Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

Tân Nhạc Việt Nam Sau Di Cư Và Trước Di Tản

Tạp Ghi "Quỳnh Giao"
Vũ Hoàng Chương & Nhạc S4 Lân Tuyền

Người Việt lãng mạn của chúng ta thường bị giằng xé với hai giấc mơ tương phản.
Sống tại vùng chật hẹp với giang hồ sông nước là sự cách trở, chúng ta mơ chân trời xa lạ "như lũ chim quyết tung trời mây"... Và dù có gặp "biển hồ mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp", chúng ta vẫn "thề quyết ra đi từ đây". Nhạc sĩ Lâm Tuyền ghi lại cho tiềm thức chung cái giấc mơ đó.
Thế rồi, khi đã toại lòng với "bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà, nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời", thì cũng chính tâm hồn lãng mạn ấy hát khúc ngày về. Giấc mơ hồi hương là phần tương phản của cái chí tung hoành đi tìm đất lạ.

Nếu đọc lại nhiều bài viết của Vũ Hoàng Chương thì có thể mường tượng ra giấc mơ giang hồ đó. Nó trải rộng trong hồn thơ chứ vẫn thu hẹp vào khoảnh đất nhỏ xíu. Từ Nam Định đến Hà Nội đã là một phiêu lưu. Lên tới núi rừng Việt Bắc thì đấy là cõi bạt ngàn!...
Quỳnh Giao nhắc lại Lâm Tuyền hay Vũ Hoàng Chương vì nhớ tuổi ấu thơ thao thức của mình khi sắp được đi Vũng Tầu! Lên tới Đà Lạt thì đã tựa như vào Thiên Thai trong cổ tích....
Thế rồi một biến cố đã giập giấc mơ vào thực tại. Với nhiều người thì đấy là cơn ác mộng.

***
Hiệp định Genève năm 1954 chia đất nước ra hai vùng giới tuyến làm nhiều người phải giang hồ thật! Phong trào di cư từ Bắc vào Nam là biến cố lớn lao nhất thế kỷ, cho đến ngày có cuộc di tản năm 1975 và sau đó.

Nền tân nhạc cải cách Việt Nam xuất phát đầu tiên từ trong Nam vào quãng 1938-1940. Rồi bùng phát và trưởng thành là ở ngoài Bắc trong thời kỳ 1945-1954. Đấy là giai đoạn hào hùng mà lãng mạn với rất nhiều ca khúc trữ tình. Rồi cuộc di cư 54 là một giao động lớn trong thế giới tân nhạc ấy.....
Chúng ta có những nhà soạn nhạc đã thành danh ở miền Bắc. Phần lớn trong số này cũng là nhạc công, là nhạc sĩ trình diễn chuyên nghiệp với một hay nhiều nhạc cụ. Những người vào Nam từ trước chỉ là một thiểu số hiếm hoi. Sớm nhất thì có Lê Thương từ năm 1941, trễ hơn chục năm thì có Phạm Duy và Phạm Đình Chương trong "gia đình Thăng Long".

Phong trào di cư từ 1954 mới xô đẩy đa số còn lại vào Nam và làm thay đổi không khí tân nhạc.
Các nhạc sĩ tên tuổi từ miền Bắc có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngọc Bích, Hoàng Trọng và Vũ Thành. Những nhạc sĩ kế tiếp nổi danh như cồn ở trong Nam thì có Đan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Cung Tiến, v.v..... Phải gõ chữ vân vân vì nhiều lắm. Những người còn ở lại miền Bắc, như Văn Cao, Hoàng Giác, Hoàng Phú, Tô Vũ hay Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý thì hết viết... như cũ.

Nhớ lại chuyện 60 năm trước, chúng ta tự hỏi là lớp nhạc sĩ di cư đã sáng tác những gì sau đó?
Trong mọi cơn chấn động bàng hoàng, con người chúng ta chỉ là lũ trẻ thơ. Hãy nhìn bầy trẻ khi chúng hãi sợ hoặc gặp điều phật ý mà khó hiểu. Có những đứa thì hờn lẫy dẫy dụa, nhưng cũng có đứa lặng người không thể gào khóc. Còn gào thét là còn tin rằng ai đó sẽ phải lo cho mình, chứ nếu lặng người nín thinh thì đấy là lúc đứa trẻ bần thần tuyệt vọng nhất.

Sau cơn chấn động như 1954 hay 1975, chúng ta đều lặng người trong tê tái.
Nhưng các nhạc sĩ của chúng ta lại khác bầy trẻ. Họ không nín lặng mà khóc bằng nhạc.
Cảm hứng viết nhạc hoài hương có sẵn trong tâm khảm đã từ biến cố 54 đưa tới nhiều ca khúc về cố hương. Không kể những bài đã có từ trước như "Ôi Quê Xưa" của Dương Thiệu Tước, "Tình Hoài Hương" của Phạm Duy hay "Hướng Về Hà Nội" của Hoàng Dương, chúng ta nhớ lại "Khóc Biệt Kinh Kỳ" và "Bên Bờ Đại Dương" của Hoàng Trọng, "Xa Quê Hương" của Đan Thọ, "Bóng Quê Xưa" của Nhật Bằng và "Tìm Về Bến Xưa" hay "Thanh Bình Ca" của Nguyễn Hiền, v.v....

Đan Thọ và Nguyễn Hiền

Đan Thọ và Nguyễn Hiền là hai nhạc sĩ có nhiều tác phẩm về nỗi hoài niệm quê hương đã mất kể từ thời 54. Ngày nay, Đan Thọ vẫn còn và có lẽ không quên sự thổn thức của 60 năm trước.
Ngồi nhớ và nghe lại thì sau biến cố Genève 54, các nhạc sĩ của chúng ta còn bị giằng xé theo một cách khác. Nhiều người vẫn tin vào một ngày trở về.

"Giấc mơ hồi hương" của Vũ Thành là tác phẩm đẹp nhất của đề tài này. Ngoài lời một được gợi lên từ một bài thơ, lời hai của chính tác giả trong điệp khúc có âm điệu khải hoàn ca: "ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang" vì đấy là lúc giấc mơ đã thành, là "cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương"....

Người khác thì khám phá và hát mừng sự bao la choáng ngợp của miền đất mới.

Vào Nam từ trước, Phạm Đình Chương sớm ngợi ca miền Nam đôn hậu từ hình ảnh Cửu Long của trường ca Hội Trùng Dương. Rồi qua năm 1955, ông chấm nơi này là "Đất Lành" và hát về mối tình Nam-Bắc một nhà: "Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa. Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. Đồi nương thương sức cần lao, Se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu"....

Cũng trong dòng nhạc đó, trường ca "Con Đường Cái Quan" do Phạm Duy thai nghén từ năm 54 tại Paris và hoàn thành về sau ở trong Nam đã có những giai điệu tốt tươi nhất - chữ "tốt tươi" là của ông – là từ đoạn 16 trở về sau, khi chàng lữ khách mơ giấc hải hồ vào tới trong Nam!

Trong số nhạc sĩ di cư, Hoàng Trọng nổi danh từ đất Nam Định với nhiều ca khúc luyến nhớ. Sau khi vào Nam, từ "Mộng Ngày Hồi Hương" năm 1956, ông hòa vào niềm vui mới qua bài "Đẹp Mùa Yên Vui" sáng tác năm 1958 với lời từ của Hồ Đình Phương: "Miền Nam mưa nắng giao hòa, Câu hát câu hò say trời quê đẹp như gấm hoa..."

Sự giằng xé dễ hiểu mà đáng thương của người viết nhạc diễn tả tâm tình day dứt của chúng ta giữa cái cũ đã mất và cái mới đã thành đời sống thật.

Ngồi hát lại trong tâm tưởng, "Con Đường Cái Quan" đã từ đoạn Cửu Long Giang mà hò "Về Miền Nam" và dẫn tới đoạn kết là "Đường Đi Đã Tới". "Về Miền Nam" cũng là tên ca khúc của Trọng Khương. Chúng ta không đi nữa mà về. Thâm tâm hát mừng như vậy thật, chứ không vì sự tuyên truyền của loại nhạc cổ động, mà dẫu gì thì hai miền vẫn chung một đất nước.

Rồi thời gian và sự tự do của miền Nam hàn gắn tất cả và dẫn tân nhạc qua một thế giới khác lạ.

***

Sau khi đất nước chia đôi, trong số đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ di cư vào Nam có nhiều nhạc công cự phách. Nhạc khúc mới và cách trình diễn tân kỳ thổi gió mới vào nhạc qua đài phát thanh, qua phần phụ diễn văn nghệ của phim chiếu bóng rồi các đại nhạc hội, phòng trà hay khiêu vũ trường....

Khác bộ môn văn chương là nơi mà lối viết của dân miền Nam làm phong thái chân phương của nhà văn miền Bắc trở thành sống động hơn, với những đối thoại rất gần với thực tế ngoài đời, bộ môn tân nhạc ở miền Nam lại tiếp nhận tính chất trang nhã nhiều khi cầu kỳ của ca nhạc sĩ di cư từ miền Bắc.

Nghệ sĩ di cư như Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Anh Ngọc cùng các ban nhạc và lối hòa âm đã thật sự làm tân nhạc miền Nam đổi khác. Từ đó, các nhạc sĩ trong Nam không còn viết như trước nữa, nhiều ca sĩ cũng trình bày theo giọng Bắc.

Sau đấy còn có sự đóng góp của đông đảo thi sĩ di cư từ miền Bắc, và cả các nhà thơ tòng quân nhập ngũ, khiến nghệ thuật phổ thơ vào nhạc còn đem lại một phong thái khác hẳn cái thời mà chúng ta gọi là "tiền chiến".

Cũng từ đấy, người nghe khó phân biệt được sáng tác Y Vân, Nguyễn Văn Đông, Lê Dinh, Minh Kỳ hay Lam Phương với ca khúc của nhạc sĩ di cư đất Bắc. Nếu có khác thì đấy là giữa thể loại ca khúc của thành phố thanh bình, có men rượu, khói thuốc và cả một chút Paris, với nhạc chân quê hay nhạc của người lính thời chiến.

Cho đến khi Nam Bắc thật sự là một nhà, và khi nền tân nhạc hết phân biệt hậu phương hay tiền tuyến thì chúng ta gặp cuộc đổi đời thứ hai, biến cố 1975. Lần này cũng vẫn phong ba giông tố, nhưng không là một nơi chốn mới của quê hương mà là một sự giã biệt bi thảm hơn. Sang năm, chúng ta sẽ viết lại chuyện này....

***
Từ nhiều tháng nay, người viết ngồi dưỡng bệnh bằng nhạc, cho đến khi Chủ bút Thiện Giao yêu cầu một bài đặc biệt về tân nhạc trong và sau biến cố 54.

Không vì "yêu sách" của tờ báo mà vì yêu nhạc, Quỳnh Giao cố gõ lại trí nhớ mà gửi độc giả bài này, với một kết luận là sự tri ân của một người đã nghe và hát: "Nền tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất, và đáng nhớ nhất vì còn được hát ngày nay, là ở miền Nam, trong giai đoạn 1954-1975. Trước đấy thì chưa có và sau đó thì không còn...."

Quỳnh Giao
(Bài này là "tạp ghi" cuối cùng của Quỳnh Giao, viết trong nhiều ngày và hoàn tất ngày 14 Tháng Bảy. Xin ghi vào đây như một kỷ niệm....)

***
Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao

Thưa các anh chị
Khánh Vân thân mến

Xin chuyển lại các anh chị email của BS Khánh Vân, chủ tịch Hội Y Giới Việt Nam tại Pháp.
Anh cám ơn Khánh Vân đã gửi cho anh bài viết rất có giá trị về nền Tân Nhạc Việt Nam của Quỳnh Giao, với các suy nghĩ rất giá trị của người nghệ sĩ tài hoa này.

Anh nhớ có đọc trong Hồi Ký của Hồ Trường An thì 3 người nữ ca sĩ có giá trị nhất của Miền Nam và hải ngoại là Mai Hương, Kim Tước và Quỳnh Giao.
Hồ Trường An không nhắc tới Thái Thanh, Lệ Thu hay Khánh Ly hay Thanh Lan , cô bạn học cùng lớp với Khánh Vân tại Marie Curie thời Trung Học.
Anh nghĩ Hồ Trường An viết như vậy vì Mai Hương, Kim Tước và Quynh Giao có 1 giáo dục chính thống Viện Quốc Gia Âm Nhạc hay các giáo sư Pháp về Âm Nhạc.
Anh nghĩ các người như tới Thái Thanh, Lệ Thu hay Khánh Ly hay Thanh Lan đều có các giá trị riêng của họ về cách trinh diễn Tân Nhạc.

Các nghệ sĩ Pháp như Edith Piath, như Charles Aznavour, Yves Montand, hay các nghệ sĩ trong ban nhạc The Beatles, The BG, hay Nat King Cole, Frank Sinatra, hay Louis Amstrong không hề qua 1 academic training bao giờ ( nhất là Louis Amstrong, con của 1 người gái giang hồ tại New Orleans, không hề biết cha mình là ai). Mà là những ca sĩ, nghệ sĩ danh tiếng buc nhất trên thế giới.

Sự kiện này chỉ đúng với Tan Nhạc mà thôi, còn nhạc Cổ Điển , nhạc Opera, thuôc vào 1 lãnh vực khác 
Rất ít người không có 1 cuộc đào luyện chính thống mà hát được opera như Maria Callas trong Carmen, Pavarotti trong Rigoletto … Opera là 1 lãnh vực âm nhạc kén chọn người nghe và vô cùng kén chọn người trinh diễn.

Khánh Vân nhắc tới nhạc sĩ Đan Thọ và bài Tình Quê Hương mà Đan Thọ phổ nhạc của Phan Lạc Tuyên “như một lời tưởng nhớ” tới người nhạc sĩ mới qua đời tuần qua.

Anh cũng thích bài Tình Quê Hương , thơ của Phan Lạc Tuyên mà Đan Thọ phổ nhạc, nhưng anh thích bài Chiều Tím của Đan Thọ với lời nhạc của Đinh Hùng hơn.

Theo lời Nguyễn Đình Toàn kể lại thì mấy người trong đó có Nguyễn Đình Toàn, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền …đang ngồi uống Cà Phê tại tiệm La Pagode tại đường Catinat, thì Đan Thọ tới, khoe là mới làm ra 1 bản nhạc mà Đan Thọ rất thích, nhưng chưa có tên bài hát hay lời bài hát.

Đinh Hùng nghe Đan Thọ hát nhè nhẹ, nho nhỏ cho anh em nghe và 5 phút sau, Dinh Hùng lấy giấy ra viết xong lời nhạc cho bài hát.
Vì chưa có tên nên Thanh Tâm Tuyền đề nghị đăt là Chiều Tím, và tất cả mọi người bằng lòng.

Đây là 1 trường hợp hiếm có mà có nhạc trước, rồi mới có lời sau, nó trái ngược ( vice versa) với tình trạng thông thường là lấy 1 bài thơ, rồi phổ nhạc sau

Đây là thí dụ diển hình hai ngành Thơ và ngành Nhạc hỗ trợ với nhau, tuy là 2 ngành khác nhau, nhưng không khác gì liên hệ mật thiết như anh em ruột hay anh em chú bác.

Tiền nhân có danh từ THI CA để nhấn mạnh vào cái liên hệ mật thiết này.
Vì vây, khi bàn về Thơ, mà phủ nhận các yếu tố quan trọng bực nhất của THƠ là Âm điệu /vần/ và Nhịp thì có phần nào thiếu xót.

Hết tất cả các luật Bằng & Chắc của tiền nhân khi làm THƠ có mục tiêu quan trọng nhất , là nhấn mạnh về vần của Thơ, lúc lên cao, lúc trầm xuống , để khi đọc thì người đọc thấy lai láng trong tâm hồn , sống trong các chữ của bài thơ.

Đinh Hùng khi nghe các nốt nhạc mà Đan Thọ hát lên nho nhỏ, đã có viễn ảnh , phác họa hình dung trong trí óc và viết ra Thơ để phụ nhạc.

Theo ý anh, nếu cứ khăng khăng coi Thơ không dính dáng gì tới âm nhạc thì là một suy nghĩ hấp tấp, nếu không sai lầm hoàn toàn.

Bài Tinh Quê Hương, phổ nhạc 1 bài thơ của Phan Lạc Tuyên , là 1 bài hát rất hay, rất thành công của Đan Thọ. Đại Úy Phan Lạc Tuyên là một nhân vật ít người biết, nhất là các thế hệ của Khánh Vân và bạn hữu của em.

Phan Lạc Tuyên là một người học thức, sinh viên Luật, có đậu 2 phần cử nhân Luật tại Đại Học Hanoi, trước khi bị động viên năm 1951 vào khoa 1 Nam Định Thủ Đức cùng với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Xuân Vinh,… có lẽ về phương diện hiểu biết Trí Thức thì ông không hề thua kiến thức anh của ông là Trung Tá Phan Lạc Phúc ( kỳ giả Lô Răng) và em của ông là Trung Tá Hải Quân Phan Lạc Tiếp.

Anh thú thật với Khánh Vân là anh chỉ nghe danh của ông Phan Lạc Tuyên, chứ anh chưa hề gặp ông ta.
Anh có biết anh Phan Lạc Phúc qua anh Hà Thượng Nhân , một người bạn vong niên của anh, ngày xưa là Chủ Nhiệm tờ báo Tiền Tuyến với anh Phan Lạc Phúc là phụ tá.

Anh Phan Lạc Tiếp thì anh biết nhiều khi anh hoạt động trong hội Médecins Du Monde/bác sĩ Thế Giới/ về Biển Đông vớt các Thuyền Nhân Việt Nam trốn Cộng Sản. Hồi đó anh Tiếp là Tổng Thư Ký Hội SOS Boat People , làm phụ tá cho anh GS Nguyễn Hữu Xương.
Cho tới giờ phút này thì không ai biết chắc tại sao Phan Lạc Tuyên lại bỏ theo Cộng Sản, và được đưa về Hanoi.
Sau đó, Phan Lạc Tuyên đuọc chính quyền Cõng San đưa sang Varsaw, Poland, học và đậu Tiến sĩ về Sử Học và Phật Học.
Anh có 1 người bạn thân học cùng lớp tại Albert Sarraut Hanoi tên là Trần Hiệp Hải.
Gia đình Hải ở lại Hanoi sau năm 1954.
Sau đó Hải được cử đi học Tiến Sĩ Hóa Học tại Varsaw , và Phan Lạc Tuyên cùng với Hải ở chung cùng phòng với nhau trong nhiều năm trời tại Varsaw, Poland.
Hải cho anh biết Phan Lạc Tuyên l là người đứng đắn, trí thức, hiểu rộng, biết nhiều.
Sau này Phan Lạc Tuyênl xuống tóc đi tu, thành 1 Đại Đức (?) hay cư sĩ Phật giáo, lấy tên là Nguyên Tuệ,
Bây giờ ông ta đã quá cố.

Bài Tình Quê Hương đưa tên tuổi của Đan Thọ, phổ nhạc thơ Phan Lạc Tuyên, lên đỉnh Vinh Quang, nhưng trong lòng anh vẫn thich1 bài Chiều Tím hơn.
Khánh Vân trong email về bài Les Feuilles Mortes/Autumn Leaves/ mà anh ”liều mình ” hát như sau:
Như anh đã hát thật hay, và nhất là thật đúng, bài Les feuilles mortes:..."toi qui m'aimais, moi JE t'aimais". Câu sau mới là..."toi qui m'aimais, moi qui t'aimais..".
Chỉ một chữ thôi, mà cái nuance thật tuyệt vời. (Cái chữ JE nó mạnh hơn chữ Qui cả chục lần.
Ví theo đúng văn phạm, Je là proposition principale, Qui thuộc subordonnée).

Ca sĩ thực thụ, hát sai nhiều lắm.Uổng cả thơ!! (KV)

Khánh Vân viết câu này rất đúng, hoàn toàn đúng, tuy nhiên anh xin được đưa ra vài ý kiến.

Bài Les Feuilles Mortes ra đời năm 1945, đươc thành nhạc phim Les Portes De La Nuit năm 1946, sau đó chuyển âm sang tiếng Anh và xâm chiếm cử tọa Hoa Kỳ và Anh, với bản chuyển âm của John Mercer dưới tên Autumn Leaves.


Khi Les Feuilles Mortes trở về Pháp cuối thập niên 40 , thì được 2 minh tinh âm nhạc là Juliette Greco và Edith Piaf hát, sau đó còn có rất nhiều người như Charles Aznavour, Tino Rossi, Jacqueline Francois, Line Renaud, …và rất nhiều người khác nữa.

Bài hát trở thành có 1 đời sống riêng biệt của nó, không dính dáng gì nhiều với bản nguyên thủy của Jacques Prevet và Joseph Kosma nữa

Mỗi người hát say sưa bài này với tâm hồn riêng của mình, và thay đổi vài chữ trong lời để hạp với tâm hồn mình, với cách hát của mình hơn.

Có chỗ mà mọi người thay đổi nhiều nhất là câu Khánh Vân đề cập tới.

C'est une chanson,…. qui nous ressemble
Toi tu m'aimais.et je t'aimais
Nous vivions tous…. les deux ensemble.
Toi qui m'aimais, moi qui t 'aimais

Nous vivions tous…. les deux ensemble.
Câu này có người đổi thành: Et nous vivions. les deux ensemble ( thêm chữ Et và bỏ chữ Tous)

Câu Cuối: Toi qui m'aimais, moi qui t 'aimais
Có người đổi thành: Toi qui m'aimais, et moi Je t 'aime ( Je t’aime đổi thành temps Présent để nhấn mạnh cho biết là bây giờ tôi vẫn yêu người)

Hay là Toi qui m'aimais, moi qui t 'aime

Email viết đã dài, anh xin Khánh Vân ngưng tại đây.


Nguyễn Thượng Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét