên đường, cậu Thái rất sộp, chi cho tài xế tiền Canada tiền Mỹ bằng nhau, lại cộng thêm tiền tips, thế là cả cuộc hành trình, chúng tôi muốn đi đâu thì đi. Một kỷ niệm khó quên, khi chúng tôi đến một hãng làm bia nổi tiếng của Canada “Moosehead". Hãng bia “Đầu Nai có sừng"", hãng bia ngon của Canada làm đến cả chục loại bia khác nhau, chúng tôi chụp hình lưu niệm với con nai mà không thấy bia đâu cả.

Người tiếp khách chỉ chúng tôi xưởng bia khổng lồ ngay bên cạnh, du khách và khách địa phương ngồi nhậu khan trên bar dài dài. Vì chỉ có 4 liền ông mà 6 liền bà không uống bia, tôi mua 4 ly nhỏ làm mẫu uống thử, cậu Thái đầu kia không biết lại “ordered” gấp đôi, chúng tôi lóng ngóng hai đầu, bên này 4 ly, bên kia tám ly. Lôi thôi quá, người “bartender" bèn tặng luôn du khách 12 ly bia không lấy tiền. Bốn người chúng tôi, chia 3 ly một anh, của cho đâu dám bỏ, may mà chưa say, nhưng choáng váng. Tôi ra cửa thấy Thái loay hoay, tôi biết ngay anh chàng này quên thuốc lá trên tàu. Nhìn ra tôi thấy hai người Mỹ đang phì phèo, tôi mon men, muốn xin cho Thái 1 điếu thuốc. Tôi mở đầu:” 


- Trời lạnh, thấy ông bà hút thuốc ngon quá. Người chồng nhanh nhảu đáp lời:
- Thuốc lá ngon, nhưng đừng bắt chước tính xấu của chúng tôi. Thuốc lá độc hại lắm.
Tôi đáp:
- Tôi hiểu, tôi thì không, nhưng bạn tôi muốn một điếu vì anh ta quên gói thuốc ở tàu.
Ông chồng cười đáp:
- Thế thì “Five bucks" một điếu và bà vợ tự động móc gói thuốc ra mời Thái.
Khi đi chơi, gặp con người khắp nơi, khắp chốn, cởi mở với nhau và thân thiện, làm tôi nhớ lại một điều:”Có thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời". Cảm ơn Trời Phật, dù ngu dốt, ông trời cũng cho tôi biết vài câu tiếng anh, tiếng u để si sô với đời.
Ngày ((N+5) cũng là ngày chót chúng tôi lên bờ. Điểm đến là thành phố Halifax, Một thành phố nằm trên bãi biển của Canada.

Nơi đây gần 10 năm trước tôi đã đi qua. Hôm nay chúng tôi muốn đi lại vì có nhiều kỷ niệm. Một tai nạn kinh hoàng vào một buổi bình minh ngày 6 tháng 12 năm 1917, một chiếc tàu của chở hàng của Pháp tên là SS Mont- Blanc đã đụng với chiếc Norwegian SS ở trong hải cảng Halifax, Nova SCotia, Canada.

Chiếc The Mont-Blanc đã đã bốc cháy và gây một tiếng nổ kinh hoàng như bom nguyên tử, tàn phá toàn quận Richmond của Halifax. 1,600 người chết ngay tức khắc, 9,000 người bị thương, và hơn 300 người chết trong đám người bị thương sau đó. Tất cả nhà cửa trong thành phố,, năm trong đường kính 2km6 đều bị phá hủy, ước tính khoảng 12,000 căn nhà. Điều lạ lùng là duy nhất có một người sống sót trong tàu SS Mont-Blanc. Cũng gần thành phố này, trước đó, 1912 con tàu du lịch lớn nhất tên Titanic đã bị đắm giữa đại dương, nói khởi hành từ Southampton Anh Quốc để đi đến New York, Hoa Kỳ, nhưng chỉ 5 ngày sau April 14, 1912, nó đã va vào một tảng đá nổi, và chìm sau đó. 


Con tàu có 2,240 người hành khách và nhân viên, chỉ duy nhất có 706 người sống sót. Trên 1,500 người chết, nhưng chỉ tìm được 300 xác, có 59 người có hoàn cảnh đem về quê quán chôn cất, và 121 người được đem về chôn ở tỉnh Halifax, vì nơi đây là đất liền gần nhất của chỗ đắm tàu, Thật vô tình người ta đã chọn nơi chôn có đất hình vòng cung làm nghĩa địa, và theo thế đất, người ta biến cái nghĩa địa thành hình chiếc tàu, chôn 121 người này. Người ta nhờ DNA nên đã tìm thấy tên một số người để trên mộ, nhưng không phải là tất cả. có hai mộ bia đáng chú ý là một em bé 2 tuổi đã chết và với lòng thương mến trẻ thơ, bao giờ trên mộ của em, cũng có đồ chơi của du khách. Cái mộ thứ hai là cái mộ của một người trẻ tuổi tên Dawson.  

Thực ra anh chàng này chỉ là một người du khách vô danh, nhưng Hollywood đã lấy tên anh làm một movie xếp hạng phim hay nhất của năm 1997, với sự tốn kém nhiều hơn cả số tiền mà người ta đã xây con tàu Titanic thật. Tài tử trẻ tuổi tên Leonardo DiCaprio đã lấy cái tên Dawson đóng vai chính trong phim Titanic. Phim hay, nổi tiếng.


Số thu gấp 5 gấp 10 phí tổn, nên Hollywood đã không ngại ngần biến cuốn phim mầu thành một phim ba chiều (3D), những cảnh trong phim vĩ đại và hiện thực như trước mắt khán giả.

Kết thúc câu chuyện này, thật không vui khi chúng tôi đi trên xe, nghe người tài xế Taxi nói về Halifax. Họ bảo rằng, Halifax còn có một chuyện kinh dị nữa, du khách nhất thời chỉ ghé qua mà không biết.
Anh ta nói rằng:”
- Tội ác và lưu manh nhất gây ra ở đây là người Việt Nam, họ đã đến đây, phá hoại thành phố này với, ám sát, giết người, trộm cắp, buôn người, buôn lậu cần sa ma túy. Tệ hại nhất, là họ đã chở người nhập cảnh lậu đến đây, rồi sao đó, ăn không đều, kêu không sòng những tay buôn người đã nhẫn tâm để những người này trong những “Container, mà không cho thực phẩm, không khí, làm cả bảy tám chục người chết cùng một lúc.
Buồn nhất là khi tôi nghe người tài xế kể rằng, người ta đã lượm được trên cell phone, một lời nhắn của một thanh niên gửi về cho vợ:
- Em Hồng ơi, anh Minh đây, anh hoàn toàn xin lỗi em và hai con là anh đã không tròn lời hứa. Bỏ con và em ra đi, anh mong đem cơm no ấm áo cho gia đình, bây giờ không được nữa, Xin lỗi em và con, anh đã làm gia đình thất vọng. Vĩnh biệt em, khó thở quá rồi!

Đang vui bỗng buồn, lòng tôi bồi hồi cảm xúc cho bất hạnh của anh Minh, của cả dân tộc. Người dân tôi đâu mong gì hơn một mái ấm gia đình, no cơm ấm áo mà không có. Cả một đời tôi cố gắng, đổ xương đổ máu mong làm điều đó, nhưng rồi đất có tuần, dân có vận, không ai có thể làm được gì để thay đổi tiền đồ đất nước, khi cái thời, cái thế nó chưa đến. Xin kết thúc một cách tiêu cực của một con người đang chờ cái chết ở cuối đường.

“Nam Kha một giấc bất bình. Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không!”.

Mong quý vị đọc chơi cho tâm sự vụn của tôi trong những ngày lễ lạc,
Viết xong tại Brussels, Belgium ngày 2 Tháng 11, 2023 ( Kỷ Niệm nền đệ nhất Cộng Hòa Miền Nam sụp đổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại).

Đinh Hùng Cường, Ngọc Trâm.
Reston Virginia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét