Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Những Người Năm Xưa Đó


Mỗi lần hay tin một nhân vật ‘’nổi tiếng’’ nào của ‘’thời-VNCH’’, thời tôi mới lớn, ''ra đi'', tôi đều thoáng chút ngậm ngùi! Chỉ cái tên của họ không thôi, đã kéo về trong tôi cả một trời quá khứ : những ngày niên thiếu ngu ngơ, những đêm mất ngủ bơ phờ .Tình thơ qua tình mơ ! Chiều tím, chiều nhớ thương ai / Người em tóc dài. Không, ngày đó, tôi không là ‘’chiều’’, tôi chưa là ‘’chiều’’, chưa biết nhớ thương ai, tóc thề hay tóc demi-garçon, nhưng đã nghe tim xôn xao, đã thấy lòng buồn bã, khi ngồi trong chiều tím, khi lặng nghe ‘’Chiều Tím’’.

So với ngày và đêm, chiều xuất hiện nhiều trong âm nhạc Việt Nam. Chiều mưa (biên giới) hay chiều nắng (bến xưa), chiều đông sương lạnh hay chiều xuân mộng thắm, ‘’chiều lang thang trên đường’’ hay ‘’chiều một mình qua phố’’, ‘’chiều chậm đưa chân ngày’’ hay ‘’chiều chưa đi màn đêm rơi xuống’’ vv buổi chiều nào cũng làm cho người ta xao xuyến.

Tôi yêu ca khúc ‘’Hình ảnh một buổi chiều” ( nhạc: Lâm Tuyền / lời: Dạ Chung) vì, trước hết, là mấy câu in dưới tên bài hát: “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả. / Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em “. Câu văn 29 chữ nhưng hay nhất, đẹp nhất là ở 7 chữ cuối : “khi nắng vàng nhuộm mái tóc em’’ ! Nắng vàng có thể là nắng chiều hay nắng sáng nhưng nếu đó là hình ảnh một buổi … sáng thì không chắc người ta có thể giữ nó hơn là giữ một kho tàng. Người viết câu văn lãng mạn tuyệt vời ấy là Dạ Chung, bút hiệu trong âm nhạc của tài tử kiêm đạo diễn Hoàng vĩnh Lộc (Xin nhận nơi này làm quê hương / Người tình không chân dung / Người về từ đỉnh núi / Con búp bê nhồi bông..) . Ông cũng là đồng tác giả với nhạc sĩ Hoàng Trọng ca khúc nổi tiếng ‘’Người tình không chân dung” (1971), vinh danh Người Lính VNCH ( nhạc Hoàng Trọng ). Lời hát của Dạ Chung Hoàng vĩnh Lộc vừa đẹp, vừa trang trọng, khởi từ hình ảnh cái nón sắt nằm lăn lóc bên bờ lau sậy nhưng lại tác động mạnh vào tâm cảm người nghe ! Nó nhắc cho nhiều người nhớ rằng đất nước vẫn còn đang chiến tranh và ở ngoài kia tiền tuyến, vẫn có những người-chiến-sĩ đang chiến đấu, đã hy sinh, chịu tàn phế, tật nguyền , để người hậu phương nơi đây có được những ngày tháng an bình

Ca khúc được sáng tác 1971 nhưng lời hát như một lời tiên tri: ‘’ … Trong cái nón sắt của anh mặt trời vẫn có đó ban ngày và ban đêm mặt trăng và muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó, tất cả vẫn còn đó vẫn còn đó .
Nhưng anh, bây giờ anh ở đâu? Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm, tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ.
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời.

Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này
Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai? ‘’ .

Dạo tháng Ba ….! Tại sao lại tháng Ba, mà không là tháng Tư, tháng Năm ( những tháng đầu mùa mưa?) Có phải vì tháng Ba là ‘’tháng Ba …. gãy súng’’, dù không mưa, vẫn có những tiếng thét gầm phẫn nộ của những người Lính bị bỏ rơi ?! Và anh? Bây giờ anh ở đâu ?!!!

Với tôi, Dạ Chung không phải là một ‘’parolier’’ có tài, mà anh là một thi sĩ viết lời ca hay, hay vô cùng ! Như ông Đinh Hùng. Tài thơ của Đinh Hùng thì … khỏi nói! Ông là một thi sĩ có những lời thơ du dương, nhịp nhàng bậc nhất thời tiền chiến ! Đinh Hùng không bao giờ viết lời ca, trừ một lần : đó là khi ông viết lời cho ca khúc Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ!

Ông Đan Thọ không sáng tác nhiều ( chỉ độ mươi bài ) nhưng hầu như sáng tác nào cũng.. ‘’thọ’’, ''thọ'' như tên người viết, như tuổi sống người viết.

Theo ông Nguyễn đình Toàn (Bông Hồng Tạ Ơn): một hôm (đầu thập niên 60s?) ngồi ở ‘’La Pagode’’ với thi sĩ Đinh Hùng và nhà văn Thanh Nam, nhạc sĩ Đan Thọ trình làng một sáng tác mới viết . Vì biết đàn (mandoline), nên Đinh Hùng tình nguyện viết lời ca. Khi viết xong, 3 người gặp lại nhau, và Thanh Nam đề nghị lấy hai câu ‘’Chiều tím’’ trong lời ca làm tựa bài hát .

Như Dạ Chung, những sáng tác của nhạc sĩ Đan Thọ (mà tôi biết) chỉ là những hợp soạn, đa số là phổ thơ, nổi tiếng nhất là ‘’Tình quê hương’’ ( thơ Phan lạc Tuyên, cousin các ông Phan lạc Phúc , Phan lạc Tiếp, Phan Lạc Giang Đông ). ‘’Chiều Tím’’ cũng có thể xem như một ca khúc phổ thơ bởi vì lời hát đẹp như lời thơ, được viết bởi một trong những thi sĩ tài hoa !

Ông Đan Thọ qua đời hôm 4/9/2023, ở tuổi 99. Ai rồi cũng sẽ ra đi. Nhưng cái tuổi mà tôi cho là …. ‘’đẹp’’ nhất, … ‘’hên’’ nhất để ‘’đến hẹn lại lên (tàu)’’ là 99 ( 2 con 9 ''nút'' ! )

‘’Từ đấy đàn nhớ thanh âm / Trùng ( không phải ‘’chùng’’ như nhiều người hát ) dây vĩ cầm ‘’. Không, không phải ‘’từ đấy’’. Bây giờ, từ hôm 4/9/2023, phải hát là ‘’ từ đây’’. Từ đây đàn mất thanh âm . Vĩ cầm đã trùng dây! Khi ‘’người xa vắng rồi ‘’ thì không chỉ hoa rơi, lá rơi . Mà cả buổi chiều, buổi chiều-tím-của chúng-ta’’, cũng đã rơi! Cũng đã tàn hơi!

Sau ‘’tiếng-vĩ-cầm’’ Đan Thọ 20 ngày, chủ nhật 24/9 vừa qua, là ‘’tiếng-tây-ban-cầm’’ Quốc Dũng, một nhạc sĩ rất gần ''chúng tôi'' ( thế hệ 50s), cũng đã bặt tiếng, sau nhiều năm bệnh hoạn, ở tuổi 72! Trước 75, lúc mới lớn, dù không phải là ‘’fan’’, tôi đã nhìn anh Quốc Dũng với đôi mắt khâm phục. Cùng với các thế hệ đàn anh: Phạm Duy, Lệ Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tùng Giang vv anh Quốc Dũng đã đưa nhạc trẻ Việt Nam đến gần với tuổi trẻ Việt Nam ( nhạc trẻ ‘’nhạc ngoại quốc, lời Việt’’ chỉ gần với giới trẻ Sài Gòn và 1, 2 thành phố lớn). Anh Quốc Dũng viết những ca khúc vui nhộn ( Bên nhau ngày vui , Mai, Điệp Khúc Mùa Xuân vv .. ) cũng như ‘’êm dịu ‘’ ( Cơn gió thoảng, Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển Mộng..vv ) . Đã thế, lại là tài tử đẹp trai ! Cùng thế hệ Quốc Dũng, người ta cũng ''nói đến'' tài -tử ‘’tiếng hát học trò’’ Nguyễn Chánh Tín ( Nghìn trùng xa cách/ Phạm Duy): môt ‘’nói đến’’ mà tôi thấy chẳng dây mơ rễ má gì nhau !

Trước ông ‘’Chiều-tím’’, ngày 18/8, Trung tướng Phạm quốc Thuần, cựu Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật (1973-1974) ‘’ra đi’’ ở tuổi 97. Trước ông ‘’Trung Tướng’’, ngày 11/7, là Đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu (1935), nguyên Chỉ Huy Trưởng đặc khu Rừng Sát (Gia Định), từ trần ở tuổi 88. Trước đó nữa , ngày 1/4, là Chuẩn Tướng Thiết Giáp Trần Quang Khôi (1935), Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3! Đó là chưa nói đến những người LÍNH đã ''ra đi'' từ đầu năm nay!

Cầu mong hương hồn các vị , được bình yên nơi cõi vĩnh hằng!

Nếu tôi không lầm , sau khi Thủ Tướng Trần thiện Khiêm, vị Đại Tướng cuối cùng, từ trần (2021), trong 48 Trung Tướng của QLVNCH, chỉ 3 vị còn tại thế là các Trung Tướng : Trần Văn Trung (1926), Tổng Cục Trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Nguyễn bảo Trị (1929) ,Tổng Cục Trưởng Cục Quân Huấn, Nguyễn vĩnh Nghi (1932), cựu Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật (1972- 1974). Các chỉ huy cao cấp khác là 3 Tư Lệnh Sư Đoàn : Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh (1929) của Sư Đoàn 3/ Vùng 1 , Thiếu Tướng Phan đình Niệm (1931) của sư đoàn 22 / vùng 2 ,Chuẩn Tướng Huỳnh văn Lạc (1927) của sư đoàn 9 / vùng 4 . Bên ''Nhảy Dù'' , là 2 Lữ Đoàn Trưởng : Đại Tá Nguyễn Thu Lương (1934) của Lữ Đoàn 2 và Trung Tá Nguyễn văn Đỉnh (1939 ?) của Lữ Đoàn 1 . Binh chủng ''Thủy Quân Lục Chiến'', là Đại Tá Tư Lệnh Phó ‘’Tango’’ Nguyễn Thành Trí (1935 ) , Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng 468 Ngô văn Định (1935) . Đơn vi Biệt Cách Dù vẫn còn con chim đầu đàn : Đại Tá Phan Văn Huấn (1933 ) vv

Không đủ thông tin hết các binh chủng QLVNCH nhưng tôi nghĩ, các vị đều ở tuổi hạc … kim cương (trên hạc vàng một bậc). ‘’Đã mang nghiệp LÍNH vào thân’’ thì họ chả sợ gì chuyến hành quân lần cuối  chữ của tướng Đảo)!

Quân sự hay Dân sự, những người đã đóng góp đời mình vào công cuộc bảo vệ quê hương, dựng xây đất nước, phát triển văn hóa nghệ thuật vv trong 21 năm Tự Do miền Nam, những ‘’ông đồ’’ đã ra đi hay ‘’vẫn ngồi đó’’, dù bây giờ ‘’qua đường không ai hay'' nhưng tôi tin là, dẫu cho lịch sử có bị viết lại, bóp méo bởi ''Bên Thắng Cuộc'' (chữ của Huy Đức), Sự Thật bao giờ cũng vẫn là Sự Thật. Sẽ có một ngày, các thế hệ mai sau của Việt Nam, khi học Lịch Sử, đến thời điểm 54-75 ở miền Nam, sẽ ngậm ngùi tự hỏi:

''Những người năm xưa đó
Hồn ở đâu bây giờ ? ‘’ (*)

28/09/2023
BP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét