Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Robertine Và Nàng Anichka


Những ai thường xuyên đi qua đường Kulana khi xuống phố Hilo sẽ không thể không để ý đến một cặp nam nữ xin qúa giang, với rất nhiều đồ đạc nằm ngổn ngang dưới đất.


Tôi không nhớ lần đầu cho họ đi nhờ xe xuống phố là ngày tháng nào. Chỉ biết, với thời gian gần bốn năm ở bên Đảo Lớn này, chúng tôi đã ngừng xe lại để họ “chất đồ” leo lên xe rất nhiều lần. Dùng chữ “chất đồ” không ngoa. Lần đầu chúng tôi tưởng hai người này dọn nhà. Bình thường, người qúa giang chỉ đem theo mình một hay hai cái túi. Qúa lắm thì thêm một cây đàn. Đôi nam nữ này lúc nào cũng như dọn nhà (chỉ thiếu đồ đạc bàn ghế, nồi niêu xoong chảo), khi xin qúa giang. Bao lớn, bao nhỏ ở dưới đất, chưa kể các bao khác, khoác trên vai, trên lưng.



Chúng tôi thắc mắc tại sao họ mang theo chi mà nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh khi xuống phố. Sáng đi chiều về, có vài tiếng. Thông thường, họ vào Thư Viện Hilo để đọc sách khi ngoài kia mưa to gió lớn hay khi trời nắng gắt. Đôi khi họ ghé Viện Dưỡng Lão thăm bà cụ, mẹ của người đàn bà, hoặc một hay lần trong tháng họ đi nhận rau qủa, đồ hộp từ các cơ quan từ thiện. Tôi tự hỏi họ phải bỏ ra bao lâu để xếp đồ đạc vào bao, khuân vác ra tới đầu đường, rồi lại bê, lại khiêng lên xe của người tốt bụng, rồi ngày hôm sau, lại bê, lại khệ nệ lôi xềnh xệch những bao, những bị trở về nhà vào buổi chiều? Cho tới một hôm, chúng tôi tìm được câu trả lời, khi đón họ từ Vịnh Hilo, và đưa họ về tận nhà, cũng như thường lệ, tay xách nách mang. Chàng của tôi bao giờ cũng nhanh nhẩu, gài thắng tay, mở cửa xe bước xuống, phụ họ chất đồ đạc vào thùng xe. Lần đó, chúng tôi mới biết được lý do tại sao họ mang qúa nhiều đồ đạc, dù chỉ rời nhà có vài tiếng.


Số là căn nhà của họ, đúng ra là của người đàn ông thừa hưởng từ ông bà hay cha mẹ, xây từ thời đồn điền trồng mía, trồng dứa, khoảng đầu thập niên của thế kỷ trước. Nay căn nhà đã rơi vào tình trạng vô phương sửa chữa! Căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Mái nhà bằng tôn đã rỉ sét từ thập niên nào lâu lắm. Các bức tường gỗ màu sơn đã úa, đã phai tàn, đã hoàn toàn mất mầu nguyên thuỷ từ thế kỷ trước. Giờ, còn lại là những mảnh gỗ vá viú, những mảnh gỗ xám nhợt nhạt xen lẫn với những mầu không tên khác. Cầu thang đi lên tầng trên của căn nhà thì đã mục nát nhiều nơi vì mối mọt ăn mòn. Có bậc thang còn chút gỗ để bước lên. Có bậc trống trơn, nhìn xuyên sẽ thấy cỏ hay hoa dại nhú lên đó đây từ mặt đất ẩm. Trước mảnh sân nhỏ, sát mặt đường là một chiếc xe nằm ụ từ bao giờ, tôi không rõ. Tuy nhiên, khi thấy cỏ hoang mọc chung quanh chiếc xe, tôi đoán là đã lâu lắm, chiếc xe này đã không được lăn trên mặt đường tránh nhựa. Xe đưa người đi đó đi đây giờ chỉ là những kỷ niệm trong “xa tưởng”. Tình trạng căn nhà và chiếc xe là nguyên do hai ông bà này phải ra khỏi nhà, đi nhờ xe xuống phố và đem theo những gì qúy giá nhất của họ, phòng xa căn nhà buông xuôi, bỏ cuộc chơi, trở về với cát bụi trần gian.
Qua nhiều lần cho họ đi nhờ xe, và qua những trao đổi vài câu chuyện thường nhật, chúng tôi biết được tên của hai người. Người đàn ông tên Robertine. Người đàn bà tên Anichka. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi họ về sự liên hệ của họ với nhau, chỉ đoán họ là vợ chồng.

Robertine người nước gì tôi cũng không biết rõ. Hình như ông có hai dòng máu Phi Luật Tân và Bồ Đào Nha. Robertine người tầm thước, nhưng cái lưng to gần như một tấm phản. Hai bàn tay hộ pháp với mười ngón tay ngắn nhưng to như nải chuối cau bên nhà. Hai cánh tay to bằng hai bắp vế của một người đàn bà mảnh khảnh. Da nâu sậm, cánh mũi to vừa phải, đôi môi dầy, và cặp mắt, đặc biệt là cặp mắt sáng quắc, ngay cả sau khi Robertine bị té thang, cái mặt nhăn nhó như qủa mận muối. Té thang, lưng đau nhưng đôi mắt vẫn không kém phần tinh anh, sáng quắc. Robertine té thang vì đã qua phụ giúp bà hàng xóm bên kia đường, leo thang lấy dùm cái gì trên gác nhà bà ấy. Nhìn đôi mắt Robertine tôi cứ liên tưởng đến một ca sĩ Opera người Tây Ban Nha, đang trình bày bản nhạc tình bất hủ của mình, đôi mắt sáng rực, dõi mắt về hướng người yêu đang tạm mất dấu. Robertine biết nhiều về chuyện đồng áng, về máy cầy, máy bừa, về phân bón, về thuốc diệt rầy, về đủ loại nông cụ. Phong tục tập quán của người bản xứ Robertine cũng rất rành. Robertine người Công Giáo nhưng đã ngừng đi nhà thờ từ lâu. Khi thấy cỗ tràng hạt trong tay tôi, Robertine cho hay là giờ chỉ còn nhớ mỗi kinh Lạy Cha.

Còn người đàn bà tên Anichka tôi đoán là người Hạ uy Di. Mầu da, đôi mắt, cái mũi to và đôi môi dầy cũng như chiều cao và chiều dầy của thân thể cho tôi thấy được bà phải là hậu duệ của người Hạ Uy Di chính gốc. Tôi không biết được tên Anichka là do ai đặt cho bà, vì tên phụ nữ Hawaiian thông thường là Lanakila, là Maka Mae, là Aolani, Puakea … chứ không phải là Anichka, nghe rất là Nga hay Đông Âu. Anichka luôn hỏi thăm về mẹ tôi và gia đình còn ở lại Cali. Khi nghe tin mẹ tôi mất, Anichka tỏ ra rất xúc động, luôn miệng nói “Rất tiếc! Tôi xin chia buồn cùng bà. Rất tiếc!”
Anichka rất khéo tay, có mắt mỹ thuật. Dù căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, bà vẫn cố chăm xóc, làm đẹp cho mặt tiền của căn nhà. Bà trồng những bụi hoa geraniums, treo những chậu cây lá xanh. Khi gió lay nhẹ, những cành lá, cành hoa làm duyên cho căn nhà, dù đang khoác trên người tấm áo chiều tà. Trước lễ Tình Yêu, Anichka treo nhiều lồng đèn mầu đỏ, hình trái tim dọc theo cầu thang. Căn nhà tuy sập xệ, nhưng đây là tổ ấm của ông bà. Những màng nhện bắc ngang bắc dọc, khi còn đọng sương mai, nhìn như một chuỗi giây đeo cổ lóng lánh.

Từ khi trở thành thân thiện với chúng tôi, Robertine và Anichka đã không còn hỏi xin bốn đồng để đi xe buýt nữa. Nhớ lại những lần đầu, bao giờ khi vừa ngồi vào trong xe, Anichka cũng ghé vào tai Robertine nói nhỏ điều gì chúng tôi không rõ. Sau này, mới biết là Anichka nhắc Robertine xin tiền. Tội nghiệp Robertine, không bao giờ tự ý xin tiền đi xe buýt (mặc dù chưa bao giờ chúng tôi thấy hai người lên xe buýt), vì người dân trong vùng thường xuyên đón họ.
Cách nay vài tháng chàng của tôi có ngỏ lời với Rich, một người bạn mới cũng ngụ trên con đường Kulana, làm nghề thầu khoán, chuyên xây cất nhà mới và sửa chữa nhà cũ, ghé qua nhà của Robertine và Anichka xem có thể cứu vãn phần nào tình trạng của căn nhà. Tuy nhiên, Robertine chỉ cho khách đứng nói chuyện phía ngoài, vì “thiếu an toàn” bên trong.

Căn nhà sập xệ nhưng có cái duyên dáng riêng của nó, lại có … ma! Anichka kể là hay thấy có người đàn ông đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào. Rất nhiều lần. Chuyện tin được, vì Anichka và Robertine ở trên lầu. Người sống làm sao mà bay lơ lửng trên không cho được? Hơn nữa, phần dưới của căn nhà không có ai ở vì đã hư hỏng qúa nhiều, đã bị bỏ hoang từ bao nhiêu năm nay.
Robertine kể lại là ngày xưa còn bé, có một lần, khi mấy anh em của ông ta đang chơi banh ngoài sân thì một đứa em đã rơi tọt xuống một cái hố bên hông nhà. Lôi được đứa bé lên thì mới khám phá ra đó là một ngôi mộ bỏ hoang. Mọi sự đã tan rã, chỉ còn những khúc xương dài, xương ngắn.
Tôi là con nhỏ hay sợ ma. Nghe kể chuyện căn nhà của Robertine có ma khiến tôi sợ phát sốt phát rét. Khi lái xe đi nhà thờ một mình, tôi hay ngừng lại đưa họ xuống phố hay đưa họ về nhà. Khi thả họ xuống trước nhà, bao giờ tôi cũng có cảm giác lành lạnh nơi gáy, vì trí tưởng tượng của mình làm việc lung qúa.

Mấy hôm nay trời mưa liên tục. Ngã ba Kulana và Quốc Lộ 19 thiếu dáng “hai người di tản buồn”, một hình ảnh quen thuộc. Hy vọng Robertine và Anichka không gặp hiểm nguy gì từ căn nhà qúa cũ. Tôi cũng mong sao con chó của họ cũng bằng an. Vâng, Robertine và Anichka có nuôi một con chó giữ nhà. Vì sự an toàn của chú chó cưng, họ không để nó ở trong nhà, mà cột nó trước cửa nhà, mỗi khi xuống phố.


Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét